| Hotline: 0983.970.780

Báo động gia tăng số ca mắc tay chân miệng nặng

Thứ Ba 06/04/2021 , 16:53 (GMT+7)

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, gần 3 tháng đầu năm 2021, TP.HCM ghi nhận 2.564 ca tay chân miệng, tăng mức báo động khi gấp 2,5 lần so với cùng kỳ 2020.

21/24 quận huyện trên địa bàn TP.HCM có số ca mắc tay chân miệng gia tăng ở mức báo động.

21/24 quận huyện trên địa bàn TP.HCM có số ca mắc tay chân miệng gia tăng ở mức báo động.

Bệnh tay chân miệng bắt đầu tăng mạnh ở tuần thứ 11 năm 2021, tăng gấp 2,2 lần so với trung bình 4 tuần trước. Trong đó, có 21/24 quận huyện trên địa bàn thành phố có số ca mắc tay chân miệng gia tăng ở mức báo động, đặc biệt là các quận 1, 4, 6, 7, 8, 10, 11, 12, Bình Tân, Tân Bình, Gò Vấp, huyện Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn và khu vực II, III thành phố Thủ Đức.

Ghi nhận tại Bệnh viện Nhi đồng 1 sáng 6/4, nơi đây đang điều trị cho 40 trẻ mắc tay chân miệng, trong đó có 7 trường hợp bệnh nặng từ độ 2b đến độ 3 được theo dõi đặc biệt tại phòng cấp cứu với một số biến chứng như giật mình, cao huyết áp... 

Chị Nguyễn Hương Trà, ngụ quận Bình Tân đang chăm sóc con tại Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết: “Lúc đầu tôi thấy bé chỉ xuất hiện mụn nước ở mông, không có biểu hiện sốt nên không nghĩ là tay chân miệng. Đến ngày hôm sau con bắt đầu sốt, thấy miệng có vết loét nên đưa con đến bệnh viện khám thì bác sĩ cho biết là bé bị tay chân miệng”.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng phòng công tác xã hội, nguyên trưởng Khoa Nhiễm – thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, số ca mắc tay chân miệng nhập viện trong tuần này tăng so với những tuần trước. “Trung bình mỗi tuần có khoảng 20 ca nhập viện điều trị tay chân miệng, thì từ thứ hai (5/4) đến nay bệnh viện đã tiếp nhận 40 trường hợp điều trị nội trú do tay chân miệng và có khuynh hướng sẽ còn tiếp tục tăng”, bác sĩ Khanh cho hay.

Cũng theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, điều đáng nói là hiện nay số trẻ mắc tay chân miệng nặng nhập viện trên 3 tuổi nhiều hơn trước.

Lý giải về điều này, bác sĩ Khanh cho biết, nguyên nhân có thể vì năm ngoái thực hiện các biện pháp phòng chống Covid-19, cách ly xã hội, trẻ không đi học nên dịch bệnh tay chân miệng gần như được kiểm soát, do đó, số trẻ không có miễn dịch trong cộng đồng sẽ nhiều hơn. Đến khi trẻ đi học trở lại, có sự giao tiếp với nhau thì bệnh sẽ dễ lây nhanh nếu không được phát hiện, cách ly trẻ bệnh với những trẻ khác.

Tương tự, tại Bệnh viện Nhi đồng 2, bác sĩ Đỗ Châu Việt, Trưởng khoa Nhiễm cho biết, hiện đang điều trị 36 ca mắc bệnh tay chân miệng, trong đó có 6 ca độ 2b và có đến 2/3 trường hợp ở các tỉnh thành khác chuyển đến. Dự kiến số ca mắc tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Trước tình hình dịch bệnh tay chân miệng gia tăng báo động, Sở Y tế TP.HCM và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM đã xây dựng kế hoạch giám sát, hỗ trợ công tác phòng chống bệnh tay chân miệng hàng tuần tại các quận huyện có số ca báo động.

Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), tháng 3, tháng 4 là thời điểm số ca mắc bệnh tay chân miệng thường tăng cao khi trẻ trở lại trường học sau khi nghỉ Tết. Do đó, để kiểm soát tình hình dịch bệnh tay chân miệng, HCDC khuyến cáo, các trường học cần tuân thủ thực hiện các hoạt động kiểm soát bệnh truyền nhiễm trong trường học.

Các trường cần theo dõi giám sát phát hiện sớm trẻ bệnh để cách ly kịp thời thông qua hoạt động điểm danh, ghi nhận những trường hợp nghỉ vì bệnh mỗi ngày. Bên cạnh đó, nhà trường cũng cần đề nghị phụ huynh thông báo rõ lý do nếu con em mình nghỉ học. Phụ huynh khi có con mắc bệnh hãy chủ động cho trẻ nghỉ học, thông tin đến nhà trường lý do trẻ nghỉ học.

Khi phát hiện các trường hợp mắc bệnh, các Trung tâm y tế quận huyện cần triển khai các biện pháp phòng chống dịch ở cả nơi sống và nơi học tập của bệnh nhân.

Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính, chủ yếu xảy ra ở trẻ dưới 5 tuổi. Cho đến nay, bệnh vẫn chưa có vacxin dự phòng. Việc phòng bệnh chủ yếu thông qua việc giữ gìn vệ sinh của trẻ và của người chăm sóc trẻ như rửa tay thường xuyên bằng nước và xà phòng, vệ sinh hàng ngày và khử khuẩn hàng tuần vật dụng, đồ chơi của trẻ.

Ngoài ra, phụ huynh cần theo dõi, phát hiện sớm các dấu hiệu trở nặng của bệnh để đưa trẻ đến cơ sở điều trị sớm, tránh xảy ra những biến chứng có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Xem thêm
Di căn gan chiếm 25% trường hợp ung thư đại trực tràng

TP.HCM Di căn gan là di căn xa thường gặp nhất, chiếm 25% các trường hợp ung thư đại trực tràng. Mỗi năm Việt Nam ghi nhận khoảng 16.000 ca ung thư đại trực tràng mới.

Điều trị suy tim sung huyết

Mục tiêu của điều trị suy tim sung huyết là để tim đập hiệu quả hơn giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng của cơ thể.

Đối tượng nào cần xét nghiệm tiền đái tháo đường?

Bộ Y tế khuyến cáo, phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ thì cần phải theo dõi lâu dài, thực hiện xét nghiệm ít nhất 03 năm/lần.

Kháu Vài Lèng bị giả mạo, Lương y Mạc Văn Minh kêu cứu

Kháu Vài Lèng, bài thuốc điều trị sinh lý nam giới của Lương y Mạc Văn Minh đang bị các đối tượng xấu làm giả, bán trục lợi, ảnh hưởng đến uy tín sản phẩm.

Bình luận mới nhất