| Hotline: 0983.970.780

Bảo hiểm thất nghiệp - Điểm tựa của người lao động vùng Việt Bắc [Bài1]: Đảm bảo an sinh, xóa đói giảm nghèo

Thứ Bảy 03/06/2023 , 08:46 (GMT+7)

Vùng Việt Bắc đông đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống còn nhiều khó khăn, chính sách BHTN đóng vai trò như điểm tựa vững chắc khi người lao động mất việc làm.

LTS: Theo quy định của Luật Việc làm năm 2013, Bảo hiểm thất nghiệp là chế độ nhằm bù đắp một phần thu nhập của người lao động (NLĐ) khi bị mất việc làm, hỗ trợ NLĐ học nghề, duy trì việc làm, tìm việc làm trên cơ sở đóng vào Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.

Các chế độ Bảo hiểm thất nghiệp bao gồm: Trợ cấp thất nghiệp; Hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm; Hỗ trợ học nghề; Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho NLĐ.

Vùng Việt Bắc gồm 6 tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, với đặc thù là các tỉnh miền núi, đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, đời sống còn nhiều khó khăn, chính sách Bảo hiểm thất nghiệp đóng vai trò như điểm tựa vững chắc khi người lao động mất việc làm.

Thực hiện “3 đúng”

Tỉnh Bắc Kạn có dân số hơn 323.000 người, trong đó người dân sống ở khu vực nông thôn là hơn 250.000 người. Hiện nay, dân số trong độ tuổi lao động và tham gia các hoạt động kinh tế của tỉnh Bắc Kạn là gần gần 213.000 người, tỷ lệ thất nghiệp thấp hơn mức trung bình của cả nước. Thời gian qua, chính sách Bảo hiểm thất nghiệp đã góp phần đảm bảo an sinh xã hội, xoá đói, giảm nghèo trên địa bàn.

Bắc Kạn là tỉnh miền núi đa số người dân là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống bằng nghề nông, lâm nghiệp là chủ yếu.

Do người dân chủ yếu sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún nên đời sống không ổn định, điều kiện kinh tế trong tỉnh nhìn chung chưa thực sự phát triển.

Tỉnh Bắc Kạn hiện chỉ có duy nhất một khu công nghiệp, doanh nghiệp trong tỉnh hầu hết ở mức nhỏ và vừa nên lượng lao động chủ yếu sang các khu công nghiệp lớn ở các tỉnh lân cận làm việc.

Người lao động làm thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp tại Bảo hiểm xã hội tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: Ngọc Tú. 

Người lao động làm thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp tại Bảo hiểm xã hội tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: Ngọc Tú. 

Với nhiều lý do, nhất là trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát, doanh nghiệp cắt giảm lao động, NLĐ mất việc làm, họ bắt buộc phải nghỉ việc quay trở về quê hương.

Trong tình hình kinh tế khó khăn, ảnh hưởng của dịch bệnh, thiên tai, lũ lụt... NLĐ rất dễ đối mặt với nhiều rủi ro về việc làm.

 Khi rơi vào tình cảnh này, chế độ Bảo hiểm thất nghiệp trở thành “giá đỡ” và là “điểm tựa an sinh” vững chắc để NLĐ đảm bảo ổn định cuộc sống, giúp họ có nguồn tài chính vượt qua giai đoạn khó khăn, duy trì cuộc sống sau khi mất việc làm.  

Quan trọng hơn, chính sách Bảo hiểm thất nghiệp có các biện pháp để hỗ trợ người thất nghiệp tham gia học nghề để nâng cao trình độ, kỹ năng nghề hoặc chuyển đổi nghề nghiệp.

Ngoài ra, người lao động tham gia Bảo hiểm thất nghiệp cũng được tư vấn, giới thiệu việc làm để nhanh chóng tìm được việc làm mới, giúp NLĐ sớm trở lại thị trường lao động và duy trì việc làm để hạn chế “tái” thất nghiệp trong tương lai.

Với vai trò là cơ quan tổ chức thực hiện chính sách Bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, thời gian qua, BHXH tỉnh đã nỗ lực triển khai, chủ động, tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan như Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Bắc Kạn, Sở LĐTB&XH tỉnh thực hiện việc giải quyết chế độ Bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.

Bảo hiểm xã hội tỉnh Bắc Kạn luôn nỗ lực đảm bảo đầy đủ quyền lợi cho NLĐ theo phương châm 3 đúng: “Đúng đối tượng, đúng chế độ và đúng thời hạn”.

Cơ quan BHXH tỉnh tiếp nhận quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp do Sở LĐ-TB&XH chuyển đến để chi trả theo quy định. Thường xuyên kiểm tra, rà soát hồ sơ hưởng Bảo hiểm thất nghiệp và đối chiếu thông tin, dữ liệu người hưởng để kịp thời phát hiện, ngăn ngừa việc hưởng không đúng chế độ. Phối hợp thẩm định, kiểm tra quá trình tham gia Bảo hiểm thất nghiệp cho NLĐ theo đề nghị của Sở LĐTB&XH tỉnh.

Bà Nông Thị Thùy, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Bắc Kạn cho biết, tại tỉnh Bắc Kạn, tính đến hết tháng 04/2023, số người tham gia Bảo hiểm thất nghiệp là gần 17.300 người, đạt 86% hế hoạch, tăng gần 400 người so với cùng kỳ năm 2022. Trong 04 tháng đầu năm 2023, Bảo hiểm xã hội tỉnh Bắc Kạn đã tiếp nhận và chi trả gần 1.100 hồ sơ hưởng Bảo hiểm thất nghiệp với tổng số tiền chi trả gần 7 tỷ đồng.

“Triển khai Nghị quyết số 116/NQ-CP ngày 24/9/2021 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, BHXH tỉnh Bắc Kạn đã giảm mức đóng 1% vào quỹ Bảo hiểm thất nghiệp từ tháng 10/2021 đến tháng 10/2022 đối với 443 đơn vị sử dụng lao động và gần 8.900 NLĐ.

Số tiền được giảm đóng 4,2 tỷ đồng, giải quyết hưởng chế độ hỗ trợ từ quỹ Bảo hiểm thất nghiệp cho gần 12.000 người với số tiền chi trả gần 30 tỷ đồng”, bà Thuỳ chia sẻ thêm thông tin.

Điểm tựa lúc khó khăn

Gia đình anh Phùng Văn Pu (SN 1987), thôn Nà Coóc, xã Thuần Mang (Ngân Sơn)  là hộ nghèo suốt nhiều năm qua. Từ khi tách ra ở riêng, hai vợ chồng anh chỉ quanh quẩn ở nhà, đất nông nghiệp chỉ có vài mảnh ruộng, nhiều lúc không đủ ăn. Năm 2020, để thoát khỏi cảnh khó khăn, anh Pu quyết định xa gia đình xuống Hải Phòng làm công nhân. Đến đầu năm 2023 công ty gặp khó khăn, cắt giảm lao động, anh Pu lại về quê làm ruộng. Vốn không có tiền tích trữ, gia đình anh Pu tiếp tục đối mặt với khó khăn khi 2 con nhỏ đang tuổi đi học.

Anh Pu cùng vợ kê khai thông tin việc làm tại Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Bắc Kạn để hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng. Ảnh: Ngọc Tú. 

Anh Pu cùng vợ kê khai thông tin việc làm tại Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Bắc Kạn để hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng. Ảnh: Ngọc Tú. 

Từ tháng 2/2023, anh Pu làm thủ tục tại Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Bắc Kạn và sau đó được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Hiện nay, mỗi tháng anh Pu được hưởng hơn 3 triệu đồng tiền hỗ trợ trợ cấp thất nghiệp.

