| Hotline: 0983.970.780

Kỷ niệm 90 năm ngày Khởi nghĩa Yên Bái (9/2/1930 - 9/2/2020)

Bài I: Chết vì Tổ quốc chết vinh quang

Thứ Tư 05/02/2020 , 09:03 (GMT+7)

Cuộc Khởi nghĩa Yên Bái diễn ra đêm 9 rạng ngày 10/2/1930 do Việt Nam Quốc Dân Đảng (VNQDĐ) lãnh đạo và tổ chức cách nay đúng 90 năm.

10-56-26_1
Nguyễn Thái Học sau khi bị bắt giam ở nhà tù Hỏa Lò mặc áo có số tù.

Cuộc khởi nghĩa thất bại và bị dìm trong biển máu, 17 đảng viên VNQDĐ đã bị giặc Pháp chém đầu, nhưng khí phách hiên ngang của họ đã khiến bao thế hệ phải cúi đầu. Như Nguyễn Thái Học- lãnh tụ Khởi nghĩa Yên Bái đã nói: “Chết vì Tổ quốc chết vinh quang”…
 

Trước đêm cuộc khởi nghĩa

Đêm 25/12/1927, nhóm trí thức yêu nước Nam Đồng Thư Xã đứng đầu là Nguyễn Thái Học đứng ra thành lập VNQDĐ. Chỉ sau hai năm VNQDĐ đã phát triển lên tới cả ngàn đảng viên, có 120 chi bộ ở khắp các tỉnh, thành: Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Phú Thọ, Bắc Ninh, Sơn Tây, Yên Bái…trong đó có cả trong các đơn vị binh lính.

Sau khi tên trùm mộ phu Bazin bị ám sát, thực dân Pháp đã truy lùng ráo riết, bắt bớ nhiều đảng viên VNQDĐ từ Trung ương đến địa phương, tổ chức đảng có nguy cơ tan vỡ.

Tháng 9/1929, Nguyễn Thái Học tổ chức hội nghị tại làng Võng La (Phú Thọ) để kiểm điểm lại lực lượng và phân công nhiệm vụ cho cuộc khởi nghĩa với câu nói nổi tiếng của Nguyễn Thái Học: “Không thành công cũng thành nhân”. Theo sự phân công, Nguyễn Thái Học phụ trách các tỉnh miền xuôi: Hải Phòng, Kiến An, Hải Dương, Phả Lại…, Nguyễn Khắc Nhu phụ trách các tỉnh miền núi: Yên Bái, Phú Thọ…, Phó Đức Chính phụ trách đánh đồn Thông, một đại bản doanh của Pháp tại Sơn Tây.

10-56-26_2
Đền Tuần Quán nơi các đảng viên VNQDĐ hội quân chiều 9/2/1930 trước khi khởi nghĩa.

Tết Nguyên đán năm 1930, đền Tuần Quán gần thị xã Yên Bái mở hội linh đình, thu hút nhiều khách thập phương từ khắp nơi kéo đến dự lễ hội. Trên chuyến tàu lửa xuống ga Yên Bái chiều 9/2/1930 có nhiều đảng viên VNQDĐ cải trang là khách đi hội đền, họ mang súng, dao găm, lựu đạn, bom tự chế…đặt dưới các thúng bánh chưng, hoa quả cho đêm khởi nghĩa.
 

Đêm khởi nghĩa

Tối 9/2 trước khi khởi nghĩa, một hội nghị quân sự được tổ chức tại đồi Sơn ở thị xã Yên Bái thống nhất giờ khởi nghĩa và phân công nhiệm vụ cho từng đảng viên.

Đúng 1 giờ sáng ngày 10/2/1930 nghĩa quân khởi nghĩa chia thành 3 toán, toán thứ nhất phối hợp với lính khố đỏ đánh chiếm trại lính lớn ở đồn Dưới, giết bọn sĩ quan tại nhà riêng, chiếm kho vũ khí phân phát cho nghĩa quân. Toán thứ hai tiến đánh đồn Cao, giết sĩ quan chỉ huy và cướp trại. Toán thứ 3 xông vào nhà riêng các sĩ quan nằm giữa trại lính tiêu diệt chúng.

Nghĩa quân mang theo dao găm, súng lục và bom tự chế đến gõ cửa từng nhà nói là có mật lệnh của trung tá Tacon rồi bất ngờ hạ sát. Quan ba Jourdan, quan một Robert bị tiêu diệt ngay tại chỗ, quan ba Gainza, quan hai Reul thì bị thương nặng. Trên đồn Cao tên Quản Cunéo và tên Đội Sevalier bị bóp cổ và đâm chết ngay tại trận. Còn các tên Renaudet, Rolland, Troutox bị thương nặng.

Toàn bộ sĩ quan và hạ sĩ quan ở hai đồn binh này đều bị giết hoặc bị thương, trung tá tư lệnh Tacon sau khi nghe tiếng súng nổ đã kịp chui xuống hầm trú ẩn nên thoát chết, ngoài ra còn một viên hạ sĩ quan da đen cũng thoát được bàn tay của nghĩa quân.

Nối giữa đồn Cao và đồn Dưới là một hầm ngầm, nghĩa quân chỉ chiếm được trại cơ số 7 của đồn Cao, đại đa số binh lính trại cơ này không hưởng ứng khởi nghĩa lên chạy lên trại cơ số 8, cùng với các binh lính trại cơ số 5 và số 6 đồn Dưới chạy lên dưới sự chỉ huy của trung tá Tacon phản công lại.

10-56-26_6
Du khách tới thắp hương trên khu mộ Nguyễn Thái Học.

Lực lượng nghĩa quân mỏng lại không có người chỉ huy, mặc dù nghĩa quân đã nhiều lần mở các đợt tấn công lên đồi Cao nhưng bị binh lính của Tacon đánh bật trở lại. Những người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa như Trần Văn Liên, Nguyễn Văn Khôi lần lượt rút lui, nghĩa quân rơi vào tình trạng vô tổ chức, hỗn loạn. Nhiều người chiến đấu dũng cảm như Ngô Hải Hoàng, Nguyễn Văn Thuyết...đã bị bắt sau khi binh lính của Tacon chiếm lại trận địa.

Cuộc khởi nghĩa chỉ sau một đêm đã thất bại, hàng chục binh lính và đảng viên VNQDĐ bị bắt giam.

Cuộc khởi nghĩa ở các tỉnh miền xuôi do Nguyễn Thái Học chỉ huy nổ ra sau 5 ngày dự định ở các địa phương: Phụ Dực, Vĩnh Bảo, Ninh Giang, Hải Dương, Phả Lại, Kiến An và Hải Phòng.

Nhưng khởi nghĩa chỉ nổ ra ở Vĩnh Bảo và Phụ Dực do toán quân của Trần Văn Riệu và Đào Văn Thê cầm đầu, chỉ thu được một số thắng lợi đã bị quân Pháp phản công dập tắt. Lãnh tụ VNQDĐ Nguyễn Thái Học không thể trốn thoát bị giặc Pháp bắt tại Cổ Vịt, Hải Dương.
 

Hiên ngang bước lên máy chém

Khởi nghĩa Yên Bái thất bại, hàng loạt đảng viên VNQDĐ bị bắt bớ, trong đó có các lãnh tụ: Nguyễn Thái Học, Nguyễn Khắc Nhu, Phó Đức Chính…

Sau cuộc Khởi nghĩa Yên Bái, Hội đồng Đề hình của Pháp đã tổ chức 7 phiên tòa tại những nơi xảy ra khởi nghĩa xét xử 618 bị cáo, trong đó có 35 bị cáo bị tử hình.

Tại Yên Bái, chúng tổ chức hai đợt tử hình trước sân đồn Dưới, đợt thứ nhất vào ngày 8/5/1930 có 4 đảng viên VNQDĐ phải lên máy chém là: Ngô Hải Hoằng (có sách ghi là Ngô Hải Hoàng), Nguyễn Thanh Thuyết, Đặng Văn Lương (có sách ghi Đặng Văn Lung), Đặng Văn Tiệp (có sách ghi Đặng Văn Tiếp).

10-56-26_3
Toàn cảnh cuộc hành hình ngày 17/6/1930, Nguyễn Thái Học (áo trắng) bị dẫn lên máy chém.

Đợt tử hình thứ hai vào ngày 17/6/1930, có 13 đảng viên VNQDĐ bị tử hình, trong đó có Nguyễn Thái Học và Phó Đức Chính. Trước khi bước lên máy chém, tất cả 13 chiến sĩ đều hiên ngang, bình thản bước lên đoạn đầu đài mà không hề ân hận trước việc mình làm.

Phó Đức Chính yêu cầu đặt mình nằm ngửa để nhìn thấy lưỡi máy chém và hô vang “Việt Nam vạn tuế”, khi đó Phó Đức Chính mới 23 tuổi. Nguyễn Thái Học là người bước lên máy chém sau cùng, chúng mời rượu nhưng Nguyễn Thái Học từ chối, ông cầm điếu thuốc lá vừa chậm rãi bước lên máy chém nhìn xuống những binh lính và tất cả những người xung quang thong thả đọc hai câu thơ bằng tiếng Pháp: “Chết vì Tổ quốc chết vinh quang/ Lòng ta sung sướng, chí ta nhẹ nhàng”. Sau khi đọc xong hai câu thơ đó ông hô vang “Việt Nam vạn tuế”.

Những người già ở Yên Bái tham dự cuộc hành hình đó kể lại: Khi đầu của Nguyễn Thái Học rơi xuống đất, máu từ cổ ông phun lên trời như hình cầu vồng trong buổi sáng mùa hè đỏ rực như lửa, mắt ông mở trừng trừng, môi mấp máy như định nói tiếp một câu gì đó.

Khu lăng mộ và tượng đài Nguyễn Thái Học và các vị tiên liệt VNQDĐ được tỉnh Yên Bái khởi công xây dựng trong công viên Yên Hòa ngày 17/6/2000 nhân kỷ niệm 70 năm ngày Nguyễn Thái Học và các chiến sĩ VNQDĐ bước lên đoạn đầu đài.

Tượng đài Nguyễn Thái Học và các lãnh tụ VNQDĐ giữa công viên Yên Hòa.

Nơi 17 vị anh hùng yên nghỉ nằm bên hồ Cô Giang- Nguyễn Thị Giang, người đồng chí, bạn đời của Nguyễn Thái Học- được các nhà kiến trúc xây dựng 17 cột trụ liên kết bằng vòng tròn không khép kín, biểu hiện sự nghiệp dở dang, không toàn vẹn của cuộc khởi nghĩa. Trên vòng tròn đó ghi câu nói nổi tiếng của Nguyễn Thái Học: “Không thành công cũng thành nhân”.

Tỉnh Yên Bái đã nhiều lần tu bổ khu lăng mộ Nguyễn Thái Học, năm 2019 nhân kỷ niệm 89 năm ngày Khởi nghĩa Yên Bái, một lần nữa khu di tích lịch sử Nguyễn Thái Học được mở rộng trên diện tích rộng hơn 30 ha, trong đó xây dựng nhà tưởng niệm để phục vụ người dân và du khách đến tham quan và tưởng nhớ các vị tiên liệt đã hy sinh vì nền độc lập, tự do của nước Việt Nam hùng cường.

Xem thêm
Thông tin mới chuyên án tiếp viên hàng không xách ma túy từ Pháp về

Công an TPHCM tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh, mở rộng chuyên án; lần theo dòng chảy ma túy để khui từng vỏ bọc của các 'ông trùm' ma túy.

VFF phạt nặng Nguyễn Xuân Nam và Vũ Văn Sơn

Ban kỷ luật VFF đã chính thức đưa ra án phạt. Theo đó, cả Nguyễn Xuân Nam và Vũ Văn Sơn đều bị phạt 20 triệu đồng và treo giò 4 trận

Hàng trăm thú cưng đọ tài sắc tại Vietnam Pet Festival 2024

TP.HCM Ngày 29/6, hàng trăm chó mèo được chủ nhân đưa đến Vietnam Pet Festival 2024 tổ chức tại quận 12 để tham gia các cuộc thi sắc đẹp, thi thời trang.