
Giá lợn hơi tăng cao giúp thị trường chăn nuôi khởi sắc, tạo động lực mạnh mẽ cho doanh nghiệp và đẩy cổ phiếu ngành chăn nuôi bứt phá trên sàn chứng khoán. Ảnh: Tùng Đinh.
Thị trường chăn nuôi khởi sắc khi giá heo hơi lập đỉnh
Sau một giai đoạn dài đầy biến động, ngành chăn nuôi Việt Nam đang dần bước ra khỏi những khó khăn, tìm lại sự ổn định và khởi sắc. Những thách thức về giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, dịch bệnh khiến không ít doanh nghiệp lao đao, nhưng giờ đây, thị trường đang chứng kiến một sự hồi phục mạnh mẽ, tạo đà cho cổ phiếu ngành chăn nuôi bứt phá trên sàn chứng khoán.
Giá heo hơi tại Việt Nam liên tục tăng cao, có thời điểm đạt mức 73.000 - 75.000 đồng/kg, đánh dấu mức giá cao nhất kể từ năm 2023. Hội Chăn nuôi Việt Nam cho rằng, nguyên nhân chính của đợt tăng giá này xuất phát từ việc tổng đàn giảm mạnh trong năm 2024 do ảnh hưởng của dịch lở mồm long móng và dịch tả heo Châu Phi. Cùng với đó, nguồn cung thịt sụt giảm sau cao điểm tiêu thụ dịp Tết Nguyên đán đã đẩy giá lên cao.
Bộ NN-PTNT vừa gửi báo cáo Bộ Tài chính nhằm phục vụ phiên họp của Ban chỉ đạo điều hành giá. Theo đó, tổng đàn heo cả nước năm 2024 đạt 31,08 triệu con, tăng khoảng 3,3% so với năm trước. Sản lượng thịt lợn hơi đạt 5,16 triệu tấn, tăng 6,6%.
Giá heo hơi xuất chuồng đầu năm 2024 duy trì ở mức 52.000 - 60.000 đồng/kg, nhưng bắt đầu tăng từ tháng 5, đạt đỉnh hơn 70.000 đồng/kg vào tháng 6, trước khi giảm xuống 64.000 - 66.000 đồng/kg vào tháng 7, 8. Đến tháng 9, giá lại tăng từ 2.000 - 3.000 đồng/kg, cho thấy sự biến động mạnh mẽ của thị trường.
Bước sang tháng 1/2025, giá heo hơi tại các trang trại tư nhân dao động từ 65.000 - 67.000 đồng/kg, trong khi tại các công ty chăn nuôi lớn cao hơn khoảng 1.000 - 2.000 đồng/kg. Đáng chú ý, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi đã có xu hướng giảm, giúp người chăn nuôi đạt lợi nhuận tốt hơn, thúc đẩy họ tái đàn mạnh mẽ. Bộ NN-PTNT dự báo, trong những tháng đầu năm 2025, đặc biệt là thời điểm lễ hội và sau Tết Nguyên đán, giá lợn hơi có thể tiếp tục tăng thêm khoảng 3 - 5% so với cuối năm 2024.

Giá heo hơi trên cả nước ngày 18/2. Nguồn: Anova Feed.
Ngoài ra, theo các quy định mới của Luật Chăn nuôi, từ ngày 1/1/2025, các cơ sở chăn nuôi trong khu vực không được phép chăn nuôi của thành phố, thị xã, thị trấn, và khu dân cư sẽ buộc phải di dời. Luật Chăn nuôi cũng đưa ra khái niệm về đơn vị vật nuôi, mật độ nuôi.
Đây là những khái niệm mới, phù hợp với thông lệ quốc tế, nhằm nâng cao chất lượng hoạt động chăn nuôi, giảm thiểu nguy cơ bùng phát dịch bệnh và các tác động đến môi trường xung quanh. Dự báo, Luật Chăn nuôi có hiệu lực cũng sẽ tác động tích cực đến các doanh nghiệp trong ngành.
Không chỉ thị trường thịt lợn trong nước nóng lên, mà kim ngạch nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi cũng tăng mạnh. Chỉ trong tháng 1/2025, tổng giá trị nhập khẩu thịt và phụ phẩm thịt đã tăng 34,9%, lên mức 186 triệu USD. Điều này cho thấy áp lực cạnh tranh từ các sản phẩm nhập khẩu, buộc các doanh nghiệp nội địa phải tìm cách nâng cao hiệu quả sản xuất để giữ vững thị phần.

Báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất quý IV/2024 của Công ty CP Tập đoàn Dabaco Việt Nam.
Cổ phiếu chăn nuôi bứt phá mạnh mẽ
Nhờ đà tăng giá lợn hơi, nhiều mã cổ phiếu ngành chăn nuôi đã có diễn biến tích cực. Trên sàn chứng khoán, những cái tên như Dabaco, BAF, Hoàng Anh Gia Lai hay Masan MeatLife đã có sự khởi sắc đáng kể. Đặc biệt, Dabaco (DBC) ghi nhận một bước nhảy vọt đầy ấn tượng.
Theo báo cáo tài chính quý IV/2024, doanh thu thuần của Công ty Cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam đạt 3.600 tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế trong quý này lên tới 232 tỷ đồng, gấp 37 lần so với cùng kỳ. Tổng kết cả năm, doanh thu Dabaco đạt 13.574 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chạm mốc gần 769 tỷ đồng, cao gấp 31 lần so với con số khiêm tốn 23 tỷ đồng của năm 2023.
Lý giải sự tăng trưởng này, Dabaco cho biết, giá nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi ổn định hơn, dịch bệnh được kiểm soát tốt, giúp người chăn nuôi tái đàn thuận lợi. Cùng với đó, giá lợn hơi duy trì ở mức cao đã tạo điều kiện cho các đơn vị chăn nuôi gia súc đạt kết quả kinh doanh khả quan.

Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh của Công ty CP Nông nghiệp BAF Việt Nam.
Không chỉ Dabaco, BAF cũng ghi nhận một năm kinh doanh bùng nổ. Công ty CP Nông nghiệp BAF Việt Nam đạt doanh thu quý IV/2024 ở mức 1.627 tỷ đồng, trong khi lợi nhuận sau thuế đạt 109 tỷ đồng, đảo chiều mạnh mẽ so với khoản lỗ gần 30 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.
Tính chung cả năm 2024, doanh thu BaF đạt 5.554 tỷ đồng, tăng 7%, trong khi lợi nhuận sau thuế tăng tới 968%, lên mức 320 tỷ đồng, con số cao kỷ lục kể từ khi doanh nghiệp này niêm yết trên sàn chứng khoán.
Sự thành công của BAF phần lớn đến từ chiến lược tự chủ nguyên liệu sản xuất. Nhờ việc chủ động nguồn thức ăn chăn nuôi từ hai nhà máy “cám chay”, cùng với giá nguyên liệu đầu vào giảm từ 10 - 20%, BAF đã cắt giảm đáng kể chi phí sản xuất.

Sau khi cơ bản khống chế được dịch tả heo Châu Phi, các doanh nghiệp chăn nuôi bắt đầu có sự tăng trưởng bứt phá về doanh thu và lợi nhuận.
Không chỉ vậy, doanh nghiệp này còn mở rộng quy mô mạnh mẽ, khi chỉ trong vòng hai tháng cuối năm 2024, BAF đã thực hiện các thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) đối với 13 công ty chăn nuôi, mở đường cho việc tăng sản lượng heo hơi lên hơn một triệu con trong năm 2025.
Việc thâu tóm, mở rộng trang trại nằm trong kế hoạch của BAF, liên quan đến tham vọng đạt 10 triệu lợn thương phẩm vào năm 2030. Ông Ngô Cao Cường, Phó Tổng Giám đốc BAF tiết lộ: Doanh nghiệp đang tiếp tục đàm phán để thâu tóm thêm 10-12 công ty nữa chuẩn bị cho năm 2026, cũng như đưa lợn vào trại ngay trong năm 2025 với các trang trại đã xây dựng xong.
“Nếu có cơ hội, nguồn lực, cái kết 10 triệu con heo thậm chí có thể đến sớm hơn năm 2030. Chúng tôi chưa thể trả lời kế hoạch M&A cụ thể, mà miễn thấy đất phù hợp, trang trại phù hợp, thì sẽ M&A ngay. Hiện tại, BAF đang đàm phán mua thêm 10-12 trang trại nữa để chuẩn bị cho giai đoạn sắp tới”, ông Cường cho biết.
Về kế hoạch, ông Cường cho biết chi tiết sẽ được công bố tại ĐHĐCĐ thường niên 2025. Nhưng về sơ bộ, BAF lên kế hoạch bán ra 900 nghìn đến 1 triệu lợn thương phẩm, mang về doanh thu khoảng 6 nghìn tỷ đồng (ở mức giá 55,000-60,000/kg). Kế hoạch lợi nhuận gấp 2.5 lần thực hiện 2024. Tuy vậy, BAF sẽ tiếp tục thu hẹp, không định vị hoạt động trong mảng bán nông sản nữa vì biên lợi nhuận thấp.

Nhóm cổ phiếu ngành chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi heo năm 2025 được hứa hẹn sẽ vô cùng triển vọng cho các nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, sau năm 2030, BAF định vị là công ty thực phẩm, cung cấp ra thị trường nhiều sản phẩm mang biên lợi nhuận cao hơn. Để chuẩn bị, Doanh nghiệp sắp tới sẽ khởi công nhà máy chế biến tại Bình Phước.
Với đà tăng trưởng mạnh mẽ của ngành chăn nuôi, nhóm cổ phiếu của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này đã liên tục tăng giá. Masan MeatLife (MML) có thời điểm tăng tới 7,25%, lên 35.500 đồng/cổ phiếu. Dabaco (DBC) cũng tăng hơn 4,5% trong tuần vừa qua, đạt 27.450 đồng/cổ phiếu. Cổ phiếu BaF (BAF) đóng cửa ở mức 29.200 đồng/cổ phiếu, tăng gần 5% so với tuần trước, trong khi cổ phiếu Hoàng Anh Gia Lai (HAG) cũng có sự tăng trưởng ổn định.
Giới chuyên gia nhận định, năm 2025 sẽ tiếp tục là năm đầy tiềm năng cho nhóm cổ phiếu chăn nuôi. Dự báo giá thịt lợn sẽ duy trì đà tăng trong bối cảnh nguồn cung chưa thể phục hồi hoàn toàn. Đồng thời, chiến lược mở rộng quy mô, ứng dụng công nghệ vào sản xuất và kiểm soát chi phí sẽ giúp các doanh nghiệp ngành chăn nuôi đạt hiệu quả cao hơn, mang lại lợi nhuận bền vững. Với triển vọng tươi sáng này, cổ phiếu ngành chăn nuôi hứa hẹn tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán.