| Hotline: 0983.970.780

Giải pháp sản xuất, tiêu thụ nông sản thích ứng đại dịch

[Bài 6] Hưng Yên đẩy mạnh sử dụng các lò sấy để làm long nhãn

Thứ Sáu 13/08/2021 , 10:50 (GMT+7)

Tính đến đầu tháng 8/2021, Hưng Yên đã thu hoạch được khoảng 35-40% tổng sản lượng nhãn vụ này, với giá tương đương như vụ thu hoạch 2020.

Giá tốt, sản lượng tăng

Ông Nguyễn Văn Tráng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hưng Yên cho biết, giá nhãn mua tại vườn năm nay vào khoảng từ 20.000-25.000 đồng/kg.

So với vụ thu hoạch 2020, nhãn hiện có giá tương đương nhưng sản lượng tăng 10%. Dự kiến, cả vụ thu hoạch, Hưng Yên sẽ đưa ra thị trường khoảng từ 50.000 - 55.000 tấn nhãn.

Hiện trên địa bàn tỉnh có 4.900ha nhãn, trong đó 4.500ha cho thu hoạch và 1.131 ha đã được cấp chứng nhận VietGAP. Tỉnh có 17 mã vùng trồng, với diện tích khoảng  170ha. Nhờ định hướng của Bộ NN-PTNT, Sở NN-PTNT Hưng Yên định hướng người dân rải vụ, và thu hoạch ở 3 trà chính là: trà sớm, trà trung, trà muộn.

Nhãn lồng Hưng Yên. Ảnh: Phạm Kiên.

Nhãn lồng Hưng Yên. Ảnh: Phạm Kiên.

Nhãn trà sớm cho thu hoạch từ tháng 6 đến 20/7, ngang ngửa với nhãn Sông Mã (tỉnh Sơn La), chiếm khoảng 7-10%, sản lượng khoảng 5.000 tấn, gồm các giống: PHM 99.2.1, PHS2,… trọng lượng quả trung bình từ 9-13gam/quả, độ brix từ 18-20%, tỷ lệ phần ăn được chiếm 60-65%.

Trà trung, còn được gọi là nhãn chính vụ, có thời gian thu hoạch từ 25/7 đến 25/8, chiếm khoảng 60%, sản lượng khoảng 30.000 tấn, gồm các giống chính: PHM 99.2.1 (Hương Chi), HTM6, đường phèn,… có trọng lượng quả trung bình từ 12-13gam/quả, độ brix từ 19-22%, tỷ lệ phần ăn được chiếm 65-70%.

Trà muộn thu hoạch từ đầu tháng 9 đến 25/9, chiếm 30%, sản lượng, ước đạt 15.000 tấn, gồm các giống chủ yếu: PHM 99.1.1 (Miền Thiết), Siêu ngọt, HTM1, HTM2,… trọng lượng trung bình từ 12-15gam/quả, độ brix 19-20%. Tỷ lệ phần ăn được của trà muộn nhỉnh hơn, chiếm đến 65-72%. Một số giống như: siêu ngọt, HTM1, HTM2 có thể đạt từ 22% brix trở lên.

"Dự báo trước tình hình dịch bệnh có thể diễn biến phức tạp, tỉnh Hưng Yên đã tổ chức Hội nghị Kết nối tiêu thụ nhãn lồng và nông sản từ ngày 15/7. Như mọi năm, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu chính. Ngoài ra, chúng tôi đã liên kết thêm với một số công ty xuất khẩu như Fusa, An Bình để đưa quả nhãn sang châu Âu, Hàn Quốc và Singapore. Bước đầu, thị trường rất chào đón những sản phẩm này", ông Nguyễn Văn Tráng cho biết.

Song song với xuất khẩu, Sở NN-PTNT Hưng Yên còn kết nối, đưa quả nhãn nói riêng và nông sản trên địa bàn tỉnh nói chung lên các sàn thương mại điện tử. Nhờ sự tư vấn, giúp đỡ của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), nhãn Hưng Yên lần đầu tiên làm được việc này. 

