| Hotline: 0983.970.780

Người dân Thanh Hóa an toàn trước bão số 2

Thứ Ba 23/07/2024 , 20:25 (GMT+7)

Ngay sau khi thiên tai xảy ra, chính quyền các địa phương đã tổ chức các đoàn kiểm tra, chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả, sớm ổn định đời sống nhân dân.

Chiều 23/7, ông Phạm Bá Duyệt, Chủ tịch UBND xã Thành Sơn ̣(Quan Hóa, Thanh Hóa) cho biết, do ảnh hưởng của cơn bão số 2, trưa nay (23/7) xảy ra trận lũ quét tại suối Pu (bản Sơn Thành) khiến giao thông bị chia cắt tạm thời. Nước lũ tràn về đột ngột, cuốn trôi 2 ngôi nhà tạm, rất may không có thiệt hại về người. 

"Đây là hai ngôi nhà tạm của người dân dựng lên để kinh doanh buôn bán. Họ chỉ kinh doanh buổi sáng, còn buổi tối thì về nhà nghỉ ngơi. Tại thời điểm này, chính quyền địa phương đã bố trí người canh trực tại vị trí xảy ra lũ quét, nghiêm cấm người dân qua lại đập tràn để giữ an toàn tính mạng. Hiện nay, công tác khắc phục hậu quả do thiên tại đang được chính quyền địa phương rốt ráo thực hiện", ông Duyệt thông tin.

Lũ quét khiến 2 ngôi nhà tạm của người dân bị cuốn trôi. Ảnh: QT.

Lũ quét khiến 2 ngôi nhà tạm của người dân bị cuốn trôi. Ảnh: QT.

Theo thống kê của của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Thanh Hóa, tính đến chiều ngày 23/7, bão số 2 đã khiến 8 căn nhà bị hư hỏng; hơn 260ha lúa bị ngập; nhiều vị trí giao thông tại Quốc lộ 15C, Quốc lộ 217; Quốc lộ 47, đường tỉnh bị sạt ta luy đá lăn; 11 vị trí đường giao thông liên thôn, bản bị sạt lở (Quan Sơn, Mường Lát, Quan Hóa).

Ngay sau khi thiên tai xảy ra, cấp ủy, chính quyền các địa phương đã tổ chức các đoàn kiểm tra, chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả, sớm ổn định đời sống nhân dân bị ảnh hưởng của thiên tai; chỉ đạo các đoàn thể huy động lực lượng giúp đỡ các gia đình có nhà bị thiệt hại dọn dẹp, tu sửa nhà bị hư hỏng; hướng dẫn nhân dân khắc phục, chăm sóc diện tích cây trồng bị hư hại; khẩn trương thống kê tình hình thiệt hại và đề xuất nhu cầu hỗ trợ để sớm khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra.

Trong một diễn biến có liên quan, sáng nay đoàn công tác của tỉnh do ông Lê Đức Giang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn đã có mặt tại huyện Thường Xuân, Như Thanh tỉnh Thanh Hóa để chỉ đạo trực tiếp công tác ứng phó với bão số 2. Cùng đi có ông Cao Văn Cường, Giám đốc Sở NN-PTNT, lãnh đạo huyện Thường Xuân, Chi cục Thủy lợi Thanh Hóa. Tại đây, đoàn đã trực tiếp kiểm tra việc đảm bảo an toàn vận hành hồ chứa thủy lợi Cửa Đạt.

Tại huyện Thường Xuân, báo cáo nhanh với đoàn công tác, đơn vị quản lý cho hay, hiện nay mực nước tại hồ Cửa Đạt cao hơn 3m so với năm 2023, nhưng chưa vượt ngưỡng an toàn. Tại đây, các phương án đảm bảo an toàn hồ chứa theo phương châm "4 tại chỗ" đang được thực hiện tốt, sẵn sàng ứng phó nếu xảy ra sự cố.

Đoàn công tác phòng chống lụt bão do ông Lê Đức Giang (ngoài cùng, bên phải), Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã trực tiếp có mặt tại các hồ chứa để kiểm tra an toàn hồ đập. Ảnh: QT.

Đoàn công tác phòng chống lụt bão do ông Lê Đức Giang (ngoài cùng, bên phải), Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã trực tiếp có mặt tại các hồ chứa để kiểm tra an toàn hồ đập. Ảnh: QT.

Tại huyện Như Thanh, đoàn đã đi kiểm tra thực tế tại công trình hồ chứa nước sông Mực; tràn xả lũ hồ sông Mực do Công ty TNHH MTV Sông Chu quản lý vận hành. Tại đây, ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu đơn vị tiếp tục xử lý các hư hỏng còn tồn tại, đảm bảo an toàn cho công trình hồ chứa nước Sông Mực và vùng hạ du; theo dõi diễn biến thời tiết, khí tượng thuỷ văn, nguồn nước để xây dựng phương án sử dụng nước hợp lý, đảm bảo giảm lũ cho hạ du sông Yên, không gây ngập úng vùng thượng lưu hồ và đủ nguồn nước phục vụ tưới, cấp nước một phần cho Khu kinh tế Nghi Sơn, nhất là trong mùa khô năm 2024-2025.

Phó Chủ tịch tỉnh yêu cầu địa phương phải bố trí lực lượng theo phương châm “4 tại chỗ” để sẵn sàng đối phó với diễn biến bất thường của mưa bão, lũ gây ra; không được chủ quan, lơ là trước mọi tình huống. Thường xuyên kiểm tra mức độ an toàn của các công trình trọng yếu trong mùa mưa bão.

Tại khu vực ven biển, theo báo cáo nhanh của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, toàn tỉnh có 6.037 phương tiện/21.691 lao động. Tính đến chiều 22/7, có 5.377 phương tiện/17.957 lao động đã neo đậu tại bến. Các phương tiện đang hoạt động trên biển đã nắm được thông tin về cơn bão số 2 và thường xuyên giữ liên lạc với cơ quan chức năng, gia đình, chính quyền địa phương.

Hiện, các huyện, thị xã, thành phố ven biển đang tích cực phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tiếp tục hướng dẫn các tàu thuyền, phương tiện (bao gồm cả tàu du lịch) còn hoạt động trên biển, ven biển chủ động thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú an toàn; có biện pháp bảo đảm an toàn đối với hoạt động du lịch, nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản trên biển, ven bờ.

Đến chiều 23/7, toàn tỉnh không có thiệt hại về người do bão số 2; các công trình thủy lợi đáp ứng tốt công tác phòng chống thiên tai.

Xem thêm
Tổng Bí thư Tô Lâm: Quân đội là điểm tựa vững chắc của nhân dân

Tổng Bí thư nhấn mạnh cần xây dựng quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; vững mạnh về chính trị, bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống.

Những loại thuốc bảo vệ thực vật bị cấm sử dụng tại Việt Nam từ 1/2025

Bộ NN-PTNN vừa ban hành Thông tư về Danh mục thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng tại Việt Nam từ tháng 1/2025. Sẽ có những loại thuốc nào bị cấm?

Nguyên nhân vụ cháy nhà trọ làm 2 người chết

TP.HCM Ngôi nhà 4 tầng, rộng khoảng 60m2, được ngăn thành hơn chục phòng nhỏ cho thuê, tầng trệt để xe máy, thời điểm xảy ra cháy, khu trọ đang có 23 người ở các phòng.