Nông dân '4 chấm' ở Đắk Nông: Kỹ thuật biến cá 'mềm' thành 'giòn'

Hồng Thủy - Thứ Hai, 28/10/2024 , 10:08 (GMT+7)

Không chỉ chịu khó làm lụng, đôi vợ chồng nông dân còn làm giàu nhờ nắm chắc kỹ thuật, nuôi thành công cá trắm, chép từ 'mềm' sang 'giòn', chất lượng cao, lợi nhuận tốt.

Đó là vợ chồng anh Đinh Văn Điệp và vợ là chị Phạm Thị Tâm, ở thôn 10, xã Nam Bình, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông, hộ duy nhất hiện nay ở huyện này thành công với những ao cá trắm, chép giòn.

Cặp đôi “mê” cá

Những năm gần đây, cá chép “giòn” được khá nhiều hộ dân ở khắp cả 3 miền nuôi thành công. Tuy nhiên, nuôi cá trắm giòn, và nhất là ở vùng Tây Nguyên, thì chưa phổ biến. Vì thế, khi được Hội nông dân tỉnh Đắk Nông giới thiệu mô hình nuôi cá chép giòn thành công của vợ chồng anh Điệp - Tâm, chúng tôi đến thăm và không khỏi thán phục đôi vợ chồng này.

Họ không chỉ cần cù chịu khó, mà còn rất chú trọng tìm hiểu, nắm rõ quy trình, kỹ thuật nuôi cá chép, trắm từ mềm sang giòn. Chị Tâm cho biết, vợ chồng chị nuôi 2 loại cá giòn đã được 5 năm và rất thành công. Sản phẩm cá giòn của vợ chồng anh chị luôn “cháy hàng”, có bao nhiêu là các nhà hàng, thương lái đặt mua hết.

Chị Phạm Thị Tâm vớt cá trắm giòn thành phẩm từ lồng nhốt dưới ao lên cho khách xem. Ảnh: HT.

Anh Điệp cho biết, ngày từ hồi còn trẻ, anh đã có đam mê nuôi cá. “Chẳng biết do ông trời sắp đặt hay sao mà khi gặp bà xã, lại gặp đúng người cũng mê nuôi cá, kinh nghiệm còn hơn cả tôi”, anh Điệp cười, kể về cái duyên của nghề nuôi cá. Có lẽ vì vậy mà từ 2 bàn tay trắng, nay vợ chồng anh Điệp được coi là giàu nhất xã Nam Bình này, và tất cả đều từ con cá.

“Ngày xưa vợ chồng tôi vẫn nuôi cá chép, trắm, nhưng nuôi cá thường chứ không phải giòn như bây giờ. Mỗi năm, dịp cuối năm, giáp Tết, tôi lại mang ra chợ bán. Từ khi chuyển sang nuôi cá giòn thì chỉ vụ đầu là phải đi chào hàng, mang ra chợ, đến năm thứ 2, cá cứ đủ tuổi, đủ trọng lượng là lái hoặc mấy nhà hàng, quán ăn, khách lẻ, họ đặt mua hết tại nhà, không phải mang đi đâu nữa. Nhiều khi Tết giá cao hơn mà chẳng có bán”, chị Tâm nói.

Nói về cơ duyên nuôi cá giòn, chị Tâm cho biết: “Cách đây 6 - 7 năm, vợ chồng tôi về Hải Dương thăm người chú mới thấy ổng nuôi cá chép giòn. Trước đó thì tôi cũng đã nghe về cá chép giòn rồi, nhưng chưa có dịp tìm hiểu, vì nghĩ đó là cá nhập, có giống riêng. Nhưng khi được người chú giới thiệu, chúng tôi mới biết, cá giòn ban đầu cũng là cá bình thường, sau khi trọng lượng chúng đạt từ 1kg trở lên thì chuyển cho ăn duy nhất 1 loại thức ăn là đậu tằm (hay còn gọi là đậu răng ngựa), nhập khẩu từ Hà Lan hoặc Úc.

Cũng hôm đó, lần đầu tiên tôi được ăn món cá chép giòn, thấy rất ngon, rất đặc biệt. Sau khi tìm hiểu kỹ, thấy quy trình, kỹ thuật nuôi chép giòn cũng không có gì đặc biệt, chỉ khó về nguồn đậu tằm. Nên sau khi bàn bạc, chúng tôi vẫn quyết định đầu tư, cải tạo lại ao để nuôi chép giòn. Đến khi tìm được nguồn cung cấp đậu tằm ổn định, tôi quyết định dành 1 ao nuôi thử 200 con cá trắm cỏ chứ không phải chép như nhiều người vẫn nuôi. Ao này trước giờ vẫn nuôi cá chép, trắm. Rồi ăn thử thì thấy giòn”, chị Tâm cười, kể.

Chị Tâm nói về những loại nấm cá trắm giòn thường mắc phải và cách phòng, điều trị như một chuyên gia. Ảnh: BT.

Sau vụ cá đầu tiên thành công, vợ chồng chị Tâm đầu tư nhiều hơn để nuôi 2 loại cá trắm, chép từ mềm sang giòn. Tuy nhiên, do có “thâm niên” nuôi cá lâu nhất ở Nam Bình, cá ngon có tiếng, được nhiều thương lái, nhà hàng biết đến, nên anh chị không muốn bỏ nguồn cung cấp cá trắm, chép loại “mềm”.

“Nhiều người, nhiều khách hàng họ đã đặt mua cá của mình từ nhiều năm nay rồi, họ tin tưởng chất lượng chứ không hẳn vì rẻ hơn ngoài chợ một chút. Đó là lý do ai hỏi mua cá gì tôi bán cá đó, không nhất thiết phải giòn mới bán”, chị Tâm nói.

Điểm đến tham quan, học hỏi

Dẫn tôi ra thăm mấy ao cá nằm dưới một thung lũng rộng, bốn bề là những ngọn đồi cao, chị Tâm cho biết, hiện vợ chồng chị có 6 ao nuôi cá trắm, chép, diện tích mỗi ao từ 1.000 - 1.500m2. Nuôi theo quy trình luân chuyển, ban đầu thả cá nhỏ, nuôi từ 1,5 - 2 năm, cá đạt trọng lượng từ 1,5 - 2kg thì chuyển sang ao khác để cho ăn đậu tằm thêm khoảng 8 tháng là có thể xuất bán.

“Nếu có vốn nhiều và muốn nhanh thu hoạch thì thả loại cá trắm, chép thường trọng lượng từ 1 - 2kg xuống, sau đó chỉ cho cá ăn đậu tằm để “vỗ giòn”. Trước khi cho ăn, đậu tằm được ngâm nước ấm pha ít muối trong khoảng 1 ngày đêm, khi đậu mềm, nứt vỏ, hơi nhú mầm thì vớt lên xay nhỏ rồi mới cho ăn”, chị Tâm nói.

Vợ chồng chị Tâm và cặp cá chép giòn trọng lượng 4kg mỗi con. Ảnh: BT.

Vớt mấy con cá trắm, chép giòn thành phẩm đang nhốt trong “chuồng” lưới dưới ao lên cho chúng tôi xem, anh Điệp nói: “Độ giòn chuẩn của cá là từ 8 độ trở lên, thì thịt cá ăn sẽ vừa dai vừa giòn, thớ thịt khi nấu chín nở to. Nếu có kinh nghiệm, nhìn hình thức bên ngoài con cá là biết độ giòn của nó đạt chuẩn chưa. Đó là màu vảy sậm hơn, thân cá chép thuôn dài hơn, ít dẹt hơn chép thường, sờ vào mình cá cảm nhận rõ nó cứng hơn. Muốn đạt được độ giòn như vậy thì phải nắm rõ số lượng cá trong ao (sau khi trừ hao hụt), từng thời điểm, trọng lượng bình quân mỗi con mấy ký, để cung cấp đủ đậu tằm cho cá ăn”.

Cá trắm, chép thường sau khi nuôi đạt trọng lượng từ 2 - 3kg trở lên là xuất bán, giá trung bình 70 - 80 ngàn đồng 1kg. Lúc này, nếu chuyển sang nuôi giòn thêm 8 tháng, có thể đạt từ 3 - 4kg. Giá 1kg cá giòn khoảng 180 ngàn đồng, cao gấp 2 lần so với cá thường. Năm 2023, vợ chồng anh Điệp đạt sản lượng khoảng 10 tấn cá trắm, chép giòn, doanh thu hơn 1,8 tỷ đồng. Anh Điệp ước tính, chi phí, hao hụt khoảng 1 nửa.

Nói về kinh nghiệm nuôi cá, chị Tâm cho biết, vào mùa khô, nước kém, cần xử lý nước để phòng bệnh cho cá. Do nuôi thời gian lâu gấp 2 cá thường, thậm chí hơn, cá càng to ăn càng nhiều, thức ăn thừa cũng nhiều, nước cũng dễ ô nhiễm hơn. Cá dễ bị nhiễm nấm và ký sinh trùng. Nếu ao nuôi không có nước luân chuyển thì cá chậm lớn, dễ bệnh và hao hụt nhiều hơn, nên phải thường xuyên theo dõi, thay nước ao.

Ngoài ra, vợ chồng chị Tâm còn dùng chế phẩm sinh học để pha vào nước ao, diệt ký sinh trùng. “Tôi ủ men vi sinh gồm men bio-floc gốc cùng với rỉ mật mía và một số phụ gia như muối, đường, viên C để ủ men làm sạch nước ao. Ngoài ra, thả lá xoan xuống ao để trị ký sinh trùng mỏ neo cho cá cũng rất hiệu quả. Nhưng lá xoan thuộc loại lá độc, rất đắng, nên phải tính được lượng nước trong ao là bao nhiêu để thả vừa đủ lượng lá xoan xuống, nếu không có thể cá sẽ chết.

Ngoài ra, dùng vôi để trung hòa độ pH trong nước, cái này cũng phải có công thức, lượng nước bao nhiêu thì rải vôi thế nào cho phù hợp chứ không phải muốn rải thế nào cũng được”, chị Tâm nói.

Cá trắm, chép giòn thành phẩm anh Điệp bắt từ ao mang về nhốt trong hồ tại sân nhà, để khách đến mua có ngay, không phải mất thời gian ra tận ao cách nhà mấy cây số. Ảnh: HT.

Những kiến thức này, ngoài tự mày mò qua sách báo chuyên ngành, tích lũy kinh nghiệm từ thực tế nhiều năm nuôi trồng thủy sản, vợ chồng anh Điệp cũng được tham gia các lớp học chuyển giao kiến thức từ các chuyên gia, kỹ sư ngành nông nghiệp.

Nhiều năm qua, cặp vợ chồng Tâm - Điệp khá nổi tiếng ở Nam Bình, không chỉ là nông dân sản xuất giỏi, mô hình nuôi cá chép giòn duy nhất ở xã mà còn là một trong những mô hình tiêu biểu của huyện Đắk Song, trở thành điểm đến tham quan, học hỏi, được ngành nông nghiệp huyện giới thiệu cho nhiều hộ dân trong vùng.

“Thả cá to thì ít hao hụt, thời gian nuôi ngắn, nhưng chi phí vốn cao, thịt cá cũng không ngọt bằng cá mình nuôi từ nhỏ. Vì thế vợ chồng tôi chỉ thả cá con, cỡ ngón tay. Thả cá nhỏ nếu không có kinh nghiệm thì có thể hao hụt nhiều, vì cá nhỏ dễ bị tổn thương, thời gian nuôi lâu, từ hơn 2 năm trở lên. Nhưng bù lại, thịt cá ngon hơn, vì nuôi theo quy trình của mình, từ nguồn nước đến thức ăn”, chị Phạm Thị Tâm chia sẻ.

Hồng Thủy
Tin khác
Nông dân '4 chấm' ở Đắk Nông: Giàu nhờ tư duy sắc bén và cần cù
Nông dân '4 chấm' ở Đắk Nông: Giàu nhờ tư duy sắc bén và cần cù

Với hơn 30ha đất, ông trồng 8ha bơ, 5ha sầu riêng, 10ha bưởi, 7ha hồ tiêu... Bình quân mỗi năm, gia đình ông thu hơn chục tỷ đồng sau khi trừ chi phí.

