| Hotline: 0983.970.780

Chăn nuôi tan tác sau bão lũ: [Bài 1] Bất lực nhìn đàn gà chết chìm

Thứ Năm 19/09/2024 , 06:22 (GMT+7)

THÁI NGUYÊN Nhìn nước lũ dâng tới mép chuồng, biết không thể làm gì hơn, chủ trang trại lấy điện thoại, nghẹn ngào ghi lại những hình ảnh cuối cùng về đàn gà đẹp chưa từng có.

Người dân và lực lượng thú y hỗ trợ dọn dẹp xác động vật tại trại gà của anh Dương Văn Sang. Ảnh: Quang Linh.

Người dân và lực lượng thú y hỗ trợ dọn dẹp xác động vật tại trại của anh Dương Văn Sang. Ảnh: Quang Linh.

Nông dân chỉ biết thốt lên "quá khủng khiếp!"

Trang trại gà của anh Dương Văn Sang, xóm Đồng Xe, xã Sơn Cẩm (TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) bị thiệt hại 20.000 con do nước lũ, giá trị ước tính lên tới 3 tỷ đồng. Tới nơi, anh Sang chỉ biết thốt lên "quá khủng khiếp", gà chết la liệt.

Chỉ sau 1 ngày lũ càn quét qua, trại gà nhà anh Sang chỉ còn lại xác động vật hòa với bùn đất, phân, kèm mùi hôi thối nồng nặc. Anh Sang mới nhập 1.000 bao cám về để chuẩn bị cho vụ cuối năm cũng bị nước lũ làm hỏng hết, giờ chỉ để vứt đi.

Nước lũ từ từ nhấn chìm trang trại nhà anh Dương Văn Sang.

"Lũ tới quá nhanh, tôi không thể di chuyển được vật nuôi đi nơi khác, chỉ biết ngậm ngùi để lũ dâng lên rồi nhấn chìm gia tài của mình. Lũ đi, trang trại của tôi chỉ là một đống hoang tàn. Giờ tôi chẳng thiết tha gì nữa, chỉ mong bà con và chính quyền chung tay dọn dẹp môi trường, không sẽ thối cả làng", anh Sang buồn bã.

Anh Sang mở video cuối cùng về trại gà cho phóng viên xem. Trong video, anh Sang giọng nghẹn ngào: "Đây là hình ảnh cuối cùng về đàn gà hậu của em, 50 ngày tuổi, 5.000 gà. Không biết bao nhiêu thời gian chăm sóc, nuôi dưỡng. Mưa đây, lũ lên đây, gác cây để gà đứng lên mà cũng không nổi. Giờ là 2 giờ đêm, nước lũ dâng mấp mé chuồng gà rồi. Chưa bao giờ có đàn hậu bị đẹp thế này. Không còn gì đau đớn hơn". 

Anh Dương Văn Sang đau xót trong những giây phút cuối cùng trước khi nước lũ nhấn chìm toàn bộ trang trại.

Ngày nước lũ dâng, cổng trại cao tới 2 mét, nhưng chỉ còn lại 40cm. Giọng nói trong video cuối cùng trước lúc lũ dâng vào các chuồng gà có lẽ không thể nào diễn tả đủ cảm xúc đau đớn của chàng nông dân tâm huyết lúc bấy giờ. Anh Sang chia sẻ, nước lũ dâng nhanh, đến người còn chẳng chạy kịp nói gì tới gà. 

Là xã chăn nuôi lớn trên địa bàn TP. Thái Nguyên, đợt lũ lịch sử vừa qua, xã Cao Ngạn thiệt hại hơn 176.000 con gia cầm các loại, giá trị lên tới 18,6 tỷ đồng. Các loại thức ăn gia súc, vật tư nông nghiệp, chuồng trại… thiệt hại khoảng 2,7 tỷ đồng.

Trang trại gà của ông Nguyễn Văn Nghị thu dọn bùn đất sau lũ. Ảnh: Quang Linh.

Trang trại gà của ông Nguyễn Văn Nghị thu dọn bùn đất sau lũ. Ảnh: Quang Linh.

Thăm trại gà của ông Nguyễn Văn Nghị tại xóm Vải, xã Cao Ngạn, nước lũ đã rút đi dc nhiều ngày nay nhưng lượng bùn đất nhão nhoẹt vẫn còn rất nhiều, cùng với đó là mùi hôi thối vẫn khá nồng nặc.

Trại của ông Nghị có 7.000 con gà nuôi theo hình thức bán công nghiệp, tất cả đều đã được 80 ngày tuổi, chỉ còn 10 ngày nữa là có thể xuất bán ra thị trường. Cơn lũ cuồn cuộn kéo đến, nước dâng cao hơn 1,5m, cả nhà ông Nhị phải bỏ của chạy lấy người.

Ông Nghị chia sẻ rằng, quy mô 7.000 con không phải là lớn trong ngành chăn nuôi, nhưng đó là cả gia tài, cả cuộc sống hiện tại của gia đình. Vật nuôi chết đã đành, đây cả máy móc thiết bị chăn nuôi cũng hỏng hết, bao nhiêu vống liếng dành dụm cả đời coi như công cốc.

Lũ đánh sập bức tường của trang trại gà của ông Nguyễn Văn Nghị. Ảnh: Quang Linh.

Lũ đánh sập bức tường của trang trại gà của ông Nguyễn Văn Nghị. Ảnh: Quang Linh.

“Thiệt hại phải gần 1 tỷ đồng, ở nông thôn số tiền ấy to lắm chứ, nước lũ dâng nhanh lắm, lúc đầu định chuyển gà lên vị trí cao hơn những cũng không kịp, trong xóm có mấy hộ chuyển lên tận nóc nhà, xong lũ cũng cuốn hết”, ông Nghị buồn bã.

Cùng nhiều hộ dân khác có mặt khi phóng viên ghi nhận, ông Nghị mong muốn nhà nước có chính sách hỗ trợ vốn để tái đầu tư, các doanh nghiệp chăn nuôi có thể hỗ trợ con giống, ngân hàng giúp gia đình giãn nợ.

Ông Đoàn Việt Dũng, Chủ tịch xã Cao Ngạn cho hay, số lượng thiệt hại của ngành chăn nuôi trên địa bàn là rất lớn, xã đang hoàn thành số liệu chi tiết nhất để báo cáo thành phố và có đề xuất hỗ trợ tới các hộ dân.

“Chúng tôi đang đề xuất tới các cấp có thẩm quyền và hy vọng các đơn vị, doanh nghiệp có thể hỗ trợ con giống và vật tư nông nghiệp cho bà con. Các ngân hàng có chính sách khoanh nợ, giãn nợ để nông dân có điều kiện khôi phục sản xuất trong bối cảnh khó khăn như hiện nay”, ông Dũng cho biết.

Lũ tới, thiệt hại không chỉ về tài sản, tính mạng của con người, mà đó còn là môi trường và nguy cơ dịch bệnh tiềm ẩn khi lũ rút. Vừa qua, xã Cao Ngạt đã cấp, phát 20 tấn vôi bột để khử trùng, tiêu độc hệ thống chuồng trại, phối hợp với lực lượng quân đội hỗ trợ bà con thu gom và chôn lấp xác động vật theo đúng hướng dẫn của ngành thú y.

Lũ rút, nguy cơ bùng phát dịch bệnh cao

Bà Đào Thị Kim Quý, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố Thái Nguyên nhận định, sau khi nước lũ rút, nguy cơ bùng phát các loại dịch bệnh trên động vật là rất cao, bà con cần đặc biệt lưu tâm.

“Các trang trại phải ưu tiên tối đa cho việc thu dọn xác động vật và chôn lấp. Rắc vôi, khử khuẩn khu vực chuồng nuôi, cũng như dọn dẹp sạch lượng bùn đất. Không vội vàng tái đàn khi môi trường chăn nuôi chưa an toàn”, bà Quý đề nghị.

Cơ quan chuyên môn cũng đề xuất các địa phương, lực lượng có thẩm quyền xử lý nghiêm các trường hợp vứt xác động vật chết sau mưa lũ ra sông, suối.

Thời gian tới, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố Thái Nguyên sẽ tập trung triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn dịch bệnh, nhanh chóng triển khai tiêm phòng vacxin đợt tiếp theo để bà con sớm tái đàn, ổn định sản xuất phục vụ nhu cầu Tết Nguyên đán 2025.

Sinh viên xung phong dọn dẹp chuồng trại sau lũ 

Qua theo dõi tình hình bão lũ trên địa bàn thành phố, thấy có rất nhiều trang trại chăn nuôi bị ảnh hưởng nặng bởi lũ lụt (hàng vạn gia súc, gia cầm bị ngập trong nước và cuốn trôi ra sông suối), sau khi nước rút xác gia súc, gia cầm, bùn đất… sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ con người, vật nuôi và môi trường, đặc biệt là tại các trang trại, gia súc, gia cầm chết xác phân huỷ rất nhanh…

Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên đã huy động nguồn nhân lực lớn để giúp bà con dọn dẹp sau lũ thông qua Đoàn thanh niên, CLB Một sức khoẻ của nhà trường.

Trong đó, có 5 cán bộ giảng viên tham gia, 250 sinh viên, triển khai tại một số xã của huyện Đồng Hỷ, huyện Phú Bình, thành phố Phổ Yên, thành phố Thái Nguyên của Tỉnh Thái Nguyên và thành phố Cẩm Phả của tỉnh Quảng Ninh.

Sinh viên Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên hỗ trợ bà con dọn dẹp trang trại. Ảnh: Quang Linh.

Sinh viên Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên hỗ trợ bà con dọn dẹp trang trại. Ảnh: Quang Linh.

Các bạn sinh viên đã tham gia hỗ trợ công tác xử lý, chôn lấp xác động vật. Thực hiện thu gom, đào hố, chôn lấp, rải vôi, sát trùng tại các khu vực cách xa khu dân cư nhằm đảm bảo vệ sinh, an toàn với sự tham vấn của cơ quan chức năng liên quan tại địa phương.

Ngoài ra, đoàn hỗ trợ cũng tham gia thực hiện công tác vệ sinh, khử trùng nguồn nước sinh hoạt và sử dụng trong chăn nuôi bị ô nhiễm do bão lụt đảm bảo nguồn nước sạch cho người dân và vật nuôi. Cung cấp vật tư cần thiết tại các khu vực chợ truyền thống ở địa bàn bị ngập lụt đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tại một số khu chợ bị ngập.

Ông Đoàn Việt Dũng, Chủ tịch xã Cao Ngạn đánh giá, sự hỗ trợ của Khoa Chăn nuôi thú y - Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên là rất kịp thời, hỗ trợ đắc lực cho các cơ quan chức năng về nguồn nhân lực có chuyên môn trong bối cảnh cấp thiết.

6 bước xử lý môi trường chăn nuôi

TS Phan Thị Hồng Phúc, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên khuyến cáo bà con thực hiện 6 bước xử lý môi trường chăn nuôi sau lũ. 

Bước 1: Thu gom và xử lý xác gia cầm theo hướng dẫn của cán bộ thú y.

Bước 2: Quét dọn, vệ sinh chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi, hệ thống ống dẫn, bể chưa nước và dụng cụ chứa nước.

Bước 3: Tiến hành phun tiêu độc, khử trùng chuồng nuôi và khu vực chăn nuôi 2 lần/tuần bằng thuốc sát trùng. Kết hợp với rắc vôi bột hoặc phun các loại thuốc sát trùng toàn bộ lối đi, hành lang, cống, đường đi và phương tiện. 

Bước 4: Tiến hành sửa chữa, gia cố chuồng trại chăn nuôi, hệ thống nước, hệ thống xử lý nước thải. 

Bước 5: Nạo vét, khơi thông hệ thống cống, rãnh thoát nước, phát quang bụi rậm, hồ chữa phân.

Bước 6: Rắc vôi bột hoặc phun các loại thuốc sát trùng toàn bộ lối đi, hành lang, cống, đường đi và phương tiện. 

Xem thêm
Thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở giết mổ động vật dịp Tết Ất Tỵ

Thời gian qua, các phương tiện thông tin truyền thông liên tục phản ánh về việc phát hiện các cơ sở giết mổ trong quá trình hoạt động vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.

Hành vụ đông bội thu

HẢI DƯƠNG Mỗi sào hành vụ đông thu lãi từ 4 - 6 triệu đồng, bằng 8 - 10 sào lúa.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.