| Hotline: 0983.970.780

Báo động sạt lở biển ven biển Đông

Thứ Ba 21/03/2017 , 13:40 (GMT+7)

Tình trạng sạt lở ven biển Đông tại nhiều tỉnh ĐBSCL đang diễn ra rất nhanh. Sóng biển không chỉ cuốn trôi nhiều dải rừng phòng hộ mà còn đe dọa san phẳng các khu dân cư. Đặc biệt, có những nơi sóng biển đã “nuốt” hết đất sản xuất của dân.

Trà Vinh: Sổ đỏ nằm dưới... đáy biển 

Trà Vinh có 65 km bờ biển, sau cơn bão Linda năm 1997, thực trạng sạt lở ven biển ngày càng diễn biến phức tạp. Hiện nay, tỉnh có 3 đoạn sạt lở nguy cấp tại Hiệp Thành, biển Ba Động và Cồn Nhàn thuộc huyện Duyên Hải và TX Duyên Hải. Nhiều hộ dân tại đây đã bị biển “cướp” hết đất và số đất sản xuất còn lại liên tục bị biển đe dọa xâm thực.

13-27-36_1
Sóng dữ đánh đổ hàng loạt diện tích cây phi lao ven biển tỉnh Trà Vinh
 

Gia đình anh Lê Thanh Thảo (ấp Bào, xã Hiệp Thạnh, TX Duyên Hải) có 5 công đất sản xuất. Trước đây, đất nhà anh cách biển rất xa, mỗi lần muốn đi ra biển lội mỏi chân. Tuy nhiên, bây giờ sóng biển chỉ còn cách “nguồn sống” gia đình vài chục bước chân.

Nhìn dải rừng phi lao chắn sóng còn vài cây lèo tèo, anh Thảo thở dài nhớ lại hơn 10 năm trước khi mới về đây làm rể, vệt rừng phi lao này dày hơn 100 mét. Bên ngoài còn có 3 động cát rất lớn. Đường bờ biển cách nhà hơn 1 km. Nhưng sóng biển đánh lở hoài, 3 động cát chà bá bị sóng biển nuốt hết. Đến rừng cây phi lao cũng bị sóng đánh sập dần.

Cũng từng đó mét nữa là sóng biển đã chồm tới đất sản xuất của gia đình. Cam go hơn là khu vực nhà anh Thảo và hàng chục bà con ấp Bào sinh sống chưa có kè biển bảo vệ. Những ngày biển động, đêm đến gia đình anh nằm nghe sóng vỗ mà thao thức không ngủ.

“Biển đánh ầm ầm vào bờ. Gió rít vào hàng phi lao nghe ghê lắm. Những cây phi lao một người ôm không hết cũng chẳng chịu nổi, phải bật gốc. Đất nhà đã cận kề biển rồi, nên rất sợ. Nước biển còn tác động trực tiếp đến sản xuất. Ruộng dưa hấu 5 công bị nước mặn, trái đèo đọt không lớn nổi. Vụ này, chắc chỉ thu hoạch được vài triệu đồng", anh Thảo lo lắng nói.

Thực trạng trên được anh Đào Thanh Xuân, cán bộ UBND xã Hiệp Thạnh thừa nhận. Anh Xuân cho biết, gia đình anh Thảo còn may mắn được thu hoạch, chứ nhiều hộ bị sương muối tàn phá, mất trắng mùa màng. Tuy vậy, những hộ này vẫn còn “hên”. “Nhiều người đã bị biển lấn hết đất sản xuất. Sổ đỏ đang nằm dưới đáy biển”, anh Xuân nói.
 

Cà Mau: Biển gặm dần khu dân cư

Hiện trạng sạt lở ven biển Đông ở Cà Mau cũng đã đến mức báo động đỏ. Biển bạc nuốt chửng rừng vàng phòng hộ ven biển, “ăn” vào đất sản xuất khiến nhiều hộ ven biển đã vài lần dời nhà trốn chạy sạt lở.

13-27-36_2
Sạt lở các khu dân cư ven biển Cà Mau diễn biến phức tạp

 

Xã Tam Giang Đông (huyện Năm Căn) là một trong những điểm sạt lở nóng nhất tỉnh Cà Mau. Xã này có hai cửa biển là Hố Gùi và Bồ Đề. Đa phần bà con làm nghề biển đều tập trung tại hai cửa này để thuận tiện nghề đi biển. Mấy năm gần đây ông trời trở tính, thời tiết khó lường. Những vạt rừng mắm, rừng đước che chở cho khu dân cư bị biển gặm nhấm dần.

Nhớ lại 2001, khi bà con mới chuyển về khu dân cư ấp Bõ Hữu (cửa Bồ Đề) sinh sống, ông Lê Minh Luân cho biết: "Vạt rừng ven cửa biển Bồ Đề hồi đó còn dài ra mấy công đất. Khu dân cư chúng tôi cách biển trên trăm mét. Vậy mà chỉ vài năm nay, sóng biển cứ đánh hoài, lở miết đến nay gia đình tôi đã hai lần dời nhà. Còn mấy nhà hàng xóm đã dời đi hết".

Cách đó vài căn, gia đình anh Trương Văn Dũng cũng đã hai lần cuốn gói chạy sạt lở. Nhưng vẫn chưa yên, mùa gió chướng tháng 10 – 11, có thể gia đình anh một lần nữa phải dọn đi. Anh Dũng trải lòng: "Lúc nước lớn, kết hợp thời tiết cực đoan, sóng lớn cuốn đất nhanh lắm. Căn nhà thường xuyên bị ngập trong thủy triều. Có những lúc, tôi đi biển mà lòng canh cánh lo lắng cho vợ con ở nhà".

Trao đổi với chúng tôi, ông Huỳnh Văn Sáu, Chủ tịch xã Tam Giang Đông cho biết sạt lở còn lấn mất nhiều diện tích rừng. Năm 2001, rừng phòng hộ ven biển của xã gần 7.100 ha, nay chỉ còn 6.100 ha. Vài tháng qua, sóng biển cuốn mất  50 - 70 mét rừng. Xã có một đoạn sạt lở khoảng 200 mét (ấp Hố Gùi), hiện đã mất hết rừng phòng hộ.

13-27-36_3
Sóng lớn đánh bể kè biển Gành Hào, huyện Đông Hải (Bạc Liêu)

 

+ Ông Nguyễn Long Hoai, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Cà Mau: Toàn tỉnh có 48 km sạt lở ở mức độ nguy hiểm. Trong đó, 24,5 km sạt lở ở mức rất nguy hiểm.

Đặc biệt, từ đầu tháng 2 đến nay, do ảnh hưởng của gió mùa đông bắc kết hợp triều cường đã làm nhiều đoạn rừng phòng hộ bị mất 50 – 80 mét, với chiều dài 10 km. Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, ông Nguyễn Tiến Hải vừa có tờ trình số 34, kiến nghị Chính phủ khẩn cấp hỗ trợ Cà Mau 200 tỷ đồng đầu tư xây dựng kè, khắc phục các đoạn sạt lở nguy hiểm.

+ Từ cuối đầu năm 2017 đến nay, kè đê biển Gành Hào (thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải) và Nhà Mát (phường Nhà Mát, TP Bạc Liêu) liên tục xảy ra sạt lở nghiêm trọng. Kè đê biển Nhà Mát bị sóng lớn đánh vỡ hơn 24m, gây thiệt hại nặng tài sản, nhà cửa người dân. Kè đê biển Gành Hào còn bị tàn phá nghiêm trọng hơn, sạt lở gần 100m, nguy cơ vỡ đê bất cứ lúc nào.

Hai tuyến kè này có vai trò ngăn triều cường, sóng biển, sạt lở, bảo vệ cho hơn 8.000 hộ dân và hàng chục nghìn ha đất sản xuất trong đê. Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, ông Dương Thành Trung đã phải công bố Lệnh khẩn cấp về thiên tai.

 

Xem thêm
Người làm nên thương hiệu 'heo say xỉn'

NINH BÌNH Mấy năm nay tôi không thể vào một trại lợn nào vì chủ trại phòng dịch rất nghiêm, thế mà anh Nga bảo vào thoải mái, lao động ở đây còn thường xuyên về nhà.

Chú trọng tiêm vacxin, chống buôn lậu trước mùa nguy cơ dịch bênh

Chỉ đạo hoạt động của ngành thú y, chăn nuôi thời gian tới, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh công tác kiểm soát dịch bệnh bằng vacxin và phòng chống buôn lậu.

Chuyện của Madam Hương Coffee và cà phê đặc sản dưới tán rừng

QUẢNG TRỊ Cây cà phê từng khiến chị rơi vào cảnh trắng tay. Nhưng cũng nhờ trồng và chế biến cà phê đặc sản dưới tán rừng, chị đã tìm lại chính mình.