| Hotline: 0983.970.780

Lũ lớn trên toàn tuyến sông Bắc miền Trung, bão số 8 chuẩn bị đổ bộ

Thứ Tư 21/10/2020 , 13:31 (GMT+7)

Trước diễn biến khó lường của bão số 8, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chỉ đạo nhiệm vụ số 1 hiện nay là cứu trợ người dân.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo tại Hội nghị. Ảnh: Phạm Hiếu.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo tại Hội nghị. Ảnh: Phạm Hiếu.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, đã đề nghị các cơ quan cần tập trung vào công tác cứu trợ cho người dân vùng lũ. Thời gian qua, nhiều tổ chức đến cứu trợ nhưng giao thông khó khăn nên nhiều khu vực vẫn khó tiếp cận. Do đó, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ NN-PTNT tiến hành hỗ trợ cho 5 tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do mưa lũ (Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Hà Tĩnh), mỗi tỉnh 5 tấn xúc xích.

“Hàng cứu trợ phải tập trung, do chính quyền, ủy ban MTTQ các địa phương tiếp nhận, phân phối. Tránh đi cứu trợ hình thức, quay phim chụp ảnh xong là xong…", Phó Thủ tướng chỉ đạo.

Trước diễn biến phức tạp của bão số 8, Phó Thủ tướng đề nghị cần bảo đảm an toàn trên biển. Các đơn vị có liên quan có trách nhiệm hướng dẫn tàu thuyền vào nơi tránh trú an toàn. Bảo đảm an toàn cho các hoạt động kinh tế biển, nhất là nuôi trồng thủy sản, nếu cần thiết thì cưỡng chế người dân vào bờ.

Đối với tuyến đất liền, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị tất cả các địa phương phải xây dựng phương án ứng phó với bão số 8. Trước hết là sơ tán dân, bảo đảm an toàn cho người dân khi bão vào bờ, đặc biệt là khu vực miền núi, trung du. Đồng thời, chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng phó với mưa lũ, bão theo phương châm 4 tại chỗ.

Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, nhận định tầm ảnh hưởng của bão số 8 sẽ rất rộng. Ảnh: Phạm Hiếu.

Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, nhận định tầm ảnh hưởng của bão số 8 sẽ rất rộng. Ảnh: Phạm Hiếu.

Thông tin tại Hội nghị, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, cho biết hồi 7 giờ ngày 21/10, vị trí tâm bão số 8 ở khoảng 16,2 độ Vĩ Bắc; 118,6 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 680 km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75 km/giờ), giật cấp 10. Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 km và có khả năng mạnh thêm. Theo dự báo, tâm bão sẽ đổ bộ vào đất liền khu vực tỉnh Hà Tĩnh vào khoảng 5h ngày 26/10.

Hiện nay các trung tâm dự báo quốc tế đều đưa ra nhận định, những ngày tiếp theo phạm vi vùng ảnh hưởng của bão rất rộng. Ngoài ra mặt nước biển gần khu vực Quần đảo Hoàng Sa hiện có nhiệt độ khá cao là điều kiện thuận lợi cho bão tăng cường độ trong các giờ tiếp theo. Tuy nhiên, khi vượt qua quần đảo Hoàng Sa, vào vùng biển phía trong thì nhiệt độ mặt nước biển thấp nên không làm tăng cường độ của bão.

Với các điều kiện như vậy, trong ngày và đêm nay (21/10), khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả Quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, sau tăng lên cấp 9-10, giật cấp 12; biển động rất mạnh, sóng biển cao từ 5-7 m.

Ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai. Ảnh: Phạm Hiếu.

Ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai. Ảnh: Phạm Hiếu.

Theo báo cáo của Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, hiện nay lũ lớn xuất hiện trên toàn 16 tuyến sông chính tại khu vực Bắc Trung bộ, trong đó có 5 tuyến sông lũ đã vượt mức lịch sử (sông Kiến Giang, Quảng Bình; sông Hiếu, sông Thạch Hãn, sông Ô Lâu, Quảng Trị; sông Bồ, Thừa Thiên Huế).

Ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, cho biết tính đến 19h ngày 20/10, còn 124.569 hộ dân tại 2 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình còn bị ngập. Các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị đã sơ tán tổng số 59.296 hộ và 206.755 người.

Tổng số thiệt hại về người từ ngày 6/10 đến 20/10 là 133 người, trong đó có 111 người chết và 22 người mất tích.

"Hiện nay toàn bộ thảm rừng phía Tây đều đã trương nước, bão hòa kể cả trong đất lẫn trong rừng, bất kì tác động dù nhỏ về mặt cơ học sẽ gây sạt trượt rất lớn. Chính vì thế toàn bộ hoạt động kinh tế hiện nay từ phục hồi đến công tác cứu hộ cứu nạn cần phải được hết sức chú ý", Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường.

Xem thêm
Tổng Bí thư tiếp Đại sứ Úc Andrew Goledzinowski đến chào từ biệt

Chiều 23/12, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Australia tại Việt Nam Andrew Goledzinowski đến chào từ biệt, kết thúc nhiệm kỳ công tác.

Xuất khẩu thủy sản đạt 10 tỷ USD, kỳ vọng vào 2025

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam tổ chức Lễ mừng xuất khẩu thủy sản đạt 10 tỷ USD năm 2024, kỳ vọng tăng trưởng tốt hơn trong năm 2025.

Muốn khôi phục sản xuất cần giãn nợ, mở rộng chính sách bảo hiểm nông nghiệp

Khoanh nợ, giãn nợ, bổ sung gói vay mới, mở rộng chính sách bảo hiểm trong nông nghiệp sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất bền vững.