Nhà nghiên cứu, sưu tầm văn hóa dân gian, dân tộc Bùi Thanh Bình vẫn luôn có một đam mê cháy bỏng với việc “giữ lửa” văn hoá dân tộc Mường.
Là người con của dân tộc Mường, sinh ra và lớn lên ở huyện Kim Bôi - một trong tứ Mường lớn ở Hòa Bình, ông Bùi Thanh Bình đã tham gia văn hóa, nghệ thuật từ khi còn rất trẻ. Khi mới 13 tuổi, ông đã được tuyển chọn vào học âm nhạc hệ chính quy 7 năm tại trường Văn hóa - Nghệ thuật Tây Bắc. Năm 1973, tốt nghiệp ra trường, ông về nhận công tác tại Đoàn văn công quân khu Tây Bắc, sau đó chuyển qua làm du lịch... Trải qua nhiều công việc khác nhau, dù ở cương vị nào, ông Bình cũng luôn suy nghĩ, trăn trở về việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa cổ truyền của dân tộc, đặc biệt là dân tộc Mường.
Ông BÙI THANH BÌNH
Giám đốc Bảo tàng di sản Văn hóa Mường
"Từ bé tôi và nhiều thế hệ cha ông tôi được gần gũi tiếp xúc, đi công tác tôi thấy với phong tục tập quán, với đồ gia dụng sinh hoạt của dân tộc mường đã tồn tại nghìn năm có nguy cơ mất dần. mỗi lần về quê chơi tôi thấy từ bé được gần gũi tiếp xúc mất dần chính vì lý do đó tôi là người con người mường có ý thức giữ gìn bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc Mường và từ năm 1985 tôi đã sưu tầm, nghiên cứu thu gom những văn hóa bản sắc đồ dân tộc học để đến giờ thành lập bảo tàng văn hóa mường tại đây."
Công việc nghiên cứu, sưu tầm rất vất vả và tốn kém cả về thời gian, sức lực và tiền bạc. Nhưng với niềm đam mê, tâm huyết ông Bình đã đi đến hầu khắp các vùng Mường, cả những nơi vùng sâu, vùng xa của tỉnh Hoà Bình để nghiên cứu, sưu tầm di sản. Không chỉ vậy, khi cần ông còn lặn lội đến những tỉnh có người Mường sinh sống để gặp và tìm hiểu về văn hóa từ đồng bào Mường di cư. Bù đắp lại công sức của ông là số lượng di vật, cổ vật văn hóa dân tộc Mường sưu tầm, thu thập được ngày càng nhiều, vốn hiểu biết về lịch sử, văn hóa Mường cũng được bổ sung.
Ông BÙI THANH BÌNH
Giám đốc Bảo tàng di sản Văn hóa Mường
"Trong quá trình nghiên cứu, sưu tập những hiện vật ở đây có nhiều khó khăn về kinh phí nhiều cái với đam mê tôi đã đi các vùng mường bi, vang ,thàng động thậm chí đi vùng khác như sơn la, phú thọ, đắc lắc tây nguyên nơi có người mường sinh sống để sưu tâm chủ yếu hiện vật mường."
Năm 2014, Bảo tàng Di sản văn hóa Mường đã được UBND tỉnh Hòa Bình ra Quyết định cho phép Bảo tàng chính thức được hoạt động. Bảo tàng Di sản Văn hóa Mường là Bảo tàng ngoài công lập, có chức năng nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản, trưng bày về di sản văn hóa Mường. Đồng thời tổ chức thực hiện các dịch vụ văn hóa, ẩm thực nhằm bảo tồn, khai thác phát huy giá trị di sản văn hóa Mường truyền thống và hiện tại.
Ông BÙI THANH BÌNH
Giám đốc Bảo tàng di sản Văn hóa Mường
"Mới đầu tôi chỉ nghĩ sưu tầm bộ nhỏ thôi nhưng dần do thú đam mê của mình cộng với mình muốn giữ lại vật dụng, đồ gia dụng dân tộc từ nhà sàn, hiện vật của bố mế từ xưa để lại sau này cho các thế hệ mai sau được biết hoặc các nhà nghiên cứu văn hóa người ta xem"
Khuôn viên Bảo tàng Di sản văn hóa Mường nằm ở vị trí cao ráo, độc lập, có tầm nhìn thông thoáng với diện tích trên 4.000m2 gồm 6 ngôi nhà chính, mỗi ngôi nhà có những công năng khác nhau, đáp ứng đầy đủ các hoạt động diễn ra tại đây. Hiện, Bảo tàng có khoảng 5.000 đơn vị hiện vật các loại về di sản văn hoá Mường thời tiền sử Hoà Bình, thời đại đồ đồng, đồ gốm sứ, các loại nhạc cụ, dụng cụ bằng đồng, các vật dụng dùng vào tín ngưỡng dân gian Mường; các dụng cụ mây, tre đan. Các hiện vật được trưng bày trong các nhà sàn Mường, nhà lang Mường, nhà chiêng Mường. Ngoài ra còn có thư viện bao gồm các loại sách, lịch cổ Mường và khu ẩm thực xứ Mường.
Ông BÙI THANH BÌNH
Giám đốc Bảo tàng di sản Văn hóa Mường
"Mỗi lần về quê thấy những đồ vật mất dần đi trước mình được sử dụng ăn ở với nó nhưng dần mất đi nên mình nghĩ làm sao cố gắng bằng giá nào mình phải sưu tầm về, lưu giữ, bảo tồn để cho con cháu mai sau được nhìn, xem. tôi nghĩ có ý nghĩa bảo tồn phát huy văn hóa dân tộc mường đặc biệt tôi là người mường."
Trong công cuộc hội nhập và phát triển của đất nước, nhà nghiên cứu, sưu tầm văn hóa dân gian, dân tộc Bùi Thanh Bình đã dồn rất nhiều công sức, tiền của, trí tuệ và tâm huyết cho Bảo tàng Di sản văn hóa Mường. Giống như con chim nhỏ đang miệt mài góp nhặt từng chút những mảnh ghép còn sót lại của kho tàng di sản một nền văn hóa đồ sộ và tinh túy, ông Bùi Thanh Bình đang góp phần nhỏ bé của mình để gìn giữ, bảo tồn nền văn hóa của dân tộc đã sinh ra và đang dung dưỡng ông từng ngày./.