| Hotline: 0983.970.780

Nhìn lại hơn 10 năm mở rộng cây cao su vùng Bắc Trung bộ:

[Bài 2] Nợ hàng trăm tỷ, công ty cao su xin… chuyển trồng keo

Thứ Năm 01/07/2021 , 08:28 (GMT+7)

Những hệ lụy, thảm cảnh ở nhiều vùng cao su ở Hà Tĩnh một phần là hậu quả từ sự nóng vội của những người làm chính sách.

Nông dân Hương Khê xót xa cảnh công ty cao su ôm diện tích đất lớn nhưng sản xuất không hiệu quả. Ảnh: Bảo Khang.

Nông dân Hương Khê xót xa cảnh công ty cao su ôm diện tích đất lớn nhưng sản xuất không hiệu quả. Ảnh: Bảo Khang.

Thảm cảnh tại các công ty cao su ở Hà Tĩnh

Tiền thân của Công ty TNHH MTV cao su Hương Khê bây giờ là Công ty Lâm nông - công nghiệp Hà Tĩnh, trước đó nữa là Công ty thông Hương Khê. Những năm trước 2010, thời điểm hoàng kim của cây cao su doanh nghiệp này được UBND tỉnh giao quản lý lên tới hơn 15.533 ha cùng với rất nhiều ưu đãi về giao đất, cho thuê đất để trồng cao su tại các huyện Hương Khê, Vũ Quang, Đức Thọ và Hương Sơn. Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam cũng mang kỳ vọng rất lớn đối với cao su Hương Khê khi đổ rất nhiều tiền của vào thiết kế cơ bản. Thế nhưng, sau 15 năm, niềm hi vọng đó bây giờ quả thật thê thảm.

Tổng hành dinh của Công ty TNHH MTV cao su Hương Khê nằm khuất trong một con ngõ ở xã Hương Long, vắng tanh vắng ngắt. Sự vắng vẻ đó một phần là vì mấy năm nay công nhân cao su nghỉ việc gần hết, phần nữa nghe đâu đang có phương án sáp nhập cao su Hương Khê vào làm một với cao su Hà Tĩnh.

Ông Phan Châu Sơn, Phó Giám đốc công ty tiếp phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam trong bộ quần áo bảo hộ khi vừa mới đi rừng về. Thừa nhận cây cao su trên đất Hương Khê đang ở giai đoạn hết sức khó khăn ông Sơn nói mà như than: Ban giám đốc công ty giờ chỉ còn hai người, lương lãnh đạo thấp hơn lương cán bộ công nhân còn lương công nhân bình quân khoảng 3 triệu đồng mỗi tháng. Mấy năm nay người lao động cứ lần lượt nghỉ hết, dư nợ ngân hàng còn cả hàng trăm tỷ đồng và hàng tháng Tập đoàn vẫn phải hỗ trợ công ty tiền trả lãi.

Từ năm 2014, phía ngân hàng quyết định không cho Công ty TNHH MTV cao su Hương Khê vay thêm bất cứ đồng nào còn Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam liên tục giảm các suất đầu tư, đến năm 2016 thì quyết định không trồng mới thêm diện tích cao su ở Hương Khê nói riêng và khu vực miền Trung nói chung.

Thảm cảnh của Công ty TNHH MTV cao su Hương Khê được lý giải là do tình hình chung, giá mủ cao su xuống thấp, có thời điểm chỉ còn 26 triệu đồng/tấn, tuy nhiên không thể phủ nhận chính sách, quy hoạch cây cao su ở “vùng trọng điểm” của Hà Tĩnh có vấn đề.

Tỉnh này đã ồ ạt lấy đất rừng tự nhiên, rừng trồng, đất lâm nghiệp quy hoạch phòng hộ để phát triển cao su và hậu quả khi rà soát hiện trạng sử dụng đất của Công ty TNHH MTV cao su Hương Khê cho thấy, trong số hơn 15.533 ha doanh nghiệp này được giao quản lý sử dụng chỉ có hơn 6.748 ha đất lâm nghiệp quy hoạch sản xuất.

Đến thời điểm hiện tại, sau gần 15 năm, doanh nghiệp này mới chỉ trồng được hơn 4.000 ha và rất nhiều diện tích trong số đó cây cao su biến thành củi khi chịu những tác động của thiên tai. Theo kế hoạch ban đầu, Công ty TNHH MTV cao su Hương Khê được Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam thỏa thuận trồng 8.210 ha, tuy nhiên sau đó nhiều diện tích đã phải thanh lý và quyết định dừng để bảo vệ và khai thác trên diện tích chỉ một nửa so với kế hoạch.

Trớ trêu hơn, sau nhiều năm đổ tiền vào đầu tư phát triển cao su thì giờ đây, một trong những định hướng “phát triển cao su” sắp tới của công ty là thanh lý cao su, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đề xuất trồng rừng kinh tế, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…

Diện tích cao su ở Hương Khê chỉ còn một nửa so với kế hoạch. Ảnh: Bảo Khang.

Diện tích cao su ở Hương Khê chỉ còn một nửa so với kế hoạch. Ảnh: Bảo Khang.

Năm 2018, Công ty TNHH MTV cao su Hương Khê đã rà soát toàn bộ diện tích trồng từ năm 2007 đến năm 2015, xác định có 396 ha ảnh hưởng nặng nề bởi các cơn bão và các đợt rét đậm, rét hại kéo dài nên mật độ cây hữu hiệu còn lại đạt dưới 50%. Rà soát yếu tố kỹ thuật cho thấy một số diện tích cục bộ rải rác có điều kiện thổ nhưỡng không phù hợp cho cây cao su phát triển đảm bảo đúng quy trình. Trước tình hình này, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam ngoài việc chỉ đạo ngừng mở rộng diện tích đã quyết định cho cao su Hương Khê thanh lý và xây dựng phương án trồng cây khác.

Sau khi có chỉ đạo của Tập đoàn, Công ty TNHH MTV cao su Hương Khê đã trình xin UBND tỉnh Hà Tĩnh điều chỉnh quy hoạch sang trồng keo nguyên liệu với diện tích 840 ha thuộc quy hoạch cao su. Trong đó diện tích đã có quyết định cho thanh lý của Tập đoàn là hơn 324 ha, diện tích đã ngưng đầu tư là 515 ha.

Cùng chung cảnh “công ty cao su xin đi trồng rừng”, Công ty TNHH MTV cao su Hà Tĩnh đã xin chuyển 500 ha đất trồng cao su sang trồng keo, trồng nghệ, trồng sắn dây để cải thiện tình hình trong bối cảnh hơn 500 lao động đã bỏ đi làm việc khác. 

Tính đến năm 2019, diện tích cao su của Công ty TNHH MTV cao su Hà Tĩnh là hơn 3.020 ha, tuy nhiên, sau nhiều năm thực hiện, đến bây giờ những người làm chính sách ở Hà Tĩnh mới nhận ra là diện tích quy hoạch trồng cao su tuy nhiều nhưng trồng được lại thấp, chỉ khoảng 50%, còn lại chủ yếu là khe suối, đất đá. Đó còn chưa kể thiên tai, bão tố thường trực, trận bão năm 2017 khiến sản lượng cao su ở Hà Tĩnh bình quân từ 1.780 tấn/ha xuống còn 1.252 tấn/ha và bẻ gãy hàng loạt diện tích hiện đang phải thanh lý và trồng lại.

Cũng giống như Công ty TNHH MTV cao su Hương Khê, một trong những định hướng phát triển cao su trong giai đoạn mới của cao su Hà Tĩnh là kết hợp đầu tư một số ngành nghề khác như trồng, khai thác và chế biến gỗ rừng trồng, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trồng rừng theo hướng thâm canh gỗ lớn…

“Dân họ cần đất hơn”

Về “cuộc cách mạng vàng trắng” ở Hà Tĩnh sau nhiều năm đang bộc lộ những vấn đề về kinh tế, xã hội và môi trường, ông Hoàng Quốc Huấn Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, Sở NN-PTNT tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Dân thấy trồng cao su không hiệu quả nên họ đang đòi đất để họ làm. 

Quan điểm của ông Hoàng Quốc Huấn là Chi cục Kiểm lâm, Sở NN-PTNT Hà Tĩnh tham mưu UBDN tỉnh Hà Tĩnh không đồng ý cho các công ty cao su chuyển đổi đất quy hoạch trồng cao su sang trồng keo bởi vì nếu để trồng keo thì dân họ cũng trồng được, dân cũng cần đất hơn.

