| Hotline: 0983.970.780

Kỷ niệm 90 năm ngày Khởi nghĩa Yên Bái (9/2/1930 - 9/2/2020)

Bài II: Những ngày cuối cùng của các lãnh tụ Việt Nam Quốc dân đảng

Thứ Năm 06/02/2020 , 08:38 (GMT+7)

Cuộc đời của các lãnh tụ Việt Nam Quốc dân đảng (VNQDĐ) Nguyễn Thái Học, Nguyễn Khắc Nhu, Phó Đức Chính thật ngắn ngủi.

Nguyễn Thái Học chỉ 28 tuổi, Phó Đức Chính mới 23 tuổi, người lớn tuổi nhất là Nguyễn Khắc Nhu cũng chỉ 48 tuổi, nhưng sự nghiệp và cái chết của họ thật lẫy lừng. Những ngày cuối cùng của cuộc đời họ thật lẫm liệt…

Sau cuộc Khởi nghĩa Yên Bái, ngày 15/2/1930 Nguyễn Thái Học chỉ huy khởi nghĩa ở Vĩnh Bảo và Phụ Dực. Do giặc Pháp đã đề phòng nên cuộc khởi nghĩa nhanh chóng bị dập tắt. Ngày 20/2/1930 Nguyễn Thái Học bị bắt tại ấp Cổ Vịt, Chí Linh, Hải Dương và giam tại Hỏa Lò trước khi dẫn lên Yên Bái hành hình.

11-10-45_h8
Báo Le Petit Parisen viết về Nguyễn Thái Học, Phó Đức Chính.

Ngày 28/3/1930 Hội đồng Đề hình họp xét xử các đảng viên VNQDĐ tại Yên Bái. Báo “Le Petit Parisen” (Người Paris nhỏ) ngày 17/6/1930 đã mô tả hình ảnh Nguyễn Thái Học trước Hội đồng Đề hình, ông không ngần ngại nhận hết trách nhiệm về mình: Vâng, năm 1927 tôi thành lập tổ chức VNQDĐ với mục đích:

Đánh đuổi thực dân Pháp ra khỏi đất nước tôi.

Thành lập một chính phủ An Nam trên căn bản tự do, dân chủ.

Kể từ hôm nay tôi xin nhận hoàn toàn trách nhiệm về biến cố sự kiện xảy ra trên đất nước này, chỉ có tôi và chính tôi đã thực hiện tất cả. Như vậy hành quyết một mình tôi là đủ. Tôi đòi hỏi và mong các quý vị ân xá cho tất cả các đồng chí của tôi.

Xin tuyên bố với các ông rằng! Nếu chính phủ Pháp muốn chiếm đóng Đông Dương được yên ổn, không bị chống đối bởi các phong trào cách mạng, thì từ nay các ông phải:

1- Bỏ tất cả các phương pháp, thủ đoạn tra tấn dã man.

2- Đối xử với người An Nam như bạn bè, chứ không như các ông chủ bạo tàn.

3- Giảm bớt tối đa về sưu cao thuế nặng, để người An Nam có được đời sống tinh thần, vật chất an vui, bằng cách khôi phục quyền căn bản của con người: Quyền tự do đi lại, quyền học hỏi mở mang kiến thức, quyền tự do hội họp, quyền tự do ngôn luận báo chí.

4- Không làm ngơ, thiên vị, đặc quyền cho công chức chính phủ và bao che sai trái của họ.

5- Hướng dẫn dân chúng phát triển thương mại và kỹ nghệ bản xứ.

Báo Pháp gọi Nguyễn Thái Học là “Đại Giáo Sư”, trên chuyến tàu hỏa đưa 13 đảng viên VNQDĐ lên Yên Bái hành quyết. Thường ngày Nguyễn Thái Học ít nói, nhưng hôm ấy ông biết mình sắp bị rơi đầu nhưng vẫn cười đùa vui vẻ không tỏ vẻ lo sợ. Cùng đi có vị cố đạo làm lễ rửa tội cho những ái quốc trước khi bước lên máy chém. Nguyễn Thái Học đã hỏi vị cố đạo: “Làm việc cứu quốc có phải là phạm vào một điều cấm trong Kinh thánh chăng?” khiến viên cố đạo không biết trả lời như thế nào.

11-10-45_h1
Máy chém các chiến sĩ Khởi nghĩa Yên Bái.

Bước lên pháp trường ông từ chối rửa tội, ông nói: Đấu tranh cho tự do, độc lập của dân tộc thì không có tội gì và hô vang “Việt Nam vạn tuế”. Nhà báo Pháp Louis Roubaud chứng kiến cuộc hành hình ngày 17/6/1930, 15 năm sau vẫn còn ám ảnh cuộc hành hình hình đó, ông viết: “Tôi nghe các nhà cách mạng cùng hô to trước khi bước lên đoạn đầu đài đã cho tôi thấy một lòng hăng hái, một sự tin tưởng gần như mê tín vào chủ nghĩa quốc gia của họ. Những tiếng hô đó đã làm cho tôi, một người ngoại quốc, cũng phải cảm động…”.

Sau Khởi nghĩa Yên Bái thất bại, Phó Đức Chính thoát vòng vây chạy về Sơn Tây liên lạc với các đồng chí để tiến hành công phá thành Sơn Tây nhưng bất thành, chiều 15/2/1930 ông bị bắt tại làng Nam An, tổng Cẩm Thượng, huyện Tùng Thiện, tỉnh Sơn Tây trong khi đang họp bàn cùng Cai Tân, Nguyễn Văn Khôi lên kế hoạch khởi nghĩa tại đây.

Trong phiên xử của Hội đồng Đề hình ngày 28/3/1930 ông tự nhận mình chỉ huy cuộc Khởi nghĩa Yên Bái nên bị khép tội xử tử, viên Chánh Hội đồng hỏi: Có chống án không? Ông đáp: “Làm một việc hỏng cả một việc rồi! Còn sống làm gì nữa mà chống án?”

Nhà báo Pháp Louis Roubaud đã gọi Phó Đức Chính là “Sự Chính Trực và Đạo Đức” (Droit et Vertu), ông nhận trách nhiệm, sát cánh bên cạnh vị “Đại Giáo Sư” như người phụ tá.

Trong chuyến tàu hỏa đêm 16/6/1930 đưa 13 đảng viên VNQDĐ lên Yên Bái hành hình Phó Đức Chính cười đùa vui vẻ nói với anh em: Đến Yên Bái chúng ta sẽ được đón tiếp long trọng lắm! Thế nào 4 anh Thịnh, Hoàng (Hoằng), Thuần, Thuyết chẳng đứng trực sẵn chúng ta ở sân ga? (Vũ Huy Phúc- Về cuộc khởi nghĩa chống pháp ở Yên Bái)

Khi bước lên máy chém ông đề nghị được nằm ngửa để xem lưỡi máy chém xuống như thế nào và hô vang "Việt Nam vạn tuế".

11-10-45_h7
Toàn cảnh khu tưởng niệm Nguyễn Thái Học.

Nguyễn Khắc Nhu lãnh đạo quân khởi nghĩa đánh đồn Hưng Hoá, chiếm phủ Lâm Thao đêm 9/2/1930. Theo kế hoạch, khi giành thắng lợi ở Yên Bái và Hưng Hoá hai nghĩa quân sẽ hội quân tại Hưng Hoá vượt bến Trung Hà tiến đánh đồn Thông ở Sơn Tây, hợp với quân của Phó Đức Chính.

Do không có nội ứng, vũ khí lại kém nên không đánh chiếm được đồn, nghĩa quân phải rút về Lâm Thao. Được sự chi viện của của quân Pháp từ Phú Thọ tiến đánh dữ dội, Nguyễn Khắc Nhu bị thương lại thiếu vũ khí và người chỉ huy nghĩa quân tan vỡ. Biết không chạy thoát, Nguyễn Khắc Nhu nằm đè lên hai quả lựu đạn rút chốt tự sát nhưng không thành ông bị giặc Pháp bắt. Chúng nhét ruột ông trở lại chở qua sông Thao, ông nhảy xuống sông tự tử, nhưng chúng vớt được nhốt vào nhà giam. Đêm 11/2 ông đập đầu vào tường tự tử để giữ trọn danh tiết của người quân tử Chết vì Tổ quốc chết vinh quang.

Trò chuyện với bà Nguyễn Thị Thúc- con gái nhà yêu nước Nguyễn Khắc Nhu năm bà 92 tuổi sống ở Yên Bái, bà kể: Khi chỉ huy đánh đồn Hưng Hóa ông vẫn đội khăn xếp, nên chúng nhằm bắn ông.

Khi ông bị thương, đồng đội cõng ông ra ngoài, ông bảo: Hãy để tôi ở lại chiến đấu với anh em, nếu chết thì cùng chết với anh em. Do bị thương ông không chạy được sau khi tự sát không thành nên ông bị giặc bắt giam.

Ngay trong đêm ông đâm đầu vào tường nhà giam tự tử, chúng vội đem xác ông ra một bãi đất rộng chôn rồi dùng bừa bừa đi bừa lại để không thấy dấu tích. Gia đình đã nhiều lần đi tìm hài cốt ông nhưng không thấy...

Xem thêm
Quy Nhơn đăng cai giải đua mô tô nước thế giới

Từ ngày 22-24/3, tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định) sẽ diễn ra Giải đua mô tô nước thế giới UIM-ABP Aquabike World Championship với sự tham gia của hơn 60 vận động viên…

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc với tỷ số 1-1 ở lượt trận thứ 3 vòng bảng tại vòng loại World Cup 2026.

HLV Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam

Ông Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam và chính thức không còn nắm giữ vị trí HLV trưởng của đội bóng sau trận thua muối mặt trước tuyển Indonesia.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất