Đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị TP.HCM (đề án Metro), được Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM Trần Quang Lâm, trình bày tại kỳ họp thứ 20 HĐND TP.HCM khóa X, chiều 10/12.
10 năm làm xong 355km metro
Theo ông Lâm, đề án được xây dựng căn cứ theo Kết luận số 49, ngày 28/2/2023 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Kết luận số 49 của Bộ Chính trị yêu cầu hoàn chỉnh mạng lưới đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP.HCM vào năm 2035 theo quy hoạch được duyệt.
Ông Lâm cho biết, đề án metro trước đó đã được báo cáo Ban Cán sự Đảng UBND TP.HCM, trình Ban Thường vụ Thành ủy TP cho ý kiến thống nhất, Ban Chấp hành Đảng bộ TP đã thông qua chủ trương.
HĐND TP đã có ý kiến thống nhất các nội dung cơ bản của đề án để trình cấp thẩm quyền xem xét, quyết định. Đồng thời, đề án đã được TP.HCM xin ý kiến của Đảng đoàn Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Kinh tế Quốc hội và nhận được sự đồng thuận cao. Bộ Giao thông vận tải đã tổ chức lấy ý kiến đề án metro tại TP Hà Nội, TP.HCM của các cơ quan trung ương, các ủy ban của Quốc hội, các bộ ngành liên quan.
Như vậy, đề án metro tại TP.HCM đến năm 2035 đã được nghiên cứu nghiêm túc, công phu, toàn diện, thận trọng và kỹ lưỡng với sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà khoa học, đã có ý kiến thống nhất thông qua của Thành ủy, HĐND, UBND TP; ý kiến góp ý của các cơ quan bộ ngành trung ương, của Tổ công tác Chính phủ, của Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Kinh tế Quốc hội và gần nhất là Thường trực Chính phủ.
Thành phố đặt mục tiêu xây dựng hệ thống metro hiện đại, đồng bộ với quy hoạch tổng thể đường sắt quốc gia, góp phần phát triển giao thông bền vững, giảm thiểu ùn tắc và nâng cao chất lượng sống cho người dân.
Đến năm 2035, thành phố dự kiến hoàn thành 7 tuyến metro dài khoảng 355km, với tổng mức đầu tư sơ bộ 40,21 tỷ USD. Đến năm 2045 hoàn thành thêm 155km, nâng tổng chiều dài lên 510km. So với kế hoạch trước đây, quy mô đầu tư giai đoạn 2035 tăng từ 183km lên 355km và vốn đầu tư tăng hơn 3 tỷ USD, giúp rút ngắn lộ trình hoàn thành mạng lưới metro theo quy hoạch, từ năm 2060 xuống năm 2045.
43 cơ chế đột phá cho metro TP.HCM
Để thực hiện thành công và sớm hoàn thành mục tiêu, đề án đề xuất tổng cộng 43 cơ chế, chính sách đột phá. Bao gồm 32 cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền ban hành của Quốc hội, 13 cơ chế thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ.
Các cơ chế, chính sách nhằm ưu tiên huy động vốn và bố trí vốn; phân cấp, phân quyền mạnh mẽ; rút ngắn trình tự, thủ tục, đẩy nhanh tiến độ thực hiện; phát triển đô thị theo định hướng TOD; thu hút các nhà đầu tư chiến lược, đa dạng hóa nguồn lực đầu tư... Trong đó, đề án cũng áp dụng một số cơ chế, chính sách tương tự từ dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.
Về nguồn vốn, đề án xác định đầu tư công có vai trò chủ đạo và quyết định đến việc xây dựng hệ thống metro. Trong quá trình triển khai, TP sẽ tiếp tục nghiên cứu, kêu gọi các nhà đầu tư tham gia đầu tư xây dựng các tuyến metro có tiềm năng thương mại.
Đối với nguồn vốn ngân sách, TP sẽ huy động từ kế hoạch vốn trung hạn, nguồn vượt thu, nguồn từ khai thác quỹ đất (TOD), phát hành trái phiếu chính quyền địa phương.
Bên cạnh đó là huy động vốn vay, huy động từ hợp đồng BT (trả bằng ngân sách hoặc quỹ đất), vốn ngân sách trung ương hỗ trợ và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Để đảm bảo hoàn thành 355km metro vào năm 2035, đề án đặt mục tiêu phải hoàn thành công tác chuẩn bị dự án trong giai đoạn 2025-2027. Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bàn giao mặt bằng để triển khai thi công phải hoàn thành vào năm 2027-2028. Công trình phải được khởi công từ năm 2027 và chậm nhất vào năm 2028.
Việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng mạng lưới Metro sẽ giải quyết những bất cập về giao thông đô thị, đáp ứng yêu cầu phát triển một thành phố hiện đại, văn minh. Metro không chỉ là giải pháp giao thông mà còn đóng vai trò chủ đạo trong định hướng phát triển đô thị theo mô hình TOD (Transit-Oriented Development), kết nối các khu vực và thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội.