| Hotline: 0983.970.780

Thứ Hai 19/10/2015 , 07:15 (GMT+7)

07:15 - 19/10/2015

Bạo hành không trừ cửa Phật

Theo tin trên các báo, tối ngày 10/10, những người dân sống gần chùa Thiên Tâm (thôn Lạc Cầu, xã Giai Phạm, huyện Yên Mỹ, Hưng Yên) nghe tiếng kêu cứu của trẻ em./ Nghi vấn bé gái bị nhốt 3 ngày chỉ được ăn cơm với muối trắng

8 giờ sáng ngày 11/10, mọi người phát hiện cháu Vũ Thị Phương, 10 tuổi, tiểu của chùa, bị nhốt trong căn nhà cấp 4 phía sau chùa, cửa khóa 2 lần, các cánh cửa sổ cũng bị những thanh gỗ nẹp chặt.

Mọi người gọi điện cho sư cô Thích Diệu Tĩnh, trụ trì chùa, nhưng sư trả lời đang đi công tác vắng. Thấy vậy, chính quyền địa phương đã lập biên bản, phá cửa vào giải cứu cháu.

Khi cửa bị phá, mọi người phải chứng kiến một cảnh tượng hết sức thương tâm: Cháu Phương ngồi co ro dưới gầm bàn với thái độ vô cùng sợ hãi, trên người cháu có rất nhiều vết bầm tím và thương tích mới.

Vết thương lớn nhất trên đầu vừa khô máu, còn sưng to. Khắp người cháu có nhiều vết sẹo, theo cháu kể thì đó là hậu quả của những trận đòn roi.

Trong nhà chỉ có một cái giường không dát, không chăn chiếu. Trên chiếc bàn cũ kỹ có một bát cơm đã ăn hết và một đĩa muối trắng, một chai nước.

Cháu kể, bị nhốt từ chiều ngày 8/10, nhưng đến trưa ngày 9/10 mới có một người mang cho 1 bát cơm và đĩa muối, và đến tận ngày 11/10, cũng chỉ được ăn một bữa đó.

“Chiều ngày 8/10, cháu bị nhốt trong nhà vì sư cô bảo cháu lau nhà không sạch. Trước khi nhốt cháu vào phòng, sư cô còn đánh, đạp vào đầu cháu. Cháu đã nói con xin lỗi thầy, lần sau con sẽ lau sạch. Nhưng thầy không tha, sau đó thầy đẩy cháu vào rồi khóa cửa lại” - lời cháu Phương.

Mấy năm gần đây, chuyện bạo hành trẻ em liên tiếp xảy ra. Người thường bạo hành trẻ em đã khiến xã hội bức xúc. Nhưng việc một đứa trẻ bị bạo hành ngay trong ngôi chùa có tên là “cái tâm của trời (Thiên Tâm)” này, càng khiến xã hội bức xúc hơn.

Bởi cửa Phật là cửa từ bi, là nơi “cải ác vi thiện" (sửa điều ác để làm điều thiện). Người tu hành lấy từ bi, hỉ xả làm lẽ sống. Cửa chùa là nơi an ủi, nơi xoa dịu nỗi đau cả thể xác lẫn tâm hồn cho con người.

Trong khi không ít những vị trụ trì trong nhiều ngôi chùa trên cả nước đã dang rộng bàn tay cưu mang những cháu bé bất hạnh, những đứa trẻ bị bỏ rơi… để chăm sóc, nuôi dưỡng chúng nên người, thì cháu Vũ Thị Phương, cũng là một đứa trẻ bất hạnh (cháu quê tận bản Tân Tiến, xã Chiềng Sơ, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La. Do hoàn cảnh gia đình vô cùng khó khăn, nên được gửi vào chùa từ năm 4 tuổi) lại bị ngược đãi, bạo hành đến thế.

Cái ác tồn tại ngay trong nhà chùa. Người bạo hành cháu đã đi ngược lại giáo lý nhà Phật.

Ai đã nhốt cháu Phương trong căn phòng lạnh lẽo, tăm tối đó? Ai đã đày đọa cháu bằng cách suốt 4 ngày trời chỉ cho duy nhất 1 bát cơm và đĩa muối? Ai đã gây nên những vết thương trên người cháu?

Tất cả vẫn còn là những câu hỏi. Dẫu là người tu hành, thì trước hết cũng là một công dân. Mà đã là công dân, thì đều sẽ bị xử lý nếu vi phạm pháp luật.

Dư luận đang chờ cơ quan chức năng của huyện Yên Mỹ và của tỉnh Hưng Yên sớm trả lời những câu hỏi này, chỉ đích danh kẻ đã bạo hành cháu Phương, để xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm