Theo bà Nguyễn Thị Hải Nhung, Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc (Bộ VH-TT&DL), Ngày hội Văn hóa các dân tộc miền Trung lần thứ IV năm 2023 được diễn ra tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định) với chủ đề “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc miền Trung - Bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, hội nhập và phát triển” do Bộ VH-TT&DL cùng UBND tỉnh Bình Định tổ chức.
Có 11 tỉnh thuộc khu vực miền Trung tham gia, gồm: Thanh Hóa, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, Phú Yên, Ninh Thuận và Bình Thuận. Ngày hội Văn hóa các dân tộc miền Trung lần thứ IV sẽ diễn ra từ ngày 8 - 10/9.
Theo danh sách đăng ký của các đoàn, sẽ có trên 1.000 nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên, vận động viên quần chúng là đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống, học tập, làm việc tại 11 tỉnh trong khu vực miền Trung tham gia.
Về lĩnh vực văn hóa, ngày hội sẽ diễn ra Liên hoan văn nghệ quần chúng nhằm giới thiệu bản sắc văn hóa truyền thống phong phú, đa dạng và độc đáo của đồng bào các dân tộc miền Trung. Trình diễn trang phục dân tộc truyền thống, đặc trưng của địa phương gồm trang phục ngày thường, trang phục lễ hội, trang phục lễ cưới. Trang phục trình diễn phải là trang phục truyền thống, nguyên bản, không sử dụng trang phục dùng để biểu diễn, đã cải biên.
Trình diễn, giới thiệu trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống dân tộc tại địa phương, nhằm giới thiệu văn hóa tín ngưỡng dân gian của 1 dân tộc đặc trưng của địa phương đó. Trưng bày, giới thiệu, quảng bá văn hóa truyền thống địa phương bằng các bảng trích biểu đồ, mô hình hiện vật, hình ảnh, nhạc cụ, trang phục của đồng bào dân tộc tiêu biểu của địa phương; tranh, ảnh, sách, đồ thủ công mỹ nghệ, thổ cẩm, kiến trúc nhà ở. Trưng bày, chế biến và giới thiệu ẩm thực để giới thiệu văn hóa ẩm thực truyền thống dân tộc của địa phương.
Ngoài ra, trong khuôn khổ Ngày hội Văn hóa các dân tộc miền Trung lần thứ IV còn diễn ra hoạt động thể thao, các trò chơi dân gian dân tộc của vận động viên quần chúng là đồng bào dân tộc thiểu số với các môn thể thao truyền thống và trò chơi dân gian dân tộc như đẩy gậy, kéo co, bắn ná, bắn nỏ. Đặc biệt, ngày hội năm nay còn có phần thi trình diễn kỹ năng du lịch cộng đồng, gồm kỹ năng chào đón khách; kỹ năng thuyết minh, giới thiệu điểm đến; tìm hiểu những kiến thức cơ bản phục vụ tại các cơ sở homestay.
Bên cạnh đó, chuỗi hoạt động của sự kiện được phong phú hơn với nhiều hoạt động khác như trưng bày ảnh “Các dân tộc thiểu số miền Trung đồng hành cùng sự phát triển của đất nước” với 200 bức ảnh giới thiệu cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam; sự quan tâm của đảng, Nhà nước đối với đồng bào các dân tộc miền Trung; những thành tựu nổi bật qua góc nhìn văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số miền Trung. Triển lãm “Đặc trưng văn hóa các dân tộc miền Trung trong cộng đồng văn hóa các dân tộc Việt Nam” thông qua hoạt động trưng bày, giới thiệu không gian văn hóa, nghề truyền thống, trang phục, nông cụ trong lao động, các vật dụng trong đời sống sinh hoạt… của các dân tộc miền Trung.
Theo ông Lâm Hải Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, Ngày hội Văn hóa các dân tộc miền Trung lần thứ IV sẽ thực sự sôi động với sự tham gia của trên 1.000 đồng bào dân tộc đang sinh sống, học tập, làm việc tại các địa phương với nhiều hoạt động phong phú. Riêng đoàn Bình Định sẽ tham gia đầy đủ các hoạt động trong khuôn khổ ngày hội với 250 diễn viên, nghệ nhân… của 3 dân tộc chính là Bana, Chăm và Hrê.
“Với sự chuẩn bị kỹ càng của Ban tổ chức, Ngày hội Văn hóa các dân tộc miền Trung lần thứ IV năm 2023 sẽ có những hoạt động mới hơn ngoài thông lệ, ví như phần thi trình diễn kỹ năng du lịch cộng đồng mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số trong khu vực. Ngày hội được chuẩn bị chu đáo, có nội dung tiêu biểu, phù hợp và có tính nghệ thuật cao, đáp ứng nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ của nhân dân, đề cao vai trò của chủ thể văn hóa các dân tộc miền Trung; bảo đảm yếu tố bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn với các yếu tố thời đại”, ông Lâm Hải Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, chia sẻ.