Người thứ nhất là ông Trần Văn Quang - Cục trưởng Cục Tác chiến. Người thứ hai là ông Lê Trọng Nghĩa - Cục trưởng Cục Quân báo. Người thứ ba là ông Nguyễn Văn Hiếu - Chánh Văn phòng Bộ Quốc phòng kiêm Thư ký Đại tướng. Còn tất cả các cán bộ xuống đơn vị trực tiếp chỉ huy chiến đấu.
"Ba nhân vật chính mà giúp cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp lúc bấy giờ là như thế", Đại tá Lê Trọng Nghĩa lúc sinh thời kể chuyện.
Không thể đánh nhanh
Chúng tôi thắc mắc, trên Mường Phăng không thấy có riêng lán Quân báo. Ông Nghĩa cho biết, ông ở ngay bên cạnh lán Đại tướng - Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp. Cục trưởng Thông tin liên lạc Hoàng Đạo Thúy thì ở lán điện đài. “Lán tôi có thể sang lán Cục Tác chiến rồi gặp ngay Đại tướng Võ Nguyên Giáp”, nguyên Cục trưởng Cục Quân báo chia sẻ.
Ông Cao Pha (Cục phó Cục Quân báo), ông Đỗ Đức Kiên (Cục phó Cục Tác chiến) cũng ở các lán trong Sở chỉ huy Mường Phăng nhưng được phái đi xuống đơn vị trực tiếp chỉ huy chiến đấu.
Ngày 5/1/1954, Tổng Tư lệnh lên đường ra tiền tuyến. Chánh Văn phòng Tổng Quân ủy - Bộ Quốc phòng Nguyễn Văn Hiếu (1925 - 2015), Cục trưởng Cục Tác chiến Trần Văn Quang (1917 - 2013), Cục trưởng Cục Quân báo Lê Trọng Nghĩa theo Tổng Tư lệnh hành quân ra mặt trận. Đêm đi, ngày nghỉ. “Cỗ xe tam mã” này hằng ngày nắm tình hình các chiến trường trong cả nước, chủ yếu là mặt trận Điện Biên Phủ.
Trước đó, ngày 26/11/1953, cơ quan tiền phương của Bộ Tổng Tư lệnh do các ông Hoàng Văn Thái, Lê Liêm, Đặng Kim Giang đã lên Tây Bắc chuẩn bị chiến trường. Theo Tờ trình về phương án tác chiến do Tổng Quân ủy gửi Bộ Chính trị (ngày 6/12/1953), dự kiến Điện Biên Phủ sẽ là một trận công kiên lớn nhất từ trước đến nay, quân số tổng quát của ta là 42.750 người, thời gian tác chiến ước độ 45 ngày. Tổng Quân ủy chỉ định Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp kiêm Bí thư Đảng ủy, Chỉ huy trưởng chiến dịch.
Hành quân đến hang Thẩm Púa, Tổng Tư lệnh hội ý Đảng ủy chiến dịch. Các đảng ủy viên Hoàng Văn Thái, Lê Liêm, Đặng Kim Giang lần lượt phát biểu ý kiến. Ba ông đề nghị cần tranh thủ đánh ngay trong lúc địch chưa tăng thêm quân và chưa củng cố công sự. Theo ý kiến của Bộ chỉ huy tiền phương, ta có khả năng giành thắng lợi trong hai ngày và ba đêm. Điều các ông lo lắng là nếu chiến dịch kéo dài, sẽ không giải quyết được vấn đề bảo đảm hậu cần. Bộ chỉ huy tiền phương cũng cho biết Cố vấn Trung Quốc cùng đi chuẩn bị chiến trường đều nhất trí là cần tranh thủ đánh sớm.
Bí thư Đảng ủy Võ Nguyên Giáp cảm thấy chủ trương này không ổn, muốn nghe thêm tình hình.
“Anh nêu ý kiến của mình là không thể đánh nhanh được", Đại tá Nguyễn Văn Hiếu kể trong hồi ký. "Nhưng cũng chưa thật đủ cơ sở thực tế để bác bỏ phương án đã được những người đi trước lựa chọn. Trước tình hình như vậy, anh đồng ý mở hội nghị cán bộ để triển khai các công tác chuẩn bị chiến đấu. Anh nói riêng với tôi những suy nghĩ và sự cân nhắc của anh, dặn cần theo dõi tình hình, nghiên cứu, suy nghĩ và chỉ được trao đổi riêng với anh về vấn đề này”.
"Quyết định khó khăn nhất"
Dự kiện ngày nổ súng được lùi tới 26/1/1954. Hai ngày trước khi nổ súng, Chánh Văn phòng Nguyễn Văn Hiếu báo cáo: “Công tác chính trị mới nói nhiều đến quyết tâm mà ít bàn khắc phục những khó khăn trong trận đánh".
Cả đêm 25/1/1954, Tổng Tư lệnh thao thức không ngủ được. Đầu đau nhức, ông phải buộc một nắm ngải cứu trên trán. Ông nóng ruột mong trời mau sáng…
Sáng 26/1/1954, tại Sở chỉ huy ở Nà Tấu, Đảng ủy chiến dịch họp để xem xét tình hình lần cuối cùng trước khi nổ súng. Bí thư Đảng ủy Võ Nguyên Giáp trình bày những suy nghĩ xung quanh cách đánh tập đoàn cứ điểm, những thay đổi quan trọng về phía địch từ sau hội nghị Thẩm Púa tới nay. Ta vẫn giữ vững quyết tâm tiêu diệt địch ở Điện Biên Phủ - Tổng Tư lệnh khẳng định - nhưng phải thay đổi cách đánh.
Cả 3 người, Chủ nhiệm chính trị Lê Liêm, Chủ nhiệm cung cấp Đặng Kim Giang và Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái đều băn khoăn với đề xuất thay đổi cách đánh. Các ông mong muốn theo phương án cũ. Cuộc họp ngừng một lát để nghe báo cáo ý kiến của các phái viên và của cán bộ các đơn vị.
Khi cuộc họp tiếp tục, trước tình hình khẩn trương, cần sớm có quyết định, Tổng Tư lệnh đề nghị trả lời câu hỏi: “Nếu đánh, có chắc thắng trăm phần trăm hay không?".
Chủ nhiệm chính trị Lê Liêm, Chủ nhiệm cung cấp Đặng Kim Giang và Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái không ai dám bảo đảm chắc thắng trăm phần trăm. Vì thế, Bí thư Đảng ủy chiến dịch kết luận: “Để bảo đảm nguyên tắc cao nhất là đánh chắc thắng", cần chuyển phương châm tác chiến từ “đánh nhanh thắng nhanh" sang "đánh chắc tiến chắc".
Ông quả quyết: “Nay quyết định hoãn cuộc tiến công. Ra lệnh cho bộ đội lui về địa điểm tập kết và kéo pháo ra. Công tác chính trị bảo đảm triệt để chấp hành mệnh lệnh lui quân như mệnh lệnh chiến đấu. Công tác hậu cần chuyển sang chuẩn bị theo phương châm mới”.
Trong Hồi ức và kỷ niệm về “Đại tướng Võ Nguyên Giáp - một nhân cách lớn”, Thượng tướng Trần Văn Quang cho biết thêm không khí cuộc họp này:
“Đảng ủy thảo luận sôi nổi. Cuộc họp kéo dài quá trưa, sang cả buổi chiều với ba lần hội ý. Sau khi suy nghĩ kỹ những ý kiến của Bí thư Đảng ủy, nghe phản ánh những lo lắng của chỉ huy các đại đoàn và của những phái viên từ các đơn vị về báo cáo, cuối cùng Đảng ủy chiến dịch nhất trí thay đổi cách đánh, chuyển sang vận dụng phương châm “đánh chắc, tiến chắc” và quyết tâm khắc phục mọi khó khăn để thực hiện phương châm đó”.
Nguyên Cục trưởng Cục Tác chiến đánh giá: Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, việc thay đổi phương châm tác chiến là một nguyên nhân quan trọng bảo đảm Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng. Sự kiện quan trọng này để lại ấn tượng sâu sắc cho nhiều người trong cuộc. Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi viết hồi ký đã gọi đây là “Quyết định khó khăn nhất".
Ban đầu, nhiều cán bộ nghiêng về chủ trương “đánh nhanh, giải quyết nhanh”. Theo Thượng tướng Trần Văn Quang, tình huống này khiến Đại tướng Võ Nguyên Giáp lúc đó gần như “đơn thương độc mã”. Tổng Tư lệnh kiêm Bí thư Đảng ủy chiến dịch phải ra sức bảo vệ nghị quyết của Trung ương và tư tưởng của Bác Hồ: “đánh chắc thắng”.
“Từ hội nghị Thẩm Púa tới khi đưa pháo vào trận địa đối với tôi là một thời gian rất dài. Nhiều đêm thao thức. Suy tính, cân nhắc rất nhiều lần, vẫn chỉ tìm thấy rất ít yếu tố thắng lợi.
Tôi căn dặn các phái viên đi nắm tình hình, thấy bất cứ điều gì đáng chú ý đều phải báo cáo kịp thời. Mọi người đều phản ánh tinh thần chuẩn bị chiến đấu rất cao của cán bộ, chiến sĩ (...).
Đồng chí Nguyễn Văn Hiếu nhận xét: "Công tác tư tưởng mới nhắc nhiều tới quyết tâm mà ít bàn cách khắc phục những khó khăn trong trận đánh".
(Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Điện Biên Phủ điểm hẹn lịch sử).
“Năm 1953, tôi - Cục trưởng Cục Tác chiến Bộ Tổng Tham mưu và đồng chí Nguyễn Văn Hiếu - Chánh Văn phòng Tổng Quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh - cùng một số cán bộ, là những người làm việc gần gũi với Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, cùng hành quân với Tổng Tư lệnh ra Mặt trận; tham gia chuẩn bị và dự các cuộc hội nghị cán bộ; trải qua những ngày khó khăn, gian khổ, hồi hộp, lo âu. Chiều ngày 7 tháng 5 năm 1954, chúng tôi cùng chia sẻ không khí hân hoan tưng bừng của Chiến thắng Điện Biên Phủ” (Thượng tướng Trần Văn Quang: “Đại tướng Võ Nguyên Giáp - một nhân cách lớn”).