Ông Nguyễn Đắc Việt Dũng, Chủ tịch Sendo cam kết, nhãn lồng Hưng Yên sẽ được "tạo luồng xanh" tiếp cận người tiêu dùng Việt Nam, thông qua "chợ ảo".

Nhân viên bưu điện hướng dẫn người dân từ cách mở gian hàng, tối ưu hóa gian hàng, chụp ảnh sản phẩm... Ảnh: VGP

Nhân viên bưu điện hướng dẫn người dân từ cách mở gian hàng, tối ưu hóa gian hàng, chụp ảnh sản phẩm... Ảnh: VGP

Sendo sẽ kết nối với các doanh nghiệp, hợp tác xã để mở hướng đưa sản phẩm Nhãn lồng Hương Chi - Hưng Yên lên bán trên sàn thương mại điện tử ngay trong tháng 8/2021.

Bên cạnh đó, Sendo còn hướng dẫn để bà con nông dân tại Hưng Yên làm quen với công nghệ thương mại điện tử, bao gồm cách mở và quản lý gian hàng, đăng bán sản phẩm, đồng thời kết nối bà con với các đơn vị vận chuyển.

Từ kinh nghiệm của Bắc Giang trong vụ vải thiều năm nay, Hưng Yên chủ động đa dạng hóa kênh phân phối đầu ra. Dưới hướng dẫn của Sở NN-PTNT tỉnh, người nông dân kết nối với những điểm bán rau an toàn tại Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản.

"Làm sao để người dân được cả mùa, được cả giá", ông Tráng nhấn mạnh.

Đẩy mạnh sử dụng các lò sấy để làm long nhãn

Tính đến đầu tháng 8/2021, Hưng Yên đã thu hoạch được khoảng 35-40% tổng sản lượng nhãn vụ này. Tuy nhiên, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Nguyễn Văn Tráng cho biết, người nông dân chưa hết lo. Bởi với điều kiện dịch bệnh như hiện tại, nếu không thu hoạch sớm, nhãn có thể dính mưa lớn vào nửa cuối tháng 8, ảnh hưởng đến chất lượng.

"Tỉnh chủ trương rải vụ thu hoạch, và hiện thu hoạch trong khoảng 3 tháng rưỡi. Dự kiến đến cuối tháng 9, đầu tháng 10, Hưng Yên vẫn còn nhãn để bán. Ngoài sản phẩm tươi, chúng tôi cũng đẩy mạnh sử dụng các lò sấy để làm long nhãn. Với hệ thống dồi dào, Hưng Yên tự tin có thể chế biến cho cả các tỉnh lân cận", ông Tráng chia sẻ.

Long nhãn được đấy ở Tiên Lữ, Hưng Yên xuất bán với giá 140.000 đồng/kg.

Long nhãn được đấy ở Tiên Lữ, Hưng Yên xuất bán với giá 140.000 đồng/kg.

Có nhiều lò sấy nhưng Hưng Yên lại thiếu công nghệ chế biến sâu, đáp ứng được yêu cầu của những thị trường khó tính, đồng thời giúp người tiêu dùng có nhãn ăn quanh năm. Ngành nông nghiệp tỉnh hiện mới giúp các doanh nghiệp về công tác vệ sinh, an toàn thực phẩm, phân tích mẫu, vận chuyển, phối hợp làm tem truy xuất nguồn gốc.

Một khó khăn nữa của quả nhãn Hưng Yên, là về vận chuyển. Do đặc điểm địa hình, các hợp tác xã và doanh nghiệp trên địa bàn chỉ thu hoạch được một, vài tấn một lần, nên thủ tục cấp luồng xanh bị chậm, gây mất thời gian trong khâu tiêu thụ. 

