| Hotline: 0983.970.780

Bão số 10 suy yếu nhanh, cảnh giác mưa lớn

Thứ Hai 02/11/2020 , 13:44 (GMT+7)

Cơn bão số 10 đi qua Philippines đã suy yếu rất nhiều khi đi vào Biển Đông. Tuy nhiên không vì thế mà chúng ta được chủ quan, lơ là.

Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai họp ứng phó bão số 10 ngày 2/11. Ảnh: Phạm Hiếu.

Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai họp ứng phó bão số 10 ngày 2/11. Ảnh: Phạm Hiếu.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, vào hồi 10 giờ ngày 2/11, vị trí tâm bão số 10 (tên quốc tế là Goni) ở khoảng 14,6 độ Vĩ Bắc; 118,5 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 700km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10.

Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 140km tính từ tâm bão. Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km. Đến 10 giờ ngày 3/11, vị trí tâm bão ở khoảng 15,1 độ Vĩ Bắc; 114,3 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 290km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ).

“Bão số 10 suy yếu rất nhanh sau khi đi qua Philippines. Trong 36 giờ cơn bão đã giảm từ cấp 17 xuống cấp 8”, ông Khiêm thông tin.

Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia Mai Văn Khiêm báo cáo tại cuộc họp. Ảnh: Phạm Hiếu.

Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia Mai Văn Khiêm báo cáo tại cuộc họp. Ảnh: Phạm Hiếu.

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, trên tuyến biển còn 4 tàu kiểm ngư với 140 thủy thủ đang tìm kiếm các thuyền viên trên 2 tàu Bình Định bị chìm trong bão số 9. Bộ đội Biên phòng đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 49.585 tàu cá/233.327 lao động, trong đó 1.255 tàu/12.767 lao động hoạt động trên biển biết diễn biến của bão và đang di chuyển phòng tránh; 48.330 tàu/220.560 lao động đang neo đậu tại bến.

Nhà cửa bị sập đổ, hư hỏng do bão số 9 đang được khôi phục, sửa chữa. Trong đó 690 nhà bị sập đổ; 148.999 nhà bị hư hỏng, tốc mái.

Tại khu vực Rào Trăng 3 (TT.Huế), Nam Trà My, Phước Sơn (Quảng Nam), có 1.208 cán bộ, chiến sỹ đang thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn và nhân dân trong khu vực cần đảm bảo an toàn.

Tính đến ngày 2/11, cơn bão số 9 đã làm 33 người chết, 49 người mất tích và 15.484 hộ bị ngập.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh cần liên tục dự báo diễn biến bão số 10 để đưa ra các phương án ứng phó kịp thời. Ảnh: Phạm Hiếu.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh cần liên tục dự báo diễn biến bão số 10 để đưa ra các phương án ứng phó kịp thời. Ảnh: Phạm Hiếu.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại cuộc họp: “Đối với cơn bão số 10 này các tàu thuyền trên biển đều ở trong vùng nguy hiểm. Bên cạnh đó người dân thấy bão số 10 giảm cấp nên sẽ có tâm lý chủ quan. Ngoài ra sau bão sẽ có hoàn lưu mưa, mà khu vực này đều đã bị tổn thương từ lâu nên chỉ cần một tác động nhỏ cũng sẽ làm giọt nước tràn ly, tình thế sẽ bất lợi cho chúng ta”.

“Bão số 10 khi ở Philippines là siêu bão nhưng khi vào Biển Đông đã giảm cường độ. Tuy nhiên lại bắt đầu lệ thuộc vào nhiều yếu tố khác nên lại trở nên phức tạp và khó lường hơn. Chúng ta cần liên tục dự báo để đưa ra các phương án ứng phó kịp thời”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chỉ đạo.

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về Phong chống thiên tai, chỉ đạo cần tập trung tìm kiếm cứu nạn trên biển đối với các ngư dân Bình Định; đảm bảo an toàn tuyệt đối cho lực lượng cứu hộ, cứu nạn.

Thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động tránh trú an toàn hoặc không ra khơi. Không được chủ quan trong việc di chuyển tránh trú cũng như neo đậu tại bến để hạn chế thiệt hại.

Rút kinh nghiệm cơn bão số 8 và 9, tổ chức quán triệt và kiên quyết xử lý nghiêm những chủ phương tiện, thuyền trưởng không chấp hành hướng dẫn, kêu gọi của Biên phòng, chính quyền địa phương, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng không tuân thủ dẫn đến sự cố, thiệt hại. Tùy theo diễn biến của bão, chủ động cấm biển.

Khẩn trương tìm kiếm các nạn nhân còn bị mất tích, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho lực lượng cứu hộ, cứu nạn; chuẩn bị lương thực, nhu yếu phấm thiết yếu theo phương châm “4 tại chỗ” để chủ động đối phó với mưa, lũ lớn; đặc biệt đối với các khu vực còn bị ngập lụt, chia cắt, cung cấp lương thực, thực phẩm, y tế, nhu yếu phẩm thiết yếu khác để đảm bảo cuộc sống của người dân, phòng, chống dịch bệnh.

Tập trung sửa chữa nhà cửa bị hư hỏng của người dân, khôi phục hạ tầng giao thông, lưới điện, thông tin liên lạc, trường học, bệnh viện sớm ổn định đời sống nhân dân, các hoạt động kinh tế xã hội và sẵn sàng ứng phó với bão số 10.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chỉ đạo tại cuộc họp. Ảnh: Phạm Hiếu.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chỉ đạo tại cuộc họp. Ảnh: Phạm Hiếu.

“Rất may khi vào Biển Đông bão số 10 đã giảm cấp. Tuy nhiên diễn biến bão vẫn phức tạp, khi vào đất liền cộng thêm gió mùa Đông Bắc sẽ gây mưa lớn. Chúng ta không được chủ quan và theo dõi sát sao diễn biến của cơn bão”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh.

Xem thêm
Trao tặng 500 cuốn sách về biển đảo cho Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân

500 cuốn sách về biển đảo Việt Nam, khoa học quân sự... được Bộ Thông tin và Truyền thông đồng hành với các đơn vị trao tặng Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân.

Xâm nhập mặn mùa khô năm 2025 sẽ cao nhưng không gay gắt

ĐBSCL Dự báo xâm nhập mặn mùa khô năm 2025 tại ĐBSCL cho thấy mức độ xâm nhập sẽ cao hơn trung bình nhiều năm, nhưng không nghiêm trọng như các năm 2016 và 2020.

Áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão hoạt động trên Biển Đông

Áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão. Nếu mạnh lên thành bão, thì đây là cơn bão số 10 hoạt động trên Biển Đông trong năm 2024.