Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh trả lời chất vấn. Ảnh: quochoi.vn. |
"Trong những vụ việc ngư dân nước ta bị bắt giữ, chúng ta kiên quyết đấu tranh với các nước nếu ngư dân bị bắt khi đang đánh cá hợp pháp. Đồng thời, chúng ta cũng yêu cầu thả người và bồi thường thiệt hại", Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết.
Trước đó, đại biểu Nguyễn Phương Tuấn (Ninh Bình) đặt vấn đề thời gian qua có tình trạng tàu cá, ngư dân Việt Nam bị bắt giữ khi đánh bắt ở khu vực chưa phân định trên Biển Đông. Đại biểu Tuấn hỏi Chính phủ có giải pháp nào để bảo vệ ngư dân.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định việc bảo hộ ngư dân được Đảng, Chính phủ hết sức quan tâm. Về việc ngư dân bị bắt giữ trên vùng biển chưa được phân định, như gần đây là khu vực giữa Việt Nam với Indonesia, ông Minh cho biết: "Mỗi lần như vậy, Bộ Ngoại giao đã trực tiếp trao đổi và phản đối với đại sứ quán Indonesia tại Việt Nam".
Ngoài ra, ông Minh cũng thông tin về một số trường hợp ngư dân Việt Nam đánh bắt trong vùng biển, vùng đặc quyền kinh tế của nước khác. Về việc này, Việt Nam cũng bảo hộ ngư dân bằng việc yêu cầu đối xử nhân đạo, xét xử công bằng, hợp lý.
"Chúng ta phải tăng cường tuyên truyền, giáo dục để ngư dân tôn trọng luật pháp quốc tế, đánh bắt cá trong vùng biển hợp pháp", ông Minh nói.
Tàu cá Việt Nam hoạt động trên biển. |
Về chủ trương chung của Việt Nam trong các vấn đề tồn tại ở Biển Đông, ông Minh nhấn mạnh lập trường của chúng ta là Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền tại Hoàng Sa và Trường Sa. "Chúng ta có đầy đủ quyền lợi trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý", Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội).
Ông Minh khẳng định Việt Nam luôn kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông. "Ở Biển Đông có tranh chấp chủ quyền giữa một số nước, cần giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, theo Công ước Luật biển 1982. Không dùng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực giải quyết tranh chấp".
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao khẳng định các hoạt động kinh tế trên vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế vẫn thực hiện bình thường. Lực lượng chức năng vẫn đang bảo vệ các hoạt động kinh tế này và việc đánh bắt của ngư dân thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.