| Hotline: 0983.970.780

Bão lũ tràn qua, nợ nần đọng lại: Thiên tai ám ảnh nghề chăn nuôi

Thứ Bảy 28/09/2024 , 08:58 (GMT+7)

Thiên tai với sức càn quét kinh người có thể gây thiệt hại nặng nề chỉ trong tích tắc, anh Nguyễn Ngọc Huy, chủ trại gà tại Nghệ An là người ‘thấm’ hơn ai hết.

Anh Nguyễn Ngọc Huy thất thần trước biến cố quá lớn. Ảnh: Ngọc Linh.

Anh Nguyễn Ngọc Huy thất thần trước biến cố quá lớn. Ảnh: Ngọc Linh.

Vài ngày sau đợt mưa lớn bất thường kéo dài từ đêm 22 vắt sang trưa ngày 23/9, chúng tôi tìm đến trại gà của anh Nguyễn Ngọc Huy tại xóm Hòa Hợp, xã Nghi Ân, thành phố Vinh để nắm bắt thêm tình hình.

Trời quang mây tạnh từ lâu, nắng ấm đã tràn về nhưng không khí ủ dột vẫn giăng kín tứ bề, từ không gian đến lòng người, điệu buồn man mát vẫn phảng phất quanh đây. Đến tận lúc này anh Huy vẫn chưa hết bàng hoàng trước biến cố quá lớn, diễn biến xoay chuyển quá nhanh, đến mức chính người trong cuộc vẫn không dám tin đó là sự thật.

Chỉ trong tích tắc hơn 9.000 con gà đã chết, thiệt hại ước tính trên 1 tỷ đồng. Ảnh: DH.

Chỉ trong tích tắc hơn 9.000 con gà đã chết, thiệt hại ước tính trên 1 tỷ đồng. Ảnh: DH.

Hướng ánh nhìn vào không gian xa xăm, trên khuân mặt vẫn hiện rõ sự mỏi mệt, anh Huy buồn bã kể lại biến cố nhớ đời: “Mưa như trút từ đêm 22/9, đến sáng hôm sau đã làm ngập băng 1 trong 4 trại gà của tôi. Mưa lớn liên hồi, gió thổi quần quật làm bật tung cả gốc cây to, cây đổ ngã đè lên đường dây điện làm đứt lõi phía trong, điện chập chờn không đủ tải khiến hệ thống quạt gió tê liệt hoàn toàn.

Trang trại có sẵn máy phát dự phòng nhưng không hoạt động được do nước tràn vào. Nhận thấy cấp bách gia đình đã khẩn trương gọi thợ điện đến sửa chữa, đồng thời nhờ cậy cả công ty điện lực trợ giúp, tuy nhiên lúc này nước đã dâng cao, việc tiếp cận mất quá nhiều thời gian. Trước thiên tai sức người thật nhỏ bé, chung quy mọi nỗ lực đều trở nên vô nghĩa”.

Sở hữu kinh nghiệm dạn dày trong nghề nhưng anh Huy vẫn bất lực hoàn toàn trước diễn biến thất thường của thiên tai. Ảnh: Ngọc Linh.  

Sở hữu kinh nghiệm dạn dày trong nghề nhưng anh Huy vẫn bất lực hoàn toàn trước diễn biến thất thường của thiên tai. Ảnh: Ngọc Linh.  

Trang trại được xây dựng đồng bộ, khép kín, thành thử chỉ sau 30 phút mất điện thảm kịch đã xảy đến. Trong không gian kín, lại thiếu oxy trầm trọng khiến đàn gà luội dần. Trong thế tiến thoái lưỡng nan, gia đình đã khẩn trương lùa số gà đang thoi thóp ra khỏi trại nhằm cứu vãn tình hình. Tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa, chơi với trong biển nước đục ngầu khiến gà chết như ngả rạ, nổi lềnh bềnh, ken đặc cả một vùng.

Với 15 năm kinh nghiệm trong nghề, anh Huy thừa nhận nghề chăn nuôi đối diện với quá nhiều nguy cơ, rào cản, chủ quan có, khách quan cũng có, chung quy chẳng biết đường nào mà lần:

Người dân chung tay ủng hộ nhằm giảm thiểu thiệt hại cho gia đình. Ảnh: DH.

Người dân chung tay ủng hộ nhằm giảm thiểu thiệt hại cho gia đình. Ảnh: DH.

“Đổ vào đấy cả đống tiền không thể nói mình chủ quan, lơ là được. Chăn nuôi không đơn thuần là tập trung chăm sóc vật nuôi và quản lý dịch bệnh, song song với đó là nỗi lo muôn thuở từ những sự cố bất thường của thiên tai. Mưa bão chẳng tuân theo một quy luật cụ thể, chẳng năm nào giống năm nào, điều này gây ra muôn vàn khó khăn cho các chủ trại. Âu lo rồi cũng thành hiện thực, trong chớp mắt làm tiêu tan nỗ lực suốt bao năm trời, đau đớn lắm”, anh Huy ngậm ngùi chia sẻ.

