| Hotline: 0983.970.780

Bản Mông đổi mới cách làm nông

Thứ Sáu 04/06/2021 , 11:22 (GMT+7)

Tỉnh Thái Nguyên có trên 1.520 hộ đồng bào dân tộc Mông với gần 8.000 người sinh sống tập trung chủ yếu tại 26 xóm, bản đặc biệt khó khăn.

Chung tay mở đường lên bản Mông. Ảnh: ĐT.

Chung tay mở đường lên bản Mông. Ảnh: ĐT.

Tiếp cận sản xuất nông nghiệp hàng hóa

Quyết tâm nâng cao đời sống người Mông trên địa bàn, Thái Nguyên đã triển khai thực hiện Đề án Phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất và đời sống các xóm bản đặc biệt khó khăn có nhiều đồng bào dân tộc Mông sinh sống (Đề án 2037).

Qua 5 năm qua, tỉnh đã hỗ trợ sản xuất cho đồng bào thông qua hỗ trợ giống, phân bón trồng ngô lai cho gần 7.000 lượt hộ. Hỗ trợ lãi suất, kinh phí trồng cỏ chăn nuôi trâu, bò cho trên 250 hộ. Hỗ trợ trồng hơn 40ha cây ăn quả,...

Ông Ngô Văn Tô, Bí thư Chi bộ xóm Khuổi Mèo, xã Sảng Mộc huyện Võ Nhai cho biết, xóm bắt đầu sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hoá, các cây trồng chủ lực là ngô lai và cam sành, diện tích khá lớn. Nhiều hộ đầu tư nuôi bò thương phẩm có thu nhập cao.

Nếu như thập niên đổ về trước, bà con thường xuyên thiếu đói đến 3 tháng mỗi năm, nay hoàn toàn không còn cảnh đói, các hộ đang nỗ lực thoát nghèo vươn lên làm giàu.

Xóm Khuổi Mèo hiện có 118 hộ, 550 khẩu toàn bộ là người Mông có gốc gác tại các huyện giáp biên của tỉnh Cao Bằng, sau năm 1975 mới di cư đến huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên. Do đến sau, đất canh tác hầu hết đều đã có chủ nên xóm có rất ít tư liệu sản xuất sinh nhai. Đồng bào tận dụng khai hoang những diện tích đều là đất dốc, bạc màu, canh tác theo phương pháp cũ năng suất rất thấp.

Kể từ năm 2015, theo Đề án 2037 của tỉnh Thái Nguyên, bà con trong xóm được cấp hạt giống ngô lai và phân bón. Ông Tô cho biết, kể từ đó, bà con mới biết dùng phân bón cho cây trồng. Được hướng dẫn kỹ thuật, cách chăm sóc theo công nghệ kỹ thuật mới, chỉ 1-2 hạt/hốc, trồng thưa hơn trước đây, nên cây phát triển tốt, tỷ lệ đậu bắp rất sai, năng suất cao gấp nhiều lần.

Cây ngô lai chính là bước đi đầu tiên thay đổi tập quán sản xuất góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống bà con. Chính quyền xã Sảng Mộc cũng đã vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa cây lúa vào sản xuất. Ông Tô đánh giá cao giống lúa lai Ưu 838, cũng là giống lúa được nhà nước hỗ trợ, chất lượng gạo thơm ngon và năng suất cao.

Mỗi vụ, nhà ông trồng 7kg giống, thu về trên 1,5 tấn thóc. Bà con được cơ quan khuyến nông hướng dẫn khoa học kỹ thuật theo kiểu “cầm tay chỉ việc”. Cán bộ đến tận ruộng để làm mẫu cách trồng cấy, cách bón phân, kiểm tra xử lý sâu bệnh. “Nếu không được tập huấn không làm được đâu”, ông Tô khẳng định.

Ngôi nhà mới của gia đình Vương Văn Lầu - 1 trong các hộ chăn nuôi hiệu quả từ bò giống được Nhà nước hỗ trợ. Ảnh: AV.

Ngôi nhà mới của gia đình Vương Văn Lầu - 1 trong các hộ chăn nuôi hiệu quả từ bò giống được Nhà nước hỗ trợ. Ảnh: AV.

Đáng kể, cũng là hướng đi chắc chắn và bền vững nhất trong phát triển sản xuất của xóm, là chăn nuôi trâu, bò hàng hoá. Nhiều hộ dân được hỗ trợ mua trâu, bò, được tập huấn kỹ thuật và trồng cỏ voi để thay đổi từ nuôi thả sang làm chuồng nuôi nhốt mang lại hiệu quả kinh tế cao. Như nhà Vương Văn Lầu, 35 tuổi, được cấp 1 con bò theo diện hộ nghèo. Nhờ chăm chỉ và áp dụng tốt kiến thức chăn nuôi, Lầu đã tăng đàn lên tới 5-6 con, xây cất được ngôi nhà rất khang trang nhờ tiền bán bò, kinh tế hiện khá hơn nhiều.

Những năm gần đây, bà con người Mông ở Khuổi Mèo đã bắt đầu có lực để đầu tư trồng rừng và cây ăn quả. Cả xóm hiện có khoảng hơn 10ha cam sành của 15 hộ, hộ ít 300 cây, hộ nhiều cả nghìn cây. Nhà nước cấp giống và tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc cây có múi. Bà con tự rủ nhau đến các vùng cam lớn tại Hàm Yên (Tuyên Quang) để học cách tỉa cành, tra phân. Một số vườn cam đã được cho thu hoạch, chất lượng rất thơm, ngọt do được chăm sóc theo hướng hữu cơ hoàn toàn không sử dụng hoá chất để trừ sâu bệnh.

Gia đình bà Lý Thị Vàng là 1 trong những hộ đầu tiên chuyển đổi nương ngô sang trồng cam cách đây 6 năm, diện tích khoảng 5 sào, do thiếu vốn nên đã phải vay ngân hàng 50 triệu đồng. Hiện vườn cam phát triển tốt, cam rất ngon không đủ bán cho người dân trong xã và các xã lân cận. Gia đình bà Vàng cũng đầu tư mua 2 con trâu để chăn nuôi, từ tiền bán trâu đã trả được hết các khoản nợ.

"Đổi thay cả chất và lượng"

Để đến được với người Mông, tiếp cận với đồng bào một cách dễ dàng, tỉnh Thái Nguyên đã phân giao cho 38 đơn vị là các huyện thành thị, các sở ban ngành trong toàn tỉnh triển khai xây dựng 15 tuyến đường lên bản Mông với tổng chiều dài gần 50 km. Trong đó, có 8 tuyến thuộc huyện Võ Nhai (28 km), huyện Đồng Hỷ 4 tuyến (13 km), 2 tuyến của huyện Phú Lương (3,5 km) và 1 tuyến thuộc huyện Định Hóa (2km).

Theo đó, ngoài ngân sách hỗ trợ của tỉnh, các ngành, địa phương vừa tiến hành xã hội hóa làm đường giao thông từ nguồn đóng góp ủng hộ của các đơn vị tài trợ, sự đóng góp của đồng bào sở tại bằng ngày công lao động…

Các hộ nghèo xóm Khuổi Mèo, xã Sảng Mộc được vay vốn chăn nuôi trâu, bò phát triển kinh tế. Ảnh: AV.

Các hộ nghèo xóm Khuổi Mèo, xã Sảng Mộc được vay vốn chăn nuôi trâu, bò phát triển kinh tế. Ảnh: AV.

Giao thông thuận lợi, lại được Nhà nước hỗ trợ sản xuất qua hoạt động chuyển giao khoa học kỹ thuật, các bản Mông đã dần làm chủ cách làm ăn hiện đại, nhiều hộ trở nên khá giả, giàu có nhờ trồng rừng và trồng chè.

Xóm Na Sàng (xã Phú Đô, huyện Phú Lương) vốn được biết đến là nơi vô cùng khó khăn do địa thế nằm ở những ngọn núi cheo leo, đường xá đi lại rất gian nan. Song, người dân đã phát huy lợi thế kinh tế rừng sản xuất để thoát nghèo, làm giàu.

Ông Hoàng Văn Bình (Bí thư Chi bộ xóm Na Sàng) chia sẻ, nhà nào cũng có rừng, nhà ít khoảng 2ha, nhà nhiều tới 10ha. Bà con đầu tư trồng keo, sau 5 - 6 năm là được thu hoạch. Keo dễ bán, giá từ vài chục đến cả trăm riệu mỗi ha tuỳ chất lượng cây tốt, xấu. Có rừng được bà con chăm sóc tốt, cây to, bán được gần 100 triệu đồng/ha. Sau khai thác, bà con thu về được khoản tiền không nhỏ để tích lũy và tái đầu tư. Nhiều hộ đã xây được nhà đẹp, mua xe máy đắt tiền, nuôi con cái ăn học đại học.

Cây cam sành được trồng thay thế cây ngô giúp bà con dân tộc Mông xóm Khuổi Mèo, xã Sảng Mộc, huyện Võ Nhai nâng cao thu nhập. Ảnh: ĐT.

Cây cam sành được trồng thay thế cây ngô giúp bà con dân tộc Mông xóm Khuổi Mèo, xã Sảng Mộc, huyện Võ Nhai nâng cao thu nhập. Ảnh: ĐT.

Người Mông ở Na Sàng cũng đã mạnh dạn đầu tư trồng chè cao sản. Hiện cả xóm có 7ha chè, trong đó hầu hết đều được trồng bằng giống mới như LDP1, TRI 777, giá bán chè búp khô trên dưới 200.000 đồng/kg, mang lại nguồn thu nhập khá cho bà con.

Để làm được chè chất lượng, đồng bào luôn tham gia đầy đủ các lớp tập huấn, Không chỉ học cách trồng, cách làm cỏ, bón phân, tưới nước, phát hiện và xử lý sâu bệnh mà còn đi học hỏi thêm cả cách sao sấy để được các mẻ chè ngon, vừa bán được giá, vừa tạo uy tín với khách hàng đến thu mua.

Bà con trong xóm tự hào kể tên các hộ giàu của xóm, đó là các gia đình Hoàng Văn Phụng, Lý Văn Sình, Hoàng Văn Nhính, Hoàng Văn Bình... Đây là những tấm gương về nghị lực, là những người đi đầu trong thay đổi cách nghĩ, cách làm, cũng là những tấm gương người Mông tiêu biểu trong xây dựng, phát triển xóm làng, quê hương ngày càng giàu đẹp.

Xem thêm
Tổng cục Thuế chỉ đạo tinh gọn và siết chặt kỷ luật ngành

Tổng cục Thuế chỉ đạo toàn ngành tinh gọn bộ máy, siết chặt kỷ luật, đảm bảo hiệu quả công tác và hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước.

Gượng dậy sau bão Yagi: Nơi bảo tồn nguồn gen 15 loài cá biển quý hiếm

Anh Phạm Văn Thìn - Trưởng phòng Nuôi giữ và Bảo tồn nguồn gen của Trung tâm Quốc gia Giống hải sản miền Bắc lái cano chở tôi ra khu Tai Kéo vịnh Lan Hạ.

Khát khao khôi phục vùng cam sành Tân Lĩnh

YÊN BÁI Tân Lĩnh nức tiếng một thời với những mùa cam sành sai trĩu bội thu, giờ chỉ là hoài niệm, người dân nơi đây khao khát khôi phục vùng cam đặc sản này.