| Hotline: 0983.970.780

Bảo vật quốc gia cần được trân trọng

Thứ Năm 15/08/2019 , 09:02 (GMT+7)

Đó là cuốn “Nhật ký trong tù” (tái bản) do Nhà xuất bản Văn học và Cty TNHH Văn hóa Minh Tân - nhà sách Minh Thắng liên kết phát hành, in xong và nộp lưu chiểu năm 2019.

Bản thảo vãng lai

Có lẽ, khi tái bản “Nhật ký trong tù” năm 2019, đơn vị xuất bản đã nhặt được bản thảo vãng lai ở đâu đó không rõ nguồn gốc xuất xứ, cho nên đã in ra cho bạn đọc một ấn phẩm què cụt, nhan nhản sai sót.

14-27-43_nktt_2
Sách “Nhật ký trong tù” (tái bản).

“Nhật ký trong tù” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tên chữ Hán là “Ngục trung nhật ký” gồm 134 bài, được dịch ra chữ Hán và công bố lần đầu năm 1960. Các bài thơ trong bản dịch này chủ yếu do nhà thơ Nam Trân dịch. Về sau, “Nhật ký trong tù” được Viện Văn học dịch và công bố đầy đủ. Năm 2019, không hiểu vì lý do gì, với một ấn phẩm không hề có Lời giới thiệu của Nhà xuất bản hay đơn vị liên kết, người ta lẳng ngay ra cho bạn đọc bản dịch 113 bài thơ. Điều này khiến bạn đọc đặt ra câu hỏi: Vậy 21 bài thơ khác của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tập “Nhật ký trong tù” đi đâu?

Chúng tôi xin dẫn một số bài không có trong sách tái bản năm 2019 như “Nạn hữu Mạc mỗ” (Bạn tù họ Mạc); “Liễu Châu ngục” (Nhà ngục Liễu Châu); “Độc Tưởng công huấn từ” (Đọc lời giáo huấn của ông Tưởng [Giới Thạch]);… và bài “Kết luận”.

Chiều 13/8, trao đổi với PV Báo NNVN, ông Nguyễn Anh Vũ, Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Văn học lý giải nguyên nhân do đơn vị liên kết (nhà sách Minh Thắng) không sử dụng bản thảo do Nhà xuất bản cung cấp.

Trong “Nhật ký trong tù” (tái bản) 2019, cũng viết lung tung về tên các dịch giả cuối mỗi bài. Đặc biệt, bài “Tân xuất ngục học đăng sơn” (Mới ra tù, tập leo núi) đề tên người dịch là Nam Trân (tr. 131) nhưng đây là bản dịch của T.Lan - một bút danh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bản dịch này rất nổi tiếng, những ai đã học qua lớp 12 đều được biết bài thơ và bản dịch này. Không hiểu vì lẽ gì lại thành… Nam Trân dịch(?).

Ngoài ra, bản dịch bài “Điền Đông” là của Nam Trân - Hoàng Trung Thông thì lại ghi thành Nam Trân - Huệ Chi (tr. 33); bài “Gửi Nê-ru” do Hoàng Trung Thông dịch lại đề Nam Trân dịch (tr. 89); bài “Đáp xe lửa đi Lai Tân” do Đỗ Văn Hỷ - Huệ Chi dịch thì đề Nam Trân dịch (tr. 95)...

Bài “Hụt chân ngã” (tr. 58) và bài “Đêm không ngủ” (tr. 118)… có in một bản dịch khác nhưng không đề tên dịch giả.
 

Đâu mới là bản dịch của Nam Trân

“Nhật ký trong tù” (tái bản) 2019 tuy dưới mỗi bản dịch đề Nam Trân dịch nhưng khi chúng tôi đối chiếu với văn bản in lần đầu năm 1960 của Nhà xuất bản Văn hóa, thời điểm nhà thơ Nam Trân còn sống (ông mất năm 1967) thì thấy rất khác nhau.

14-27-43_nktt_1
 

Dưới đây chúng tôi xin dẫn một số ví dụ:

Bài “Vào nhà ngục huyện Tĩnh Tây”, sách 2019 có câu “Tạnh, mưa, mây nổi bay đi hết/ Còn lại trong tù khách tự do” (tr. 8). Câu này, bản in 1960 như sau: “Mây mưa, mây tạnh bay đi hết/ Còn lại trong tù khách tự do” (tr. 18).

Bài “Đường đời hiểm trở” III, sách tái bản 2019: “Ta người ngay thẳng lòng trong trắng/ Lại bị tình nghi là Hán gian/ Xử thế từ xưa không phải dễ/ Mà nay xử thế khó khăn hơn” (tr. 10). Còn trong bản in 1960: “Ta người ngay thẳng lòng trong trắng/ Lại bị tình nghi kẻ Hán gian/ Vốn biết ở đời không phải dễ/ Mà nay càng thấy khó khăn hơn” (tr. 23).

