Theo kết quả dự báo của Trung tâm Đại dương và Khí quyển Quốc gia Hoa Kỳ (NOAA), lượng mưa ngày dự báo trên khu vực hạ lưu sông Mekong trong 6 ngày tới ở mức cao và có nhiều biến động do ảnh hưởng của cơn bão số 8 trên Biển Đông.
Mưa lớn bắt đầu xuất hiện vào ngày 27/10 ở khu vực hạ Lào và Tây Nguyên của Việt Nam, sau đó mưa lan rộng ra các khu vực Thái Lan, Campuchia và đạt lớn nhất vào ngày 28/10 lượng mưa lớn phổ biến từ 50 – 100 mm, một số nơi trên 100 mm. Lượng mưa sau đó giảm xuống hầu hết ở mức dưới 20 – 25 mm, nhiều nơi không còn xuất hiện mưa.
Mưa do ảnh hưởng của bão số 8 xảy ra trên lưu vực ở mức khá lớn, phạm vi mưa rộng, tuy nhiên thời gian duy trì mưa lớn không dài, vì vậy nhận định mức lũ thượng nguồn trong thời gian tới sẽ tăng lên với cường suất lũ chỉ ở mức trung bình trên khu vực Hạ Lào và Campuchia.
Dòng chảy về ĐBSCL nhận định sẽ tăng lên vào những ngày cuối tuần khi lũ thượng nguồn tăng và kết hợp triều cường cuối tháng 10.
Đỉnh triều cuối tháng 10/2020 ở ĐBSCL dự báo ở mức cao hơn trung bình nhiều năm (TBNN) nhưng thấp hơn 2019 cùng kỳ. Đỉnh triều tại Trần Đề đợt triều cuối tháng 10 ở mức 2,14 m, thấp hơn 0,17 m so với cùng kỳ năm 2019.
Với mức triều ven biển dự báo như trên, kết hợp lũ đầu nguồn đổ về, Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam nhận định, mực nước lớn nhất kỳ cuối tháng 10 tại Cần Thơ và Mỹ Thuận khả năng ở mức BĐ3 và trên BĐ3 từ 5 – 10 cm.
Đến nay khả năng cao đỉnh lũ ngày 22/10 tại Tân Châu đạt 2,88 m và ngày 19/10 tại Châu Đốc đạt 2,75 m là đỉnh lũ của năm 2020.
Bởi mực nước lũ lớn nhất vào cuối tháng 10 tại Tân Châu và Châu Đốc được nhận định thấp hơn mức đỉnh lũ nói trên từ 5 – 10 cm.
Đỉnh lũ năm nay thấp, về cơ bản không ảnh hưởng đến sản xuất vụ Thu Đông năm 2020. Chỉ một số diện tích lúa trên vùng giữa và vùng ven biển ĐBSCL cần đề phòng trường hợp mưa lớn kết hợp triều cường có thể gây ngập úng và ngã đổ.
Một số khu vực trung tâm thành phố, thị xã, thị trấn thuộc các tỉnh vùng ven biển hiện nay cốt nền đang ở mức thấp cần đề phòng khi triều cường đạt đỉnh vào cuối tháng 10.