Cán bộ làm gương
Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, thôn Cẩm Xuyên, xã Xuân Cẩm, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang từng được Đảng, Chính phủ chọn làm nơi mở trường tập huấn cho cán bộ giảm tô cải cách. Ngày 8/2/1955, Bác Hồ đã về dự và nói chuyện tại hội nghị tổng kết cải cách ruộng đất đợt II và sau đó nhiều gia đình trong thôn đã vinh dự được đón Người đến thăm, động viên.
Trong giai đoạn hiện nay, thôn Cẩm Xuyên được xem là địa chỉ đỏ trong giáo dục truyền thống, là nơi được mệnh danh là ‘làng Tiến sĩ” đầu tiên của tỉnh Bắc Giang. Về thôn Cẩm Xuyên hôm nay, thành quả xây dựng các tiêu chí nông thôn mới nâng cao đã hiển diện. Đó là những con đường rộng thênh thang, sạch, đẹp, thông thoáng với những hàng cây xanh mướt, các loại hoa đua nhau khoe sắc thắm, là những dãy nhà mới khang trang, đường giao thông nội đồng được cứng hóa, mở rộng, thuận tiện cho việc đi lại và sản xuất của người dân.
Nhớ lại những ngày vận động người dân hiến đất để thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao, ông Nguyễn Duy Hòa, Trưởng Ban công tác mặt trận thôn Cẩm Xuyên cho biết, thôn có 620 hộ, là một trong những thôn cổ với số dân đông nhất nhì huyện Hiệp Hòa. Bao đời nay, các hộ dân sinh sống, làm nhà dọc tuyến đê tả sông Cầu nên con đường qua thôn nhỏ hẹp, xuống cấp, đi lại khó khăn.
Tháng 7/2021, sau khi tỉnh Bắc Giang và huyện Hiệp Hòa có chủ trương đầu tư xây dựng, cải tạo tuyến đê này theo mô hình “tuyến đê kiểu mẫu”, mặt đê trải nhựa, hai bên lắp đèn đường để vừa giúp tuyến đê an toàn, vừa lưu thông thuận tiện, tạo cảnh quan xanh - sạch đẹp cho làng quê, xây dựng NTM nâng cao.
“Nếu như các công trình khác, việc lo nhất sẽ là kinh phí nhưng công trình này thì ngược lại, kinh phí do trung ương cấp, địa phương chỉ thực hiện công tác giải phóng mặt bằng nhưng cái khó là dân phải hiến đất, phụ thuộc hoàn toàn vào tinh thần tự giác, tự nguyện nên chúng tôi lo lắm”, ông Hòa nhớ lại.
Không chỉ những cán bộ thôn như ông Hòa mà cán bộ, lãnh đạo xã Xuân Cẩm cũng lo ngay ngáy, vì chưa giải phòng mặt bằng “0 đồng” bao giờ. Việc cán bộ làm việc thông trưa hay tối về mất ăn, mất ngủ để nghĩ cách vận động, tuyên truyền người dân nhận thức được ý nghĩa từ việc mở rộng tuyến đường mà tự nguyện hiến đất là chuyện thường ngày.
Phát huy truyền thống vùng quê cách mạng, khoa bảng, các cán bộ, đảng viên, hội viên các đoàn thể những người có uy tín, có tiến nói tại địa phương đã cùng vào cuộc, phân công nhau làm những việc cụ thể. Cán bộ, đảng viên phải nghiêm chỉnh làm gương, người có uy tín thì dùng sự ảnh hưởng, trách nhiệm của bản thân để tuyên truyền vận động người dân, trước là người thân tín, sau đó tiếp tục lan rộng.
Cứ thế, ngày qua ngày, sau 1 tháng ra quân, toàn bộ tuyến đường đê dài 1,5 km chạy qua thôn Xuân Cẩm đã được giải tỏa, bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công. Người dân tự nguyện hiến gần 7 nghìn mét vuông đất mở rộng đường NTM, tính theo trị giá trên thị trướng cũng ngót nghét gần chục tỷ đồng.
Nếu như trước đây con đường chính chạy qua thôn xưa kia nhỏ hẹp, nay được thay bằng tuyến đường trải nhựa phẳng phiu, rộng 11m, hai bên đường có vỉa hè và được lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng cùng camera an ninh. Là làng quê nhưng các dịch vụ, hạ tầng giao thông ở Xuân Cẩm bây giờ đã chẳng còn khác đô thị là bao.
Lan tỏa cách làm hay
Từ sự thành công ở thôn Cẩm Xuyên, phong trào hiến đất để thực hiện các tiêu chí nông thôn mới (NTM) nâng cao tiếp tục lan rộng ra các thôn Cẩm Hoàng, Xuân Biều,… rồi lan ra toàn xã, toàn huyện. Có nơi, tổng giá trị tiền từ việc hiến đất làm đường của người dân nếu tính ra cũng lên đến vài chục tỷ đồng.
Ông Ngô Xuân Thủy, Chủ tịch UBND xã Xuân Cẩm cho biết, bằng sự khéo léo trong tuyên truyền, vận động nhân dân hưởng ứng chủ trương xây dựng tuyến đê kiểu mẫu, từ năm 2021 đến nay, người dân ở một số thôn thuộc xã Xuân Cẩm, huyện Hiệp Hòa đã tự nguyện hiến hơn 10 nghìn m2 đất, phá bỏ hàng trăm tường rào, mái tôn, cổng, thậm chí cả nhà đang ở để mở rộng mặt đường đê, tạo bộ mặt mới cho làng quê.
Riêng thôn Cẩm Xuyên, trong những năm qua, phát huy truyền thống cách mạng hào hùng của địa phương, thôn Cẩm Xuyên đã đạt được nhiều thành tựu xây dựng thành công thôn nông thôn mới kiểu mẫu. Điển hình là về phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân, thực hiện chủ trương dồn điền đổi thửa, là thôn đầu tiên của xã Xuân Cẩm tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện dồn điền đổi thửa xong 110 ha đất nông nghiệp. Sau dồn điền đổi thửa, mỗi gia đình trước đây có 5-6 thửa ruộng nay chỉ còn 1-2 thửa ruộng.
Bên cạnh đó, thôn Cẩm Xuyên cũng là nơi điển hình trong việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng cánh đồng mẫu lớn chuyên cấy 1 loại giống để thuận lợi cho việc chăm sóc và thu hoạch; sử dụng phun thuốc trừ sâu bằng máy bay không người lái, góp phần đảm bảo sức khỏe cho nhân dân và giảm chi phí sản xuất. Lấy kinh nghiệm từ Cẩm Xuyên, việc dồn điền đổi thửa tiếp tục thành công ở các thôn Cẩm Hoàng, Cẩm Trung, Cẩm Bào, xây dựng các cánh đồng mẫu lớn cho năng suất cao.
Về giao thông, các trục đường thôn, ngõ xóm đã được cứng hóa bê tông, các trục đường, khuôn viên nhà văn hóa, khu thể thao, đã được giao cho các tổ chức hội đoàn thể như: Người cao tuổi, nông dân, phụ nữ, cựu chiến binh, thanh niên và các hộ gia đình... thường xuyên quét dọn vệ sinh sạch sẽ, cảnh quan môi trường đảm bảo sáng, xanh, sạch, đẹp. Rác thải được phân loại ngay tại hộ gia đình và thu gom 7 lần/tuần đưa về lò bãi tập kết rác của thôn để xử lý.
Hiện nay trên địa bàn xã, nhiều gia đình tiểu thưởng kinh doanh quy mô lớn với cửa hàng buôn bán các mặt hàng phục vụ sản xuất và đời sống của nhân dân. Đồng thời đã có 150 hộ sản xuất đồ mộc mỹ nghệ xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và các nước Đông Nam Á cho thu nhập cao.
“Lúc đầu không ai dám nghĩ việc vận động người dân hiến đất ở thôn Cẩm Xuyên là dễ dàng bởi diện tích đất ở của người dân ít và không có kinh phí giải phóng mặt bằng nhưng giờ sự vào cuộc quyết liệt và ý thức trách nhiệm của người dân rất cao nên đến nay ngoài thôn Cẩm Xuyên, các thôn còn lại có tuyến đê chạy qua như: Cẩm Hoàng, Xuân Biều đều tích cực hưởng ứng hiến đất làm đường với tổng chiều dài toàn tuyến gần 4 km. Tổng giá trị tiền từ việc hiến đất làm đường của bà con cũng lên đến vài chục tỷ đồng”, ông Thủy chia sẻ.
Đầu năm 2022, huyện Hiệp Hòa được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Có được kết quả đó là nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, sự chung sức của nhân dân nên diện mạo của huyện phát triển ngày càng giàu đẹp.
Năm 2023, huyện Hiệp Hòa đặt mục tiêu xây dựng 13 thôn đạt chuẩn thôn NTM, 20 thôn NTM kiểu mẫu và 2 xã đạt chuẩn xã NTM nâng cao. Đến nay, các xã cơ bản đạt 13/16 tiêu chí, với 20 thôn đăng ký tham gia xây dựng thôn NTM kiểu mẫu (trong đó có thôn Cẩm Xuyên), qua rà soát các thôn cơ bản đạt 4 - 5/7 tiêu chí, xã Xuân Cẩm đăng ký đạt chuẩn NTM nâng cao, qua rà soát cơ bản đạt 15/19 tiêu chí.