| Hotline: 0983.970.780

Quảng Tây đề nghị lập trung tâm kiểm nghiệm, kiểm dịch nông sản xuất khẩu

Thứ Năm 20/02/2025 , 06:39 (GMT+7)

Bí thư Khu ủy Khu tự trị dân tộc Choang, tỉnh Quảng Tây đề xuất vấn đề này, nhằm hướng tới mục tiêu mở rộng quy mô thương mại với Việt Nam.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên (phải) và Bí thư Trần Cương. Ảnh: MOIT.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên (phải) và Bí thư Trần Cương. Ảnh: MOIT.

Tại hội đàm với Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên ngày 19/2, Bí thư Khu ủy Khu tự trị dân tộc Choang, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) Trần Cương đánh giá cao quy mô thương mại với Việt Nam. Hiện kim ngạch xuất khẩu hai chiều với Việt Nam chiếm gần 40% tổng kim ngạch ngoại thương của Quảng Tây.

Trong đó, xuất nhập khẩu trái cây giữa Quảng Tây và Việt Nam chiếm khoảng 1/3 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hoa quả Trung Quốc và ASEAN;, xuất nhập khẩu qua cửa khẩu đường bộ biên giới tăng hơn 40% so với cùng kỳ 2023.

Nhằm tăng cường hợp tác, tìm kiếm thêm động lực tăng trưởng cho quan hệ kinh tế, thương mại giữa hai bên, Bí thư Trần Cương đề nghị phối hợp tổ chức hiệu quả Hội chợ Trung Quốc - ASEAN lần thứ 22; thúc đẩy hợp tác ngành nghề qua biên giới; tăng cường hợp tác trí tuệ nhân tạo và thương mại điện tử.

Ông cũng mong muốn Bộ Công thương đẩy nhanh tiến độ thí điểm cửa khẩu thông minh và xây dựng Trung tâm kiểm nghiệm kiểm dịch nông sản của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc.

Năm 2024, quy mô thương mại giữa Việt Nam và tỉnh Quảng Tây đạt 41,6 tỷ USD, tăng hơn 15% so với cùng kỳ năm 2023. Việt Nam duy trì 26 năm liên tiếp là đối tác thương mại lớn nhất của Quảng Tây.

Hai bên thống nhất nhiều vấn đề và trao 2 văn kiện hợp tác. Ảnh: MOIT.

Hai bên thống nhất nhiều vấn đề và trao 2 văn kiện hợp tác. Ảnh: MOIT.

Chúc mừng Bí thư Trần Cương trên cương vị mới, đồng thời ghi nhận việc ông chọn Việt Nam làm điểm đến nước ngoài đầu tiên, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng chia sẻ 4 nội dung hợp tác chiến lược trong thời gian tới.

Thứ nhất, cùng thúc đẩy mở rộng quy mô thương mại Việt Nam - Quảng Tây, trong đó phối hợp duy trì ổn định chuỗi cung ứng, phân luồng hiệu quả hàng hóa giữa các cửa khẩu biên giới, nhất là đối với mặt hàng nông, thủy sản.

Bộ trưởng đề nghị Quảng Tây kịp thời thông báo tới phía Việt Nam các quy định có khả năng ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu, giúp doanh nghiệp hai bên có thời gian chuẩn bị và thích nghi với các quy định liên quan.

Ông cũng cam kết, phối hợp hoàn thiện cơ sở hạ tầng tại cửa khẩu, thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại và bày tỏ mong muốn, tỉnh Quảng Tây tiếp tục mở cửa thị trường với các nông sản chất lượng cao, có nhu cầu lớn tại Trung Quốc như quả có múi, bơ, na, roi; hỗ trợ hoạt động xúc tiến thương mại và chương trình giới thiệu sản phẩm trên địa bàn.

Thứ hai, tăng cường hợp tác nâng cấp cơ cấu công nghiệp Việt Nam - Quảng Tây, ưu tiên các ngành công nghiệp kỹ thuật cao, thân thiện với môi trường, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số vào tổ chức sản xuất để nâng cao năng suất; đẩy mạnh hợp tác đào tạo nhân lực ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.

Mô hình cửa khẩu thông minh đã được thí điểm triển khai với tỉnh Quảng Tây. Ảnh: Ngọc Đẹp.

Mô hình cửa khẩu thông minh đã được thí điểm triển khai với tỉnh Quảng Tây. Ảnh: Ngọc Đẹp.

Thứ ba, thúc đẩy hợp tác liên kết điện Việt Nam và Quảng Tây. Người đứng đầu Bộ Công thương đề nghị phía bạn thúc đẩy việc ký các bản ghi nhớ về vấn đề này, đồng thời nghiên cứu phương án hợp tác liên kết điện qua hướng Quảng Tây - Quảng Ninh qua đường dây một chiều siêu cao áp.

Cuối cùng, phối hợp triển khai hiệu quả Kế hoạch hành động giai đoạn 2024-2026 và Danh mục nhiệm vụ trọng tâm năm 2025, làm điểm sáng đóng góp tích cực vào thành quả của “Năm giao lưu nhân văn Việt Nam – Trung Quốc”.

Tại buổi gặp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên và Bí thư Trần Cương đã chứng kiến lễ trao 2 văn kiện hợp tác giữa ngành công thương với tỉnh Quảng Tây gồm: (i) Danh mục nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 triển khai Kế hoạch hành động giai đoạn 2024 - 2026 giữa hai bên; (ii) Bản ghi nhớ về thúc đẩy hợp tác sản xuất giữa Sở Công thương Quảng Ninh và Sở Thương mại Quảng Tây.

Nằm ở phía nam Trung Quốc, tỉnh Quảng Tây có biên giới với 4 tỉnh của Việt Nam, gồm Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn và Quảng Ninh. Trong số này, Lạng Sơn và Quảng Ninh được xem là 2 cửa ngõ chính của nông sản Việt xuất khẩu sang Trung Quốc.

Tại Lạng Sơn, tỉnh đã xây dựng cửa khẩu thông minh tại đường chuyên dụng vận chuyển hàng hoá thuộc cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị. Đây là bước tiến quan trọng để Lạng Sơn trở thành cửa ngõ quan trọng thông thương hàng hóa giữa các nước ASEAN với thị trường Trung Quốc.

Xem thêm
Dịch vụ rửa xe kiếm tiền triệu ngày cận Tết

Nhu cầu rửa xe để đón Tết tăng đột biến, nhiều người phải xếp hàng đợi hàng giờ mới đến lượt, dịch vụ rửa xe kiếm tiền triệu ngày cận Tết.

Nhóm cổ phiếu ngành chăn nuôi triển vọng tích cực trong 2025

Giữa bức tranh đầy biến động, ngành chăn nuôi heo đang phục hồi mạnh mẽ, kéo theo làn sóng bứt phá ngoạn mục của cổ phiếu trên thị trường chứng khoán.

Hà Nội điều chỉnh cục bộ quy hoạch Khu Tái định cư X2 Kim Chung

Hà Nội giao huyện Đông Anh tổ chức lập điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 Khu Tái định cư X2 Kim Chung thuộc địa bàn xã Kim Chung, Võng La...

5 dự án trọng điểm của TP.HCM sẽ hoàn thành trong năm 2025

Đó là Nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa, 2 nút giao An Phú, Mỹ Thủy và QL50 mở rộng, tổng mức đầu tư 24.300 tỷ đồng.

Bình luận mới nhất