Đồng nghiệp, đồng chí biết ông có gần 20 năm làm Chánh Văn phòng Bộ Quốc phòng – Văn phòng Quân ủy Trung ương. Nhưng ít người biết Trung tướng Trần Quang Khánh là Chính ủy Trung đoàn 165 - Trung đoàn Thành đồng Biên giới (Đại đoàn 312) chiến đấu anh dũng tại chiến dịch Điện Biên Phủ.
Diệt cứ điểm Độc Lập lúc bình minh
Đây là trận đánh thứ hai của chiến dịch (sau trận mở màn Him Lam), diễn ra từ đêm 14/3 đến rạng sáng 15/3/1954. Cứ điểm đồi Độc Lập - người Pháp gọi là Gabrielle - nằm trên một quả đồi riêng rẽ không một bóng cây, dày đặc đường hào, ụ súng.
Người Pháp gọi nó là "tàu phóng ngư lôi". Tiểu đoàn 5 thuộc Trung đoàn Bộ binh Algérie số 7 tổ chức phòng ngự tại đây được trang bị những vũ khí mới, kể cả súng có kính ngắm hồng ngoại chuyên để bắn trong đêm tối.
Nhiệm vụ tiêu diệt cứ điểm đồi Độc Lập được giao cho Trung đoàn 165 (Đại đoàn 312) do Trung đoàn trưởng 165 Lê Thuỳ chỉ huy đánh vào hướng chủ yếu - hướng Đông Nam và Trung đoàn 88 (Đại đoàn 308) do Trung đoàn trưởng Bùi Nam Hà chỉ huy đánh vào hướng thứ yếu - hướng Đông Bắc. Đại đoàn Công pháo 351 tập trung toàn bộ hỏa lực pháo binh trực tiếp yểm hộ. Đại đoàn trưởng Đại đoàn 308 Vương Thừa Vũ chỉ huy chung trận đánh.
Thử thách đầu tiên Chính ủy Trung đoàn Trần Quang Khánh phải đối mặt đó là: Hôm đó, trời mưa rất to, đường xuất kích và chiến hào đầy bùn đất. Pháo địch bắn vào phòng tuyến của ta nhưng vì trời mưa, đường trơn, sơn pháo 75 ly và súng cối 120 ly chuyển sang chưa kịp, nên chưa được lệnh tiến công, mà cần chờ đợi. Đến 24 giờ vẫn chưa có lệnh tiến công phát ra từ Chỉ huy trưởng Vương Thừa Vũ.
Các tiểu đoàn rất sốt ruột. Anh em kiến nghị trung đoàn đề nghị cấp trên cho đánh ngay, không cần chờ hỏa lực của sơn pháo. Thường vụ Đảng ủy Trung đoàn 165 họp bất thường. Bí thư Đảng ủy Trung đoàn Trần Quang Khánh quyết định: Phải chấp hành nghiêm mệnh lệnh của cấp trên. Phải có đủ lực lượng hỏa lực chế áp địch mới đánh chắc thắng.
Sang ngày 15/3, sơn pháo và súng cối 120 ly đã lên đủ. 3 giờ 30 phút, Chỉ huy trưởng Vương Thừa Vũ hạ lệnh tiến công. Trận đánh đồi Độc Lập bắt đầu. Các loại pháo của ta đồng loạt lên tiếng. Hỏa lực địch ở cửa mở (đột phá khẩu) gần như tê liệt. Trung đoàn 165 mở cửa rất thuận lợi. Sau ít phút bất ngờ, pháo binh Pháp bắn dồn dập vào các mũi xung kích của ta. Mũi tiến công của Trung đoàn 88 mở cửa chệch hướng, sau phải điều chỉnh lại, đã gặp các mũi xung kích của Trung đoàn 165.
Nguyên Chính ủy Trần Quang Khánh nhớ lại: “Trung đoàn 165 là đơn vị ít kinh nghiệm đánh công kiên, còn Trung đoàn 88 là đơn vị có nhiều kinh nghiệm đánh các cứ điểm của Đại đoàn 308. Thế nhưng, do Trung đoàn 88 được điều đi đánh nghi binh địch ở bên Lào; khi trở về thời gian chuẩn bị chiến dịch ít cho nên khi đánh vào đồi Độc Lập thì đột phá khẩu của Trung đoàn 165 mở được nhanh chóng, gọn gàng, đơn vị tiến quân vào nhanh; trong khi Trung đoàn 88 đánh phía cửa đột phá bên kia không vào được. Trung đoàn 88 phải chuyển quân sang cửa đột phá của Trung đoàn 165”.
Chiến sự diễn ra ác liệt. Hai cánh quân của Trung đoàn 88 và Trung đoàn 165 cùng kết thúc trận đánh vào lúc 5h sáng. Lá cờ "Quyết chiến quyết thắng" đã được các chiến sĩ Trung đoàn 165 cắm lên sở chỉ huy của Pháp ở đồi Độc Lập. Địch cho quân phản kích nhưng thất bại. Trận đánh kết thúc lúc 7 giờ 30. Ánh bình minh ngày 15/3/1954 ló rạng cũng là khi cứ điểm đồi Độc Lập bị tiêu diệt hoàn toàn.
Nhắc lại chiến thắng sau 70 năm, Trung tướng Trần Quang Khánh bồi hồi:
“Hai đơn vị (Trung đoàn165 & Trung đoàn 88) đã thắng gọn, tiêu diệt 1 tiểu đoàn lính Âu Phi và 1 đại đội lính Thái ở đồi Độc Lập. Trung đoàn 165 đã đạt được thành tích lớn hơn, được Bộ Tư lệnh khen thưởng cao hơn. Như thế, Trung đoàn 165 đi sau về đánh công kiên trong một trận khó khăn lớn, địch mạnh như vậy, có pháo binh yểm hộ như vậy, mà thắng lợi giòn giã lại thuộc về Trung đoàn 165. Đó là một vinh dự lớn, cán bộ chiến sĩ ở Trung đoàn 165 rất phấn khởi”.
Chống hữu khuynh, tiêu cực
Trung đoàn 165 (Đại đoàn 312) sau đó còn tham gia tiến công các cao điểm 210, 105, và 506 thuộc Phân khu Trung tâm cho tới ngày toàn thắng (7/5/1954).
Theo thống kê, trong chiến dịch Điện Biên Phủ, riêng Trung đoàn đã diệt 650 tên địch, bắt 1.632 tên, thu nhiều súng đạn và đồ dùng quân sự. Được đánh giá là đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, 39 tập thể (từ trung đội đến trung đoàn) và 98 cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn Thành đồng Biên giới được tặng Huân chương Quân công và Chiến công. Góp vào chiến công chung của đơn vị, có vai trò chỉ đạo về công tác Đảng, công tác chính trị do Chính ủy Trần Quang Khánh đứng đầu.
Phải sau nửa thế kỷ, những nhân chứng lịch sử mới có điều kiện nhắc đến cuộc sinh hoạt chính trị chống hữu khuynh, tiêu cực trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Đó là chiến sĩ lãn công không đi đào hào chuẩn bị chiến đấu. Đó là tư tưởng chủ quan khinh địch. Và có cả tư tưởng bi quan, chán nản trước hy sinh. Với riêng Trung đoàn 165, Bí thư Đảng ủy - Chính ủy Trung đoàn đã quán triệt đến tận trung đội, đến tiểu đội, rồi tổ 3 người để phổ biến trao đổi động viên anh em quyết tâm chính trị của người chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam.
“Những người đã có chuyển biến tốt được lấy làm gương cho anh em nơi khác. Công tác chính trị giúp anh em thấy rõ tình hình, sẽ phấn khởi và yên tâm. Dù mệt mỏi và ác liệt như thế, rất dễ xảy ra thương vong nhưng anh em quyết tâm rất cao. Đó là thắng lợi rất lớn của công tác tư tưởng, công tác chính trị trong chiến đấu”, Trung tướng Trần Quang Khánh chia sẻ.
Trưa ngày 7/5/1954, từ điểm cao 506, Trung đoàn 165 tập trung tất cả hỏa lực bắn chi viện cho Trung đoàn 209 tiến công điểm cao 507, tiêu diệt gọn cứ điểm này. Đến 15 giờ cùng ngày, Trung đoàn 165 và các đơn vị bạn ào ạt đánh vào trung tâm Mường Thanh. Sau 55 ngày đêm chiến đấu ngoan cường anh dũng, 17 giờ 30 phút ngày 7/5, tướng Đờ Cát cùng toàn thể bộ tham mưu tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ ra hàng. Trong chiến công “chấn động địa cầu” này, Trung đoàn 165 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Là một trong những nhân chứng hiếm hoi cấp chỉ huy Trung đoàn còn tại thế, sau đúng tròn 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, những ký ức tiêu diệt tập đoàn cứ điểm “bất khả xâm phạm” thật khó phai mờ trong tâm khảm Trung tướng Trần Quang Khánh. Ông nhớ về Trung đoàn trưởng Lê Thùy (sau này là Trung tướng, Phó Tư lệnh Quân khu 2) - một người chỉ huy xuất sắc, tài ba; nhớ về Tiểu đoàn trưởng Thiết Cương đã anh dũng hy sinh vào ngày cuối cùng trước giờ chiến thắng. Tuổi tròn thế kỷ, Trung tướng Trần Quang Khánh vẫn giữ tác phong thận trọng khi kể lại mỗi sự kiện, con người của ngày hôm qua.
Trong sách của một vị đại tá, phiên dịch của Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp ở Sở chỉ huy Mường Phăng, do NXB Quân đội Nhân dân phát hành, khi nhắc đến Chính ủy Trung đoàn 165 đã nhầm thành Nguyễn Văn Giảng. Còn trong sách Lịch sử Trung đoàn 165 cũng do NXB Quân đội Nhân dân phát hành ghi tên ông là Trần Văn Khánh. Ông vui vẻ nói: “Sách Lịch sử Trung đoàn 165 viết như vậy là sai. Tôi đã nhắc rồi mà họ không sửa. Tên tôi là Trần Quang Khánh, chưa bao giờ có tên là Trần Văn Khánh. Khi vào công tác tại Quân khu 4, tôi lấy bí danh là Thành, là tên con tôi bây giờ”.