“Tất nhiên là kinh doanh có lúc này lúc khác, trước đây khi cao su còn giá trị kinh tế cao tỉnh Hà Tĩnh kêu gọi Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam vào đầu tư thì bây giờ khó khăn cũng phải tạo điều kiện cho họ. Tuy nhiên về mặt quan điểm chúng tôi là phải thực hiện đúng pháp luật. Hiện tỉnh Hà Tĩnh vẫn đang phải chờ xem phía Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam tái cơ cấu và sáp nhập hai công ty cao su trên địa bàn như thế nào rồi mới tính các bước tiếp theo.

Mặt khác, bây giờ muốn thu hồi đất của các công ty cao su cũng không dễ dàng gì vì tỉnh Hà Tĩnh đã cho thuê dài hạn theo hợp đồng, trừ phi họ chủ động trả về cho địa phương. Cũng may hồi đó Hà Tĩnh chưa phát triển ồ ạt cao su tiểu điền, nếu không còn chết nữa”, ông Huấn nói.

Những vườn đồi bạt ngàn cây ăn quả, hiệu quả hơn cao su hàng chục lần ở Hương Khê. Ảnh: Bảo Khang. 

Những vườn đồi bạt ngàn cây ăn quả, hiệu quả hơn cao su hàng chục lần ở Hương Khê. Ảnh: Bảo Khang. 

Được biết, trước thực trạng một số địa phương cho rằng các công ty cao su ôm diện tích đất lớn nhưng hoạt động không hiệu quả, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên – Môi trường Hà Tĩnh và các đơn vị liên quan rà soát lại diện tích đất không hiệu quả để trả về địa phương.

Theo phương án được phê duyệt, tổng diện tích 2 công ty cao su trên địa bàn Hà Tĩnh giữ lại để sản xuất kinh doanh là 20.666,1 ha. Diện tích đất Công ty TNHH MTV cao su Hương Khê phải trả về cho các địa phương là hơn 3.185 ha, của Công ty TNHH MTV cao su Hà Tĩnh là hơn 2.678 ha.

Trao đổi với PV Báo Nông nghiệp Việt Nam, một số người hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp ở Hà Tĩnh cho rằng, UBND tỉnh Hà Tĩnh cần phải tiếp tục chỉ đạo rà soát bởi trong số hơn 20.666,1 ha mà các công ty cao su giữ lại chỉ có chưa đến 8.000 ha là diện tích trồng cao su. Với bối cảnh Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam cũng đã có chỉ đạo dừng mở rộng diện tích trồng mới cao su ở miền Trung thì không có lý gì các công ty cao su vẫn ôm diện tích đất lâm nghiệp lớn đến như vậy.

Một nghịch lý trớ trêu ở Hà Tĩnh, rất nhiều doanh nghiệp lớn muốn đầu tư vào nông nghiệp nhưng tỉnh chưa bố trí được quỹ đất, trong khi các công ty cao su ôm diện tích đất rất lớn nhưng nhiều nơi hoạt động không hiệu quả. Tại xã Hà Linh, huyện Hương Khê, hai công ty cao su có 4 nông trường, chiếm đến gần 3.000 ha, gần một nửa diện tích tự nhiên của xã. 

Xem thêm
Gìn giữ những thành lũy tre xanh mát

Bình Dương Khu bảo tồn tre lớn nhất Việt Nam - làng tre Phú An - là nơi bảo tồn nguồn gen tre lớn nhất khu vực Đông Nam Á, đang gìn giữ những thành lũy xanh mát...

Trồng 1.000 cây hoa ban tri ân mảnh đất Điện Biên Phủ

Chiến dịch 'Phủ xanh tương lai trên mảnh đất lịch sử' tiến hành trồng 1.000 cây hoa ban tại những di tích lịch sử quan trọng ở thành phố Điện Biên Phủ.

Cứu hộ thành công cá thể gấu ngựa bị cụt chi trước

HÀ NỘI Từ đầu năm 2024 đến nay, Chi cục Kiểm lâm thành phố Hà Nội đã bàn giao 5 cá thể gấu cho Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.