Bí kíp sản xuất thanh long sạch
Bí kíp sản xuất thanh long sạch

Bình Thuận Nhờ cần cù, chịu khó học hỏi và ứng dụng khoa học kỹ thuật, nông dân Nguyễn Văn Thanh đã tìm ra quy trình sản xuất thanh long sạch đáp ứng yêu cầu của thị trường khó tính.

Công nghệ tạo hạt phân bón - Lời giải cho bài toán giảm phát thải
Công nghệ tạo hạt phân bón - Lời giải cho bài toán giảm phát thải

Với mục tiêu giảm lượng phân bón, nhiều công nghệ hiện đại được các nhà máy sản xuất nghiên cứu như công nghệ nano, công nghệ urê hóa lỏng, công nghệ phân bón tan chậm...

Nông dân '4 chấm' ở Đắk Nông: Vườn sầu riêng 'sinh' tiền của cặp vợ chồng 9X
Nông dân '4 chấm' ở Đắk Nông: Vườn sầu riêng 'sinh' tiền của cặp vợ chồng 9X

Vườn sầu riêng 22 năm tuổi sum suê, lúc lỉu những chùm trái, canh tác theo quy trình sạch, đã trở thành điểm tham quan ưa thích của khách du lịch khi đến Tà Đùng.

Nông dân '4 chấm' ở Đắk Nông: Làm giàu với kỹ thuật trồng xen nhiều nông sản giá trị cao
Nông dân '4 chấm' ở Đắk Nông: Làm giàu với kỹ thuật trồng xen nhiều nông sản giá trị cao

Nhờ nắm được quy trình sinh trưởng của từng loại cây và trồng xen nhiều loại giá trị cao, Chủ tịch Hội nông dân xã Đắk P’lao đã tạo cơ nghiệp lớn, bền vững.

Di truyền học - Trụ cột của các khoa học về sự sống
Di truyền học - Trụ cột của các khoa học về sự sống

Thông qua bài viết ngắn này chúng tôi muốn vinh danh mẹ thiên nhiên, vinh danh các ngành khoa học về sự sống, đồng thời nhấn mạnh vai trò của di truyền học hiện đại như một trọng tâm, trụ cột, xương sống của các khoa học về sự sống. 

Hiệu quả từ lớp dạy nghề ra đến ruộng
Hiệu quả từ lớp dạy nghề ra đến ruộng

Dạy nghề cho lao động người dân tộc thiểu số, gắn với giảm nghèo bền vững là mô hình hay, được triển khai rộng rãi ở Gia Lai. Huyện Đăk Đoa là một điển hình.

Cấp bách cải thiện khả năng kháng bạc lá cho giống lúa chủ lực TBR225
Cấp bách cải thiện khả năng kháng bạc lá cho giống lúa chủ lực TBR2251

Theo AHLĐ Trần Mạnh Báo - Chủ tịch ThaiBinh Seed, nếu thiếu cơ chế thúc đẩy việc ứng dụng sản phẩm khoa học vào thực tiễn, công sức nghiên cứu sẽ trở nên lãng phí.

Những ‘tay lái lụa’ trên cánh đồng
Những ‘tay lái lụa’ trên cánh đồng

Quảng Bình Hơn chục nông dân là chủ của những chiếc máy cày trổ tài cùng nhau để bình chọn người cày nhanh, cày đẹp…

Làm cánh đồng mẫu lớn, chi phí giảm 10 - 15%, giá trị tăng 20 - 25%
Làm cánh đồng mẫu lớn, chi phí giảm 10 - 15%, giá trị tăng 20 - 25%

Các chuyên gia cho rằng, cơ quan quản lý nên giữ vai trò điều phối, giúp các bên liên quan trong chuỗi lúa gạo dễ thống nhất về quan điểm làm việc.

Giảm được phát thải CH4, N2O, lúa giảm mạnh nguy cơ ngộ độc hữu cơ, sâu bệnh
Giảm được phát thải CH4, N2O, lúa giảm mạnh nguy cơ ngộ độc hữu cơ, sâu bệnh

Kiểm soát tốt 2 loại khí phát thải chính trên lúa là CH4 và N2O, người dân có nhiều điều kiện tăng năng suất và giảm chi phí sản xuất, theo GS.TS Nguyễn Bảo Vệ.