| Hotline: 0983.970.780

Nhìn lại hơn 10 năm mở rộng cây cao su vùng Bắc Trung bộ

Thứ Tư 30/06/2021 , 14:56 (GMT+7)

LTS: Vào thời kỳ hoàng kim của cây cao su, bất chấp những cảnh báo rủi ro, nhiều tỉnh vùng Bắc Trung bộ đã ồ ạt chuyển đổi đất lâm nghiệp, chạy theo giấc mơ vàng trắng. Đã 10, 15 năm trôi qua, kết cục giấc mơ đó thế nào?

Bài 1: Nghịch lý ở "thủ phủ" cao su Hà Tĩnh

Sau một thời gian khá dài phát triển cây cao su với tham vọng là cây “kinh tế mũi nhọn”, bây giờ tỉnh Hà Tĩnh đang phải rà soát, xem xét lại.

Cao su gãy đổ ở xã Hương Thủy, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh. Ảnh: Bảo Khang.

Cao su gãy đổ ở xã Hương Thủy, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh. Ảnh: Bảo Khang.

Không đóng góp được gì cho Hương Khê 

Cây cao su bắt đầu bén rễ trên đất Hà Tĩnh từ năm 1998. Mấy năm sau, vào thời kỳ hoàng kim “một tấn mủ một trăm triệu”, thời kỳ cao su là “vàng trắng”, UBND tỉnh Hà Tĩnh nhanh chóng quy hoạch phát triển cao su với quy mô khoảng 20.000 ha đứng trên vùng quy hoạch 26.594 ha, quyết tâm đưa cây cao su trở thành “mũi nhọn kinh tế” ở vùng “chảo lửa túi mưa” này.

Từ những huyện ven biển như Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Thạch Hà cho đến những vùng miền núi phía Tây như Hương Khê, Vũ Quang, Hương Sơn đều được khoanh vùng để phát triển cao su, trong đó, huyện Hương Khê trở thành vùng trọng điểm với hàng chục ngàn ha đất được giao cho Công ty TNHH MTV cao su Hà Tĩnh và Công ty TNHH MTV cao su Hương Khê quản lý.

Những người hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp ở Hà Tĩnh vẫn còn nhớ, để thực hiện mục tiêu phát triển cây cao su, không chỉ diện tích đất lâm nghiệp, đất sản xuất nông nghiệp của các nông lâm trường quản lý mà cả những diện tích rừng phòng hộ cũng bị hoán đổi thành diện tích cao su. Đồi núi và những cánh rừng ở khắp Hà Tĩnh đã bị cạo trọc để thiết kế cơ bản cho một giấc mơ “vàng trắng” trên mảnh đất gió Lào này.

Tất nhiên cũng đã có những lo ngại, cảnh báo của những người có chuyên môn, những người gắn bó và hiểu điều kiện tự nhiên của mảnh đất Hà Tĩnh. Không ít người cho rằng, điều kiện khí hậu khắc nghiệt, bão lũ triền miên và địa hình đồi núi có độ dốc quá cao như Hà Tĩnh thì không thể phù hợp để phát triển cây cao su được. Tuy nhiên, không hiểu do sức hấp dẫn từ “vàng trắng” hay ý chí của những người đứng đầu mà năm 2013 UBND tỉnh Hà Tĩnh có quyết định điều chỉnh bổ sung quy hoạch, mở rộng diện tích lên hơn 23.000 ha trên diện tích đất vùng quy hoạch 32.383 ha.

Thực tiễn cho thấy, những lo ngại, cảnh báo đó đã thành sự thật rất nhanh chóng. Cuối năm 2013, cơn bão số 10 vào Hà Tĩnh, chỉ sau một đêm đã bẻ gãy hơn 2.500 ha cao su trên địa bàn, lúc đó người ta mới nhận ra những vùng cách bờ biển dưới 50km như Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Can Lộc không trồng cao su được thật. Mất thêm 4 năm nữa, Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh mới ban hành Nghị quyết định hướng phát triển cao su và diện tích giảm chỉ còn gần một nửa so với quy hoạch ban đầu. 12.100 ha đất phát triển cao su chủ yếu tập trung trên địa bàn của huyện miền núi Hương Khê. Tuy nhiên, đến năm 2017, cơn bão số 10 đã bẻ thêm hàng trăm ha cao su nữa như thể chứng minh về những lời cảnh báo không được Hà Tĩnh tiếp thu.

