| Hotline: 0983.970.780

Bão số 7 chưa tan, bão số 8 và bão số 9 chuẩn bị hình thành

Thứ Bảy 09/10/2021 , 20:24 (GMT+7)

Bão số 7 sẽ suy yếu thành áp thấp nhiệt đới trong đêm nay (9/10). Tuy nhiên, bão số 8 và bão số 9 được dự báo sẽ sớm hình thành trong 10 ngày tới.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai, chủ trì cuộc họp ứng phó với bão số 7. Ảnh: Tổng cục PCTT.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai, chủ trì cuộc họp ứng phó với bão số 7. Ảnh: Tổng cục PCTT.

Nguy cơ cao bão chồng bão

Chiều 9/10, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai, chủ trì cuộc họp ứng phó với bão số 7 (tên quốc tế là Lionrock).

Thông tin tại cuộc họp, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết, vào hồi 16 giờ, vị trí tâm bão ở trên khu vực phía Bắc đảo Hải Nam (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 khoảng 120km tính từ tâm bão. Đêm nay (9/10), bão số 7 sẽ suy yếu thành áp thấp nhiệt đới trước khi vào đất liền.

Theo ông Khiêm, do ảnh hưởng của bão số 7, kết hợp với không khí lạnh nên các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Thái Bình và Nam Định từ đêm nay (9/10) đến ngày mai sẽ có mưa phổ biến từ 100-150mm.

Từ ngày 10 - 11/10 các tỉnh vùng núi phía Bắc sẽ có mưa phổ biến 50-100mm. Các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An có mưa phổ biến 100-150mm. Các tỉnh Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai, Thanh Hoá có nguy cơ lũ quét và sạt lở đất.

Ông Mai Văn Khiêm đưa ra dự báo về cơn bão số 8 và khả năng hình thành cơn bão số 9 trong 10 ngày tới. Ảnh: Tổng cục PCTT.

Ông Mai Văn Khiêm đưa ra dự báo về cơn bão số 8 và khả năng hình thành cơn bão số 9 trong 10 ngày tới. Ảnh: Tổng cục PCTT.

Ngoài ra, trên khu vực ngoài khơi phía Bắc Philippine đã xuất hiện cơn bão Kompasu; khoảng đêm 11/10 đến sáng 12/10 sẽ đi vào Bắc biển Đông và trở thành cơn bão số 8.

Dự báo, đây là một cơn bão mạnh khi ở trên biển, di chuyển nhanh và có khả năng ảnh hưởng đến các tỉnh phía Đông Bắc bộ và phía Bắc Trung bộ trong khoảng ngày 13 - 14/10 và có thể gây ra một đợt mưa lớn cho các khu vực này trong giai đoạn 13 - 15/10.

Ngay sau đó, đến ngày 17/10 sẽ xuất hiện thêm nhiễu động và 60% khả năng sẽ mạnh lên thành bão và áp thấp ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta.

Đảm bảo an toàn cho người dân hồi hương khi gặp bão số 7

Nhận định về hình thái thời tiết trong 10 ngày tới, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai, cho rằng đây là một tổ hợp khá nguy hiểm, làm ảnh hưởng đến sức chịu đựng của cơ sở hạ tầng và con người.

Theo đó, đề phòng những cơn bão mới có thể đi nhanh, Thứ trưởng đề nghị Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia đưa ra những cảnh báo sớm để công tác ứng phó sớm được triển khai theo tình hình thực tiễn.

Thứ trưởng cũng cho rằng ngoài phòng chống thiên tai thì các địa phương cần có phương án phòng chống dịch Covid-19, đặc biệt việc sơ tán dân vùng nguy hiểm cần thực hiện nghiêm theo quy tắc 5K và phải tuân thủ theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo.

"Bên cạnh đó thời điểm này có rất đông người dân từ vùng dịch TP. HCM trở ra các tỉnh miền Bắc bằng xe máy. Trong 10 ngày tới mưa lớn kéo dài, tình hình ngập lụt trên các tuyến đường dễ xảy ra nên các địa phương cần thiết lập các trạm hỗ trợ di động, cảnh báo sớm cho người dân các điểm ngập lụt, đảm bảo an toàn về tính mạng và tài sản", Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh.

Bão số 7 và diễn biến thời tiết trong 10 ngày tới là một tổ hợp khá nguy hiểm. Ảnh: TTDBKTTVQG.

Bão số 7 và diễn biến thời tiết trong 10 ngày tới là một tổ hợp khá nguy hiểm. Ảnh: TTDBKTTVQG.

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết tổ hợp thời tiết nguy hiểm kéo dài trong 10 ngày tới sẽ gây khó khăn cho công tác ứng phó, do đó các địa phương cần phải sẵn sàng các kịch bản trong từng tình huống để giảm thiểu thiệt hại.

Theo đó, Ban Chỉ đạo yêu cầu các địa phương, đơn vị theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa, lũ kịp thời thông báo đến người dân trong khu vực chịu ảnh hưởng để chủ động các biện pháp phòng tránh, đặc biệt là di dời, sơ tán dân đảm bảo thực sự cần thiết, phù hợp, theo hướng di dời tại chỗ.

Kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất vùng thấp, trũng ven biển, sẵn sàng triển khai phương án di dời dân cư đảm bảo an toàn về người, tài sản, đồng thời đảm bảo phòng chống dịch Covid-19.

Sẵn sàng triển khai lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông nhất là các khu vực ngầm tràn, khu vực có nguy cơ ngập sâu. Bố trí sẵn lực lượng, phương tiện tại các khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đảm bảo an toàn giao thông.

Rà soát, sẵn sàng phương án ứng phó với bão số 8 (Kompasu) có thể ảnh hưởng đến khu vực Bắc bộ, Bắc Trung bộ và gây mưa lũ trong 10 ngày tới.

Xem thêm
Việt Nam - Indonesia hợp tác thúc đẩy an ninh lương thực

Chiều 19/5, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan hội đàm với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Insdonesia Andi Amran Sulaiman.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cây chè Việt Nam lên tem bưu chính

Cây chè và sản phẩm trà được Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam đưa vào bộ tem ‘Cây chè’ với 2 mẫu tem và 1 mẫu blốc.