| Hotline: 0983.970.780

Băn khoăn đặc sản cá thu một nắng Đồ Sơn

Thứ Hai 02/12/2019 , 08:56 (GMT+7)

Cá thu đánh bắt từ biển khơi được người dân Đồ Sơn chọn lọc kĩ càng rồi mới đem sơ chế thành sản phẩm một nắng ngon nức tiếng cả nước.

12-41-03_c_thu_3
Cá thu sau khi sơ chế sẽ được phơi nắng từ 5-6 tiếng, hoặc 1 ngày nếu nắng ít trước khi được hút chân không và cấp đông.

Bản thân con cá ban đầu rất sạch nhưng quy trình chế biến, bảo quản đang là mối băn khoăn lo ngại về vệ sinh an toàn thực phẩm.
 

Chọn cá chỉ bằng kinh nghiệm

Cá thu một nắng của người dân vùng biển Đồ Sơn (Hải Phòng) đã khẳng định được chất lượng, thương hiệu của mình, trở thành đặc sản và là món ẩm thực khiến du khách nhớ đến khi đi du lịch tại đây.

Hầu hết cá thu một nắng được sản xuất theo mô hình hộ gia đình, bình quân diện tích sản xuất kinh doanh mỗi hộ từ 20 đến 200m2. Nguyên liệu để làm cá thu một nắng là cá thu tươi hoặc cá thu cấp đông. Người dân lựa chọn nguyên liệu cá thu chủ yếu theo kinh nghiệm, bằng mắt thường.

Bà Lương Thị Ngọc, chủ cơ sở chế biến cá thu một nắng tại phường Vạn Sơn cho biết: Mỗi năm cung cấp cho thị trường khoảng 20 tấn cá thu một nắng, được người tiêu dùng rất ưa chuộng. Cá thu 100% khai thác từ biển nên rất sạch, cá được chọn kĩ càng, quy trình chế biến đảm bảo, chỉ ướp muối và được bảo quản ở độ lạnh tiêu chuẩn nên để được lâu. Và đặc biệt vẫn giữ được vị thơm ngọt đậm đà của cá thu. Khi nấu chín, cá vẫn mềm, có vị thơm đậm đà, ăn không bị khô.

“Chúng tôi chọn cá dựa vào kinh nghiệm, cá mắt sáng, da căng bóng… sau khi mua về thì đưa vào kho cấp đông, cấp đông xong cho vào bao, bọc ni lông sẵn, cá không bị mất nước. Mỗi ngày chế biến thì bỏ ra 1-2 tạ. Ngâm muối, nắng to phơi 4-5 tiếng, nắng nhỏ phơi 1 ngày. Nếu không đủ nắng, ăn sẽ không ngon. Sau khi hút chân không thì cho vào cấp đông, âm 18 độ, có thể để được từ 6-7 tháng”, bà Ngọc khẳng định.

12-41-03_c_thu_6
Bà Lương Thị Ngọc hút chân không sản phẩm cá thu một nắng chuẩn bị cấp đông.

Còn ông Vũ Ngọc Phong, chủ cơ sở chế biến cá thu một nắng ở phường Ngọc Hải, cho hay: “Trước đến nay tôi không chọn cá đốm mắt, mắt trắng đục. Cá phải nguyên con, mắt đen, không nổ mắt. Cắt ra cá phải có máu đỏ, sáng hồng… chúng tôi mới lấy, nếu không trả lại chủ tàu”.

Theo những người có nghề và gắn bó lâu năm với cá thu 1 nắng, cá ngon hay không là từ khâu chọn ban đầu sau đó mới là chế biến. Cá sau khi được chọn kĩ được rửa sạch, cắt bỏ đầu và đuôi, giữ lại phần thân.

Tiếp theo, xắt thân cá thành từng khúc với độ dày khoảng 5 – 7 cm rồi ngâm vào dung dịch nước muối loãng 15 – 20 phút để cá có độ mặn và bảo quản được lâu.

Sau đó, vớt cá, để ráo nước và phơi nắng trên các vỉ tre hoặc lưới từ một vài ngày cho đến khi bề mặt cá se khô nhưng bên trong cá vẫn mềm, có màu trắng trong hoặc hơi ngả chút vàng.
 

Cá thu phơi một nắng Đồ Sơn đang là sản phẩm nổi tiếng của Hải Phòng, rất được người tiêu dùng ưa chuộng. Đây là sản phẩm dễ làm và cũng dễ bảo quản, tuy nhiên mỗi người sản xuất cũng phải có bí quyết riêng.

Cần thay đổi tư duy

Theo thống kê của Chi cục Quản lí Chất lượng Nông lâm sản và thủy sản Hải Phòng, trên địa bàn quận Đồ Sơn chưa có trường hợp ngộ độc thực phẩm hay vi phạm quy định liên quan đến sản phẩm cá thu một nắng. Tuy nhiên việc sản xuất manh mún nhỏ lẻ, không có tem mác, nhãn hiệu ảnh hưởng nhất định đến chất lượng sản phẩm và khó nâng cao giá trị hàng hóa.

Tìm hiểu của PV cho thấy, về cơ bản các cơ sở sản xuất kinh doanh cá thu một nắng ở Đồ Sơn vẫn làm thủ công. Sấy cá còn dùng bếp lò, thậm chí có hộ bỏ luôn cả công đoạn sấy khô mà đóng bao bì cấp đông luôn sau khi chế biến xong.

Nhiều hộ sản xuất nhỏ lẻ, cơ quan chức năng khó kiểm soát nguồn gốc hàng hóa, sân phơi, khu chế biến, kho đông lạnh, chất lượng nguồn nước, đá sản xuất… nhiều người không quan tâm hoặc e ngại hoàn thiện các thủ tục để được sử dụng nhãn hiệu “Cá thu một nắng Đồ Sơn”.

Bà Nguyễn Thị Loan, Chủ tịch Hội Nông dân Đồ Sơn bày tỏ: “Chúng tôi đang vận động bà con không sấy cá bằng bếp lò, nên chuyển qua sấy bằng bếp điện. Không nên ướp muối xong là cho đông lạnh luôn mà phải sấy và bảo quản nơi khô ráo”.

Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Nghĩa, Chi cục trưởng Chi cục Quản lí chất lượng Nông lâm sản và thủy sản cho biết: “Đối với sản phẩm mang tính đặc sản, đặc trưng như thế này, các cơ sở cố gắng duy trì VSATTP, chất lượng sản phẩm nông sản phải đảm bảo để nâng cao giá trị thương hiệu. Nếu làm theo hướng truyền thống thì hàng hóa không truy xuất được, giá trị sản phẩm sẽ thấp. Giá trị thấp thì thương hiệu không thể mạnh".

12-41-03_c_thu_7
Cá thu 1 nắng được người tiêu dùng thu mua luôn tại chỗ là chủ yếu.
Sản phẩm Cá thu một nắng của quận Đồ Sơn đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể số 251100 theo Quyết định số 56123/QĐ-SHTT ngày 14/9/2015 của Cục Sở hữu trí tuệ. Chủ sở hữu nhãn hiệu là Hội nông dân quận Đồ Sơn, thực hiện nhiệm vụ quản lý nhãn hiệu bao gồm: Cấp quyền sử dụng cho các thành viên đủ điều kiện, thu hồi quyền sử dụng đối với cơ sở có hành vi vi phạm, kiểm tra giám sát đảm bảo chất lượng cá thu phơi một nắng.


Nỗi lo nguồn gốc xuất xứ

Nguồn nguyên liệu đầu vào đang là vấn đề mang tính “tử huyệt” cho sản phẩm cá thu một nắng của Đồ Sơn. Bản thân cá thu không phải cá nuôi, rất sạch, quy trình chế biến theo công thức truyền thống của người dân hiện tại vẫn đang được người tiêu dùng chấp nhận.

Tuy nhiên, nguồn nguyên liệu ngày càng ít, ngoài nguồn cung cấp từ các chủ tàu tại địa phương, các hộ sản xuất phải nhập nguyên liệu từ nơi khác. Do đó khó khăn cho việc mở rộng quy mô sản xuất và truy xuất nguồn gốc sản phẩm và lo ngại nhất định về VSATTP.

Hội Nông dân Đồ Sơn là đơn vị chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể “Cá thu một nắng Đồ Sơn”. Theo bà Loan: “Cá thu phải đánh bắt xa bờ mới có, cả quận Đồ Sơn có khoảng trên 40 tàu đánh bắt xa bờ, do vậy sản lượng cá đánh bắt của ngư dân Đồ Sơn không đủ đáp ứng nhu cầu, người dân vẫn phải mua từ các nơi khác như Quảng Nam, Đà Nẵng, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An…

Việc này khiến người dân khó nắm rõ nguồn gốc xuất xứ của cá nên nhiều hộ “ngại” không dám làm các thủ tục để dán tem mác lên sản phẩm”.

Cơ sở của bà Lương Thị Ngọc đã được chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm và đã có nhãn hiệu hàng hóa, tuy nhiên, bà Ngọc vẫn băn khoăn: “Chúng tôi làm đúng quy trình VSATTP, không bỏ bất cứ chất gì vào cá ngoài nước và muối. Tuy nhiên, trong con cá có chất gì và quá trình đánh bắt lên chủ tàu bảo quản như thế nào chúng tôi không thể biết được. Đây là băn khoăn lớn nhất. Tôi mong cơ quan chức năng giúp người dân quản lí vấn đề này”.

Theo thống kê của Chi cục Quản lí chất lượng Nông lâm sản và thủy sản Hải Phòng, trên địa bàn quận Đồ Sơn mới chỉ có 6 cơ sở sản xuất kinh doanh được chứng nhận đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Sản phẩm đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp nhãn hiệu tập thể “Cá thu một nắng Đồ Sơn” nhưng mới chỉ có 4/45 hộ có nhãn mác của Cục Sở hữu trí tuệ đóng gói sản phẩm.

Xem thêm
Bàn cách tận dụng hết dư địa cho tinh dầu quế

HÀ NỘI Thiếu hụt nhân lực có kỹ năng và chuyên môn, quy trình sản xuất chưa hoàn thiện và chưa có phương pháp tiếp cận thị trường toàn cầu là khó khăn chung của ngành quế.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Tập đoàn PAN đặt doanh thu 14.700 tỷ năm 2024 với các giải pháp nông nghiệp thuận thiên

Trước lo ngại về biến đổi khí hậu, khó khăn chung của bối cảnh kinh tế, Tập đoàn PAN đặt mục tiêu doanh thu thận trọng tăng 12% với các giải pháp nông nghiệp thuận thiên.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm