"Hung thần" 44101
Đi cứu người nhưng vì sao gọi là liều lĩnh? Bởi vì, con tàu QNg 90819 TS của ngư dân Nguyễn Minh Hùng (quê ở xã Bình Châu huyện Bình Sơn tỉnh Quảng Ngãi) bị tàu Trung Quốc mang số 44101 rượt đuổi chạy quanh đảo Đá Lồi, quần đảo Hoàng Sa.
Khi bị vây ép, phun vòi rồng, tàu cá của ông Hùng đã vấp vào rạn đá ngầm và chìm ngay trước mũi tàu tuần tra Trung Quốc. Nghe tiếng kêu cứu, nhưng một số tàu cá vẫn chưa dám lao đến cứu ngay, vì sợ rơi vào bẫy “gom tàu” của Trung Quốc, vì cái tên 44101 đang lan truyền rất mạnh từ đầu năm ngoái.
Thuyền trưởng Trịnh Văn Hiền đã ra tay cứu 5 ngư dân gặp nạn |
Tháng 3/2015, tàu cá QNg 95341 TS do ông Nguyễn Văn Tẩn, hàng xóm của ông Hùng bị mắc vào bãi cạn ở đảo Xà Cừ, quần đảo Hoàng Sa. Tàu cá QNg 90732 do Võ Văn Hải làm thuyền trưởng và tàu QNg 90281 TS của ông Đặng Tằm đến tìm cách cứu nạn. Lính Trung Quốc trên tàu tuần tra ra hiệu “cho vào kéo tàu”. Nhưng khi 2 chiếc tàu tội nghiệp này đi vào vòng cung san hô và hì hục cứu, kéo thì rơi vào bẫy. Tàu Trung Quốc áp tới vây ngư dân vào thế móng ngựa, sau đó lấy sạch đồ đạc, xúc cá, thu lưới.
Cụm từ về 44101 được ngư dân nhắc nhiều nhất trên Icom là “kẻ mới đâm chìm tàu 46!” (tàu cá QNg 40546 TS của Trịnh Văn Vinh, bị chính tàu Trung Quốc 44101 đâm chìm tại Hoàng Sa vào ngày 3/8/2018). Vụ đâm chìm đó đã khiến gia đình ngư dân Trịnh Văn Vinh ở xã Bình Châu lâm cảnh sạt nghiệp. Các ngư dân địa phương đã chia sẻ hình ảnh hung thần 44101 trên mạng xã hội để các thuyền trưởng đi hành nghề biết cách tránh né.
Còn trong vụ cứu nạn vào ngày 6/3, lo ngại việc đi cứu tàu bị nạn nhưng sẽ rơi vào bẫy nên nhiều tàu cá ngại ngùng chưa dám đến cứu vớt 5 ngư dân trên con tàu đã chìm hết phần đuôi, chỉ còn ló mũi tàu. Nhưng từ một tọa độ cách tàu bị nạn 30 hải lý, thuyền trưởng Trịnh Văn Hiền quyết định xả thân đi cứu người. Ông Hiền hét lên trong máy Icom thông báo cho cả cộng đồng tàu cá và tàu bị nạn giữ bình tĩnh, tàu sẽ chạy hết ga, hết số thì cũng phải mất hơn 3 giờ mới tới nơi.
Ông Hiền bấm định vị để hiển thị tuyến hành trình rồi kéo ga cho tàu QNg 90620 TS chạy. Ông Hiền cho biết, “tui cũng liều mạng vì anh em, liều mạng bởi vì tàu tôi vừa mới hết hạn bảo hiểm, nếu lỡ bị nó đâm chìm luôn, hoặc tịch thu tàu thì coi như trắng tay, về nhà đi làm thuê”.
Tàu ngư dân bị ép chìm tại Hoàng Sa |
Ông Nguyễn Thanh Hùng, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Bình Châu huyện Bình Sơn tỉnh Quảng Ngãi cho biết, thuyền trưởng Trịnh Văn Hiền là người thường xuyên cứu giúp ngư dân gặp nạn trên vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa. Nghiệp đoàn biểu dương tinh thần của ông Hiền, tập thể ngư dân đi trên tàu cá QNg 90620 TS và sẽ đề xuất khen thưởng. |
Một vụ việc tương tự từng xảy ra trước đó. Ngày 13/7/2016, tàu QNg 90479 TS của ngư dân Võ Văn Lựu cũng là người cùng xã Bình Châu bị 2 tàu tuần tra của Trung Quốc mang số 46102 và 56103 vây đuổi. Hậu quả tàu ông Lựu sau đó đâm vào đá ngầm và chìm. Toàn bộ 5 ngư dân trên tàu sau đó được tàu cá giải cứu.
Xót cho bạn
Thuyền trưởng Trịnh Văn Hiền, sinh năm 1970, quê ở thôn An Hải, xã Bình Châu huyện Bình Sơn tỉnh Quảng Ngãi, đi biển từ năm 19 tuổi. Từ thời đi biển đến nay, ông Hiền đã rất nhiều lần trực tiếp cứu người trên biển, lần cứu người gian khổ nhất là chạy vào đảo Bom Bay quần đảo Hoàng Sa chở toàn bộ thuyền viên tàu Trần Ước ở huyện đảo Lý Sơn bị chìm tàu về đất liền.
Ở vùng biển Hoàng Sa, ông Hiền thuộc làu đường đi lối về như lòng bàn tay. Ngư dân Nguyễn Trung ở địa phương cho biết, “hồi giờ ai bị nạn là ông Hiền tới cứu giúp”.
Đảo Đá Lồi, nơi các ngư dân bị nạn là hòn đảo nằm ở tọa độ 16 độ 14 phút vĩ độ Bắc – 111 độ 40 phút kinh đông. Hòn đảo này hiện nay vẫn bị bỏ hoang, tuy nhiên, tàu tuần tra Trung Quốc gần đây rất hung hãn, từ đảo Phú Lâm xông đến những đảo hoang để rượt đuổi tàu cá. Vụ việc xảy ra vào sáng 6/3, trong lúc 5 ngư dân trên tàu QNg 90819 TS đang ngủ sau một đêm lặn cá thì tàu Trung Quốc áp tới.
Thuyền trưởng Hùng là người phát hiện đầu tiên, ông Hùng hoảng hốt la to, giục 4 ngư dân chạy ra kéo neo để bỏ chạy. Khi mỏ neo được rút lên khỏi mặt nước và thả xuống sàn tàu phát ra âm thanh khô khốc thì cũng là lúc tàu Trung Quốc lao nhanh tới và mũi tàu sắp va vào đít tàu ngư dân.
Những ngư dân đi Hoàng Sa lâu năm thì có kinh nghiệm chạy tàu trong vùng nước cạn để mượn rạng san hô làm vành đai bảo vệ, chống tàu tuần tra tiếp cận ở cự ly quá gần.
Thuyền trưởng Nguyễn Minh Hùng trình bày sự việc với Cảnh sát biển và Bộ đội biên phòng |
Cuộc rượt đuổi theo kiểu “tạo thế địch mạnh” được các ngư dân thường xuyên áp dụng, vì nếu rời rạn san hô nước cạn thì sẽ bị vây đuổi bắt giữ. Sáng 6/3, sau khoảng 20 phút bị rượt đuổi, con tàu QNg 90819 TS bị ép dần vào bờ, va vào rạng đá ngầm, thủng sau đuôi tàu.
Tàu tuần tra Trung Quốc thả neo cách đó 1 hải lý, lính Trung Quốc ra boong quan sát tàu bị nạn. Khi đến cứu vớt ngư dân xong, ông Hiền cho tàu rời đi và bị một tàu tuần tra khác từ hướng cụm Lưỡi Liềm đến bám đuổi, bắt tàu đi về hướng đất liền. Thuyền trưởng Trịnh Văn Hiền thở dài và nhớ lại: “lúc tàu lui về biên 110 (110 độ kinh đông), ông Hùng ngồi sau đuôi tàu khóc than, nghe não ruột gan và và xót xa”.
Ngày 18/3, TW Hội Nghề cá Việt Nam đã có văn bản số 18/HNC, nội dung phản đối phía Trung Quốc gây thiệt hại cho tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi, đề nghị các cơ quan chức năng của Việt Nam có phản ứng tương thích với phía Trung Quốc để chấm dứt ngay những hành động cản trở, tấn công, đâm chìm tàu cá ngư dân Việt Nam khi đang hoạt động trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam; đề nghị các cơ quan chức năng yêu cầu phía Trung Quốc bồi thường thiệt hại cho ngư dân Việt Nam. |