| Hotline: 0983.970.780

Bằng nhiều chiêu trò chăm sóc, bảo vệ vườn cây, 'rút ruột' Sasco nhiều tỷ đồng

Thứ Tư 25/05/2016 , 13:30 (GMT+7)

Mặc dù UBND tỉnh Bình Phước đã ra quyết định thu hồi toàn bộ dự án của Cty CP dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất (Sasco) do có nhiều sai phạm trong quá trình thực hiện, nhưng công ty này vẫn ký hợp đồng “chăm sóc, bảo vệ thường xuyên” toàn bộ vườn cây cao su cho Cty TNHH MTV Phát Lộc (trụ sở tại TX Đồng Xoài, Bình Phước)./ Sai phạm nghiêm trọng từ một dự án bảo vệ rừng, tiền tỷ vào túi cá nhân

Từ đây, công ty Phát Lộc đã “móc túi” Sasco nhiều tỷ đồng bằng các chiêu trò.

Ngư ông đắc lợi

Theo kết luận điều tra của cơ quan công an tỉnh Bình Phước, sau khi 2 dự án trồng cao su 105ha và 143,2ha được phê duyệt, Sasco đã ngay lập tức ký hợp đồng giao toàn bộ cho ông Trần Tấn Minh (BQL rừng kinh tế Suối Nhung).

Sau đó, ông Minh sang nhượng một phần diện tích cho nhiều cá nhân, phần lớn còn lại ông ký hợp đồng giao khoán hết với người dân địa phương.

Các hợp đồng Sasco ký với cá nhân ông Minh đều có thời hạn 30 năm. Tuy nhiên, hợp đồng mới được vài năm thì chấm dứt. Lúc này, Sasco tìm đối tác khác để giải quyết “hậu dự án”, đó là Cty Phát Lộc.

Theo đó, từ tháng 4/2013 đến đầu năm 2014, Sasco ký một số hợp đồng với Cty Phát Lộc về các nội dung: kiểm kê, đánh giá chất lượng và chăm sóc, bảo vệ vườn cây cao su tại TK 363 của Sasco do ông Trần Tấn Minh đã hợp đồng giao khoán cho các hộ dân trồng và bàn giao lại cho Sasco.

Theo đó, Cty Phát Lộc sẽ thay mặt Sasco kiểm kê, đánh giá, nghiệm thu toàn bộ diện tích cao su mà ông Minh đã hợp đồng với người dân để làm cơ sở chi trả tiền công cho người dân.

Trong số các hợp đồng Sasco ký với Cty Phát Lộc, riêng tiền chăm sóc, quản lý, kiểm kê diện tích cao su trong năm 2014 là hơn 1,6 tỷ đồng (18 triệu đồng/ha). Ngoài ra, còn có hợp đồng “Bảo vệ thường xuyên vườn cao su”.

Theo đó, số nhân viên bảo vệ Phát Lộc cung cấp thường xuyên cho Sasco là 10 người với giá 8,4 triệu đồng/người/tháng.

Đến ngày 1/7/2013, Sasco và Phát Lộc ký phụ lục hợp đồng với 10 bảo vệ, nhưng mức thuê giảm còn 8 triệu đồng/người/tháng.

Trong hợp đồng ghi rõ là “bảo vệ thường xuyên vườn cao su”, nghĩa là phải có mặt 24/24h. Nhưng thực tế, không hề có bất kỳ bảo vệ nào của Phát Lộc trong vườn cao su của Sasco. Bên cạnh đó, hàng chục ha cao su đã bị cắt trụi cành để lấy ánh sáng, không gian trồng xen khoai mì.

14-16-22_nh-8
Ảnh: Phúc Lập

Ngoài chi phí bảo vệ hơn 1 tỷ đồng, hiện Sasco còn phải trả cho Phát Lộc chi phí hợp đồng “chăm sóc, quản lý và kiểm kê cuối năm” vườn cây cao su trên diện tích khoảng 152ha (thực tế chỉ khoảng 120ha, trong đó chỉ khoảng 80ha có cao su). Số tiền này năm 2015 là hơn 2,7 tỷ đồng.

Trong khi hơn chục hộ dân hợp đồng nhận khoán với ông Trần Tấn Minh để trồng 120ha cao su, đầu tư thật, chăm sóc thật trong nhiều năm, đến khi nhận tiền chi trả cũng chỉ được tổng cộng khoảng 15 tỷ đồng từ Sasco.

Trong khi đó, tính sơ bộ từ tháng 4/2013 đến hết năm 2015, Phát Lộc đã nhận từ Sasco thông qua các hợp đồng nói trên là gần 11,2 tỷ đồng.

Làm giả hồ sơ, chiếm đoạt tiền của dân?

Ngày 10/4/2010, ông Trần Đức Lý (SN 1974, ngụ ấp Thạch Màng, xã Tân Lợi, huyện Đồng Phú, Bình Phước) ký hợp đồng với ông Trần Tấn Minh để trồng 30ha cao su trên dự án 143,2ha mà ông Minh đã hợp đồng với Sasco.

Theo đó, ông Minh sẽ góp vốn bằng 30ha đất dự án, ông Lý bỏ tiền đầu tư. Sau khi trồng xong cao su, ông Lý sẽ được hưởng 50% diện tích (15ha) trong thời gian bằng với hợp đồng Sasco giao khoán cho ông Minh, tức đến năm 2040.

14-16-22_nh-1
Những văn bản họp, danh sách các hộ dân đã hợp đồng với ông Minh không hề có tên 2 ông Trung, Tùng

Trong suốt quá trình hợp đồng, ông Lý đã giao cho ông Minh số tiền đầu tư 970 triệu đồng. Mỗi lần nhận tiền, ông Minh đều viết biên nhận.

Đến tháng 9/2014, ông Minh thông báo với ông Lý là đã thanh lý hợp đồng với công ty Sasco. Đại diện Sasco và Phát Lộc đã đi nghiệm thu vườn cao su mà ông Lý trồng.

Sau khi nghiệm thu, ông Nguyễn Hữu Hiền, Phó Giám đốc Cty Phát Lộc viết giấy xác nhận: “Tôi xác nhận ông Trần Đức Lý có bàn giao vườn cây cao su mà ông Lý đã đầu tư 30ha trồng từ năm 2010. Toàn bộ thủ tục ông Lý đã bàn giao”.

Theo đó, đơn giá bồi thường chi phí khi thanh lý hợp đồng thỏa thuận giữa Sasco và ông Lý là 124,5 triệu đồng/ha.

14-16-22_nh-2
Giấy biên nhận các lần nhận tiền đầu tư giữa ông Trần Tấn Minh và Trần Đức Lý

Tuy nhiên, ông Hiền (Cty Phát Lộc) và ông Phạm Châu Nam (cán bộ Cty Sasco) “tư vấn” cho ông Lý là nếu thay hồ sơ từ “thanh lý” thành “xin trả đất” thì giá bồi thường sẽ tăng thêm khoảng 22 triệu đồng/ha, tức gần 146 triệu đồng.

Ông Lý kể: “Nghe hợp lý, nên tôi cùng nhân viên Cty Phát Lộc đi đo đất để xác định lại diện tích là 35,8ha (gồm cả đất xâm canh) rồi làm hồ sơ “xin trả lại đất”.

Sau đó Cty Phát Lộc cho biết, 35,8ha đất mà tôi đang trồng cao su là đất xâm canh và chỉ được đền bù 114,4 triệu đồng/ha (làm tròn số hơn 4 tỷ đồng). Ngoài ra, tiền công chăm sóc cao su 2013 là 18 triệu đồng/ha, năm 2014 (9 tháng) là 13,5 triệu đồng/ha. Tổng số tiền tôi sẽ nhận được là hơn 5,2 tỷ đồng”.

Ông Lý cho biết: “Tôi đợi mãi chẳng thấy họ đả động gì đến chuyện trả tiền nên tìm hiểu mới phát hiện, trong báo cáo của Sasco gửi UBND tỉnh và Sở NN-PNNT Bình Phước về “tiến độ thanh lý hợp đồng liên doanh trồng cao su” lại có tên 2 nhân viên Cty Phát Lộc là Nguyễn Thành Trung và Nguyễn Khánh Tùng.