"Nghị định 57 đã cởi trói được nhiều vấn đề cho doanh nghiệp đầu tư cho nông nghiệp. Căn cứ vào tình hình thực tế, Hưng Yên là một tỉnh nhỏ, vốn phù hợp với những doanh nghiệp vừa và nhỏ, chúng tôi kiến nghị Bộ NN-PTNT, Chính phủ, và các Bộ, ban, ngành liên quan, quan tâm hơn nữa đến những doanh nghiệp này", ông Tráng nhấn mạnh.

Chung quan điểm với ông Tráng, bà Trần Thị Thu Hiền, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư Kim Hưng, đơn vị xúc tiến thương mại cho nhãn Hưng Yên nói: "Hiện việc xin cấp luồng xanh cho một số doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp khó khăn. Cộng với chi phí tăng cao do giãn cách xã hội tại Hà Nội, các hợp tác xã khó chuyên chở nhỏ lẻ. Chúng tôi cũng xác định, là năm nay quả nhãn Hưng Yên chỉ có thể đưa vào Miền Trung. Nếu đi đường biển, chúng tôi chỉ có thể tới được một số nước gần như Singapore".

Giải pháp trước mắt, được ngành Nông nghiệp và Công thương Hưng Yên thống nhất, là thúc đẩy bán hàng online hoặc qua các sàn thương mại điện tử.

Song song với đó, tỉnh đề ra 4 vấn đề cần thúc đẩy xây dựng trong 5 năm tới. Một, là cải tạo và mở rộng một số giống nhãn đầu dòng, nhãn đường phèn có chất lượng đặc biệt (độ brix từ 23% trở lên, có tỷ lệ phần ăn được từ 70-75%) để phục vụ khách hàng khó tính.

Hai, là tiếp tục rải dài vụ thu hoạch, trong đó giảm nhãn chính vụ, tăng trà nhãn chín sớm theo tỷ lệ: 15% sớm ÷ 50% chính vụ ÷ 35% muộn. Ba, là mở rộng diện tích chứng nhận VietGAP, mở rộng cấp mã vùng để xuất khẩu. Xây dựng và chứng nhận những vùng GlobalGAP để phục vụ xuất khẩu. Bốn, là xây dựng các vườn nhãn kiểu mẫu để phục vụ du lịch vườn.

PGS.TS. Nguyễn Quốc Hùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) cho biết, Viện sẵn sàng hỗ trợ chuyển giao công nghệ sau chế biến cho doanh nghiệp và các địa phương. 

"Nền nông nghiệp Việt Nam đang gặp tổn thất lớn sau thu hoạch. Vì vậy, Viện Nghiên cứu Rau quả đang tập trung mũi nhọn nghiên cứu, hoàn thiện các quy trình công nghệ sau thu hoạch, giúp nâng cao thương hiệu nông sản địa phương", ông Hùng nói.

Theo ông Hùng, những hoa quả mùa vụ tại Việt Nam hiện chủ yếu được khai thác dưới dạng quả tươi. Những loại quả như nhãn, vải, nếu muốn xuất khẩu đường biển để giảm chi phí, cần công nghệ chế biến riêng, nhằm giữ độ tươi ngon. Tuy nhiên, các đơn đặt hàng cho Viện Nghiên cứu Rau quả hiện nay chủ yếu đến từ phía doanh nghiệp và xuất bằng đường hàng không là chính, thay vì có một chính sách dài hơi, căn cơ.

Xem thêm
Kỷ luật ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét kỷ luật ông Võ Văn Thưởng

Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật Cảnh cáo ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét, xử lý kỷ luật ông Võ Văn Thưởng do đang điều trị bệnh.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Hải Phòng khai trương dự án Chính quyền số

HẢI PHÒNG Chiều 21/11, UBND thành phố Hải Phòng tổ chức lễ khai trương Dự án ‘Chính quyền số’ để chào mừng ngày chuyển đổi số quốc gia 2024.

Ghi ở 'thủ phủ' phế liệu Hà Nội [Bài 3]: Cân bằng là thách thức!

Mặc dù có thể giảm thiểu nhưng việc loại bỏ hoàn toàn ô nhiễm song song với phát triển kinh tế tại các làng nghề hiện vẫn là thách thức lớn.