Bài “Học đánh cờ” I, sách tái bản 2019 có câu “Tấn công, thoái thủ nên thần tốc” (tr. 21). Câu này, bản in năm 1960 là: “Tấn công, thoái thủ nhanh như chớp”. Bài “Trung thu” I, bản dịch năm 1960 là “Gương trăng vành vạnh giữa trời thu/ Sáng khắp nhân gian bạc một màu” (tr. 54). Sách tái bản năm 2019 là “Trung thu vành vạnh mảnh gương thu/ Sáng khắp nhân gian bạc một màu” (tr. 25).

Hay như bài “Lính ngục đánh cắp mất chiếc gậy”, câu trong bản in năm 1960 là “Giận kẻ bất lương gây cách biệt” (tr. 167) thì đến bản in 2019 lại thành “Giận kẻ gian kia gây cách biệt” (tr. 85).

Còn nhiều ví dụ khác nhưng do khuôn khổ tờ báo chúng tôi không thể dẫn ra hết. Chỉ có điều, với những dẫn chứng nêu trên, người đọc hết sức băn khoăn không rõ đâu mới là bản dịch của nhà thơ Nam Trân? Chẳng lẽ, sau hơn nửa thế kỳ từ giã cõi đời, nhà thơ Nam Trân lại có thể sửa được bản dịch của mình đã in sách từ năm 1960? 

Xin dành cho Cục Xuất bản, In và Phát hành cùng Nhà xuất bản Văn học và đơn vị liên kết cũng như Viện Văn học (Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam) có câu trả lời cho bạn đọc được tỏ tường.

Không phải lần đầu

Đây không phải lần đầu tiên Nhà xuất bản Văn học cấp phép để cho ra đời ấn phẩm “Nhật ký trong tù” có nhiều lỗi như vậy. Trước đó, năm 2017, chúng tôi đã 2 lần phản ánh về những lỗi sai trong bản dịch “Nhật ký trong tù” của Nhà xuất bản Văn học liên kết cùng nhà sách Huy Hoàng. Ông Nguyễn Anh Vũ đã phải ra văn bản dừng phát hành, thu hồi và sửa chữa.

Được biết, năm 2012, “Nhật ký trong tù” đã được Thủ tướng Chính phủ ra quyết định công nhận là Bảo vật Quốc gia. Không hiểu, vì sao Bảo vật Quốc gia “Nhật ký trong tù” lại bị ứng xử như vậy?

Trách nhiệm do ai?

Không riêng gì tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, di sản văn hóa của các danh nhân khác cũng vậy, thế hệ đi sau phải có phép ứng xử đúng mực. Điều này, không chỉ thể hiện lòng tôn kính, mà còn là sự tôn trọng văn bản mà tiền nhân đã để lại cho đời sau.

Thiết nghĩ sự cẩu thả trong bản dịch “Nhật ký trong tù” lần này là điều không thể chấp nhận. Một khi “đơn vị liên kết không sử dụng bản thảo do Nhà xuất bản cung cấp”, thiết nghĩ, NXB nên thu hồi; hoặc có động tác bổ sung, chỉnh sửa kịp thời.

Qua vấn đề này, tôi nhận ra rằng, vấn đề liên kết xuất bản (kế hoạch B) lâu nay đã là một tiến bộ, đổi mới trong lãnh vực xuất bản, thế nhưng vẫn còn đó “con sâu làm rầu nồi canh”.

Đã đến lúc chính các nhà xuất bản cũng nên “chọn bạn mà chơi”, chọn lọc đối tác, nói như thế bởi đây không phải là lần đầu tiên Cty TNHH Văn hóa Minh Tân - nhà sách Minh Thắng sai phạm.

Với những đơn vị làm sách kiểu như thế này, tất nhiên, nhà xuất bản nào phải liên đới trách nhiệm nếu chọn đối tác đó, thế nhưng đâu là vai trò của Cục Xuất bản, In và Phát hành?

Nhà báo Lê Minh Quốc

Xem thêm
Diễn viên Midu sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6

Diễn viên Midu vừa thông báo sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6/2024. Cô cũng đã gửi thiệp đến những người bạn thân thiết về sự kiện trọng đại này.

Real Madrid tiến sát ngôi vô địch sau trận siêu kinh điển

Dù bị Barcelona 2 lần dẫn trước nhưng Real Madrid vẫn lội ngược dòng thành công để thắng 3-2 và tiến sát ngôi vô địch La Liga.

Nhận định U23 Việt Nam vs U23 Iraq: Vượt lên chính mình

Trận đấu giữa U23 Việt Nam vs U23 Iraq trong khuôn khổ vòng tứ kết giải U23 Châu Á 2024 sẽ diễn ra vào lúc 00h30 ngày 27/4/2024 trận sân vận động Al Janoub.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất