| Hotline: 0983.970.780

Thời điểm vàng giảm chi phí sản xuất lúa ở ĐBSCL:

[Bài 3]: Hợp tác xã chủ động áp dụng nhiều giải pháp

Thứ Sáu 03/06/2022 , 16:37 (GMT+7)

Trước bối cảnh giá phân bón ở mức cao, nhiều hợp tác xã (HTX) ở khu vực ĐBSCL đã đưa ra nhiều giải pháp giảm chi phí trong sản xuất lúa.

Giảm giống gieo sạ

Đến với HTX Tân Long ở ấp Tân Long, xã Vĩnh Tường, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang, ông Nguyễn Văn Thích, Phó Giám đốc HTX phấn khởi thông tin hiện nay chi phí sản xuất lúa mỗi vụ của HTX đã giảm khoảng 45%, tương đương từ 5 – 6 triệu đồng/ha.

Quy trình giảm chi phí sản xuất của HTX Tân Long, xã Vĩnh Tường, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang. Ảnh: Kim Anh.

Quy trình giảm chi phí sản xuất của HTX Tân Long, xã Vĩnh Tường, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang. Ảnh: Kim Anh.

So sánh với cách làm lúa truyền thống, ông Thích phân tích, thời điểm chưa thực hiện các giải pháp giảm chi phí, mỗi ha lúa trung bình bà con sử dụng gần 500kg phân bón các loại, chi phí làm đất, công xịt thuốc, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV)… tổng chi phí sản xuất một vụ lên đến từ 13 – 15 triệu đồng/ha, có thời điểm lên đến gần 20 triệu đồng/ha.

Theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp, HTX Tân Long đã xây dựng hẳn một quy trình giảm chi phí sản xuất, triển khai đến toàn bộ bà con xã viên để cùng áp dụng đồng loạt.

Theo đó, quy trình chú trọng giảm lượng giống gieo sạ từ 120 kg/ha xuống còn 70 kg/ha, đồng thời HTX xây dựng lộ trình cắt giảm khoảng 10% lượng phân bón hóa học qua mỗi vụ, cách làm này cũng góp phần giảm được sâu bệnh hại và số lần phun thuốc BVTV.

“Ngày trước làm truyền thống người dân xài thuốc BVTV vô tội vạ không có quy trình gì hết. Phân hóa học bây giờ lên khoảng 150%, tôi làm mấy vụ trước thì phân urê chỉ hơn 300 nghìn đồng/bao (50 kg) mà bây giờ gần 1 triệu đồng, còn DAP ngày trước mình bán cho bà con chỉ 600 nghìn đồng/bao nay là 1,5 triệu đồng/bao. Hồi xưa bón phân hóa học 50 kg/công (1.000 mét vuông) trở lên chứ không dưới, tất cả các loại phân hóa học, vắt cạn kiệt dinh dưỡng của đất”, ông Thích cho hay.

Tương tự, trong 3 vụ lúa gần đây, HTX Toàn Phát ở xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ đã vận động bà con xã viên áp dụng giảm 30% lượng giống gieo sạ, tương đương từ 180 – 190 kg/ha xuống còn 140 kg/ha.

HTX Toàn Phát ở xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ vận động xã viên giảm 30% lượng giống gieo sạ. Ảnh: Kim Anh.

HTX Toàn Phát ở xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ vận động xã viên giảm 30% lượng giống gieo sạ. Ảnh: Kim Anh.

Theo ông Nguyễn Thanh Hồng, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Toàn Phát, trước đây với một công đất, chi phí phân bón chỉ dao động từ 600 – 700 nghìn đồng, nhưng hiện nay đã lên đến hơn 1 triệu đồng, chi phí đội lên nhưng giá lúa không tăng, nông dân không có lời nhiều, buộc lòng phải tìm cách giảm chi phí. Tuy giảm giống gieo sạ nhưng sản lượng lúa thu hoạch được giữ vững trung bình từ 700 – 800kg/công, tương đương so với trước.

Ông Hồng cũng cho hay: “Nếu ngành nông nghiệp ban hành một quy trình giảm chi phí cụ thể áp dụng rộng rãi trong nông dân, làm theo khoa học thì mình làm theo, miễn sao giảm được chi phí, thì nông dân đồng ý liền”.

Kịp thời nắm bắt thông tin biến động thị trường phân bón, ông Nguyễn Văn Đậm, Giám đốc HTX Tín Phát ở xã Kế Thành, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng đã chủ động nguồn hàng cung cấp cho bà con. Từ đó, xã viên nhẹ được chi phí khi giá phân bón tăng đột biến. HTX cũng có chính sách hỗ trợ giúp xã viên mua được phân bón với giá rẻ hơn thị trường từ 3 – 5%.

“HTX vận động xã viên bằng mọi cách làm thế nào hạn chế được chi phí sản xuất càng nhiều càng tốt. Ví dụ như làm đất sớm, cày vùi rơm rạ, đặc biệt là phải giảm giống gieo sạ, nếu lượng giống gieo sạ quá nhiều thì phải hao phân”, ông Đậm cho biết.

Theo ông Đậm, chi phí sản xuất của HTX hiện nay khoảng 2,5 triệu đồng/công, trong đó chi phí phân bón đã chiếm tới 40%. So với bà con nông dân canh tác ngoài mô hình HTX, chi phí này thấp hơn khoảng 500 nghìn đồng/công. HTX cũng thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ chi phí, tập huấn chuyển giao kỹ thuật để giúp xã viên giảm thất thoát.

Ngoài ra, HTX Tín Phát cũng đang phát triển theo mô hình sản xuất lúa giống, nên giá trị hạt lúa được nâng lên, giá lúa HTX đang thu mua cho xã viên cao hơn ngoài thị trường khoảng 1.000 đồng/kg.

Cân đối phân hữu cơ, phân hóa học để giảm chi phí

Trong khi giá phân bón tăng và nằm ở ngưỡng cao, nhiều nông dân phải kêu “trời”, chúng tôi lại khá bất ngờ khi đại diện các HTX đều phấn khởi cho rằng đây là cơ hội để nông dân thay đổi thói quen sản xuất, giảm bớt sự phụ thuộc vào phân bón hóa học.

Ông Nguyễn Thanh Hồng, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Toàn Phát đưa ra điển hình, hiện nay ông đang phối hợp với Chi cục Trồng trọt và BVTV TP Cần Thơ trồng thử nghiệm 10 ha lúa theo phương pháp hữu cơ.

Cụ thể, lượng phân bón hóa học và hữu cơ được ông sử dụng theo tỷ lệ 50:50. Trước khi làm đất ông Hồng sử dụng phân bón hữu cơ để bón lót cho đất, sau khi làm đất ông tiếp tục sử dụng phân hữu cơ vi sinh bón cho đất. Cây lúa hơn 20 – 30 ngày, ông mới sử dụng phân bón hóa học đợt đầu tiên. Với cách làm này, chi phí sản xuất lúa đến cuối vụ ông Hồng có thể giảm từ 300 – 400 nghìn đồng/công.

Trong quá trình thử nghiệm, theo đánh giá của ông Hồng sâu bệnh cũng ít xuất hiện, hiện tại cánh đồng lúa khoảng 1 tuần nữa đến ngày thu hoạch, lúa phát triển tốt, năng suất được ông đánh giá rất khả quan, có thể tương đương với cách làm cũ.

Tại tỉnh Hậu Giang, HTX Tân Long là đơn vị đi đầu của tỉnh thành công với mô hình trồng lúa hữu cơ và đang sở hữu thương hiệu “Gạo sạch Vị Thủy”. Sản phẩm đã được công nhận OCOP 4 sao của tỉnh và hơn 110 ha diện tích sản xuất của HTX đã được công nhận quy trình VietGap.

Thương hiệu 'Gạo sạch Vị Thủy' trồng theo hướng hữu cơ của HTX Tân Long. Ảnh: Kim Anh.

Thương hiệu “Gạo sạch Vị Thủy” trồng theo hướng hữu cơ của HTX Tân Long. Ảnh: Kim Anh.

Chia sẻ về chặng đường thành công, ông Nguyễn Văn Thích, Phó Giám đốc HTX bộc bạch, thời điểm HTX quyết định chuyển qua sản xuất theo hướng hữu cơ, chỉ có số ít thành viên đồng thuận. Rồi từ vài ha trồng thử nghiệm ban đầu mở rộng dần lên, đến nay HTX đã có 138 ha diện tích trồng lúa hữu cơ.

