Tiên tiến nhất Việt Nam
Ngày 22/9, Bộ NN-PTNT tổ chức buổi lễ bàn giao 3 công trình kiểm soát mặn, ngọt gồm: cống Bông Bót, Tân Dinh và Vũng Liêm cho hai địa phương Trà Vinh và Vĩnh Long. Đặc biệt, các công trình được bàn giao đúng thời điểm sắp diễn ra Đại hội Đảng bộ tỉnh có ý nghĩa quan trọng đối với các địa phương.
Các công trình trên thuộc Tiểu dự án 6 hợp phần 3 “IDA kiểm soát nguồn nước, thích ứng với biến đổi khí hậu vùng Nam Măng Thít” thuộc dự án chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững vùng ĐBSCL.
Tổng mức đầu tư toàn dự án khoảng 746 tỷ đồng. Các công trình đưa vào vận hành đã giúp kiểm soát mặn và triều cường, tạo ra nguồn nước sạch tiêu úng, cải tạo đất cho trên 28.000 ha diện tích đất tự nhiên của hai tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh.
Ông Lê Hồng Linh, Giám đốc Ban quản lý và đầu tư xây dựng công trình thuỷ lợi 10, cho biết: Cống Bông Bót, Tân Dinh, Vũng Liêm ứng dụng công nghệ vận hành tiên tiến. Trong đó, có van kiểu clape trục dưới đóng mở bằng xi lanh thuỷ lực lớn nhất ở Việt Nam.
Ông Lê Hồng Linh cũng kiến nghị Bộ NN-PTNT tiếp tục bố trí vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2025 để nâng cao năng lực, hoàn thiện hệ thống đảm bảo chủ động kiểm soát nguồn nước, cấp nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt của người dân vùng Nam Măng Thít trên địa bàn Vĩnh Long, Trà Vinh với diện tích trên 200.000 ha.
Phát biểu tại buổi lễ bàn giao, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đã biểu dương chính quyền, người dân địa phương tạo thuận lợi nhất về mặt bằng; Ban quản lý đầu tư và xây dựng thuỷ lợi 10 đã tập trung sớm thi công vượt tiến độ hoàn thành các công trình trước tiến độ từ 6 tháng trở lên.
“Năm ngoái, chúng ta đã đưa vào sử dụng một phần công trình trong dịp hạn cuối năm 2019, đầu năm 2020. Năm nay, chính thức hoàn thiện cơ bản toàn bộ. Đây là một cố gắng lớn nhằm thích ứng trước tác động của biến đổi khí hậu. Các cống này sẽ điều tiết được một phần cơ bản cho một vùng dân sinh khoảng 1,4 triệu người. Bước đầu, 3 công trình này đưa vào sử dụng đã phát huy được tác dụng tốt”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Trà Vinh.
Qua kết quả bước đầu, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị Ban quản lý công trình xây dựng thuỷ lợi 10, Công ty TNHH MTV Công trình thuỷ lợi Trà Vinh phối hợp chặt chẽ với tỉnh Vĩnh Long để trước mắt vận hành hai cống Tân Dinh, Bông Bót được tốt nhất nhất, đúng quy trình. Thống nhất giữa hai tỉnh để không bị xung đột về nguồn nước, ranh mặn.
Các công trình này có nhiều ứng dụng mới, tiên tiến, Bộ trưởng đề nghị Ban quản lý đầu tư và xây dựng thuỷ lợi 10 bàn giao nhưng phải có trách nhiệm phối hợp cùng với ngành nông nghiệp hai tỉnh vận hành tốt nhất, tích cực nhất.
Năm 2021: Tiếp tục chống hạn với 3 mục tiêu
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, thời gian tới đây, tình hình xâm nhập mặn ngày càng khắc nghiệt hơn do tác động của dòng chảy thượng nguồn rất cực đoan, do các quốc gia sử dụng nước thượng nguồn vào kinh tế, thuỷ điện, chia sẻ nguồn nước. Thậm chí tới đây, còn cực đoan hơn do dòng chảy mùa khô của sông Mê Kông càng giảm.
Do đó, ngoài 3 công trình này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu tất cả công trình thuỷ lợi cũ, các cống, đê... cần được rà soát lại trên cơ sở đó có nhũng kiến nghị tiếp theo để chủ động thích ứng.
Bên cạnh các giải pháp cứng là công trình thì các giải pháp mềm mới là quan trọng như tổ chức lại sản xuất dựa trên căn cứ vào nguồn tài nguyên nước, phân chia các vùng mặn, ngọt, lợ. Xu hướng là các cây trồng cạn tốn ít nhiều nước ngọt, lĩnh vực chăn nuôi, thuỷ sản… cho giá trị cao.
Bên cạnh các thiết chế công trình, Bộ trưởng cho rằng giải pháp căn cơ nhất vẫn là tính toán lại dựa trên cơ cở cân đối nguồn nước để bố trí cơ cấu sản xuất giữa cây trồng vật nuôi, giữa cây trồng cạn với cây trồng nước... tuỳ theo từng vùng, từng mùa vụ.
Cũng theo Bộ trưởng, tiến trình tái cơ cấu nông nghiệp nói chung ở ĐBSCL theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu, theo tinh thần của Nghị quyết 120 của Chính phủ. Tới đây, Bộ NN-PTNT sẽ tiếp tục phối hợp các địa phương vùng ĐBSCL hoàn thiện tiếp những cơ sở hạ tầng thuỷ lợi nhằm đáp ứng những điều kiện tái cơ cấu đó.
Riêng mùa hạn, mặn 2021 sắp tới, Bộ trưởng cho biết nguồn nước ở thượng nguồn năm nay so với bình quân nhiều năm tiếp tục hụt mà mùa mưa chỉ còn hơn một tháng nữa. Mực nước hiện nay ở Tân Châu thấp hơn cùng kỳ 30-40%, dự báo tháng 1,2,3 năm 2021 tới sẽ tiếp tục hạn. Vì vậy, bây giờ cần lên kế hoạch ứng phó.
Vụ đông xuân tới tinh thần chỉ đạo chung của Bộ NN-PTNT là thúc đẩy sớm hơn. Diện tích vụ đông xuân không tăng, giữ ổn định như vụ đông xuân vừa qua để đảm bảo chủ động được nguồn nước. Mùa vụ sẽ tập trung gieo cấy vào các tháng 10, 11. Tháng 12 là phải kết thúc để né đợt hạn mặn của năm 2021. Bố trí tổ hợp cơ cấu giống lúa ngắn ngày cho năng suất cao, kết thúc vụ sớm.
Riêng những vùng trên cao, kiên quyết rà soát chủ động chuyển sang cây màu, rau, ngô, đậu... để vừa né được hạn, mặn nhưng vừa đảm bảo hiệu quả cao nhất. Rà soát lại toàn bộ khu vực nào người dân bị thiếu nước ở năm trước, năm nay kiên quyết không để người dân bị thiếu nước vào mùa khô hạn.
Bộ trưởng cũng yêu cầu ngành chức năng địa phương rà soát lại những diện tích cây ăn quả có nguy bị thiếu nước. Hiện mùa mưa còn kéo dài đến tháng 10, vì vậy đây là thời gian tích trữ nước. Cần hướng dẫn người dân tranh thủ tích nước ở những kênh mương. Tích tối đa, nhà nào cũng cũng tích nước, vườn nào cũng tích nước được thì mới chủ động ứng phó mùa khô năm tới.
Bộ trưởng nhấn mạnh 3 mục tiêu trong mùa khô tới là: Không để người dân thiếu nước sạch, không để cây ăn quả thiếu nước, không để lúa đông xuân 2021 bị ảnh hưởng.