Nỗ lực duy trì sản xuất
Để duy trì sản xuất cung ứng thực phẩm cho thị trường nội địa và xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp trong các ngành hàng nông nghiệp chủ lực đã tổ chức “3 tại chỗ” trong những ngày qua.
Theo TS Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Fimexvn, nay đang là giai đoạn thu hoạch thu hoạch tôm ở ĐBSCL. Giả sử do Covid-19, phải đóng cửa hết nhà máy chế biến, nông dân đang thu hoạch tôm sẽ ra sao? Chính vì vậy, việc duy trì sản xuất theo phương châm "3 tại chỗ" của các doanh nghiệp (DN) ngành tôm là nhằm có giải pháp chia sẻ khó khăn với người nuôi.
Song song đó số lượng người lao động ở mỗi DN là không nhỏ, trong đó một bộ phận có hoàn cảnh khó khăn hơn cần công việc và nguồn thu nhập để trang trải hàng ngày. Như vậy, "3 tại chỗ" sẽ giúp DN chia sẻ được khó khăn với người lao động. Để bảo đảm người lao động an tâm ở lại DN, các tiện ích tối thiểu phải bảo đảm, thậm chí phải có wifi để người lao động nắm diễn biến thông tin trên mạng. Để bảo đảm an toàn, việc tầm soát dịch bệnh trong người lao động phải được chú trọng, đề cao và thực thi nghiêm ngặt.
Một mối quan hệ hết sức quan trọng phải kể ra nữa là các đối tác mua hàng. DN và các đối tác có hợp đồng mua bán và các đối tác đã có kế hoạch tiêu thụ. Nếu trong hoàn cảnh dịch, DN có thể vin vào lý do bất khả kháng kéo dài hợp đồng, nhưng chắc chắn sẽ gây khó khăn không nhỏ cho các đối tác.
Việc tổ chức "3 tại chỗ" giúp giảm thiểu khó khăn cho các đối tác khi họ được cung ứng một phần sản phẩm. Như vậy, tổ chức "3 tại chỗ" trong ngành tôm nhằm duy trì và tương hỗ các mắt xích quan trọng nhất chuỗi giá trị con tôm là: người nuôi - người lao động trong DN chế biến - nhà tiêu thụ.
Ông Nguyễn Quốc Khang, Phó Tổng giám đốc C.P. Việt Nam, cho biết, các nhà máy ở miền Bắc và miền Nam của công ty đều đã tiến hành "3 tại chỗ". Mục tiêu của công ty là duy trì sản xuất để cung ứng thực phẩm (thịt heo, thịt gà, trứng, sản phẩm chế biến…) cho thị trường TP.HCM và các tỉnh. Với mục tiêu đó, công ty đã chấp nhận tốn kém về chi phí, tập trung chăm lo đời sống cho người lao động thực hiện "3 tại chỗ" để họ yên tâm ở lại làm việc.
“Y tế tại chỗ” để “sống chung với dịch”
Dầu vậy, theo ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế bến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP), thực hiện phương châm "3 tại chỗ" chỉ là giải pháp tình thế và không thể kéo dài do sức chịu đựng của các doanh nghiệp là có hạn.
Trong khi đó, nhiều chuyên gia dịch tễ và kinh tế học đã có các phân tích và đánh giá, nhận định về việc phải “sống chung với dịch”.
Theo đó, kinh tế thế giới sẽ phải thay đổi, các quan hệ như tập trung và phân tán, đô thị và nông thôn, công nghiệp và nông nghiệp, nội địa và toàn cầu hóa... sẽ chuyển theo hướng khác hoặc có điều chỉnh so với những gì đã thấy trước đây.
Chính vì vậy, việc chủ động, sẵn sàng sống chung với dịch và sẽ phải được tính tới ngay từ bây giờ và có chiến lược phát triển, phục hồi sản xuất trong bối cảnh mới.
Đối với các ngành sản xuất xuất khẩu rất cần có một kế hoạch chống dịch linh động theo sát thực tế với tình hình khống chế dịch tại các địa phương sau khi được tiêm vacxin phòng dịch để các doanh nghiệp chủ động lên phương án sản xuất; các doanh nghiệp đang tạm ngưng sản xuất chuẩn bị đáp ứng các điều kiện chống dịch để quay lại sản xuất đáp ứng đơn hàng xuất khẩu tăng vào dịp cuối năm.
Để “sống chung với đại dịch”, VASEP đã kiến nghị Bộ Y tế hoàn thiện bộ quy tắc (như CDC Mỹ và một số quốc gia đã có) và tổ chức huấn luyện cho các tỉnh và doanh nghiệp thực hiện "y tế tại chỗ".
Cụ thể, thực hiện chủ trương phối hợp và chia sẻ giữa DN và CDC, các DN sẽ chủ động sử dụng tổ y tế, trạm y tế của nhà máy, công ty tự tổ chức xét nghiệm cho người lao động mỗi tháng 2 lần, mẫu xét nghiệm sẽ gửi cho cơ quan y tế và kết quả tự xét nghiệm của DN được áp dụng trong lưu thông và giao dịch. CDC cũng sẽ tổ chức xét nghiệm cho DN 1 lần/tháng, như vậy sẽ đảm bảo mỗi công nhân được xét nghiệm 3 lần/tháng.
Bộ Y tế có hướng dẫn xử lý kịp thời đối với các DN trong thực hiện "3 tại chỗ" như phát hiện F0, chỉ khoanh vùng và cách ly khu vực có nguy cơ, phun khử khuẩn, xét nghiệm...
Hướng dẫn các biện pháp an toàn “chặt trong, chặt ngoài” kiểm soát các nguồn lây nhiễm một cách hiệu quả và phù hợp nhằm giảm tổn thất cho DN và sinh kế cho công nhân đồng thời đảm bảo an toàn dịch bệnh cho toàn nhà máy.
Hướng dẫn thực hiện “1 cung đường - 2 địa điểm” theo hướng tiếp cận là công nhân đã được chích vacxin và khu vực cư trú của công nhân là một địa điểm ngoài nhà máy với hướng dẫn thống nhất trên toàn quốc:
Bộ Y tế xem xét các điều kiện để thực hiện phương châm “1 cung đường - 2 địa điểm” kết hợp tuân thủ quy định 5K và các quy định về phòng dịch của DN, của cơ quan y tế địa phương. Khi đó, Bộ Y tế có hướng dẫn cụ thể về “1 cung đường - 2 địa điểm”. Trong đó, “1 cung đường” là đảm bảo cung đường từ nhà đến công ty và từ công ty về nhà với điều kiện có kiểm soát. “2 địa điểm” là tại nhà máy tuân thủ quy định phòng dịch của DN và tại nhà, nơi cư trú sẽ tuân thủ quy định cách ly tại nhà khi cần thiết để bảo đảm chống dịch.
Bà Nguyễn Ngô Vi Tâm, Tổng Giám đốc Công ty Vĩnh Hoàn (Đồng Tháp), cho biết, mô hình “Y tế tại chỗ” đã được thực hiện trên diện rộng trong ngành thủy sản ở Anh, với khoảng 500 doanh nghiệp tham gia. Các DN được trang bị năng lực tự test nhanh Covid-19, tiêm phòng cho công nhân. Nhờ vậy 500 DN này đang hoạt động bình thường.
Hỗ trợ người kịp thời cho người lao động và doanh nghiệp
VASEP cho rằng, trong khi dịch vẫn còn diễn biến phức tạp và có thể còn kéo dài, thì việc ngày càng nhiều người lao động tự kéo nhau về quê là một điều phải suy nghĩ.
Người lao động bị mất việc, đặc biệt là lao động tự do tại các tỉnh, thành phố có dịch là đối tượng bị tổn thương rõ rệt nhất, đang chịu ảnh hưởng trực tiếp của dịch Covid-19 khi thu nhập bị sụt giảm. Vì vậy, sự hỗ trợ tài chính cho thành phần này trong những giai đoạn căng thẳng của đại dịch là cần thiết.
Thời gian qua, đã có nhiều tổ chức tự nguyện hoặc nhóm thiện nguyện của người dân từ nhiều nơi hoạt động tích cực hỗ trợ cho người nghèo, người lao động mất việc trên nhiều địa phương khác nhau. Chính phủ đã công bố các chính sách hỗ trợ người lao động bị tác động bởi dịch Covid-19. Đây là những chính sách lớn và hết sức ý nghĩa.
Vì vậy, VASEP đề nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo, đẩy mạnh việc phối hợp công - tư, bao gồm cả các tổ chức thiện nguyện được chọn để triển khai hiệu quả công tác hỗ trợ hết sức ý nghĩa vào bối cảnh hiện nay.
DN cũng rất cần được hỗ trợ để duy trì sản xuất, xuất khẩu, vượt qua những khó khăn do đại dịch. Về điều này, VASEP có một số đề xuất và kiến nghị khẩn với Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, trước hết là có chỉ đạo để chính quyền địa phương cùng hành động với các DN và các Hiệp hội DN khẩn trương triển khai các gói hỗ trợ đã có của Chính phủ.
Có các chính sách ưu tiên về: giảm lãi suất vay ngân hàng, giảm 30% tiền điện cho đến ít nhất hết năm 2021, đề xuất giảm mức đóng kinh phí công đoàn từ 2% quỹ lương xuống còn 1% quỹ lương cho các DN. Đây là những hỗ trợ quý báu để DN có thêm điểm dựa trong bối cảnh khó khăn hiện nay, để duy trì được “3 tại chỗ” và đặc biệt là có thêm cơ hội, nguồn lực cho việc phục hồi sản xuất - xuất khẩu.
Tăng mức hỗ trợ từ nguồn BHXH-BHYT-TNLĐ cho DN, và đề nghị BHXH chi trả lương và chi phí cho các trường hợp người lao động đi cách ly do dịch bệnh Covid-19 theo yêu cầu của cơ quan y tế.