| Hotline: 0983.970.780

Mưu sinh ở Hoàng Sa ngày đông giá và lúc biển bão

Thứ Ba 15/01/2019 , 14:15 (GMT+7)

Thuyền trưởng Dương Văn Giàu ở huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) bị rơi xuống biển mất tích vào đêm ngày 1/1/2019 khi đang điều khiển tàu trên đường từ quần đảo Hoàng Sa trở về đất liền. Trong đất liền ít người biết rằng, ngư dân Việt Nam đã phải mưu sinh như thế nào và tại sao lúc biển bão thì mới đi Hoàng Sa đánh cá?

Vừa lặn vừa cảnh giới

Con tàu nhảy lên nhảy xuống trên những lượn sóng như chiếc lá, vì thuyền trưởng không thể đảo bánh lái cho thuyền né lượn mà phải ghìm ga cho con tàu kiên định nhích tới chậm chạm theo ánh đèn kỳ lạ dưới đáy biển. Quầng sáng từ đáy biển ở độ sâu khoảng 30 mét hắt lên, làm mặt biển giống như được vài bóng đèn pha cao áp chọc thẳng luồng sáng để rọi sáng.

2-keo-tho-ln-len131952766
Ngư dân lặng lẽ tiến vào sát đảo Hoàng Sa để lặn bắt cá

Bốn quầng sáng đó ứng với 4 ngư dân đang mặc đồ nhái và đi bộ dưới đáy biển để bắt cá và hải sâm. Nếu nhìn toàn cảnh thì đây là một khung cảnh khá bí hiểm - con tàu tắt điện tối mịt, ngư dân làm việc gì thì bật đèn pin và hạn chế ánh sáng; ánh mắt của thuyền trưởng thỉnh thoảng lại nhìn về phía hòn đảo cách đó không xa với nét mặt cảnh giác.

Hai ngư dân ngồi trên mạn tàu tiếp tục buông dây hơi và mắt dõi theo bóng 4 thợ lặn đang cầm đèn pin bơi dưới đáy biển trước mũi tàu. Thợ lặn đi dạo dưới rạn san hô, khoảng 30 phút thì thay ca nghỉ ngơi và bình quân mỗi người đi bộ khoảng 4 tiếng đồng hồ mỗi đêm.

Trong cabin, thuyền trưởng luôn bám theo họ để dây tiếp dưỡng khí không bị kéo quá căng. Mắt quan sát ngư dân, nhưng cũng phải luôn cảnh giới. Hòn đảo mà thỉnh thoảng thuyền trưởng nhìn chăm chú là đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa. Con tàu thả thợ lặn rất gần, nên bằng mắt thường có thể nhìn thấy đường băng, nhà kho, nhà trung tâm…

Ngày 31/12, khi năm cũ đã hết, đoàn thuyền làm nghề lặn cá và lặn hải sâm của ngư dân xã Bình Châu (trong đất liền) và ngư dân huyện đảo Lý Sơn vẫn chông chênh giữa biển sóng, chờ trời nổi gió, sóng thật to thì vào sát đảo Phú Lâm. Những ngư dân bạo gan thì giữa ban ngày, sóng phủ trắng mặt biển vẫn nhổ neo tiến vào. Thuyền trưởng Dương Văn Giàu và 3 tàu cá khác ở huyện đảo Lý Sơn cũng trụ lại ở đảo Cây Dừa gần đảo Phú Lâm. Khi kết thúc phiên lặn, thuyền trưởng Giàu thông báo chia tay anh em ở lại, tàu về đất liền.
 

Tàu ngầm xuyên bão

Biển động cấp 9 mà chạy vào đất liền quả là một sự mạo hiểm. Nhưng đối với đội tàu chuyên làm nghề bám đảo, cấp 9 thì không có gì đáng ngại.

Các ngư dân nẹp thật chặt nắp hầm cá, thậm chí đóng đinh vít nắp hầm xuống sàn tàu rồi cười khì khì rồi nói đi “tàu ngầm”, có nghĩa là mặt boong bị sóng biển tràn ngang. Con tàu chở hàng chục tấn cá cứ bám chặt, đu ngang những lượn sóng lớn trên hành trình vào đất liền.

Tàu của anh Giàu không chở nặng. Vì lượng hải sản rất ít, được cất giữ vào một vài nơi kín đáo để tránh bị lính Trung Quốc lên tàu tịch thu. Con tàu nhẹ, di chuyển nhanh, nhưng vì không chở nặng, không đi kiểu tàu ngầm, tàu dễ bị sóng lớn quật nghiêng, vì vậy thuyền trưởng và một ngư dân phụ lái là anh Lâm Trọng đã bị văng xuống biển. Giữa lúc sóng lớn cuồn cuồn, các ngư dân trên tàu trở tay không kịp nên thuyền trưởng Giàu bị cuốn trôi, người phụ lái bám được vào dây neo nên thoát nạn.

Thuyền trưởng Dương Văn Giàu, SN 1977, quê ở huyện đảo Lý Sơn. Anh là một trong những kình ngư tiêu biểu ở địa phương. Cách đây vài tháng, tôi gặp thuyền trưởng này và anh tư lự nói về chuyện nhiều ngư dân băn khoăn tại sao nhà nước lại không cho tiếp tục phát triển nghề lặn biển.

Theo anh thì chỉ có dân lặn mới là người đi giữ đảo Hoàng Sa thực sự, không bao giờ rời đảo và họ cần được quan tâm hỗ trợ rất nhiều. Anh nói rằng, chuyến biển sau thì sẽ lên đảo hốt một bịch cát đem về quê đổ vào lọ hương trên bàn thờ cúng ông bà cuối năm.
 

Đôi chân gằn Phú Lâm

Ở Quảng Ngãi, những ngư dân làm nghề lặn được gọi là bám đảo Hoàng Sa, có nghĩa là áp sát; các ngư dân làm nghề đánh lưới chuồn cồ thì được gọi là vây rạn đảo, có nghĩa là thả lưới bao quanh vùng san hô vành ngoài đảo. Còn ngư dân ở Bình Định, TP Đà Nẵng, Quảng Nam thì đánh ở các đảo an toàn hơn, như Bom Bay, Đá Bắc, Bạch Quy…

1-tc-gi-dong-hnh-131952568
Tác giả (bìa trái) trên tàu cá ngư dân Hoàng Sa

Đảo Phú Lâm (trung tâm của cái gọi là thành phố Tam Sa do Trung Quốc tuyên bố), thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, có hệ thống rạn ngầm hiển thị trên màn hình máy định vị giống như một bàn chân. Ở vị trí giống như gót chân phải là một bãi rạn ngầm có rất nhiều loại cá đắt tiền và chỉ những thuyền trưởng kỳ cựu, dày dạn, có kinh nghiệm, từng nhiều lần va chạm với tàu tuần tra thì mới tới khu vực gót chân.

Thuyền trưởng  Dương Văn Giàu và đội thợ lặn trên chiếc tàu QNg 96055 TS thường xuyên đến điểm gót chân thả neo, sau đó lặn dần về phía đảo Phú Lâm.

Thiên nhiên kiến tạo ra nhiều sự trùng hợp khá kỳ lạ, đó là đối diện với bàn chân phải là một vùng rạn san hô ngầm hiển thị trên màn hình định vị giống như bàn chân trái. Vùng này được đặt tên là bãi Bình Sơn (địa danh của huyện Bình Sơn tỉnh Quảng Ngãi). Tôi từng theo tàu cá của ngư dân tiến tới vùng bàn chân trái và trụ lại để nghe ngóng thông tin.

Thuyền trưởng liên tục điện hỏi thăm tình hình và khi nghe các ngư dân nói “tàu Dương Văn Giàu tới đó rồi” thì thuyền trưởng lập tức kéo ga, bẻ ngoặt bánh lái về hướng đông nam, con tàu phăm phăm đi về phía đảo Phú Lâm trong đêm tối.

Những ngày mưa gió, ở vùng biển cách đất liền hàng trăm hải lý, những con tàu của ngư dân vẫn kiên gan bám đảo Hoàng Sa. Lên Icom rà thông tin những con tàu ngoài đảo, thỉnh thoảng vẫn nghe tiếng cười đùa và nhắn nhủ vào bờ “anh em đóng máy nghỉ ngơi, sóng êm là xông vô làm tiếp”.

Năm 2014, Chương trình cầu truyền hình “Tổ quốc nhìn từ biển”, do Đài truyền hình Việt Nam phối hợp với UBND TP Đà Nẵng, UBND huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, diễn ra ngay thời điểm các lực lượng chấp pháp của Việt Nam đang tiến tục tiến vào khu vực Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan HD 981. Và nhân vật tham gia giao lưu ở huyện đảo Lý Sơn là em Dương Thị Xuân Trường, sinh năm 2004, con gái của thuyền trưởng Dương Văn Giàu. Cô bé rất tự nhiên kể về ước mơ của mình sau này tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo.

 

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Trang bị kỹ năng tận dụng phụ phẩm nông nghiệp cho nông dân

Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh vừa tổ chức lớp tập huấn về 'Quy trình sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng từ phụ phẩm nông nghiệp địa phương'.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xúc tiến, quảng bá, kết nối du lịch Đồng bằng sông Cửu Long

Đồng bằng sông Cửu Long từ lâu đã nổi tiếng là vùng đất bình yên của những người dân chất phác, thân thiện với phong cảnh thiên nhiên hữu tình, thơ mộng.