| Hotline: 0983.970.780

Quảng Ninh – “mảnh đất vàng” phát triển nông nghiệp thông minh

[Bài 1]: Tỉnh công nghiệp chú trọng nông nghiệp

Thứ Hai 16/11/2020 , 08:48 (GMT+7)

Chính quyền kiến tạo, doanh nghiệp tiên phong và người nông dân hào hứng nhập cuộc là những điều kiện cộng hưởng làm cho nông nghiệp Quảng Ninh có những bước tiến nhảy vọt.

Nghị quyết đột phá

Nằm tại khu “đất vàng” xã Hồng Thái Tây (TX Đông Triều), dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Công ty TNHH Đầu tư sản xuất phát triển nông nghiệp VinEco (Tập đoàn Vingroup) bắt đầu triển khai cuối năm 2015 với quy mô 200ha, tổng vốn đầu tư khoảng 500 tỷ đồng.

Triển khai giai đoạn 1 của dự án với diện tích xây dựng hơn 40ha, đến nay Công ty đã xây dựng xong 2 khu nhà lưới theo công nghệ Việt Nam và Israel. Ngoài ra, doanh nghiệp đã hoàn thiện xong hơn 20ha nhà lưới áp dụng công nghệ cao để ứng dụng vào sản xuất các loại rau. Được biết dự án bước vào giai đoạn 2 với quy mô khoảng 60ha, trong đó tập trung xây dựng, nâng cấp hệ thống quản lý lô, thửa, nhật ký đồng ruộng bằng phần mềm điện tử, phấn đấu đến cuối năm nay sẽ hoàn thiện.

Nhờ có chính sách khuyến khích đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nhiều doanh nghiệp lớn đã bắt tay với tỉnh Quảng Ninh, sẵn sàng phát triển cơ sở hạ tầng nông nghiệp hữu cơ, sản xuất, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp an toàn, thân thiện với môi trường. Ảnh: Nhóm PV Đông Bắc.

Nhờ có chính sách khuyến khích đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nhiều doanh nghiệp lớn đã bắt tay với tỉnh Quảng Ninh, sẵn sàng phát triển cơ sở hạ tầng nông nghiệp hữu cơ, sản xuất, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp an toàn, thân thiện với môi trường. Ảnh: Nhóm PV Đông Bắc.

Bước đầu dự án mang lại nhiều tín hiệu lạc quan, đến nay Công ty đã xuất ra thị trường 800 tấn nông sản sạch; giải quyết việc làm cho hàng chục lao động địa phương với mức thu nhập khá.

Là tỉnh công nghiệp, dịch vụ, song Quảng Ninh luôn chú trọng đầu tư phát triển nông nghiệp. Nghị quyết 07-NQ/TU về phát triển KHCN được Quảng Ninh triển khai từ tháng 3/2017, trong đó mục tiêu số một là thành lập các khu nông nghiệp công nghệ cao tiếp tục là một trợ lực cho chiến lược phát triển nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn. Với nghị quyết này, Quảng Ninh dành đến 6-7% chi ngân sách thường xuyên, tương đương 600-800 tỷ đồng mỗi năm cho KHCN, trong đó có nông nghiệp.

Những chính sách khuyến khích như: Đầu tư liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp có hiệu lực từ ngày 30/7/2019 với cơ chế hỗ trợ đến 70% lãi suất đầu tư sản xuất trong 5-8 năm; khuyến khích phát triển nông nghiệp hữu cơ; hỗ trợ hạ tầng đến chân hàng rào; hỗ trợ về mặt bằng, lãi suất, thủ tục hành chính… tỉnh Quảng Ninh triển khai thời gian qua tạo nên làn gió mới cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao.

Ngoài VinEco “ghi điểm” với khu nông nghiệp công nghệ cao đầu tiên với hàng chục quy trình sản xuất tự động, sản phẩm đạt 180-200 tấn rau, củ quả mỗi tháng, 70% trong đó có mặt tại các siêu thị lớn, thì Tập đoàn Việt Úc trở thành hạt nhân trong Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao về thủy sản tại Đầm Hà, đưa Quảng Ninh trở thành trung tâm giống thủy sản của khu vực. Kể từ mẻ tôm giống đầu tiên vào tháng 3/2019 đến nay, Việt Úc xuất ra thị trường gần 1,5 tỷ con giống tôm, trong đó thị trường Quảng Ninh sử dụng 1 tỷ con giống...

