Tham dự hội thảo có đại diện lãnh đạo CIAT, các Sở NN-PTNT các tỉnh khu vực phía Nam, các Viện, trường và các nhà khoa học, nhà nông dân tiêu biểu.
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh, hiện tỉnh có diện tích trồng khoai mì lớn thứ hai cả nước sau Gia Lai nhưng năng suất đứng nhất cả nước. Diện tích hiện hữu vào khoảng 59 nghìn ha, chiếm 22,1% tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp của tỉnh.
Tính đến ngày 18/3/2022, tổng diện tích sản xuất khoai mì còn trên đồng 46.613 ha; diện tích nhiễm bệnh khảm lá còn trên đồng là 36.968 ha chiếm 79,3% diện tích khoai mì còn trên đồng của tỉnh.
Trong năm 2022, tỉnh Tây Ninh đã triển khai mô hình trồng thâm canh khoai mì, với tổng diện tích 6 ha, sử dụng giống kháng bệnh khảm lá HN3 và HN5, thực hiện tại huyện Châu Thành, Tân Châu và Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh.
Đồng thời, phối hợp với Trung tâm nghiên cứu thực nghiệm Nông nghiệp Hưng Lộc khảo nghiệm 7 giống khoai mì mới kháng bệnh khảm lá, hiện khoai mì được gần 4 tháng, đang giai đoạn phát triển tia củ; phối hợp với Viện Di Truyền khảo nghiệm đánh giá tính thích nghi của giống khoai mì HN1 và thực hiện nhân nhanh giống khoai mì HN3 và HN5 bằng phương pháp nhân giống trong nhà màng để thay thế các giống khoai mì đang bị bệnh nặng.
Ông Nguyễn Đình Xuân - Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh cho biết, nông dân Tây Ninh đã thích nghi rất nhanh, ngay từ khi dịch khảm lá sắn xuất hiện và bùng phát suốt thời gian vừa qua. Ngay khi bệnh khảm lá sắn xuất hiện từ năm 2017, chính quyền và nông dân Tây Ninh đã đồng lòng thực hiện quyết liệt chính sách “zero dịch bệnh”. Tuy nhiên, khảm lá sắn là loại dịch bệnh mới, nguy hiểm và có tốc độ lây lan nhanh. Tỉnh Tây Ninh đã tìm giải pháp sống chung với dịch bệnh. “Song song, với đó là hàng loạt giải pháp được tiến hành đồng bộ nhằm ứng phó và tìm kiếm giống sắn sạch bệnh.
“Bên cạnh 2 giống đã được Bộ NN-PTNT công nhận là HN3 và HN5, hiện địa phương còn 4 giống nữa sắp được công nhận. Trong đó có giống HN1 rất triển vọng, có thể đạt năng suất củ lên đến 50 tấn/ha với hàm lượng tinh bột trên 30 chữ và hoàn toàn kháng khảm”, ông Xuân khẳng định.
Ông Xuân cho biết thêm, các giống sắn này vẫn cần tiếp tục nghiên cứu về các chỉ số khác. Ví dụ, ngoài kháng bệnh khảm lá sắn, các giống đó có kháng được các bệnh khác, như bệnh chổi rồng, bệnh xì mủ trên thân, bệnh thúi củ... Khi đã có các thông số thật tốt, ngành nông nghiệp mới giới thiệu cho người dân cùng với quy trình đi kèm, không chỉ Tây Ninh mà có thể ra cả nước.
Phát biểu tham luận tại hội thảo, ông Nguyễn Hoàn - Chủ tịch Hội VAC tỉnh Tây Ninh chia sẻ, nguyên nhân bệnh khảm lá do virus bọ phấn trắng gây ra, bên cạnh công tác nghiên cứu lai tạo giống kháng khảm, giải pháp căn cơ làm sao có biện pháp phòng trừ bệnh hiệu quả, các nhà khoa học cần nghiên cứu phương pháp phòng trừ bệnh. Nếu chỉ tập trung tìm giống mà không tìm ra biện pháp phòng trừ bệnh thì rất có khả năng chúng sẽ biến chủng và tiếp tục lây lan.
Đại diện Cục BVTV của Bộ NN-PTNT cho rằng, vì sao tới thời điểm này, chúng ta vẫn chưa kiểm soát được dịch khảm, đúc kết những vấn đề thực hiện trong những năm vừa qua, nguyên nhân là do ở một số địa phương còn xuất hiện thực trạng canh tác lạc hậu, chưa chú trọng các biện pháp phòng chống dịch bệnh, chính quyền và người dân còn lơ là chủ quan, chưa đánh quá hết nguy hại của dịch. Đặc biệt công tác mua bán giống chưa được kiểm soát chặt chẽ, hiện tượng mua bán giống trôi nổi, tràn lan.
Cục BVTV đề xuất, hiện chúng ta đã tìm ra được một số giống kháng khảm, các đơn vị nghiên cứu cần chuyển giao cho các doanh nghiệp uy tín, đủ năng lực để nhân nhanh giống. Chính quyền địa phương nâng cao nhận thức cho người nông dân, về phía Cục sẽ tăng cường kiểm dịch nội địa và chung tay cùng người nông dân về biện pháp kỹ thuật canh tác an toàn từng bước đẩy lùi dịch bệnh.
Theo GS-TS Lê Huy Hàm - Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp, để tạo ra một giống mới thường phải mất 7-10 năm. Thế nhưng, chúng ta chỉ mất 3 năm để tìm ra được các giống mới đạt tốc độ kỷ lục.
“Trong nỗ lực chung, hướng hợp tác quốc tế trong sản xuất, nghiên cứu tạo giống sắn đã góp phần quan trọng trong việc tạo ra các giống kháng bệnh hiện nay. Cụ thể là sự hợp tác giữa chính quyền tỉnh Tây Ninh với các ngành chức năng của Bộ NN-PTNT, các viện nghiên cứu và Trung tâm Nông nghiệp nhiệt đới quốc tế CIAT”, GS-TS Lê Huy Hàm nói.
Ông Trần Văn Chiến - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh cho rằng, sắn là cây trồng truyền thống mang lại hiệu quả kinh tế cao so với nhiều cây trồng khác ở địa phương. Dịch khảm lá sắn xuất hiện đã ảnh hưởng nặng đến ngành sắn cả nước. Việc tạo ra sự đột phá về năng suất, sản lượng, vừa phải mang lại lợi ích bền vững cho cây sắn trong lương lai là vấn đề cấp thiết.
“Hội thảo lần này là hoạt động có ý nghĩa nhằm đánh giá bộ gen giống sắn kháng bệnh khảm lá; xây dựng hoạt động nghiên cứu nhằm ứng phó với các loại dịch bệnh nguy hiểm hơn trong tương lai. Từ đó đề ra các giải pháp phát triển bền vững cây sắn cho khu vực Nam bộ”, ông Chiến chia sẻ.
Trước đó, UBND tỉnh Tây Ninh phối hợp Trung tâm Nông nghiệp Nhiệt đới Quốc tế (CIAT) tổ chức đi thăm các mô hình canh tác giống sắn mới kháng khảm thành công và mô hình nhân giống bằng phương pháp nhà màng tại huyện Tân Châu.
Theo CIAT, hoạt động lần này nhằm mục đích đánh giá bộ gen giống mì kháng bệnh khảm lá, tạo cơ sở tiếp tục xây dựng hoạt động nghiên cứu để ứng phó với các loại bệnh nguy hiểm hơn trên cây khoai mì có thể xảy ra trong tương lai, giới thiệu công nghệ nhân giống nhanh và đề ra các giải pháp phát triển cây khoai mì bền vững cho khu vực Nam bộ.
Các hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án thiết lập các giải pháp xử lý bệnh trên cây khoai mì tại các nước khu vực Đông Nam Á do Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp quốc tế Úc (ACIAR) tài trợ trong giai đoạn 2019-2023.