Trong đó, ông Trung có 13,7ha (nằm trong diện tích 35,8ha của ông Lý - PV), đã nhận bồi thường số tiền hơn 1,7 tỷ đồng. Còn ông Tùng có 18,29ha và nhận được gần 2,3 tỷ đồng từ Sasco”.

14-16-22_nh-3
Xác nhận việc nhận khoán, trồng 30ha cao su của ông Trần Đức Lý do ông Nguyễn Hữu Hiền - Phó Giám đốc Cty Phát Lộc viết

Theo ông Lý thì 2 ông Trung và Tùng hoàn toàn không ký hợp đồng với ông Minh. Vì 2 vị này là nhân viên Cty Phát Lộc, mãi đến năm 2013 Sasco và Phát Lộc mới ký hợp đồng nghiệm thu, đánh giá vườn cao su, trong khi từ năm 2010, diện tích đất trong 2 dự án này đã được ông Minh hợp đồng giao khoán hết cho người dân.

Thêm nữa, trong các biên bản làm việc giữa ông Minh và những người đã ký hợp đồng với ông cũng như biên bản làm việc 3 bên (ông Minh, người dân hợp đồng và đại diện Sở NN-PTNT Bình Phước) chưa bao giờ có tên 2 người này.

“Tôi đã dùng máy định vị UTM đo đạc chính xác, trong số 13,7ha Trung kê khai để nhận 1,7 tỷ đồng, có 0,96ha là đất của BCHQS tỉnh Bình Phước (không phải của Sasco), 12ha có cao su, gồm 3ha trồng năm 2011, 9ha trồng tháng 8/2014, nhưng tháng 9/2014 Sasco đã đền bù cho Trung 13,7ha cao su theo giá cao su trồng năm 2010.

Còn 18,29ha Tùng kê khai nhận bồi thường, chỉ có 1,3ha cao su và một ít cây điều. Còn lại là rừng già khoanh nuôi bảo vệ, khe suối, đất trũng ngập nước. Tôi nghĩ, cá nhân 2 ông Trung và Tùng không thể tự kê khai, nhận tiền bồi thường, mà có sự tiếp tay từ người của Sasco và Phát Lộc”, ông Lý nói.

“Tôi ở ngay trong vùng đất dự án của Sasco nên biết tường tận có bao nhiêu người hợp đồng với ông Minh, đất ở khu nào, diện tích bao nhiêu… nên khẳng định chưa bao giờ 2 ông Trung và Tùng hợp đồng giao khoán với ông Minh. Tôi tìm hiểu bên Sasco thì được biết, ông Trung có hợp đồng 13,7ha (nằm trên diện tích 30ha mà tôi đã ký với ông Minh). 

Tôi rất ngạc nhiên, nên tìm ông Minh để hỏi thì ông ta cho biết, có một lần người của Cty Phát Lộc gọi ông, nói hồ sơ của ông Trần Đức Lý và 1 người nữa bị sai, cần phải làm lại gấp. Sau đó họ cho người mang hợp đồng trắng đến, kêu tôi ký", ông Lý nói.

Phải chăng đây là cơ sở để Trung và Tùng nhận gần 4 tỷ bồi thường của Sasco?

 

Xem thêm
Tổng Bí thư: Tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần

Tổng Bí thư lưu ý, việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần, kết quả đạt được vừa qua rất quan trọng nhưng mới chỉ là bước đầu.

Việt Nam cam kết chuyển giao kỹ thuật sản xuất lúa gạo hỗ trợ Ma Rốc

Cần Thơ Ma Rốc đang nỗ lực cải thiện sản xuất lúa gạo trong nước, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cam kết chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật cho nước bạn.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Giảng viên đại học và hành trình theo đuổi đam mê khảo kiểm nghiệm phân bón

Khi đang là giảng viên một trường đại học danh tiếng tại TP.HCM, anh Trần Văn Thanh quyết định bỏ nghề để xin việc tại Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón Quốc gia.

Bình luận mới nhất