| Hotline: 0983.970.780

Giải pháp sản xuất, tiêu thụ nông sản thích ứng đại dịch

[Bài 2] 'Biệt đội chăm sóc lúa' trong đại dịch

Thứ Sáu 06/08/2021 , 16:11 (GMT+7)

Nhờ Tổ nông vụ chuyên làm dịch vụ chăm sóc đồng áng, nhiều người trồng lúa ở Đồng Tháp yên tâm không phải ra đồng trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Tổ nông vụ ấp 3 có 10 thành viên giúp cho người dân yên tâm không phải ra đồng trong thời điểm giãn cách xã hội. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Tổ nông vụ ấp 3 có 10 thành viên giúp cho người dân yên tâm không phải ra đồng trong thời điểm giãn cách xã hội. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Đội làm lúa thuê từ "A đến Z"

Hiện nay, nhiều tỉnh thành ở ĐBSCL đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Điều này khiến nông dân ra đồng chăm sóc lúa gặp khó khăn. Thế nhưng tại nhiều nơi ở tỉnh Đồng Tháp, điều này được giải quyết gọn nhẹ nhờ có tổ chăm sóc lúa chuyên nghiệp.

Đó là Tổ nông vụ chuyên làm dịch vụ chăm sóc đồng áng thay cho nông dân tại xã Ba Sao, huyện Cao Lãnh.

Đồng Tháp đang là cao điểm xuống giống lúa thu đông 2021 với diện tích 95.000 ha/120.000ha, đạt trên 80% kế hoạch. Các diện tích lúa hiện nay chủ yếu ở giai đoạn mạ, đẻ nhánh, làm đòng. Giai đoạn này rất cần con người chăm bón kỹ lưỡng như phun thuốc BVTV phòng ngừa sâu bệnh và bón phân để nuôi cây lúa, mới mong cuối vụ đạt năng suất cao.

Đặc biệt, trong thời gian giãn cách xã hội như hiện nay, nhiều nông dân làm ruộng xa lại ngại ra đồng vì sợ dịch bệnh, một phần phải có giấy xác nhận của địa phương cấp phép mới đi qua các chốt kiểm dịch.

Vì những trở ngại đó nhiều nông dân làm ruộng xa khác ấp, khác xã, khác huyện đã thuê các anh trong Tổ làm dịch vụ chăm sóc đồng ruộng thực hiện công việc trọn gói từ "A đến Z" các khâu như: làm đất, sạ lúa, cấy lúa, nhổ cỏ, bón phân, phun xịt thuốc BVTV cho lúa hay cho nước vào ruộng…; đến khi chủ ruộng thu hoạch lúa xong bán cho thương lái thì lúc đó đội nông vụ mới hoàn thành nhiệm và nhận tiền công thanh toán.

Tổ nông vụ ấp 3 được tạo điều kiện tiêm vacxin phòng ngừa Covid-19. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Tổ nông vụ ấp 3 được tạo điều kiện tiêm vacxin phòng ngừa Covid-19. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ông Nguyễn Văn Phước (60 tuổi) ở ấp 2 xã Ba Sao nhưng có ruộng ngoài xã canh tác 5 ha lúa thu đông được 50 ngày tuổi. Những ngày này đang thực hiện giãn cách xã hội, việc đi lại chăm sóc đồng ruộng ở thời điểm dịch bệnh như hiện nay rất khó khăn. Nếu đi 6-7km mới đến ruộng và phải qua nhiều trạm chốt kiểm dịch rất phiền hà. Từ khó khăn đó, ông đã liên hệ với Tổ nông vụ ấp 3 nhờ họ chăm sóc lúa thay cho gia đình.

Ông Phước cho biết, 5 ha ruộng của ông đến ngày bón phân và phun xịt thuốc chỉ cần điện thoại đặt lịch rồi lên ngày giờ, lúc đó anh em trong Tổ nông vụ đến làm trong ngày là xong. Nhờ đó "thân già này khỏe vô cùng", ông Phước phấn khởi cho biết.

Ngày trước mỗi khi tới vụ sạ lúa, ông Phước phải mất cả tháng trời làm đất, be bờ, tháo nước, sạ bằng tay, phun thuốc cò, thuốc ốc… rất vất vả mà hiệu quả không như mong muốn bởi canh tác dạng thủ công.

Từ khi có tổ dịch vụ áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất đã mang lại nhiều tiện ích như làm nhanh, đồng loạt, chi phí thấp, năng suất và chất lượng tăng.

Hiện nay, dịch bệnh diễn biến phức tạp, ông Phước không trực tiếp ra thăm đồng ruộng được nên nhờ anh em trong Tổ nông vụ chụp hình ảnh gửi qua zalo cho ông xem, thấy lúa xanh tốt, ít sâu bệnh, kỳ vọng cuối vụ lúa cho năng suất theo ý muốn.

"Từ khi có Tổ này ra đời, được nghe nhiều anh em khác khen làm rất kỹ và có trách nhiệm nên tôi tin tưởng giao cho họ làm. Thời buổi này khi cần bón phân, hay phun thuốc cho lúa chỉ cần điện thoại cho đại lý vật tư nông nghiệp gần nhà nhờ họ chở đến tận ruộng, sau đó anh em trong Tổ nông vụ tự làm cho mình.

Cuối vụ mới thanh toán tiền công, khoảng 3 triệu đồng/ha/vụ nếu đảm nhiệm các khâu từ A đến Z. Còn thuê họ làm từng khâu trong chăm sóc lúa sẽ tính theo giá thị trường hiện nay”, ông Phước nói.

Tổ nông vụ được tiêm đủ liều vacxin

Anh Nguyễn Chí Linh, Tổ trưởng Tổ nông vụ ấp 3, ở xã Ba Sao, huyện Cao Lãnh cho biết, tổ nông vụ ấp 3 được thành lập từ năm 2018, đội có 10 người đều trai tráng khỏe mạnh đảm nhiệm các khâu nặng nhọc.

Đặc biệt, Tổ nông vụ nằm trong lực lượng dân quân tự vệ của xã Ba Sao, được UBND xã cho phép hoạt động làm các khâu dịch vụ chăm sóc lúa cho người dân trong xã và các huyện lân cận.

Tổ nông vụ hoạt động chuyên nghiệp. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Tổ nông vụ hoạt động chuyên nghiệp. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Hiện nay trà lúa thu đông ở Cao Lãnh đang trong giai đoạn đẻ nhánh và làm đòng, chính là thời điểm cần nhân công chăm sóc lúa nhiều hơn nhằm đảm bảo năng suất cuối vụ. Vì vậy trong thời gian này Tổ nông vụ làm việc suốt từ sáng đến tối mới đảm bảo công việc.

Đối với khâu phun xịt lúa hay bón phân, bình quân mỗi ngày anh em trong đội có thể làm từ 5-6ha, đặc biệt ở khâu cấy dặm hay nhổ cỏ cho lúa sẽ tốn nhiều thời gian hơn.

Theo anh Linh, từ khi thực hiện Chỉ thị 16, việc đi lại của người dân càng khó khăn, nhất là việc ra đồng áng vì vậy những ngày này anh em được UBND xã tạo điều kiện cho tiêm ngừa vacxin phòng ngừa Covid-19 cho tất cả anh em trong Tổ nông vụ ấp 3 nhằm để thuận lợi đi lại và làm các dịch vụ chăm sóc lúa hộ cho những nông dân khác ở xa.

Bình quân mỗi vụ lúa Tổ nông vụ có thể đảm nhiệm nhận làm dịch vụ khoảng 800-900 công ruộng cho nông dân theo 2 hình thức là trọn gói hay thuê làm từng công đoạn chăm sóc trên đồng ruộng. Vì vậy thu nhập của anh em trong Tổ rất ổn định từ 6-7 triệu đồng/người/tháng.

Anh Trần Quốc Vàng, thành viên trong Tổ nông vụ ấp 3, cho biết, gia đình nghèo không có ruộng đất, từ khi cưới vợ đẻ con đến nay đều sống bằng nghề làm thuê nhưng việc thuê mướn ngày có ngày không nên thu nhập rất bấp bênh.

Từ khi tham gia vào Tổ nông vụ ấp 3 có công ăn việc làm ổn định hàng ngày, quan trọng là mình có sức khỏe làm nhiều thì có tiền nhiều để nuôi vợ con. Bình quân mỗi tháng anh tham gia vào tổ có thu nhập từ 6-7 triệu đồng giúp chăm lo cho gia đình.

Đa phần anh em nằm trong tổ đều trai tráng khỏe mạnh đảm nhiệm tốt các khâu nặng nhọc. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Đa phần anh em nằm trong tổ đều trai tráng khỏe mạnh đảm nhiệm tốt các khâu nặng nhọc. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ông Võ Văn Hậu, Chủ tịch Hội nông dân xã Ba Sao, huyện Cao Lãnh cho biết, hoạt động của Tổ nông vụ ấp 3 thời gian qua đã góp phần cùng địa phương thực hiện có hiệu quả công tác xóa đói giảm nghèo và góp phần vào việc xây dựng nông thôn mới.

Từ khi tổ dịch vụ đi vào hoạt động ổn định giúp năng suất của bà con nông dân địa phương được tăng lên thấy rõ. Nhờ vào tuân thủ đúng lịch thời vụ của ngành nông nghiệp đưa ra về việc xuống giống đồng bộ của nông dân thông qua Tổ nông vụ làm giúp nên nhiều năm nay sản xuất lúa nơi đây rất ít xuất hiện sâu rầy phá hại.

Ông Huỳnh Tất Đạt, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Tháp cho biết, Đồng Tháp là một trong những tỉnh có diện tích sản xuất lúa đứng thứ 3 ở ĐBSCL, thời gian gần đây tỉnh đang đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng chất lượng cao trong đó có cây lúa.

Đặc biệt, Đồng Tháp đang phát huy và nhân rộng cánh đồng lớn, đòi hỏi phải áp dụng cơ giới hóa đồng ruộng, xuống giống một lượt, thu hoạch cùng ngày nên rất cần những Tổ dịch vụ trọn gói làm nhiệm vụ chăm sóc lúa thuê cho nông dân, để phòng chống dịch bệnh và giải quyết tình trạng thiếu lao động vừa đảm bảo sản xuất nông nghiệp và chống dịch hiệu quả.

"Hiện tại tỉnh Đồng Tháp cũng mới triển khai thí điểm việc tiêm ngừa vacxin cho đội ngũ làm dịch vụ nông nghiệp ở huyện Cao Lãnh, song số lượng còn hạn chế. Vì vậy trong thời gian tới ngành nông nghiệp đang đề xuất với UBND tỉnh cần mở rộng tiêm ngừa vacxin phòng chống Covid-19 trên diện rộng cho người trực tiếp sản xuất nông nghiệp", ông Huỳnh Tất Đạt cho hay.

  • Tags:
Xem thêm
Có nhiều hộ chăn nuôi chủ quan với bệnh dịch trên động vật hoang dã

35% người chăn nuôi động vật hoang dã không nhận thức được nguy cơ lây bệnh từ những con vật này sang người. 

Hoàn thành chi trả bồi thường cho các hộ dân có bò sữa bị thiệt hại

Lâm Đồng Công ty Navetco đã hoàn thành chi trả tiền bồi thường cho 350/350 hộ dân ở Lâm Đồng có bò sữa bị thiệt hại với số tiền hơn 41 tỷ đồng vào ngày 21/12.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.