| Hotline: 0983.970.780

Thủy lợi - Yếu tố quan trọng sản xuất nông nghiệp

Bài 2: Kỳ vọng trạm bơm Phước Lưu

Thứ Năm 06/10/2022 , 16:05 (GMT+7)

Tây Ninh Hệ thống trạm bơm Phước Lưu kỳ vọng giúp hàng ngàn ha đất nông nghiệp các xã cánh Tây thị xã Trảng Bàng 'giải hạn'.

Công trình quan trọng

Nằm ở cánh Tây thị xã Trảng Bàng (Tây Ninh), được bao bọc bởi sông Vàm Cỏ, thế nhưng, do “ngăn sông, cách chợ” hệ thống thủy lợi chưa vươn tới, hàng chục năm nay, phần lớn người dân 3 xã gồm Phước Lưu, Phước Chỉ, Phước Bình chỉ trông chờ vào nước trời và thường xuyên bị hạn hán, xâm nhập mặn đe dọa.

Trạm bơm Phước Lưu đang dần hình thành. Ảnh: Trần Trung.

Trạm bơm Phước Lưu đang dần hình thành. Ảnh: Trần Trung.

Nhằm giúp kinh tế người dân nơi đây theo kịp với mặt bằng chung của cả tỉnh, bằng nguồn vốn từ ngân sách tỉnh hỗ trợ trong chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới và ngân sách địa phương, UBND thị xã Trảng Bàng đang triển khai dự án xây dựng kênh hệ thống trạm bơm Phước Lưu.

Theo đó, tổng vốn đầu tư ban đầu gần 50 tỷ đồng gồm các hạng mục: hệ thống kênh dẫn dài 2.874m; trạm bơm: lưu lượng thiết kế Q=1,50m3/s với 4 tổ máy (3 máy hoạt động, 1 máy dự phòng); lưu lượng 1 tổ máy 0,5 m3/s; tuyến đường ống nối máy bơm và bể xả: ống thép SS400 D610mm đi ngầm; chiều dài tuyến ống 86,0m; số lượng 4 đường ống, dự án được khởi công vào năm 2021, dự kiến hoàn thành cuối năm 2022.

Sống cạnh hệ thống trạm bơm Phước Lưu đang được hình thành, ông Trần Văn Na ở ấp Phước Lợi, xã Phước Bình cho biết, gia đình ông có hơn 1,5 ha ruộng, mặc dù cách sông Vàm Cỏ không xa nhưng do không có kênh dẫn, việc sản xuất lúa của gia đình ông cũng như nhiều người dân nơi đây gặp rất nhiều khó khăn, năm nào thời tiết thuận lợi làm được 3 vụ/năm, bình thường chỉ 1-2 vụ/năm.

“Việc thiếu nước chủ yếu xảy ra ở vụ Hè Thu, để cứu lúa, hầu hết bà con phải đào thêm giếng bên cạnh ruộng và dùng mô tơ điện để bơm nước. Mỗi giếng sâu hơn 2 mét, trung bình mỗi vụ thực hiện bơm từ 10-15 lần, mỗi lần tiêu tốn hơn 100KW điện, với giá điện bình quân 5.000 đồng/KW, bà con phải tốn thêm hàng triệu đồng chưa kể phải đầu tư máy bơm đủ lớn, dây điện các loại… Được nhà nước đầu tư trạm bơm, vụ tới bà con hết lo về nước, nhiều hộ còn dự định chuyển đổi sang trồng màu để nâng cao thu nhập, ai cũng phấn khởi”, ông Trần Văn Na nói.

Hệ thống kênh dẫn từ trạm bơm Phước Lưu đang được gấp rút triển khai. Ảnh: Trần Trung.

Hệ thống kênh dẫn từ trạm bơm Phước Lưu đang được gấp rút triển khai. Ảnh: Trần Trung.

Theo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng thị xã Trảng Bàng, hiện đã hoàn thành trên 70% khối lượng công trình, dự kiến sẽ đưa vào vận hành cuối năm 2022. Dự án sẽ  cấp nước tưới cho 1.300 ha đất nông nghiệp, tạo vùng chuyên canh lúa chất lượng cao, giúp người dân chủ động nguồn nước tưới, nâng cao năng suất cây trồng, giảm chi phí sản xuất, góp phần ổn định kinh tế xã hội của địa phương.

