| Hotline: 0983.970.780

Cách làm hay ở Bắc Giang [Bài 4]: Xây dựng NTM gắn liền với bảo tồn các giá trị văn hóa

Thứ Ba 07/11/2023 , 16:36 (GMT+7)

BẮC GIANG Tỉnh Bắc Giang có nhiều di sản văn hóa giá trị, công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa được thực hiện gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM)

Đi đầu Việt Yên

Là huyện trọng điểm công nghiệp, chịu sự tác động cơ học về dân số, phát triển công nghiệp, đô thị nhưng Việt Yên luôn xác định phát triển kinh tế hiện đại phải gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống. Đồng thời xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, xem di sản văn hóa sẽ tạo động lực, nguồn lực thúc đẩy phát triển ngành du lịch, mang lại lợi ích kinh tế và quảng bá hình ảnh địa phương.

Diện mạo nông thôn mới ở huyện Việt Yên. Ảnh: Thế Đại.

Diện mạo nông thôn mới ở huyện Việt Yên. Ảnh: Thế Đại.

Hằng năm, huyện Việt Yên tổ chức liên hoan hát quan họ gắn với lễ hội chùa Bổ Đà, các CLB dân ca trong huyện tham gia liên hoan hát chèo, quan họ, ca trù do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức. Cùng đó, địa phương đã bố trí hàng trăm tỷ đồng tu bổ, nâng cấp các di tích lịch sử - văn hóa, xây dựng thiết chế văn hóa, cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, tạo điều kiện cho nhân dân tổ chức tập luyện, sinh hoạt văn hóa cộng đồng.

Đáng lưu ý năm 2021, UBND huyện Việt Yên đã triển khai đề án bảo tồn, phát huy giá trị di sản quan họ và hát ca trù. Kết quả, đến nay xã Ninh Sơn và xã Vân Hà là 2 đơn vị được đánh giá thực hiện tốt nhất công tác bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống quan họ.

Tại xã Ninh Sơn, trong các dịp lễ kỷ niệm, các ngày lễ lớn hay các sự kiện, việc xuất hiện những tiết mục văn nghệ đặc sắc, những làn điệu quan họ đã không còn xa lạ đối với quan khách và người dân.

Đáng nói, tham gia các tiết mục văn nghệ không chỉ thế hệ trẻ tuổi mà còn có cả những nghệ nhân tuổi đã xế chiều, họ vẫn đam mê với các làn điệu quan họ cổ. Không những thế họ còn hăng say truyền giải như câu hát, lời ca cho các thế hệ sau để bảo tồn giữ gìn.

Nghệ nhân Đàm Thị Bùi, 75 tuổi, trú tại thôn Nội Ninh, xã Ninh Sơn cho biết: “Lĩnh vực văn hóa là sở thích của chúng tôi bao đời nay, sau khi xã lựa chọn lĩnh vực này làm tiêu chí nổi trội để xây dựng NTM kiểu mẫu chúng tôi rất vui vì có điều kiện để khôi phục, phát triển nét đẹp văn hóa truyền thống của quê hương”.

Câu lạc bộ khoan họ thôn Nội Ninh, xã Ninh Sơn. Ảnh: Thế Đại.

Câu lạc bộ khoan họ thôn Nội Ninh, xã Ninh Sơn. Ảnh: Thế Đại.

Thực hiện xây dựng NTM, đến nay, xã Ninh Sơn có 7 thôn được công nhận nông thôn mới kiểu mẫu và tất cả đều có câu lạc bộ quan họ với tổng số hơn 200 thành viên. Đặc biệt, từ năm 2014 đến nay, xã Ninh Sơn đã có 6 liền anh, liền chị được Nhà nước công nhận là nghệ nhân ưu tú lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể.

Hàng năm, chính quyền địa phương bố trí các nguồn kinh phí hỗ trợ các câu lạc bộ tập luyện, duy trì các tiết mục văn nghệ liên quan đến quan họ để đi thi các hội diễn cấp huyện, cấp tỉnh. Qua đó đã khơi gợi phong trào văn hóa văn nghệ trên địa bàn cũng như giữ gìn, bảo tồn giá trị văn hóa phi vật thể.

Cùng với Ninh Sơn, quá trình xây dựng NTM kiểu mẫu, các xã khác như: Tăng Tiến, Hồng Thái, Thượng Lan đều chọn một lĩnh vực nổi trội khác nhau để thực hiện nhưng cơ bản đều quan tâm gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người dân.

“Địa phương sẽ thúc đẩy trách nhiệm trao truyền di sản giữa các thế hệ và thực hành di sản trong đời sống đương đại. Mặt khác, sẽ tiếp tục nghiên cứu, có giải pháp giữ gìn và phát huy giá trị di sản trong phát triển kinh tế - xã hội, nhất là phát triển du lịch gắn kết chặt chẽ với văn hóa, con người và lịch sử. Qua đó góp phần đưa di sản thành tài sản, biến tiềm lực thành nguồn lực để văn hóa, di sản thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, nguồn lực quan trọng phát triển kinh tế - xã hội hiện đại”, ông Thân Văn Thuần, Phó Chủ tịch UBND huyện Việt Yên cho biết.

Câu lạc bộ chèo thị trấn Nếnh. Ảnh: Thế Đại.

Câu lạc bộ chèo thị trấn Nếnh. Ảnh: Thế Đại.

Huyện Việt Yên có 18 làng quan họ, 50 CLB quan họ do UBND cấp xã ra quyết định thành lập, 120 CLB quan họ thực hành, 5 câu lạc bộ hát chèo, hát tuồng và 1 CLB ca trù cấp huyện. Mỗi CLB có từ 30-60 thành viên tham gia.  Hàng tuần, hàng tháng, các CLB hát chèo, tuồng, ca trù trong huyện luôn hăng say tập luyện, giữ nét văn hóa quê hương đã hình thành cả trăm năm. Đến nay, Việt Yên đã có 22 nghệ nhân, trong đó 3 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân và 19 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú.

Sẽ là nhiệm vụ xuyên suốt

Sau hơn 10 năm xây dựng NTM, bức tranh làng quê ở Bắc Giang có nhiều khởi sắc về kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh, quốc phòng. Trong lĩnh vực xây dựng đời sống văn hóa nông thôn, chương trình đã đem lại những tín hiệu tích cực với hệ thống cơ sở hạ tầng văn hóa ngày càng đồng bộ, đầy đủ, hiện đại.

Cùng với việc xây dựng cơ sở hạ tầng, thiết chế văn hóa cơ sở ở làng quê, mở rộng không gian sinh hoạt cộng đồng, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, thụ hưởng văn hóa của nhân dân thì việc nâng cao chất lượng đời sống văn hóa cho cư dân nông thôn cũng được các cấp các ngành, chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm chú trọng nhằm phát triển văn hóa nông thôn bền vững, toàn diện, cả về chiều rộng lẫn chiều sâu để các làng quê thực sự là nơi đáng sống.

CLB dân ca Sán Dìu thôn Đồng Mạ, xã Vô Tranh, huyện Lục Nam. Ảnh: Thu Hà.

CLB dân ca Sán Dìu thôn Đồng Mạ, xã Vô Tranh, huyện Lục Nam. Ảnh: Thu Hà.

Theo bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM giai đoạn 2021-2025, lĩnh vực văn hóa có 2 tiêu chí là tiêu chí số 6 về cơ sở vật chất văn hóa và tiêu chí số 16 về các danh hiệu văn hóa. Thực tế quá trình triển khai trong cả nước, văn hóa là tiêu chí cao trong xây dựng NTM và có tác động trực tiếp đến đời sống tinh thần của người dân. Tuy vậy, ở Bắc Giang, các địa phương không chỉ làm tốt tiêu chí này mà có nơi còn lựa chọn lĩnh vực văn hóa làm tiêu chí điển hình để xây dựng xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Tỉnh Bắc Giang có 3 di sản văn hóa được UNESCO công nhận gồm: Dân ca quan họ, Ca trù, Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm. Bên cạnh đó, Bắc Giang còn có Di sản Mộc bản chùa Bổ Đà (huyện Việt Yên) là mộc bản kinh phật khắc trên gỗ thị cổ nhất thế giới; hương án đá hoa sen chùa Khám Lạng (huyện Lục Nam) và Bia hộp đá đồi Cốc (xã Dĩnh Trì) được công nhận là Bảo vật quốc gia.

Để bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc, những năm qua tỉnh Bắc Giang đã ban hành nhiều đề án, kế hoạch, trong đó đã linh hoạt lồng ghép các nguồn lực để bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống hiệu quả thông qua xây dựng NTM.

Chỉ tính từ năm 2005 đến nay, địa phương này đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng từ nguồn của các chương trình mục tiêu quốc gia và xã hội hóa để đầu tư, nâng cấp, trùng tu, sửa chữa hơn 300 di tích lịch sử. Cùng với trùng tu, nâng cấp di tích, tỉnh cũng đặc biệt quan tâm chỉ đạo tổ chức các lễ hội theo nếp sống văn minh, lành mạnh, để các lễ hội thực sự là hoạt động tín ngưỡng dân gian của nhân dân và khôi phục những nét văn hóa đặc trưng, các trò chơi dân gian gắn liền với mảnh đất, con người.

Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm, huyện Yên Dũng, một trong ba di sản văn hóa được UNESCO công nhận.

Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm, huyện Yên Dũng, một trong ba di sản văn hóa được UNESCO công nhận.

Đến nay, toàn tỉnh Bắc Giang đã có hơn 140 xã đạt chuẩn tiêu chí văn hóa trong xây dựng NTM. Qua đó, những nét văn hóa truyền thống được bảo tồn, phát huy, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của người dân, là động lực để thực hiện tốt các phong trào, cuộc vận động của Trung ương và địa phương.

Theo ông Đỗ Tuấn Khoa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang, để công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch cộng đồng trong xây dựng NTM ngày càng thực chất, hiệu quả, các cấp, ngành cần chú trọng hơn nữa tới công tác bảo tồn, đặc biệt là lan tỏa tình yêu văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ thông qua hoạt động giáo dục, trải nghiệm.

Bên cạnh đó, các địa phương cần quan tâm xây dựng cơ chế chính sách phù hợp nhằm phát huy tối đa lợi thế và huy động các nguồn lực đầu tư phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng. Bên cạnh đó, cần kịp thời biểu dương, khen thưởng các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong phong trào xây dựng văn hóa trong NTM. Đặc biệt, khi mở rộng không gian văn hóa làng quê trong quy hoạch xây dựng NTM cần bảo đảm sự phát triển hài hòa, bền vững giữa kinh tế - văn hóa - môi trường.

Toàn tỉnh Bắc Giang hiện có khoảng 500 lễ hội, phần lớn các lễ hội gắn liền với tín ngưỡng dân gian, các di tích lịch sử văn hóa và những nhân vật được thờ cúng trong di tích. Bên cạnh đó, là tỉnh miền núi, Bắc Giang có tới 73 xã và 20 thôn, bản thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi với 45 dân tộc. Mỗi dân tộc lại có bản sắc văn hóa riêng, với nhiều nét văn hóa phi vật thể độc đáo, từ tiếng nói, chữ viết, thêu thùa, múa, dân ca đến những lễ hội, qua đó đã tạo ra sự phong phú, đa dạng về văn hóa, thu hút du khách khắp nơi.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Mô hình tuyến đường kiểu mẫu ở Đồng Tháp

Đồng Tháp Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững, tạo dựng một môi trường sống xanh, sạch, đẹp và văn minh.

Xây dựng sản phẩm OCOP vươn tầm xuất khẩu

Bắc Kạn Sau nhiều năm thực hiện chương trình OCOP, một số sản phẩm của tỉnh Bắc Kạn đã tạo được chỗ đứng trên thị trường, hướng tới xuất khẩu.