| Hotline: 0983.970.780

Bảo kê máy gặt 'lộng hành', nông dân lãnh đủ

Thứ Hai 17/09/2018 , 07:01 (GMT+7)

Lúc này, nông dân toàn tỉnh Hà Tĩnh đang dồn sức “tranh mưa, cướp nắng” thu hoạch lúa HT 2018 để chạy đua thời vụ, né tránh mưa lũ. Tuy nhiên...

Tuy nhiên, ở xã Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh tiến độ thu hoạch đang bị chậm lại do thiếu máy gặt. Lý do, có sự “bảo kê” độc quyền của nhóm “cò” máy gặt mang tên “Úc Râu”.

14-15-44_3
Để chạy đua thời vụ nông dân phải gặt tay vì “khan” máy gặt

Vụ HT năm nay tại Hà Tĩnh hầu hết gieo cấy chậm hơn thời vụ HT 2017 từ 7 - 15 ngày, do đó áp lực thu hoạch cuối vụ để “chạy lũ” lại càng căng thẳng. Mới đây Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành văn bản chỉ đạo các huyện hướng dẫn người dân tập trung thu hoạch sớm diện tích lúa đã chín để né tránh mưa lũ.

Từ chỉ đạo rốt ráo này, UBND xã Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh ra thông báo về quy định giá máy gặt lúa để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc tiếp cận dịch vụ kỹ thuật. Theo đó, giá thu hoạch 1 sào ruộng (500 m2) từ 140.000 - 160.000 đồng. Các máy gặt tham gia gặt lúa thuê phải đến Công an xã Kỳ Xuân đăng ký và phải tuân thủ theo mức giá đã niêm yết.

Mặc dù UBND xã đã công khai giá cả trên loa phát thanh nhưng người dân xã Kỳ Xuân vẫn phải trả giá thuê máy gặt cao hơn giá niêm yết và không có nhiều lựa chọn khi thuê máy gặt.

Một hộ dân xin giấu tên ở thôn Quang Trung bức xúc cho biết, mấy ngày gần đây đang chính vụ thu hoạch nhưng chỉ có duy nhất chiếc máy của chủ thầu có biệt danh là “Úc Râu” ở huyện Kỳ Anh hoạt động. Do diện tích lúa của xã lớn, hầu hết đã chín rũ cần thu hoạch gấp nên người dân buộc phải thuê máy gặt của người này với mức giá từ 170.000 - 180.000 đồng/sào, cao hơn mức giá xã niêm yết từ 20.000 - 30.000 đồng/sào.

14-15-44_2
 Do gặp phải sự đe dọa của xã hội đen nên các chủ máy gặt khác không dám đến gặt thuê tại Kỳ Xuân

“Thường thì năm nào xã cũng đi thuê máy gặt lúa về gặt cho người dân nhưng không hiểu sao năm nay một số chủ máy khác vừa đưa máy đến lại phải quay về. Có một người dân thôn Quang Trung cũng thuê 1 máy gặt lúa về tới đầu thôn thì chủ máy gặt này bị đe dọa nên phải đưa máy đi nơi khác”, hộ dân này nói.

Một cán bộ thôn Quang Trung thừa nhận, tình trạng “bảo kê” độc quyền máy gặt ở xã Kỳ Xuân đã xảy ra 2 năm nay. Thủ đoạn của nhóm này là thuê một máy gặt lúa từ bên ngoài về xã rồi “bảo kê” cho chủ máy này độc quyền gặt lúa mà không phải cạnh tranh với bất kỳ một máy gặt lúa nào khác. Trung bình giá thuê máy gặt là 180.000 đồng/sào, trong đó chủ máy gặt được nhận 110.000 - 120.000 đồng, số tiền còn lại nhóm bảo kê “ăn”.

“Vụ Xuân năm 2017, ban cán sự thôn thuê 2 máy gặt lúa về đặt tại nhà ông trưởng thôn thì bị một nhóm xã hội đen đến đe dọa. Lo sợ bị nhóm này đàn áp nên chủ máy gặt đã lập tức đưa máy đi nơi khác. Nếu như chủ máy gặt không nghe theo thì chúng dọa sẽ cắt đường làm ăn”, vị cán bộ thôn này nhớ lại.

Ông Lê Đình Đức, Trưởng Công an xã Kỳ Xuân cho biết, vụ HT 2018 toàn xã gieo cấy gần 70ha lúa, hiện nay hầu hết diện tích đã chín rũ đang cần thu hoạch gấp để kịp thời vụ, né tránh thiên tai. Trước khi vào mùa thu hoạch, UBND xã giao công an xã liên hệ máy về gặt cho người dân. Công an xã đã liên hệ với một chủ máy gặt ở Thanh Hóa, thống nhất sẽ thu 110.000 đồng/sào và đưa 2 máy gặt về.

14-15-44_1
Thông báo niêm yết giá thuê máy gặt của xã Kỳ Xuân

Tuy nhiên, khi chủ máy gặt vừa chở máy đến địa phận thuộc huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) thì bất ngờ gọi điện thông báo không vào gặt nữa. Theo nhận định của chính quyền địa phương thì chủ máy gặt đã bị nhóm bảo kê máy gặt khống chế.

“Bây giờ chỉ có 1 máy duy nhất của một người tên Úc đang độc quyền gặt lúa ở Kỳ Xuân. Tuy nhiên, người này thu giá thuê máy gặt cao hơn so với giá niêm yết của xã. Khi chính quyền yêu cầu lên làm việc thì ông này không chấp hành và thách thức nếu không chấp nhận với giá đó thì sẽ cho máy đi nơi khác. Do xã chưa thuê được máy gặt khác về cho dân và người dân đang nóng lòng gặt lúa nên đành phải chấp nhận”, ông Đức Thở dài.

Khi được hỏi về giải pháp xử lý vấn nạn “bảo kê” máy gặt này, Trưởng công an xã Kỳ Xuân cho hay, công an xã đã báo cáo Công an huyện Kỳ Anh để về nắm tình hình và có biện pháp xử lý.

 

Xem thêm
Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn, Vĩnh Long có vi phạm, khuyết điểm

Đó là kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, sau Kỳ họp thứ 52, tổ chức từ ngày 9 đến 11/12, do ông Trần Cẩm Tú chủ trì tại Hà Nội

Gượng dậy sau bão Yagi: Nơi bảo tồn nguồn gen 15 loài cá biển quý hiếm

Anh Phạm Văn Thìn - Trưởng phòng Nuôi giữ và Bảo tồn nguồn gen của Trung tâm Quốc gia Giống hải sản miền Bắc lái cano chở tôi ra khu Tai Kéo vịnh Lan Hạ.

Cá 'quý tộc' sống khỏe trên rẻo cao

Các hộ nuôi các nước lạnh tại Sa Pa không quản khó khăn, vẫn miệt mài tìm hướng đi mới cho dòng sản phẩm không phải nơi nào cũng có.