Tây Ninh là nơi có diện tích trồng sắn đứng thứ 2 cả nước và năng suất cao nhất nước. Tổng diện tích trồng sắn (mì) trên địa bàn tỉnh (tính đến tháng 11/2021) là 46.890 ha. Tuy nhiên, hiện toàn tỉnh có 42.694 ha bị nhiễm khảm lá, chiếm 91% diện tích gieo trồng.
Nhằm giúp người trồng sắn tìm ra giải pháp phòng trừ bệnh khảm lá hiệu quả, năm 2021, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tây Ninh phối hợp Trung tâm Nghiên cứu Thực nghiệm Nông nghiệp Hưng Lộc triển khai Dự án Khuyến nông: "Xây dựng mô hình sản xuất giống sạch bệnh, thâm canh, quản lý tổng hợp phòng trừ bệnh khảm lá sắn do virus gây hại tại vùng trồng sắn trọng điểm" với diện tích 20 ha trên địa bàn xã Thạnh Đông, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh với sự tham gia của 6 hộ dân.
Giống sắn xây dựng mô hình là giống KM140 sạch bệnh. Các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ 50% chi phí hom giống, 50% chi phí vật tư phân bón. Đồng thời được tập huấn chuyển giao các kỹ thuật phòng trừ dịch hại, thâm canh bền vững.
Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện dự án, cán bộ kỹ thuật thường xuyên theo dõi kiểm tra, giám sát các mô hình trên ruộng của nông dân. Ngoài ra, Dự án cũng tổ chức tập huấn chuyển giao các kỹ thuật phòng trừ dịch hại, thâm canh bền vững cho 100 nông dân trong và ngoài mô hình.
Theo bà Nguyễn Thị Thúy An, cán bộ Trung tâm Nghiên cứu Thực nghiệm Nông nghiệp (thuộc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tây Ninh), dự kiến năng suất củ tươi đến thời điểm thu hoạch ước tính đạt 35 tấn/ha. Tuy nhiên, giống sắn KM140 không phải là giống kháng bệnh, do đó các biện pháp kỹ thuật hiện nay chưa thể kiểm soát bệnh hoàn toàn trong suốt mùa vụ.
Do đó, Trung tâm tiếp tục theo dõi tình hình sinh trưởng, phát triển của cây sắn cho đến hết mùa vụ, ghi nhận và đánh giá năng suất, hiệu quả kinh tế sau khi thu hoạch, tùy thuộc vào kết quả, Trung tâm sẽ quyết định nhân rộng mô hình..