Vườn cao su hàng chục năm tuổi nhưng còi cọc, hoang hóa ở thủ phủ cao su Hương Khê, Hà Tĩnh. Ảnh: Bảo Khang.

Vườn cao su hàng chục năm tuổi nhưng còi cọc, hoang hóa ở thủ phủ cao su Hương Khê, Hà Tĩnh. Ảnh: Bảo Khang.

Khái quát cây cao su trên địa bàn Hà Tĩnh sau khoảng 15 năm, trong một báo cáo mới đây của cơ quan chuyên môn tỉnh này cho rằng, qua nhiều năm theo dõi cho thấy cây cao su sinh trưởng và phát triển khá tốt, cho hiệu quả kinh tế cao hơn so với các cây trồng khác trên đất lâm nghiệp Hà Tĩnh và bước đầu được khẳng định là cây trồng hàng hóa chủ lực của tỉnh, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, nâng cao đời sống kinh tế, đẩy nhanh công cuộc xóa đói giảm nghèo…

Có vẻ như sự thật không phải như vậy, ít nhất là tại Hương Khê, thủ phủ của cao su ở Hà Tĩnh.

Hương Khê vốn là huyện miền núi có thế mạnh về đất lâm nghiệp. Những năm qua, sản xuất nông nghiệp theo mô hình kinh tế trang trại, hộ gia đình, trồng rừng kinh tế đã sản sinh ra rất nhiều tỷ phú từ bưởi Phúc Trạch, cam Khe Mây, dó trầm… Trớ trêu thay, nông nghiệp càng phát triển thì chính quyền và người dân Hương Khê càng cảm thấy xót xa, nuối tiếc khi phần lớn diện tích đất sản xuất trên địa bàn đều đã rơi hết vào tay các công ty cao su, rất nhiều trong số đó hoạt động không hiệu quả.

Sau quãng thời gian cam chịu, mấy năm gần đây, huyện Hương Khê liên tục có những văn bản “đòi” tỉnh trả đất của các công ty cao su hoạt động kém hiệu quả lại để cho dân phát triển kinh tế.

Chính quyền và người dân Hương Khê xót xa khi cao su không hiệu quả. Ảnh: Bảo Khang.

Chính quyền và người dân Hương Khê xót xa khi cao su không hiệu quả. Ảnh: Bảo Khang.

Theo thống kê, đến thời điểm hiện tại diện tích trồng cao su trên địa bàn Hương Khê vào khoảng 6.469,9 ha, diện tích đã đưa vào khai thác là 3.091,9 ha.

Cây cao su không không đóng góp được gì cho Hương Khê cả. Đặc biệt là khi đánh giá hiệu quả kinh tế trong giai đoạn hiện nay thì chỉ lỗ, lỗ và lỗ. Ông Phan Kỳ, Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Khê trả lời câu hỏi của Báo Nông nghiệp Việt Nam về những đóng góp của cây cao su đối với huyện nhà.

Cụ thể, Công ty TNHH MTV cao su Hà Tĩnh được giao quản lý, sử dụng 7.232,06 ha trên địa bàn huyện Hương Khê, trong đó diện tích trồng cao su ở 4 nông trường Hàm Nghi, Thanh Niên, Phan Đình Phùng và Truông Bát, có những năm như 2017, hạch toán kinh doanh của công ty âm tới 9 tỷ đồng. Tất nhiên, lý do lớn nhất vẫn là biến động của thị trường khi giá mủ cao su xuống quá thấp, tuy nhiên, một trong những nguyên nhân khác là do diện tích có thể trồng cao su của công ty so với diện tích được quy hoạch chỉ đảm bảo 50%.

Tương tự, đối với Công ty TNHH MTV cao su Hương Khê, doanh nghiệp này được giao quản lý, sử dụng hơn 7.619 ha nhưng chỉ có hơn 3.205 ha trồng cao su.

