| Hotline: 0983.970.780

Thời điểm vàng giảm chi phí trồng lúa ở ĐBSCL

[Bài 2]: Dần thay đổi cách sản xuất theo hướng mới

Thứ Sáu 03/06/2022 , 06:33 (GMT+7)

Giá phân bón ở ngưỡng cao, để thích ứng với bối cảnh sản xuất mới, nhiều phương pháp giảm chi phí đã được nông dân các địa phương vùng ĐBSCL ứng dụng.

Nông dân đang làm gì để thích ứng?

Tại ruộng lúa đang chuẩn bị gieo sạ vụ thu đông 2022, ông Phan Thiện Khanh ở ấp Định Khánh B, xã Định Môn, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ cho chúng tôi hay, khoảng 2 năm trở lại đây gia đình ông chuyển từ sạ 3 vụ lúa/năm xuống còn 2 vụ lúa/năm, do chi phí sản xuất tăng cao, lợi nhuận lại không nhiều, thậm chí phá huề hoặc thua lỗ.

Biểu đồ biến động giá phân bón qua từng mùa vụ theo sổ mua hàng của ông Phan Thiện Khanh, ở xã Định Môn, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ. Ảnh: Kim Anh.

Biểu đồ biến động giá phân bón qua từng mùa vụ theo sổ mua hàng của ông Phan Thiện Khanh, ở xã Định Môn, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ. Ảnh: Kim Anh.

Để không phụ thuộc vào biến động thị trường, ông Khanh đã xây dựng kế hoạch giảm chi phí cho ruộng nhà. Ông không sạ vụ lúa hè thu, thay vào đó dành thời gian phơi đất, cho đất nghỉ ngơi. Cách làm này cũng góp phần giảm lượng phân bón từ 5 - 10 kg/công (1.000m2) trong vụ sau. “Hầu hết bà con nông dân ở xã Định Môn, khoảng 50% không canh tác vụ hè thu”, ông Khanh cho hay.

Theo kinh nghiệm của ông, muốn tiết kiệm chi phí thì phải áp dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật từ khâu đầu tiên là làm đất đến khâu thu hoạch cuối cùng. “Nếu chỉ tính đơn giản giá phân bón tăng thì giảm phân bón thì cách làm này không gọi là giải pháp để giảm chi phí. Giảm chi phí là phải áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật”, ông Khanh chia sẻ.

Quy trình giảm chi phí của ông Phan Thiện Khanh được bắt đầu từ khâu sạ, ông thực hiện sạ thưa để tiết kiệm giống. Ảnh: Kim Anh.

Quy trình giảm chi phí của ông Phan Thiện Khanh được bắt đầu từ khâu sạ, ông thực hiện sạ thưa để tiết kiệm giống. Ảnh: Kim Anh.

Quy trình giảm chi phí của ông Khanh được bắt đầu từ khâu sạ, ông thực hiện sạ thưa để tiết kiệm giống; kế đến là bón phân cân đối, giúp lúa ít đổ ngã; đồng thời giảm lượng phân bón hóa học, cây lúa cũng ít sâu bệnh, giảm được số lần phun thuốc; từ đó chi phí sản xuất cũng sẽ giảm.

Chia sẻ quan điểm cá nhân về cách làm lúa truyền thống, ông Khanh cho biết thêm: “Ngày xưa chưa có tiến bộ khoa học kỹ thuật bà con nông dân làm theo tập quán, miễn sao năng suất cao là được, không tính tiền lời bỏ túi bao nhiêu. Còn bây giờ các nhà khoa học, cán bộ kỹ thuật tập huấn cho bà con, bà con rất ý thức việc giảm chi phí trong sản xuất”.

Ông Khanh cho biết thêm, ông sẽ tiếp tục canh tác lúa đến kết thúc vụ đông xuân 2022 - 2023 để “gỡ gạc” lại chi phí, sau đó ông sẽ lên kế hoạch chuyển đổi cải tạo toàn bộ 1,5ha đất lúa để trồng cây lâu năm: sầu riêng, đu đủ, dưa gan…

Theo phóng viên tìm hiểu, trước bối cảnh giá vật tư nông nghiệp không ngừng tăng cao, nông dân ở ĐBSCL bắt buộc giảm chi phí đầu vào bằng cách kết hợp nhiều phương pháp, các gói kỹ thuật đồng bộ trong canh tác.

