| Hotline: 0983.970.780

Festival Bảo tồn và phát triển Làng nghề Việt Nam 2023

Bảo tồn làng nghề góp phần phát triển nông thôn bền vững

Thứ Năm 09/11/2023 , 09:00 (GMT+7)

Bộ trưởng Lê Minh Hoan đánh giá, các làng nghề truyền thống là nơi lưu giữ nhiều giá trị, như văn hóa, lịch sử, truyền thống, đồng thời có dư địa lớn về xuất khẩu.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan đánh giá, các làng nghề có tiềm năng và dư địa lớn để phát triển xuất khẩu. Ảnh: Bảo Thắng.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan đánh giá, các làng nghề có tiềm năng và dư địa lớn để phát triển xuất khẩu. Ảnh: Bảo Thắng.

Nơi lưu giữ lịch sử, văn hóa

Những phát hiện về khảo cổ, những cứ liệu lịch sử đã chứng minh rằng làng nghề Việt Nam ra đời từ cách đây hàng nghìn năm. Cùng với sự phát triển của nền văn minh nông nghiệp, nhiều nghề thủ công xuất hiện tại các vùng nông thôn, ban đầu là những công việc tranh thủ lúc nông nhàn, để chế tạo những vật dụng cần thiết trong sinh hoạt. Về sau, hoạt động này phát triển lên thành nhu cầu trao đổi hàng hóa và tìm kiếm thu nhập ngoài nghề nông.

Theo thống kê của Cục Kinh tế hợp tác và PTNT, các làng nghề truyền thống hầu hết tập trung ở vùng châu thổ sông Hồng như Hà Nội, Bắc Ninh, Thái Bình, Nam Định... Một số ít rải rác ở các vùng cao và châu thổ miền Trung và miền Nam.

Đánh giá về các làng nghề, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, đây là lĩnh vực vừa mang tính kinh tế - xã hội, vừa có tính lịch sử, văn hóa. "Các làng nghề không chỉ là nơi bảo tồn và lưu giữ những giá trị văn hóa, lịch sử, mà còn là nơi góp phần bảo đảm đời sống vật chất và tinh thần ổn định của người dân, là nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương", ông chia sẻ.

Theo Bộ trưởng, mỗi nghề, mỗi làng là một câu chuyện lịch sử, văn hóa đặc trưng của từng vùng, miền. Nhiều làng nghề truyền thống hiện giữ được thương hiệu sản phẩm nổi tiếng như gốm Bát tràng, lụa Vạn Phúc, dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp, gốm Bầu Trúc, gốm Bình Dương; nón lá An Hiệp...

Cùng là dệt thổ cẩm nhưng hoa văn, họa tiết của người Dao, người Mông, người Thái lại khác nhau. Nhờ những yếu tố này, tính đa dạng về mẫu mã, chất liệu, kích thước, chủng loại của các sản phẩm trong làng nghề được thể hiện.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan tới thăm bản du lịch Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu. Ảnh: Bảo Thắng.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan tới thăm bản du lịch Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu. Ảnh: Bảo Thắng.

Đến nay cả nước đã công nhận hơn 2.000 làng nghề truyền thống. Một số làng nghề truyền thống đã chủ động, linh hoạt trong việc cải tiến kỹ thuật, công nghệ, đầu tư cơ sở vật chất, nguồn nhân lực nên sản phẩm ngày càng được thị trường, người tiêu dùng trong nước và nước ngoài ưa thích, tiêu thụ với số lượng lớn. Bên cạnh đó, các làng nghề còn tích hợp đa giá trị, giúp các nghệ nhân và người dân sinh sống trong khu vực đa dạng hóa dịch vụ thông qua hoạt động du lịch, trải nghiệm.

"Sản phẩm của các làng nghề được thổi hồn từ đôi bàn tay tài hoa, khối óc sáng tạo của đội ngũ hàng ngàn các nghệ nhân, thợ giỏi, người lao động để tạo ra các sản phẩm vừa phục vụ đời sống hàng ngày của người dân, vừa có tính thẩm mỹ góp phần tạo nên tính độc đáo của văn hóa cộng đồng các dân tộc Việt Nam", Bộ trưởng Lê Minh Hoan đánh giá.

Tính trên bình diện cả nước, Hà Nội thực sự được xem là vùng đất “trăm nghề”. Từ đây, nhiều nghề đã hình thành, phát triển và lan tỏa đến nhiều địa phương trên cả nước. Đó cũng là lý do, Bộ NN-PTNT phối hợp UBND TP Hà Nội tổ chức Festival Bảo tồn và phát triển Làng nghề Việt Nam năm 2023.

Làng nghề là một đơn vị hành chính cổ xưa, cũng được dùng theo nghĩa là một nơi quần cư đông người, sinh hoạt có tổ chức, có kỷ cương tập quán riêng. Làng nghề không những là một khu vực chuyên về một lĩnh vực nào đó, mà còn có hàm ý là những người có cùng nghề, sống hợp quần để phát triển công ăn việc làm. Cơ sở nền tảng của các làng nghề là sự hợp tác, làm ăn tập thể, vừa phát triển kinh tế, vừa giữ gìn bản sắc dân tộc và các nét riêng biệt của địa phương. 

Bộ trưởng Lê Minh Hoan trải nghiệm một sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Ảnh: Bảo Thắng.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan trải nghiệm một sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Ảnh: Bảo Thắng.

Dư địa lớn cho xuất khẩu

Từ năm 2018, Bộ NN-PTNT được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về phát triển ngành nghề, làng nghề. Triển khai nhiệm vụ được giao, ngành nông nghiệp từ Trung ương đến địa phương đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp và đạt được một số kết quả nhất định.

Cụ thể, khu vực ngành nghề nông thôn đang thu hút hơn 800 nghìn cơ sở nghề là các doanh nghiệp, HTX và các hộ nghề sản xuất, giải quyết công ăn việc cho khoảng 3,7 triệu lao động. Con số này đã tăng gần 1,5 triệu lao động so với năm 2020, trong đó lao động thường xuyên là 2,7 triệu, còn lại là lao động thời vụ.

Quy mô của ngành nghề nông thôn có doanh thu hơn 200 nghìn tỷ đồng. Kim ngạch xuất khẩu riêng nhóm ngành nghề thủ công mỹ nghệ năm 2022 đạt trên 3,3 tỷ USD. Nhiều làng nghề đã trở thành sản phẩm du lịch độc đáo hấp dẫn đối với khách trong và ngoài nước, đồng thời quảng bá hình ảnh đất nước - con người Việt Nam với bạn bè thế giới.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, giá trị của làng nghề và ngành nghề nông thôn còn nằm ở những thứ "vô hình", chẳng hạn như tạo công ăn việc làm lâu dài, ổn định cho nhóm người yếu thế.

"Trong tương lai, khu vực ngành nghề nông thôn, các làng nghề chắc chắn sẽ có bước phát triển đột phá. Việc duy trì, bảo tồn các giá trị văn hóa nghề, làng nghề truyền thống, nâng cao được năng lực cạnh trạnh, giá trị gia tăng của các sản phẩm làng nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân sẽ tạo ra nhiều giá trị. Trong đó có bảo vệ cảnh quan, không gian và môi trường, xây dựng các khu dân cư, làng văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội nông thôn bền vững", vị tư lệnh ngành nông nghiệp đặt hy vọng.

Với mục đích nhằm bảo tồn, gìn giữ, tái hiện và phát huy bản sắc các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc; hình thành các nét văn hóa đương đại của làng nghề Việt Nam, Bộ trưởng Lê Minh Hoan tin tưởng, Festival Bảo tồn và phát triển Làng nghề Việt Nam 2023 sẽ là nơi tôn vinh các nghệ nhân, thợ giỏi, người lao động trong các làng nghề, khơi dậy tình yêu các nghề truyền thống của thế hệ trẻ.

Đây là tiền đề để thu hút lực lượng lao động trẻ, có trình độ tham gia vào hoạt động, sản xuất kinh doanh của các làng nghề. Song song với đó là tạo ra môi trường giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, kiến thức về thiết kế mẫu mã, sản xuất, kinh doanh các mặt hàng làng nghề của Việt Nam với các nước trên thế giới.

Festival Bảo tồn và phát triển Làng nghề Việt Nam 2023 sẽ là nơi để các nghệ nhân giao lưu, tìm kiếm cơ hội hợp tác. Ảnh: Tùng Đinh.

Festival Bảo tồn và phát triển Làng nghề Việt Nam 2023 sẽ là nơi để các nghệ nhân giao lưu, tìm kiếm cơ hội hợp tác. Ảnh: Tùng Đinh.

Trong khuôn khổ Festival Bảo tồn và phát triển Làng nghề Việt Nam 2023, Hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam đã tiếp nhận 500 sản phẩm, tác phẩm của hơn 200 tác giả, nhóm tác giả ở cả 3 miền. Nhiều nhất là sản phẩm thuộc nhóm gốm sứ và thủy tinh; nhóm mây, tre, lá và nhóm sơn mài, khảm trai, gỗ mỹ nghệ.

Nghệ nhân cao tuổi nhất tham gia là ông Nguyễn Quang Xuân sinh năm 1944 (79 tuổi), nghệ nhân làm dép cao su Bác hồ. Thợ giỏi trẻ tuổi nhất sinh năm 2005 (18 tuổi) tham gia sản phẩm mây tre đan. Kết quả, Ban tổ chức đã lựa được 45 sản phẩm, trong đó đạt giải A 5 sản phẩm; giải B 10 sản phẩm; giải C 15 sản phẩm và giải D 15 sản phẩm.

Tiếp nối thành công của Hội chợ Làng nghề Việt Nam những năm trước, từ ngày 9 đến 12/11, Bộ NN-PTNT phối hợp với UBND TP Hà Nội tổ chức Festival Bảo tồn và phát triển Làng nghề Việt Nam 2023 với quy mô quốc tế.

Chuỗi sự kiện được Bộ tổ chức trong thời gian diễn ra Festival, gồm: Đêm biểu diễn Chương trình nghệ thuật của các làng nghề văn hóa truyền thống; Hội thảo quốc tế “Bảo tồn và phát triển làng nghề”; Hội thảo xây dựng vùng nguyên liệu dâu tằm tơ; Hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam.

Đơn vị đồng tổ chức, UBND TP Hà Nội cũng hưởng ứng bằng các hoạt động như: Lễ rước Tổ nghề và Tuần Văn hóa du lịch thương mại làng nghề Vạn Phúc; Lễ trao giải các sản phẩm Làng nghề Hà Nội đạt giải năm 2023; Giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh Nam bộ; Lễ hội và trưng bày sản phẩm làng nghề huyện Phú Xuyên; Lễ hội mùa thu Hà Nội; Hội chợ quốc tế quà tặng hàng thủ công mỹ nghệ Hà Nội.

Xem thêm
Guinea muốn học hỏi kinh nghiệm của nông nghiệp Việt Nam

Việt Nam đang nỗ lực thúc đẩy hợp tác Nam - Nam và Việt Nam - Nam Phi - Guinea, thể hiện là thành viên có trách nhiệm về an ninh lương thực, nhất là với châu Phi.

Chuyện chuyển dịch cơ cấu cây trồng ở vựa rau Minh Tân

Ông Đinh Văn Thủy, Chủ tịch UBND xã Minh Tân, huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội thông tin, địa phương có 587 ha đất nông nghiệp trong đó có 160 ha rau.

Vì sao đây là thời điểm tốt nhất để mua VinFast VF 7?

Loạt chính sách mới được công bố dành cho khách hàng mua VinFast VF 7 đang khiến nhiều người có ý định chốt cọc VF 7 hồ hởi.

Bộ đội Biên phòng Sóc Trăng cứu nạn thành công 6 thuyền viên

Chiều 4/10, các chiến sĩ Hải đội 2 (Bộ đội Biên phòng Sóc Trăng) cứu nạn thành công, đưa vào bờ an toàn 6 thuyền viên gặp nạn trên vùng biển huyện Trần Đề.