Những năm qua, cây sắn ở Bình Định thường xuyên bị bệnh khảm lá tấn công, gây thiệt hại cho nông dân. Đến đầu tháng 6/2021, trên địa bàn đã có 364 ha sắn bị bệnh khảm lá, tập trung ở các huyện Vĩnh Thạnh, Tây Sơn, Phù Cát, Vân Canh và Thị xã Hoài Nhơn, trong đó có 1 số diện tích bị bệnh nặng.
Bệnh khảm lá sắn ở Bình Định đang lây lan rất nhanh qua môi giới truyền bệnh là bọ phấn trắng và qua hom giống. Theo dự báo của Sở NN-PTNT, trong thời gian tới, bệnh khảm lá sắn sẽ tiếp tục lây lan, gia tăng cả diện tích và tỷ lệ gây hại.
Thị xã Hoài Nhơn, địa phương hiện đang trồng đến 1.800 ha sắn, trong 2 tháng gần đây, nhiều diện tích sắn trên địa bàn bị bệnh khảm lá nặng đến không phát triển nổi. Cộng dồn nhiều đợt kiểm tra, đến nay trên địa bàn đã có hàng trăm ha sắn bị bệnh khảm lá.
"Hiện có nhiều ruộng sắn trên địa bàn nhìn thấy thảm lắm, cây lùn tịt không phát triển nổi. Mấy năm trước bệnh khảm lá sắn cũng có xảy ra, nhưng tỷ lệ gây hại ít thôi, chứ không nặng như năm nay. Có lẽ do thời tiết năm nay nắng nóng gay gắt kéo dài nên bệnh khảm lá sắn phát sinh mạnh”, bà Trương Thị Thý Ức, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã Hoài Nhơn cho hay.
Cũng theo bà Ức, cây sắn ở Hoài Nhơn hầu hết được trồng giống KM94 và KM196. Đây là những giống sắn bà con đã đưa vào sản xuất từ rất lâu. Ban đầu, 2 giống sắn nói trên không phát sinh bệnh khảm lá, nhưng về sau này, do giống đã thoái hóa nên bị bệnh xâm nhập. Ban đầu bệnh nhẹ, càng về sau càng tăng dần cả về diện tích nhiễm bệnh lẫn tỷ lệ gây hại.
"Những diện tích sắn đã nhiễm bệnh nặng hiện bà con bỏ mặc, không chăm sóc nữa, bởi nhìn cây sắn thấy phát ớn thì chắc chắn không cho củ. Những diện tích chưa nhiễm bệnh, ngành chức năng hướng dẫn bà con tích cực chăm sóc theo hướng dẫn của Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh để cứu được phần nào hay phần đó”, bà Trương Thị Thúy Ức bộc bạch.
Ở huyện Phù Cát, cây sắn là cây trồng chính của nông dân, chỉ đứng sau cây lúa và đậu phộng (lạc) với diện tích canh tác hàng năm lên đến 3.500 - 3.600 ha, tập trung tại các xã Cát Sơn, Cát Hiệp, Cát Lâm, Cát Trinh và Cát Hanh.
100% diện tích sắn ở huyện Phù Cát đều sử dụng giống KM94. Theo ông Lương Văn Khoa, Phó trưởng phòng NN-PTNT huyện, hiện nhiều diện tích sắn ở địa phương này đang bị bệnh khảm lá tấn công mạnh. “Bệnh khảm lá sắn là do vi rút gây ra nên rất khó trị, chỉ khi thay thế giống thì may ra mới ngăn chặn được bệnh này”, ông Khoa chia sẻ.
Theo ông Kiều Văn Cang, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Định, về giải pháp phòng bệnh khảm lá sắn, ngành chức năng hướng dẫn nông dân không vận chuyển thân, lá sắn ra khỏi nơi nhiễm bệnh; kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển thân, lá sắn trên địa bàn cũng như vận chuyển từ nơi khác đến.
Tuyệt đối không trồng giống HLS11, bởi đây là giống sắn ngoài cơ cấu, bị nhiễm bệnh nặng. Không lấy những cây sắn bị nhiễm bệnh để làm giống, chỉ chọn hom giống từ những ruộng sắn khỏe mạnh, sạch bệnh để trồng.
Đối với diện tích sắn đã nhiễm bệnh, trong quá trình làm cỏ, bón phân cần hạn chế tạo vết thương cho cây sắn, vì virus có khả năng lây lan từ cây bệnh sang cây khỏe qua các vết thương do dụng cụ làm vườn gây ra. Không trồng sắn hoặc cây ký chủ của bọ phấn, ví như cây cà chua, cà pháo, bầu bí, ớt… ở những vùng sắn đã bị bệnh khảm lá ít nhất 1 vụ.
“Ngoài ra, nông dân cần phòng trừ môi giới truyền bệnh là bọ phấn trắng bằng cách sử dụng bẫy dính vàng treo trên các cọc tre hoặc gỗ cao hơn ngọn cây sắn khoảng 20-30 cm để thu hút bọ phấn. Khi sử dụng bẫy phải thường xuyên kiểm tra, thay bẫy mới, để phát huy hiệu quả nếu bẫy cũ đã dính nhiều bọ phấn, côn trùng khác”, ông Kiều Văn Cang cho hay.
“Sở NN-PTNT Bình Định vừa có văn bản đặt hàng Sở KH-CN, UBND tỉnh Bình Định cũng đã phê duyệt bổ sung nhiệm vụ ngành KH-CN cấp tỉnh thực hiện trong năm 2021 với đề tài “Nghiên cứu hoàn thiện quy trình và thiết lập hệ thống nhân nhanh giống sắn sạch bệnh khảm lá bằng phương pháp nhân chồi”.
Việc thực hiện đề án này là cần thiết, nhằm giải quyết vấn đề cấp bách về giống sắn thay thế, bổ sung kịp thời vào các biện pháp xử lý phòng trừ bệnh khảm lá trên cây sắn, phù hợp với chủ trương của UBND tỉnh về việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh khảm lá sắn”, ông Kiều Văn Cang, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Định.