Nông dân ở xã Tân Hòa, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang áp dụng nhiều giải pháp giảm chi phí sản xuất lúa. Ảnh: Kim Anh.

Nông dân ở xã Tân Hòa, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang áp dụng nhiều giải pháp giảm chi phí sản xuất lúa. Ảnh: Kim Anh.

Theo ông Nguyễn Văn Thanh Trang, ở xã Tân Hòa, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang, trồng lúa đã là nghề truyền thống của gia đình, không thể vì giá phân bón tăng cao mà bỏ lúa.

Ông Trang tính toán, riêng vụ lúa hè thu 2022 này, chi phí sản xuất hơn 2 triệu đồng/công, tăng gần gấp đôi so với mọi năm, trong đó chi phí phân bón đã chiếm đến hơn 30%. Do đó, vài năm trở lại đây, nông dân trồng lúa ở địa phương đã lựa chọn phương pháp sạ thưa với lượng lúa giống khoảng 15 kg/công, cắt giảm từ 35 - 40% so với cách làm truyền thống.

Bên cạnh đó, trong cơ cấu giống lúa sản xuất từng mùa vụ, bà con cũng chú trọng lựa chọn các giống lúa hiện đang được thị trường ưa chuộng như OM 18, OM5451 để nâng cao giá trị sản phẩm.

Còn với ông Nguyễn Danh Dũng ở xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ cũng tích cực tham gia vào các chương trình “3 giảm, 3 tăng” (3G3T), “1 phải, 5 giảm” (1P5G), chương trình IPM, các mô hình thực hành sản xuất lúa bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế (SRP) thuộc Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT) để góp phần hạ giá thành sản xuất lúa.

Nhiều chương trình giảm chi phí sản xuất lúa đưa vào áp dụng

Cùng với việc tìm lời giải điều tiết giá cả phân bón trên thị trường, các địa phương vùng ĐBSCL đang đẩy mạnh thực hiện nhiều chương trình, dự án hướng nông dân đến các giải pháp tiến bộ để giảm chi phí sản xuất, cụ thể là giảm lượng giống gieo sạ, giảm phân bón hóa học, giảm thuốc bảo vệ thực vật (BVTV).

Tại TP Cần Thơ, theo số liệu thống kê của Chi cục Trồng trọt và BVTV thành phố, giá thành sản xuất lúa vụ đông xuân 2021 - 2022 tăng khá cao lên mức 2,7 triệu đồng/công trong khi đó năm 2021 chi phí sản xuất chỉ 1,9 triệu đồng/công; năm 2020 là 2 triệu đồng/công.

Sạ thưa là một trong những khuyến cáo của các chương trình 3G3T, 1P5G giúp nông dân giảm chi phí. Ảnh: Kim Anh.

Sạ thưa là một trong những khuyến cáo của các chương trình 3G3T, 1P5G giúp nông dân giảm chi phí. Ảnh: Kim Anh.

Theo bà Phạm Thị Minh Hiếu, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV TP Cần Thơ, nguyên nhân giá thành sản xuất đội lên cao đến từ việc giá phân bón hóa học tăng. Để nông dân chủ động điều tiết giá thành sản xuất, nằm trong chương trình Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT), Chi cục Trồng trọt và BVTV thành phố đã đặt ra mục tiêu gia tăng 20% lợi nhuận cho nông dân sản xuất lúa gạo thông qua áp dụng kỹ thuật 3G3T, 1P5G, góp phần giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, giảm tác động tiêu cực tới môi trường thông qua việc giảm lượng nước tưới, phân bón và thuốc BVTV trong quá trình canh tác lúa gạo.

Hiện nay, diện tích lúa áp dụng quy trình 3G3T tăng đều qua từng năm. Nếu như năm 2016 là 8.005ha thì đến năm 2022 đã tăng lên 28.138ha. Qua đó, chương trình mang lại nhiều kết quả nổi bật, cụ thể trong năm 2022, trung bình nông dân đã giảm được 80kg giống/ha, tương đương khoảng 44% so với trước dự án. Về phân bón cũng giảm được 40 kg phân đạm (phân urê) nguyên chất. Số lần phun thuốc BVTV cũng giảm xuống còn 3 lần/vụ. Đáng mừng, năng suất qua thống kê ở vụ đông xuân 2021 - 2022 lại chênh lệch không nhiều, trung bình từ 6,7 - 7,7 tấn/ha. Tỷ lệ tăng lợi nhuận đạt 33% so với nông dân nằm ngoài dự án.

Đối với tỉnh Hậu Giang, ông Bạch Văn Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Hậu Giang cho rằng, việc giá phân bón tăng cao thời gian qua cũng là điều kiện thuận lợi giúp nông dân tỉnh Hậu Giang nói riêng và ĐBSCL nói chung áp dụng quy trình 3G3T, thúc đẩy người dân giảm giống. Hiện nay thông qua các chương trình khuyến nông, ngành chức năng tỉnh đã xây dựng nhiều chương trình giảm lượng giống gieo sạ, hỗ trợ máy cấy cho nông dân, kể cả vận động doanh nghiệp cùng tham gia liên kết giúp nông dân giảm chi phí sản xuất. Từ đó, mật độ gieo sạ trung bình của tỉnh Hậu Giang dao động từ 120 - 150 kg/ha, trong đó 90% giống lúa chất lượng cao.

Còn tại tỉnh Sóc Trăng, với đặc thù địa phương có nhiều vùng sinh thái khác nhau, nên việc thực hiện giảm chi phí cũng tùy thuộc vào điều kiện của từng vùng. Vùng ngọt hóa lâu đời sản xuất thuận lợi, bà con nông dân làm lúa 3 vụ/năm. Một số vùng ngọt nhưng do nhiễm phèn, mùa nước ngập không thể trồng lúa, bà con chuyển sang canh tác 2 vụ/năm. Lại có những vùng, xen kẽ 2 vụ năm/năm hoặc 3 vụ/năm, nếu điều kiện thuận lợi bà con sẽ làm 3 vụ/năm còn không thuận lợi thì canh tác 2 vụ/năm. Với vùng nhiễm mặn bà con có thể luân canh 1 vụ lúa, 1 vụ tôm.

Sử dụng phân bón hữu cơ là một trong những phương pháp giảm liều lượng sử dụng phân bón hóa học đang được ngành chức năng chú trọng. Ảnh: Kim Anh.

Sử dụng phân bón hữu cơ là một trong những phương pháp giảm liều lượng sử dụng phân bón hóa học đang được ngành chức năng chú trọng. Ảnh: Kim Anh.

Ông Nguyễn Thành Phước, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Sóc Trăng chia sẻ: "Trong thời gian qua, tỉnh Sóc Trăng đã thực hiện nhiều chương trình tuyên truyền cho bà con nông dân về các mô hình áp dụng theo 3G3T, 1P5G, 1P6G, tưới ngập khô xen kẻ... để giảm chi phí sản xuất cho nông dân. Trong đó, ngành đặc biệt chú trọng cắt giảm lượng phân bón hóa học, tăng lượng phân hữu cơ, chế phẩm sinh học để tăng khả năng hấp thụ dinh dưỡng của cây lúa, đảm bảo lúa có năng suất ổn định nhưng chi phí sản xuất giảm nhẹ nhất.

Theo thống kê của ngành, bà con nông dân tỉnh Sóc Trăng, gieo sạ từ 80 - 130kg lúa giống/ha, khoảng 50 - 70 kg/ha so với trước khi thực hiện các chương trình giảm chi phí, tỷ lệ nông dân ứng dụng đạt từ 60 - 70% diện tích lúa toàn tỉnh, diện tích lúa được nông dân sử dụng phân bón hữu cơ gần 2.000ha.

Bà Phạm Thị Minh Hiếu, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV TP Cần Thơ cho biết, trong chương trình thuộc dự án VnSAT khuyến cáo nông dân giảm lượng giống gieo sạ xuống còn 80 - 100 kg/ha, tuy nhiên theo tập quán canh tác nông dân nếu không có máy móc cơ giới hóa hỗ trợ, nông dân khó đạt được yêu cầu.

Bên cạnh đó, để nâng cao giá trị sản phẩm lúa gạo, việc ghi chép nhật ký sản xuất cũng là phương pháp đảm bảo truy xuất nguồn gốc, lưu trữ hồ sơ liên kết để đảm bảo yêu cầu của thị trường xuất khẩu. Thế nhưng thực tế triển khai cho nông dân lại không đạt như kỳ vọng khi bà con chưa hình thành được thói quen ghi chép lại đầy đủ các thông tin theo yêu cầu của chương trình.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm