| Hotline: 0983.970.780

Cha - Con và một ‘Điện Biên Phủ không tiếng súng’

[Bài 1] Họa sỹ chiến trường Ngô Mạnh Lân: 'Tôi còn mắc nợ Điện Biên'

Thứ Bảy 04/05/2024 , 15:11 (GMT+7)

'Cha tôi, họa sỹ Ngô Mạnh Lân nói ông còn mắc nợ Điện Biên vì chưa có cơ hội biến những bức ký họa của mình thành những tác phẩm hoàn chỉnh'.

LTS: Có một "binh đoàn" hùng mạnh góp mặt trong chiến dịch Điện Biên Phủ 70 năm về trước, đó là các văn, nghệ sỹ với những tên tuổi tài danh như nhạc sỹ Đỗ Nhuận, nhạc sỹ Hoàng Vân, nhạc sỹ Doãn Nho, nhà văn Hữu Mai, họa sỹ Ngô Mạnh Lân..., những chiến sỹ ra trận bằng cây đàn, cây bút…

Có một thế hệ những người con của họ đang tiếp bước cha mình, lưu giữ mãi một "tinh thần Điện Biên Phủ" bất diệt.

Lần đầu tiên, những người con được gặp nhau để nói những câu chuyện về cha mình sau 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Đó là nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiêp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam - con trai NS Đỗ Nhuận; TS Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam - con gái họa sĩ Ngô Mạnh Lân; Nhà thơ, Nhà báo Hữu Việt, Trưởng ban Văn hóa văn nghệ báo Nhân Dân - con trai nhà văn Hữu Mai.

Những câu chuyện xúc động của hai thế hệ về lát cắt hào hùng của một "Điện Biên Phủ không tiếng súng", nhưng không kém phần khốc liệt, oai hùng!

Vợ chồng họa sỹ Ngô Mạnh Lân trong dịp lễ kỷ niệm 65 năm ngành điện ảnh cách mạng Việt Nam vào năm 2018. Ảnh: Lưu Thảo.

Vợ chồng họa sỹ Ngô Mạnh Lân trong dịp lễ kỷ niệm 65 năm ngành điện ảnh cách mạng Việt Nam vào năm 2018. Ảnh: Lưu Thảo.

Sinh thời, họa sỹ Ngô Mạnh Lân nhiều lần chia sẻ về "món nợ" mà ông day dứt với chiến dịch Điện Biên Phủ. Ông nói, "Tôi còn mắc nợ Điện Biên. Tháng 8/1953, tôi và họa sỹ Thế Vỵ, Lê Huy Hòa được phân công vào bộ đội phục vụ và tiếp tục rèn luyện. Cuối năm 1953, đơn vị được lệnh hành quân đi chiến dịch. Ngày nghỉ ở bìa rừng, đêm đi, ngót một tháng đến Điện Biên.

Với tôi, đây là những ngày gian khổ nhất: trèo đèo, qua hết ngọn núi này lại trèo tiếp ngọn núi khác, lội suối lấy nước uống, đói khát, mệt mỏi rã rời…, phải cắn răng chịu đựng… Đó là những ngày thử thách kinh hoàng bắt buộc mình phải cố vượt qua để tồn tại. Với tôi, đây là những ngày gian nan nhất mà cũng đáng nhớ nhất".

Một "tinh thần Điện Biên" bất diệt qua tranh vẽ

Nhà báo, nhà thơ Hữu Việt, Phó Trưởng ban Đối ngoại Hội Nhà văn Việt Nam, Trưởng Ban Văn hóa Báo Nhân dân bày tỏ sự nuối tiếc khi mãi sau này ông mới biết câu chuyện Họa sỹ Ngô Mạnh Lân ký họa bức chân dung cha mình - nhà văn chiến trường Hữu Mai. 

“Năm 2019, tại triển lãm tranh có tên “Nét thời gian” của bác Ngô Mạnh Lân, tôi được chị Ngô Phương Lan, con gái của bác tặng một cuốn sách lưu giữ các tác phẩm bác sáng tác về chiến dịch Điện Biên phủ, trong đó có bức tranh bác ký họa cha tôi, nhà văn Hữu Mai. Chỉ nhìn nét vẽ bờ vai của một người chiến sỹ, tôi đã nhận ra, người được vẽ là cha mình.

Sau đó, tôi có tìm đến thăm bác thì bác đã trọng bệnh, không thể tâm sự, chia sẻ được nhiều hơn. Nếu biết sớm, chắc chắn tôi sẽ được biết nhiều câu chuyện của các cụ, và hiểu được nhiều hơn về công việc hoạt động nghệ thuật, sáng tác, làm báo của những nhà văn, nhà báo, họa sỹ… chiến trường, những người trực tiếp ghi chép “nhật ký chiến dịch Điện Biên Phủ” bằng thơ ca nhạc họa”, nhà thơ Hữu Việt tiếc nuối.

Tiến sỹ Ngô Phương Lan và cuốn sách tranh Nét thời gian của cha mình, họa sỹ Ngô Mạnh Lân. Ảnh: Kiên Trung.

Tiến sỹ Ngô Phương Lan và cuốn sách tranh Nét thời gian của cha mình, họa sỹ Ngô Mạnh Lân. Ảnh: Kiên Trung.

Cầm trên tay cuốn sách tranh “Nét thời gian” - nơi lưu giữ các bức họa của cha mình, trong đó phần lớn là các bức vẽ về chiến dịch Điện Biên Phủ, Tiến sỹ Ngô Phương Lan, con gái của họa sỹ Ngô Mạnh Lân nhắc lại niềm đau đáu khi ông còn sống.

“Đây là cuốn sách tập hợp các tác phẩm ký họa của bố tôi, là công trình cuối cùng trước khi ông ra đi. Tâm điểm của “Nét thời gian” là những bức ký họa về chiến dịch Điện Biên. Khi còn sống, cha tôi rất kiệm lời. Ông rất ít nói, không hay kể chuyện nhiều về bản thân mình.

Tập sách tranh này đã nói lên tất cả những tâm sự mà ông đã trải qua trong cuộc đời sáng tác của mình. Thời gian bố tôi tham gia chiến dịch là thời gian ông vừa tốt nghiệp khóa học mỹ thuật do các danh họa Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn… là những người thầy trực tiếp đào tạo. Thế hệ các bác cùng học với cha tôi, sau này có nhiều họa sỹ tài danh.

NSND Ngọc Lan bên không gian nghệ thuật của chồng mình - họa sỹ Ngô Mạnh Lân. Ảnh: Vân Anh.

NSND Ngọc Lan bên không gian nghệ thuật của chồng mình - họa sỹ Ngô Mạnh Lân. Ảnh: Vân Anh.

Ông tham gia chiến dịch Điện Biên phủ với vai trò là một họa sỹ, một chiến sỹ, một người lính, có những ngày tháng ăn cùng, ở cùng với bộ đội, cũng khoét núi, ngủ hầm, cũng mưa dầm cơm vắt. Có lẽ đây là thời gian ông có nhiều cảm xúc nhất, kết nạp được nhiều thực tế chiến đấu nhất cho mình.

Ông chưa có nhiều thời gian để hoàn thành các bức ký họa về Điện Biên phủ, với gần 100 bức họa có những bức còn là những nét phác thảo nhanh; có những bức ký họa đã trở thành những tác phẩm độc lập. Tuy nhiên, qua những tác phẩm ông để lại, tôi cảm nhận được một tinh thần Điện Biên đã xuyên suốt, gần như chảy trong huyết quản của ông.

“Cha tôi nói ông còn mắc nợ Điện Biên vì chưa có cơ hội biến những bức ký họa của mình thành những tác phẩm hoàn chỉnh. Bởi, sau khi chiến dịch kết thúc, năm 1955, cha tôi được cử đi tu nghiệp ở Liên Xô, về nước trở thành một trong những cánh chim đầu đàn của nền điện ảnh phim hoạt hình thiếu nhi ở Việt Nam”.

TS Ngô Phương Lan chia sẻ: làm công việc nghiên cứu, phê bình điện ảnh, bà đã lấy chính những bộ phim do cha mình sản xuất để làm đề tài nghiên cứu, như bộ phim Truyện ông Gióng - một tác phẩm phim hoạt hình của Việt Nam được nhiều giải thưởng cao nhất trong nước và quốc tế. Dù là thể loại phim hoạt hình nhưng tinh thần Điện Biên được ông mang vào trong phim và gửi gắm ở hình ảnh Ông Gióng.

Đại tướng Tô Lâm, con rể họa sỹ Ngô Mạnh Lân, giới thiệu các tác phẩm của cha vợ mình sáng tác tại chiến trường Điện Biên Phủ. Ảnh: Vân Anh.

Đại tướng Tô Lâm, con rể họa sỹ Ngô Mạnh Lân, giới thiệu các tác phẩm của cha vợ mình sáng tác tại chiến trường Điện Biên Phủ. Ảnh: Vân Anh.

“Ông Gióng trong phim hội tụ tất cả những mong ước, sức mạnh của dân tộc trong cuộc chiến đấu chống ngoại xâm, bảo vệ đất nước; có tinh thần đoàn kết, sự giúp sức của nhân dân khi góp cho Ông ba nong cà, bảy nong cơm để Gióng có sức mạnh phi thường. Đó cũng chính là sự chung tay của toàn dân tộc cùng hướng về Điện Biên phủ. Hay như những khó khăn, gian nan trong chiến dịch, bộ đội ta phải nhiều lần kéo pháo vào, kéo pháo ra cũng giống như việc thợ rèn đúc Ông ngựa để Thánh Gióng cưỡi ra trận, phải nhiều lần đúc đi đúc lại mới có thể thành.

Tôi nghĩ, truyền thuyết Thánh Gióng không có những chi tiết như thế nhưng với một người chiến sỹ Điện Biên, đã đi qua cuộc chiến…, chất liệu sống đã ở trong huyết quản từ đó ông đưa vào trong kịch bản, trở thành sự sáng tạo trong bộ phim Truyện ông Gióng sau này”.

Bức ký họa nhà văn Hữu Mai và cảm xúc của những người con

Trong cuốn sách tranh của họa sỹ Ngô Mạnh Lân, có thể nhận thấy những gương mặt chiến sỹ, những câu chuyện, những cảnh sinh hoạt thời chiến của nhân dân, chiến sỹ trong chiến dịch… - những thứ mà trên đường đi qua ông bắt gặp; những thứ ông quan sát, cảm nhận bằng đôi mắt và sự rung động tâm hồn của một họa sỹ; những bức vẽ cả phe ta, cả phe địch…

Dưới mỗi bức vẽ, họa sỹ đề những câu thoại, những chú thích hóm hỉnh… Điều đó cho thấy, giữa cuộc chiến khốc liệt, giữa lằn ranh bom đạn, giữa cái sống và cái chết, những người nghệ sỹ Điện Biên vẫn luôn giữ tinh thần lạc quan, niềm tin tất thắng.

Ba người con của những người cha chiến sỹ trên mặt trận văn hóa góp phần làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ: Nhà thơ Hữu Việt - con nhà văn Hữu Mai; nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân - con nhạc sỹ Đỗ Nhuận; TS Ngô Phương Lan - con họa sỹ Ngô Mạnh Lân có mặt trong chương trình Bài ca Điện Biên do VTV thực hiện tối 28/4/2024. Ảnh: Kiên Trung.

Ba người con của những người cha chiến sỹ trên mặt trận văn hóa góp phần làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ: Nhà thơ Hữu Việt - con nhà văn Hữu Mai; nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân - con nhạc sỹ Đỗ Nhuận; TS Ngô Phương Lan - con họa sỹ Ngô Mạnh Lân có mặt trong chương trình Bài ca Điện Biên do VTV thực hiện tối 28/4/2024. Ảnh: Kiên Trung.

Nói về Họa sỹ - NSND Ngô Mạnh Lân, họa sỹ Lương Xuân Đoàn chia sẻ: “Ký họa của Họa sỹ - NSND Ngô Mạnh Lân rất xúc động, khả năng tạo hình của ông bắt được kịp vẻ đẹp những hình tượng của người lình Điện Biên, của anh bộ đội Cụ Hồ trong mọi hoàn cảnh khác nhau.

Con mắt biết tìm đẹp của ông tạo nên những bức ký họa mà hôm nay thế hệ chúng tôi nhìn lại vẫn thấy xúc động vì đây là những khoảnh khắc không thể có lần thứ hai. Vì vậy có thể nói, ký họa kháng chiến, đặc biệt là ở chiến trường Điện Biên Phủ của họa sỹ Ngô Mạnh Lân sẽ luôn có một giá trị đặc biệt không chỉ đến lúc này mà còn trường tồn theo thời gian”.

Trong số các tác phẩm đó, có một bức chân dung họa sỹ Ngô Mạnh Lân ký họa chân dung nhà văn chiến trường, cụ Hữu Mai - cha của nhà thơ Hữu Việt. Hai nghệ sỹ có một khoảng thời gian dài gắn bó tại chiến trường Điện Biên phủ, cùng tham gia làm Bản tin Mặt trận.

Nhà thơ Hữu Việt chia sẻ: “Cha tôi tham gia cách mạng từ lúc ông vào lực lượng Tự vệ thành, sau đó ông vào quân đội biên chế Sư đoàn 308, được phân công phụ trách Báo Quân tiên phong. Bức ký họa của ông được họa sỹ Ngô Mạnh Lân vẽ, đó là thời gian hai ông cùng có mặt tại chiến trường Điện Biên Phủ. Khi đó, cha tôi với tư cách phóng viên đại đoàn phụ trách báo Quân Tiên phong, ông được đi tất cả các mặt trận.

Ông nói rằng, mỗi một mẩu tin của những người làm báo có tác động vô cùng lớn với tinh thần của những người chiến sỹ. Thế hệ các ông làm báo thời kỳ đó vô cùng gian khổ, khốc liệt, phải khoét núi ngủ hầm, phải cầm súng ra trận những khi cần thiết… Khi in báo không phải như công nghệ làm báo ngày nay, mà in bằng ghi-tô trên đá.

 
 

Có một lần, đang chuẩn bị in một số báo thì họa sỹ Nguyễn Sáng ghé qua hầm. Cha tôi đề nghị họa sỹ vẽ một bức tranh về chiến sỹ Điện Biên, bức họa đó ngay hôm sau xuất hiện trên Bản tin Chiến dịch. Tôi nghĩ, họa sỹ Ngô Mạnh Lân ký họa cha tôi cũng là một trường hợp như thế.

Có một điều mà tôi cảm thấy tiếc nuối nhất, đó là sau khi được nhìn bức ký họa của ông, tôi đã ước, nếu như có điều kiện để đến gặp họa sỹ Ngô Mạnh Lân sớm, để nghe ông kể thêm những kỷ niệm xung quanh bức tranh này, đó sẽ là điều may mắn với cá nhân tôi, người con của một chiến sỹ văn hóa được đồng đội ký họa ngay trên chiến trường.

Trong cuộc sống có những điều, chúng ta chỉ chậm một chút thôi thì chúng ta không kịp nữa. Khi tôi tới thăm ông, bác Ngô Mạnh Lân đã ốm và sau đó ông qua đời, đó là điều tôi tiếc nuối nhất.

Khi tôi mang cuốn sách được chị Phương Lan tặng, mang về mở cho cả gia đình xem, mọi người đều reo lên: “Bố đây rồi, bố đây rồi!”.

Chúng tôi không biết hình ảnh của cha mình ở thời điểm cách đây 60-70 năm như thế nào, nhưng khi nhìn vào bức họa nhận ra ngay ông. Điều đó nói lên rằng, những bức ký họa được họa sỹ Ngô Mạnh Lân ghi lại tại chiến trường bằng một cảm xúc mạnh mẽ thì nó luôn có đời sống lâu dài bởi tính chân thực của nó.

"Tôi nghĩ rằng, trong chiến dịch Điện Biên Phủ, ranh giới giữa hai từ “nghệ sỹ” và “chiến sỹ” gần như không có. Các ông vừa là nghệ sỹ, vừa là chiến sỹ, khác chăng một điều, là vũ khí của những người lính khác nhau. Trong những bối cảnh cụ thể, hai con người nghệ sỹ - chiến sỹ hòa vào làm một. Tác phẩm của họ có độ chân thực cao nhất và chính vì thế nó có sức sống lâu dài, trường tồn trong đời sống ngày hôm nay" , nhà thơ Hữu Việt xúc động.

"Tôi là thế hệ sau giải phóng Điện Biên nên không được chứng kiến những gì xảy ra ở nơi này. Rất may mắn là trong dịp kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, tôi được đưa Bố trở lại chiến trường xưa bởi cụ từng tham gia chiến dịch với tư cách là một họa sỹ và được nghe cụ kể lại về những hình ảnh, những sự thật và những gì diễn ra ở Điện Biên Phủ thời điểm đó.

Các bức ký họa, các tác phẩm thể hiện rất rõ tinh thần lạc quan của bộ đội, của nhân dân và của chính tác giả. Đấy là sức mạnh của dân tộc, sức mạnh của chiến thắng và chúng tôi cũng cảm nhận được tinh thần ấy.

Qua những bức ký họa của Bố, tôi phần nào cảm nhận được những tâm trạng, những băn khoăn khi Bố bảo: “Tôi còn mắc nợ với Điện Biên”. Tôi hiểu cái mắc nợ mà ông nói bởi ông có rất nhiều ý định, đó là khi chiến thắng sẽ có những tác phẩm để mô tả về quy mô, mô tả sự vĩ đại của chiến thắng Điện Biên Phủ nhưng Cụ chưa làm được…”, Đại tướng Tô Lâm, con rể Họa sỹ, NSND Ngô Mạnh Lân.

Xem thêm
Vụ diễn viên Vương Tinh mất tích: Tìm thấy trong tình trạng không ai ngờ

Diễn viên Vương Tinh - sao nam điện ảnh Hoa ngữ đã được tìm thấy sau nhiều ngày gia đình và cơ quan chức năng nỗ lực tìm kiếm. 

Việt Nam sớm chuẩn bị cho giải boxing nữ thế giới 2025

Các tay đấm nữ Việt Nam dự kiến góp mặt ở Giải boxing nữ vô địch thế giới 2025 tại Serbia vào tháng 3 tới.

Người dân Cần Thơ mãn nhãn màn đua thuyền buồm trên sông Hậu

Ngày 29/12, lần đầu tiên TP Cần Thơ tổ chức giải đua thuyền buồm, một hoạt động mới lạ trong chuỗi hoạt động chào mừng Ngày hội Du lịch - Đêm hoa đăng Ninh Kiều.