 “Chìa khóa” tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp

Phước Bình là xã biên giới của thị xã Trảng Bàng, được thành lập trên cơ sở sáp nhập địa giới hành chính và dân số hai xã Phước Lưu và Bình Thạnh theo Nghị quyết số 865 ngày 10/1/2020 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV. Sau khi sáp nhập, xã có tổng diện tích tự nhiên trên 3.400 ha, gồm 10 ấp, trên 4.400 hộ với trên 16.200 nhân khẩu.

Cánh đồng lúa cạnh công trình trạm bơm Phước Lưu. Ảnh: Hồng Thủy.

Cánh đồng lúa cạnh công trình trạm bơm Phước Lưu. Ảnh: Hồng Thủy.

Với diện tích đất nông nghiệp chiếm trên 81%, xác định phát triển nông nghiệp là nhiệm vụ then chốt, những năm qua, xã đã tập trung thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp với trọng tâm là đầu tư phát triển các cây trồng, vật nuôi chủ lực, có lợi thế của xã. Trong đó, xã đã xây dựng và phát triển 3 chuỗi giá trị nông nghiệp như: chuỗi liên kết và tiêu thụ lúa, mô hình nuôi cá, cánh đồng mẫu lớn.

Theo đó, để giúp nông dân sản xuất đạt hiệu quả, xã thành lập 10 tổ hợp tác, 3 hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp; thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ phương tiện sản xuất, vật nuôi và cây trồng, hỗ trợ vốn vay ưu đãi, giúp người dân, trong đó có hộ nghèo phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững. Tuy nhiên, do địa hình địa phương tương đối cao, xa hệ thống thủy lợi Dầu Tiếng – Phước Hòa, vấn đề đảm bảo nguồn nước sản xuất đã ít nhiều cản trở nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội tại địa phương.

Người dân địa phương kỳ vọng, sau khi hoàn thành và đi vào hoạt động, trạm bơm sẽ phát huy công năng, giúp bà con ổn định sản xuất, nâng cao thu nhập. Ảnh: Hồng Thủy.

Người dân địa phương kỳ vọng, sau khi hoàn thành và đi vào hoạt động, trạm bơm sẽ phát huy công năng, giúp bà con ổn định sản xuất, nâng cao thu nhập. Ảnh: Hồng Thủy.

Ông Nguyễn Phước Nhiên, Chủ tịch UBND xã Phước Bình cho biết: hiện 70% diện tích lúa của bà con nông dân đã thu hoạch xong, năng suất trên 8 tấn/ha, giá lúa từ đầu vụ duy trì trên 6.000 đồng/kg, có lúc lên hơn 7.000 đồng/kg, ước tính mỗi ha lúa, nông dân thu về trên 35 triệu đồng. Thời gian triển khai dự án xây dựng kênh hệ thống trạm bơm Phước Lưu, chính quyền và người dân địa phương đều kỳ vọng công trình sớm vận hành giúp tiết giảm chi phí và công sức bơm tháo nước, gieo sạ được đồng loạt. Đặc biệt, nông dân sẽ làm được lúa vụ 3/năm, góp phần cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập.

“Có thể khẳng định, hệ thống thủy lợi được đầu tư hoàn thiện, tối ưu là chìa khóa để địa phương thực hiện tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp. Xã cũng đã thành lập mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực của địa phương. Trong đó, có sự liên kết chặt chẽ của 13 tổ hợp tác, 2 hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Phước Bình, HTX Thanh niên Phước Chỉ, với tổng diện tích 1.270ha”, ông Nguyễn Phước Nhiên nhấn mạnh.

Xem thêm
Tổng Bí thư: Tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần

Tổng Bí thư lưu ý, việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần, kết quả đạt được vừa qua rất quan trọng nhưng mới chỉ là bước đầu.

Việt Nam cam kết chuyển giao kỹ thuật sản xuất lúa gạo hỗ trợ Ma Rốc

Cần Thơ Ma Rốc đang nỗ lực cải thiện sản xuất lúa gạo trong nước, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cam kết chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật cho nước bạn.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Làng nướng cá Diễn Vạn đỏ lửa

Nghề nướng cá tại đất biển Diễn Vạn có từ hàng chục năm rồi, bất kể nắng mưa, những bếp lửa rực đỏ bốn mùa, người làm tất bật từ sáng sớm đến đêm khuya.

Bình luận mới nhất