Được biết, anh Huy bắt tay làm 4 trại gà với tổng kinh phí xây dựng ngốn nhiều tỷ đồng, chưa tính giống má. Riêng trại gặp sự cố nuôi đến 17.000 con, qua kiểm đến số gà chết lần này chiếm hơn phân nửa, rơi vào khoảng 9.000 con, đáng nói phần nhiều đã cận kề ngày xuất chuồng.

Anh Huy đầu tư nhiều tỷ đồng để xây dựng 4 trại gà quy mô, khép kín, có điều gặp quá nhiều biến cố. Ảnh: Ngọc Linh.

Anh Huy đầu tư nhiều tỷ đồng để xây dựng 4 trại gà quy mô, khép kín, có điều gặp quá nhiều biến cố. Ảnh: Ngọc Linh.

Ngay khi nắm bắt thông tin, các tổ chức, cá nhân đã chung tay ủng hộ, thu mua số lượng nhất định, dù vậy thiệt hại chung vẫn vô cùng lớn. Tính toán sơ bộ vụ này gia đình mất trắng hơn 1 tỷ đồng do gà chết, ngoài ra sẽ phải chi một khoản kha khá để bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống máy móc, trang thiết bị “ngâm” trong nước lũ quá lâu.

Với tổng mức đầu tư hàng tỷ đồng, không ngạc nhiên khi anh Huy đang gánh một khoản nợ lớn từ ngân hàng. Nay diễn biến không xuôi chèo mát mái như kỳ vọng, vô hình trung tạo áp lực ngàn cân đè nặng lên đôi vai gầy:

Anh Huy mong mỏi nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ các cấp ngành liên quan để sớm có cơ hội tái đàn trở lại. Ảnh: Ngọc Linh.

Anh Huy mong mỏi nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ các cấp ngành liên quan để sớm có cơ hội tái đàn trở lại. Ảnh: Ngọc Linh.

“Thật tâm mà nói, để xây dựng được mô hình chăn nuôi theo quy trình khép kín, quy mô đòi hỏi nguồn lực rất lớn, bản thân tôi và những chủ hộ khác đều phải vay mượn dưới nhiều hình thức mới đủ sức cáng đáng. Giữa bộn bề gian khó chúng tôi mong mỏi nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ các cấp chính quyền và ban, ngành liên quan để có cơ hội sớm tái đàn, ổn định. Làm nghề chăn nuôi mà nhìn chuồng trại trống trơn thấy chạnh lòng lắm”.

Trao đổi với ông Chu Văn Mai, Chủ tịch UBND xã Nghi Ân càng xót xa thêm trước những biến cố mà anh Huy đã từng trải qua trong nghề: “Đây đâu phải lần đầu, năm 2020 lũ lụt cũng khiến gia đình trải qua một phen điêu đứng rồi. 4 năm trôi qua nhưng tôi vẫn nhớ như in, khi biết thông tin xã đã huy động lực lượng, tận dụng cốt pha kê lên cao cho gà có chỗ đậu nhưng chẳng ăn thua. Trang trại nuôi khoảng 10.000 còn gà, mưa lũ làm chết trực tiếp 6.000 con, một số khác cũng chết rải rác về sau. Trận lũ năm đó cơ bản xóa sổ cả trại gà”.

Ông Chu Văn Mai, Chủ tịch UBND xã Nghi Ân thấu hiểu những mất mát mà anh Huy đã trải qua. Ảnh: Ngọc Linh.

Ông Chu Văn Mai, Chủ tịch UBND xã Nghi Ân thấu hiểu những mất mát mà anh Huy đã trải qua. Ảnh: Ngọc Linh.

Xem thêm
Nghị quyết về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Tổng Bí thư Tô Lâm vừa ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Báo Nông nghiệp Việt Nam xin trân trọng giới thiệu toàn văn Nghị quyết.

Trữ nước ngọt cho mùa khô

Tiền Giang Để chủ động sản xuất trong mùa khô, ngành chức năng và người dân tỉnh Tiền Giang bắt tay vào công tác tích trữ nước ngọt và các giải pháp ứng phó xâm nhập mặn.

Nậm Tông hồi sinh giữa lòng núi rừng

Lào Cai Giữa sương mai bồng bềnh, Nậm Tông thức giấc trong ánh vàng dịu nhẹ, những mái nhà mới khoác màu đất ấm áp vẽ nên bức tranh hồi sinh kỳ diệu.