Đề nghị thu hồi diện tích trồng cao su kém hiệu quả Một bài toán rất đơn giản đã thấy các công ty cao su trên địa bàn thu không đủ chi. Các công ty cao su nói họ giải quyết công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động với mức lương từ 4-5 triệu đồng mỗi tháng, nhưng thực tế, với doanh thu hàng năm thì không đủ để trang trải tiền lương chứ chưa tính đến tiền đầu tư xây dựng cơ bản và chi phí khác. Chính vì vậy, mấy năm gần đây, UBND huyện Hương Khê có các văn bản đề nghị tỉnh thu hồi những diện tích đất cao su kém hiệu quả để giao lại cho địa phương phát triển kinh tế chứ cứ để như thế thì xót quá.

Ông Phan Kỳ, Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Khê

Chúng tôi xót đất lắm!

Ở cấp xã, rất nhiều địa phương có diện tích cao su chiếm phần lớn đất sản xuất cũng hết sức ngán ngẩm.

Ông Ngô Xuân Tân, Chủ tịch UBND xã Hương Thủy phân tích, cả Hương Thủy có khoảng 3.800 ha đất lâm nghiệp nhưng trong số đó hai công ty cao su đã quản lý mất hơn 3.600 ha, hơn 1.300 hộ dân Hương Thủy chỉ còn chưa đến 200 ha đất lâm nghiệp để phát triển kinh tế vườn đồi.

Chênh lệch về diện tích như thế nhưng nếu so sánh hiệu quả kinh tế lại hoàn toàn trái ngược. Đất lâm nghiệp ở Hương Thủy chủ yếu là đất dốc, rất khó để trồng cao su. Ngay từ thời điểm UBND tỉnh Hà Tĩnh chuyển phần lớn diện tích ở xã Hương Thủy để giao cho các công ty cao su, rất nhiều người dân đề nghị chính quyền rà soát kỹ bởi một số diện tích cao su tiểu điền ở đây đã thất bại. Nguyện vọng của dân là những diện tích có độ dốc cao để lại cho dân trồng keo, cây ăn quả, trồng măng.... Tuy nhiên những lời đề nghị chính đáng đó đã bị phớt lờ.

Y như rằng, sau mấy năm trồng cao su ở Hương Thủy cho thấy người dân đã đúng. Theo cán bộ và người dân nơi đây, một ha trồng cao su rất khó có thể được vài chục triệu đồng, trong khi đó nếu trồng cây ăn quả người dân có thể thu hàng trăm triệu đồng, thậm chí là tiền tỷ mỗi năm.

Nhìn vườn cây ăn quả của người dân xong nhìn lại những đồi cao su càng thấy tiếc đất. Ảnh: Việt Khánh. 

Nhìn vườn cây ăn quả của người dân xong nhìn lại những đồi cao su càng thấy tiếc đất. Ảnh: Việt Khánh. 

“Nhìn vườn đồi người dân xong nhìn sang các vườn cao su chúng tôi xót đất lắm. Kinh tế vườn đồi đang đóng góp hơn 60% thu nhập của người dân Hương Thủy, trong đó riêng bưởi và cam thu khoảng 60 tỷ mỗi năm. Còn cao su, tính đơn giản thế này thôi, trước đây trong xã cũng có người đi làm công nhân cho các công ty nhưng bây giờ họ đều bỏ cả vì thu nhập không đủ trang trải cuộc sống”. Chủ tịch xã Hương Thủy cũng nói rằng, nhiều lần xã đề xuất lên cấp trên cắt những diện tích cao su kém hiệu quả để giao lại cho người dân sản xuất nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả.

Dẫn chúng tôi lên đồi, nơi diện tích trồng cao su của các công ty nhưng “cả đời không thấy họ ngó ngàng”, ông Nguyễn Văn Tân, vốn là trưởng thôn 8 bây giờ là một chủ trang trại ở xã Hương Thủy nửa bức xúc nửa xót xa mà rằng: Các anh cứ nhìn bằng mắt thường là biết trồng cao su ở đây có thành công hay không rồi. Nếu những hộ làm vườn như chúng tôi không sợ cháy mà phát dọn thì e rằng các công ty cao su cũng quên luôn những vườn cây này.

Vườn cao su mà ông Tân nói nằm trên một ngọn đồi cao, do Công ty TNHH MTV cao su Hương Khê quản lý. Tuổi độ khoảng gần 10 năm nhưng cây to chỉ bằng bắp chân, nằm khuất giữa những đám thực bì, không ít trong số đó đã gãy đổ vì mưa gió.

Báo cáo vẫn đẹp như mơ

Thực tiễn cây cao su ở thủ phủ Hương Khê có nhiều bất cập như vậy, nhưng mới đây nhất, tại văn bản ban hành vào tháng 4/2021 gửi huyện Hương Khê về việc đánh giá hiệu quả chương trình phát triển cây cao su và định hướng phát triển trong thời gian tới, Sở NN-PTNT Hà Tĩnh vẫn rất lạc quan.

Cụ thể, xét cả 3 tiêu chí về kinh tế, xã hội, môi trường, Sở NN-PTNT Hà Tĩnh đều có những đánh giá khá tích cực.

Theo cơ quan này, về kinh tế, hiện tại diện tích cao su đang phát huy hiệu quả, diện tích khai thác mủ năm 2020 của hai doanh nghiệp là 2.978,6 ha, năng suất mủ bình quân đạt 1 tấn/ha/năm, giá mủ thời điểm hiện nay khoảng 37 triệu đồng/tấn. So với một số cây trồng lâm nghiệp khác (keo, bạch đàn) thì hiệu quả kinh tế cao su tăng gấp nhiều lần.

'Cả 3 tiêu chí về kinh tế, xã hội, môi trường chúng tôi đều thấy cây cao su ở Hương Khê không thể nào đạt được', người dân xã Hương Thủy nói. Ảnh: Việt Khánh.

"Cả 3 tiêu chí về kinh tế, xã hội, môi trường chúng tôi đều thấy cây cao su ở Hương Khê không thể nào đạt được", người dân xã Hương Thủy nói. Ảnh: Việt Khánh.

Về hiệu quả xã hội, các công ty cao su khi đầu tư trồng cao su đã đầu tư cơ sở hạ tầng đi kèm (như hệ thống điện, đường, trạm xã), góp phần nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng nông thôn ở các xã. Việc phát triển cây cao su trên địa bàn huyện đã giải quyết việc làm cho khoảng 2.000 lao động, với thu nhập bình quân 4-5 triệu đồng/tháng, trong đó chủ yếu là người dân miền núi, góp phần nâng cao đời sống người dân, giảm áp lực cho bảo vệ rừng, thúc đẩy xây dựng nông thôn mới. Song song với việc phát triển dự án cao su, các công ty cũng luôn chú trọng đến công tác an ninh quốc phòng trên địa bàn nhằm bảo vệ sản xuất kinh doanh, sẵn sàng chiến đấu góp phần vào việc giữ vững an ninh, chính trị nội bộ trong công ty cũng như trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Về môi trường, cao su là cây đa mục đích, khi trồng trên đất lâm nghiệp được tính vào độ che phủ rừng, đã có 9.145,52ha tham gia độ che phủ rừng.

Rõ ràng, những thống kê, nhận xét đánh giá của Sở NN-PTNT Hà Tĩnh rất khác so với thực tiễn ở Hương Khê. Bởi nói như ông Phan Kỳ, Phó Chủ tịch UBND huyện, về hiệu quả kinh tế cây cao su không thể bằng cây keo, bạch đàn, chưa nói so với mỗi ha trồng bưởi thu gần 400 triệu đồng. “Công nhân thì bỏ làm, diện tích lớn cao su bỏ hoang, rất lãng phí”, ông Kỳ nói. 

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Nhiều rào cản trong phát triển rừng gỗ lớn

Quảng Nam Phát triển rừng gỗ lớn giúp tăng hiệu quả kinh tế, hướng đến phát triển lâm nghiệp bền vững. Tuy nhiên, muốn thực hiện được điều này thì cần phải tháo gỡ những rào cản.

Bình Thuận tăng cường bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng dịp giáp Tết

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình mà không có biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy rừng hiệu quả.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.