“ Đã 3 tháng nay mình ở nhà làm nông nghiệp, thu nhập ít ỏi chỉ đủ sinh hoạt tối thiểu, hiện căn nhà làm hơn chục năm đã xuống cấp chưa có tiền để sửa. Mình cũng may mắn khi được hưởng trợ cấp thất nghiệp, không có số tiền này mình sẽ không có tiền cho con đi học”, anh Pu cho biết.

Có mặt tại Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Bắc Kạn sáng thứ 2 hàng tuần, lượng người đến làm thủ tục hưởng Bảo hiểm thất nghiệp khá nhiều. Vừa đến nơi, không phải chờ đợi lâu, anh Nguyễn Văn Chức (SN 1989), xã Như Cố, huyện Chợ Mới được cán bộ ở đây hướng dẫn tận tình làm thủ tục.

Anh Chức cho biết, gia đình có 6 nhân khẩu, ngoài 2 vợ chồng, 2 con còn nhỏ hiện nay vẫn ở chung với bố, mẹ. Cuộc sống gia đình trước đây gặp nhiều khó khăn, chủ yếu làm nông, tự cung tự cấp là chính.

Anh Nguyễn Văn Chức được cán bộ Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Bắc Kạn hướng dẫn thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Ảnh: Ngọc Tú. 

Anh Nguyễn Văn Chức được cán bộ Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Bắc Kạn hướng dẫn thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Ảnh: Ngọc Tú. 

Năm 2019, anh Chức đi làm công nhân ở Bắc Ninh, mỗi tháng thu nhập hơn 6 triệu đồng, gửi về nuôi con và trang trải sinh hoạt trong gia đình. Đến tháng 3/2023, với nhiều lý do anh Chức nghỉ việc trở về địa phương sinh sống.

“Khi đến làm việc được cán bộ Trung tâm hướng dẫn rất tận tình, thủ tục cũng giải quyết nhanh. Mình được thông báo sẽ được hưởng trợ cấp thất nghiệp, mỗi tháng được hơn 3,6 triệu đồng. Dù số tiền không nhiều như lúc mình đang đi làm nhưng sẽ giúp gia đình có thêm thu nhập, bản thân mình cũng yên tâm hơn để thời gian tới đi tìm việc làm mới”, anh Chức chia sẻ.

Ông Nguyễn Hồng Việt, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bắc Kạn cho biết, tại tỉnh Bắc Kạn lực lượng lao động là người dân tộc thiểu số chiếm khoảng 80%. Khi người lao động là người dân tộc thiểu số sống ở khu vực miền núi, vùng cao thất nghiệp tác động rất lớn đến đời sống nên tiền hỗ trợ bảo hiểm thất nghiệp là rất cần thiết. Theo số liệu thống kê, người lao động tại Bắc Kạn hưởng trợ cấp thất nghiệp trung bình trên 3 triệu đồng/người/tháng, thời gian hưởng trung bình từ 3 tháng đến 6 tháng. Ngoài việc tiếp nhận hồ sơ đề nghị hưởng BHTN của người lao động, hiện nay Trung tâm cũng đồng thời tư vấn, hỗ trợ, kết nối người lao động tìm việc làm mới.

Xem thêm
Yến sào Đức Cơ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu

Gia Lai Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm Yến sào Đức Cơ Salangane’s Nest, mở cơ hội để kinh tế huyện Đức Cơ bứt phá.

Công nghệ dinh dưỡng Vinco Roots bồi bổ cho đất

ĐBSCL Vinco giới thiệu dòng sản phẩm hữu cơ sinh học Vinco Roots, bổ sung vi lượng giúp cây khỏe và đang chứng minh hiệu quả trên các cánh đồng lúa chất lượng cao tại ĐBSCL.

Thu ngân sách hơn 1,8 triệu tỷ đồng, vượt 6,3% dự toán

Qua 11 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.808,5 nghìn tỷ đồng, bằng 106,3% dự toán, tăng 16,1% so cùng kỳ 2023; trong đó, thu ngân sách trung ương vượt hơn 10%.