| Hotline: 0983.970.780

Tôn vinh làng nghề tại Festival Bảo tồn và phát triển Làng nghề Việt Nam 2023

Thứ Tư 01/11/2023 , 16:07 (GMT+7)

HÀ NỘI Festival Bảo tồn và phát triển Làng nghề Việt Nam năm 2023 tổ chức từ ngày 9 đến 12/11 với nhiều hoạt động quảng bá sản phẩm, vinh danh nghệ nhân làng nghề truyền thống.

Nhiều sản phẩm từ các làng nghề truyền thống như gốm sư, nước mắm, đồ thủ công mỹ nghệ sẽ được trưng bày trong khuôn khổ Festival.   Ảnh minh họa.

Nhiều sản phẩm từ các làng nghề truyền thống như gốm sư, nước mắm, đồ thủ công mỹ nghệ sẽ được trưng bày trong khuôn khổ Festival.   Ảnh minh họa.

Ngày 1/11, Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp phối hợp cùng Cục Kinh tế hợp tác và PTNT; Cục Chất lượng, Chế biến và phát triển thị trường tổ chức họp báo chia sẻ thông tin về Festival Bảo tồn và phát triển Làng nghề Việt Nam 2023.

Tiếp nối thành công của Hội chợ Làng nghề Việt Nam những năm trước, năm 2023, Bộ NN-PTNT phối hợp với UBND thành phố Hà Nội tổ chức Festival Bảo tồn và phát triển Làng nghề Việt Nam 2023 với quy mô quốc tế. Đây là hoạt động có ý nghĩa quan trọng nhằm bảo tồn, giữ gìn, tái hiện và phát huy bản sắc các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, hình thành các nét văn hóa đương đại của làng nghề Việt Nam.

Trong đó lấy các làng nghề của thành phố Hà Nội làm trung tâm để lan tỏa sang các địa phương khác. Thông qua đó tạo môi trường giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, kiến thức sản xuất kinh doanh sản phẩm làng nghề; tôn vinh các nghệ nhân, thợ giỏi, người lao động trong các làng nghề; quảng bá, giới thiệu các làng nghề, phố nghề truyền thống trên địa bàn thành phố Hà Nội và cả nước; qua đó từng bước thúc đẩy tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm và phát triển du lịch trong các làng nghề.

Ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp cho biết, tâm điểm của Festival năm nay là Hội chợ quốc tế giới thiệu sản phẩm làng nghề, sản phẩm OCOP với quy mô 300 gian hàng trưng bày bao gồm 100 đơn vị doanh nghiệp trong nước và quốc tế đưa đến cho du khách nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ đặc trưng như: Gốm sứ Bát Tràng, tranh Đông Hồ, dệt thổ cẩm Hoa Tiến Nghệ An, mỹ nghệ từ dừa Bến Tre... Bên cạnh đó là không gian trưng bày các sản phẩm thủ công mỹ nghệ với quy mô 20 gian hàng đến từ các nước Thái Lan, Nga, Lào, Indonesia...

Để triển khai việc tổ chức Festival, ngay từ đầu tháng 5, Ban tổ chức đã phát động Hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm 2023 cũng như liên lạc với các đối tác nước ngoài để thu hút sự tham dự của các tổ chức quốc tế. Bộ NN-PTNT đã ra quyết định thành lập Ban chỉ đạo, Ban tổ chức và các tiểu ban để triển khai các nội dung của Festival Bảo tồn và phát triển Làng nghề Việt Nam 2023.

Khác với các năm trước, Festival năm nay sẽ diễn ra với nhiều hoạt động nổi bật và ý nghĩa như: Lễ vinh danh các nghệ nhân, thợ giỏi; Hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ; biểu diễn Chương trình nghệ thuật văn hóa truyền thống; Hội thảo quốc tế “Bảo tồn và phát triển làng nghề”.

Đặc biệt, hàng loạt các hoạt động hưởng ứng Festival do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội chủ trì thực hiện như: Lễ rước Tổ nghề và tuần văn hóa du lịch - thương mại làng nghề Vạn Phúc năm 2023 với chủ đề “Vạn Phúc - Sắc màu Hội nhập”; Tuần lễ giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hoá các tỉnh Nam Bộ; Lễ hội mùa thu Hà Nội; Hội chợ quốc tế quà tặng hàng thủ công mỹ nghệ Hà Nội năm 2023 và Tổ chức các hoạt động thăm quan, trải nghiệm tại các làng nghề ở Hà Nội: Bát Tràng, Vạn Phúc, Đường Lâm….

Theo bà Nguyễn Thị Hoàng Yến, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và PTNT sự kiện là không gian để các làng nghề Việt Nam có cơ hội giao lưu, học hỏi mô hình phát triển làng nghề ở các nước trên thế giới như Ý, San Marino,... nơi mà những làng nghề nổi tiếng về những mặt hàng như gốm sứ, điêu khắc... Thông qua đó mở ra hướng bán sản phẩm với tư duy mới, nâng tầm sản phẩm Việt thay vì đi theo lối bán những sản phẩm đơn thuần.

Xem thêm
Nuôi dê chủ yếu bằng trái cây

ĐẮK NÔNG Thức ăn của đàn dê chủ yếu là những thứ có sẵn trong vườn như mít, chuối, cỏ ngọt nên thịt dê đạt chất lượng cao, thương lái 'tranh nhau mua'.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Hỗ trợ vật tư cho vùng măng tây lớn nhất Ninh Thuận

NINH THUẬN 08 hộ dân thực hiện mô hình trồng thâm canh cây măng tây xanh theo hướng hữu cơ tại xã An Hải (huyện Ninh Phước) được hỗ trợ giống, phân bón, thuốc BVTV...

Phủ xanh quần đảo Trường Sa

Giữa mênh mông biển khơi, đoàn cán bộ của Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam vẫn quyết tâm vượt sóng gió, đưa cây, con giống ra phủ xanh quần đảo Trường Sa.