
Ngành gỗ Việt Nam đã sẵn sàng đáp ứng EUDR.
Tại Tọa đàm “Chuyển đổi xanh, từ áp lực đến cơ hội kinh doanh” do Báo Người Lao Động tổ chức ngày 19/2, ông Phạm Minh Quang, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, Bộ Công thương, cho biết, châu Âu và Mỹ là hai khu vực thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, đồng thời cũng có nhiều quy định mới liên quan đến phát triển bền vững, ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp Việt Nam.
Tại thị trường EU, hai quy định quan trọng là Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) và Quy định chống phá rừng (EUDR) đang tác động đến nhiều ngành sản xuất lớn của Việt Nam, trong đó có nhiều ngành liên quan tới nông nghiệp như phân bón, gỗ, cà phê, cao su…
PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho rằng, chuyển đổi xanh và chuyển đổi số đang trở thành yêu cầu tất yếu, trong đó, chuyển đổi số đóng vai trò là công cụ quan trọng để thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh trong nền kinh tế.
Hiện nay, thách thức lớn đối với chuyển đổi xanh là những biến động từ tình hình quốc tế. Chính quyền Mỹ của Tổng thống Donald Trump có những điều chỉnh mạnh về chính sách về môi trường, trong đó bao gồm việc cắt giảm ngân sách cho các hoạt động liên quan đến chuyển đổi xanh. Tuy nhiên, châu Âu và Trung Quốc vẫn duy trì cam kết theo đúng lộ trình đặt ra.
Riêng Liên minh châu Âu, các quy định nghiêm ngặt như thẻ vàng IUU đối hoạt động khai thác thủy sản, Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) hay Quy định chống phá rừng (EUDR) đang đặt ra nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng và gây áp lực lớn lên doanh nghiệp xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam. Vì vậy, ông Nguyễn Đình Thọ nhấn mạnh, chuyển đổi xanh không còn là một lựa chọn mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc. Nếu doanh nghiệp không thực hiện, nguy cơ bị loại khỏi thị trường là rất lớn, thậm chí có thể dẫn đến phá sản.
Bài học từ ngành dệt may cho thấy rõ yêu cầu tất yếu về chuyển đổi xanh. Trong các năm 2022 và 2023, do chậm thực hiện các tiêu chuẩn xanh, ngành dệt may Việt Nam đã sụt giảm mạnh về kim ngạch xuất khẩu, trong khi Bangladesh nhờ thực hiện chuyển đổi xanh trong ngành dệt may, đã có sự tăng trưởng tốt về xuất khẩu. Năm 2024, do những bất ổn chính trị tại Bangladesh, doanh nghiệp dệt may Việt Nam mới có cơ hội phục hồi về xuất khẩu.
Thực tế cho thấy, có những ngành hàng nhờ chủ động chuyển đổi xanh nên vẫn đang xuất khẩu ổn định, điển hình như ngành gỗ. Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA), cho biết, ngành gỗ Việt Nam đã đi tiên phong trong quá trình chuyển đổi xanh từ rất sớm. Từ năm 2018, ngành gỗ đã tích cực lồng ghép các tiêu chí phát triển bền vững vào chiến lược phát triển chung của ngành.
Khi EU ban hành Quy định chống phá rừng (EUDR), nhiều quốc gia còn hoài nghi về các tiêu chuẩn của EUDR, thì Việt Nam, mà đặc biệt là Bộ NN-PTNT, đã chủ động vào cuộc thực hiện quy định này. Cuối năm 2024, do các yêu cầu kỹ thuật phức tạp, EU đã lùi thời gian áp dụng EUDR tới 1/1/2026 (thời hạn cũ là 1/1/2025), nhưng các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chuẩn bị sẵn sàng để đáp ứng EUDR ngay khi quy định này chính thức có hiệu lực.
Ông Phương dẫn chứng Việt Nam đã thực hiện chủ trương đóng cửa, dừng khai thác rừng tự nhiên từ lâu, nhưng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam vẫn liên tục tăng trưởng và đạt kỷ lục hơn 16,3 tỷ USD năm 2024.
Ông Đinh Hồng Kỳ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM cho biết: "Một trong những rào cản lớn nhất đối với chuyển đổi xanh là vấn đề tài chính. Theo thống kê, khoảng 65% doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn để thực hiện các dự án xanh. Mặc dù đã có các cơ chế tài chính hỗ trợ nhưng việc đưa nguồn vốn này đến đúng đối tượng vẫn là một bài toán khó".