“Mình làm truyền thống sử dụng phân hóa học, thuốc BVTV thay vì sử dụng theo đúng liều lượng trên bao bì, nông dân lại tự ý tăng lên. Rải phân hóa học cũng rất nhiều, lạm dụng như thế là tự bỏ tiền của mình một cách vô lý”, ông Thích cho hay.

Phân bón hữu cơ trở thành lựa chọn của nhiều HTX trong quy trình sản xuất giảm chi phí. Ảnh: Kim Anh.

Phân bón hữu cơ trở thành lựa chọn của nhiều HTX trong quy trình sản xuất giảm chi phí. Ảnh: Kim Anh.

Quy trình sản xuất giảm chi phí theo hướng hữu cơ của HTX Tân Long được thực hiện từng bước. Đối với những diện tích chưa sử dụng phân hữu cơ, HTX chia tỷ lệ cân đối 50% lượng phân hóa học kết hợp 50% phân hữu cơ bón cho đất. Qua từng vụ tỷ lệ phân hóa học sử dụng sẽ giảm dần 40%, 30% và nâng cao tỷ lệ phân hữu cơ, tạo điều kiện cho đất phục hồi, cây lúa ít sâu bệnh, giảm được số lần phun thuốc BVTV cho cây lúa.

Theo quy trình giảm chi phí theo hướng hữu cơ được HTX đưa ra, lợi nhuận sản xuất sử dụng phân bón hữu cơ tăng khoảng 16,33% so với sử dụng phân bón hóa học. Hơn nữa đầu ra của lúa hữu cơ an toàn, có giá trị, giúp HTX đứng vững trong bối cảnh thị trường và biến đổi khí hậu hiện nay.

 “HTX phải thay đổi phương pháp làm sao cho cây lúa trên cùng loại đất và diện tích đó, có thể tạo ra một sản phẩm có giá trị trên thị trường. Ngày xưa bà con chỉ nhìn con số sản xuất ra, bán những gì mình có để mời gọi người ta mua. Còn bây giờ hướng phát triển của HTX là thị trường cần gì thì HTX cung cấp sản phẩm đó, nhìn vào lợi nhuận kinh tế”, ông Thích chia sẻ.

Thị trường vật tư nông nghiệp biến động nhưng HTX Tân Long hầu như không bị ảnh hưởng. Ảnh: Kim Anh.

Thị trường vật tư nông nghiệp biến động nhưng HTX Tân Long hầu như không bị ảnh hưởng. Ảnh: Kim Anh.

Đặc biệt hơn, khi thị trường vật tư nông nghiệp biến động HTX Tân Long hầu như không bị ảnh hưởng, vì HTX đã chủ động phát triển theo hướng kinh tế nông nghiệp lấy hữu cơ làm trọng tâm từ 3 năm trước. Doanh thu của đơn vị tăng rõ rệt qua từng năm, nếu như năm 2019 doanh thu của HTX chỉ đạt gần 2 tỷ đồng thì đến cuối năm 2021 đã tăng lên gần 10 tỷ đồng. Định hướng năm 2022 doanh thu HTX phải đạt 20 tỷ đồng.

Xem thêm
Thông tin đối ngoại về quyền con người trong tình hình mới

Hiện nay, truyền thông về quyền con người, thông tin đối ngoại đã được triển khai mạnh mẽ với sự quan tâm chỉ đạo, tham gia đóng góp của cả hệ thống chính trị.

Uông Bí tiếp nhận gần 4.000 đơn đề nghị hỗ trợ sản xuất nông nghiệp

QUẢNG NINH Sau cơn bão số 3, các hộ dân và các công ty lâm nghiệp đang tích cực thực hiện tận thu, dọn dẹp phòng chống cháy rừng, chuẩn bị hiện trường trồng rừng vụ mới.

3 hộ dân Làng Nủ viết đơn xin... nhường nhà cho người khác

Thân nhân của 3 hộ dân thôn Làng Nủ viết đơn xin không nhận nhà tái định cư, nhường ngôi nhà khang trang cho các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn hơn.