Kết quả của những doanh nghiệp này đã thể hiện một cách sinh động nhất của Quảng Ninh khi lấy doanh nghiệp làm hạt nhân phát triển trong nông nghiệp. Cao hơn mà Quảng Ninh đạt được đó không phải là số thuế doanh nghiệp đóng mà chính là chất xám công nghệ, những mô hình, quy trình sản xuất tiên tiến, hiện đại mà doanh nghiệp mang lại, tính kết nối và lan tỏa tinh thần canh tác tiến bộ của doanh nghiệp đến từng nông hộ, từng người nông dân.

Sự cộng hưởng của 3 “nhà”

Sự tác động, lan tỏa từ những chính sách của tỉnh, từ hoạt động sản xuất sôi động của doanh nghiệp khiến chính những nông dân Quảng Ninh cũng đã tự tin, sáng tạo, đưa khoa học công nghệ vào sản xuất, qua đó không chỉ nâng cao giá trị toàn ngành còn thể hiện rất rõ vai trò làm chủ của mình.

Chỉ trong thời gian ngắn, nông dân Quảng Ninh phát triển hàng trăm mô hình trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản công nghệ cao có giá trị 150-300 triệu đồng/ha/năm canh tác, nhiều mô hình được nâng tầm thành các trang, gia trại, doanh nghiệp… Có thể kể đến hàng loạt các mô hình dưa lưới, cây có múi của nông dân Đông Triều; mô hình hoa lan, hoa tươi tổng hợp của nông dân Hạ Long; các mô hình nuôi tôm 2, 3 giai đoạn của nông dân Uông Bí, Hạ Long, Tiên Yên, Đầm Hà, Móng Cái... Chỉ tính riêng diện tích nuôi tôm công nghiệp của Quảng Ninh hiện đạt đến 4.000ha, trong đó giá trị của mỗi ha nuôi công nghiệp cao gấp 70 lần nuôi tự nhiên.

Đáng mừng hơn cũng từ sự cộng hưởng “3 nhà”: Nhà nước, doanh nghiệp và nông dân, Quảng Ninh có đến hơn 400 nông sản là sản phẩm OCOP, trong đó trên 200 sản phẩm đã được gắn sao. Tất cả đều là những sản phẩm nông nghiệp được kết tinh từ tiến bộ khoa học và sự chăm chút của nông dân, tạo nên chất lượng và giá trị vượt trội.

“Nông dân thông minh sẽ xây dựng được một nền nông nghiệp thông minh. Bên cạnh sự tham gia từ phía các doanh nghiệp lớn để hình thành các vùng sản xuất tập trung, khu nông nghiệp công nghệ cao, những người nông dân cũng đang dần thay đổi cách thức, tư duy sản xuất nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ để hướng đến mục tiêu sản xuất bền vững hơn. Sự bùng nổ về công nghệ cũng tạo môi trường thuận lợi cho nông dân khi các đầu ra sản phẩm được mở rộng hơn thông qua các kênh mua bán trực tuyến…”, ông Nguyễn Văn Công, Phó GĐ phụ trách Sở NN-PTNT Quảng Ninh, tự hào nói.

Sản xuất rau thủy canh theo công nghệ cao ở tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Nhóm PV Đông Bắc.

Sản xuất rau thủy canh theo công nghệ cao ở tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Nhóm PV Đông Bắc.

“Vườn rau không đất”, “trang trại tự động”, “hoa công nghệ cao”, “tôm công nghệ”, “thương mại điện tử”, “VietGAP”, “tem truy xuất hàng hóa”… là những thành công bước đầu của nông dân thời kỳ 4.0 khi đưa công nghệ vào quy trình sản xuất hàng hóa. Đây cũng là tiền đề căn bản để ngành nông nghiệp của tỉnh Quảng Ninh được chuyên nghiệp, hiện đại hơn trong tương lai.

Có thể thấy, nông nghiệp công nghệ cao là hướng phát triển, con đường đúng đắn để nâng cao giá trị, vị thế của nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Từ cái gốc bền vững, mục tiêu này đã và đang được Quảng Ninh thực hiện sáng tạo, hiệu quả, đây chính là cơ sở để nông nghiệp Quảng Ninh phát triển bền vững và giá trị cao, theo đúng mục tiêu mà tỉnh đã đề ra.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường từng nhận định: Các tiến bộ KHKT của cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ mở ra triển vọng phát triển kinh tế cho Việt Nam, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp. Đây là cơ hội rất tốt để nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam vươn lên trong quá trình công nghiệp hóa. Song hành với các cơ hội là đầy rẫy những thách thức. Nếu không cố gắng, chúng ta sẽ bị thua trên sân nhà, mất thị trường 100 triệu dân ngay trên sân nhà…

Xem thêm
Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ tỉnh Quảng Ninh

Hội Soóng cọ là ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ (tỉnh Quảng Ninh), thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia hưởng ứng.

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.