Theo đó, Thường trực Thành ủy Hạ Long yêu cầu UBND thành phố, các đơn vị, địa phương trên địa bàn thành phố tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm các nội dung chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh - dừng tất cả các cuộc họp không cần thiết nhằm tập trung triển khai các biện pháp phòng, chống cơn bão số 2 theo chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh và Thành phố.
Thành ủy Hạ Long yêu cầu Đảng ủy, UBND các xã, phường ven biển tập trung chỉ đạo triển khai mọi biện pháp thông tin cho chủ phương tiện, ngư dân, các nhà bè, người có hoạt động sản xuất trên biển về diễn biến của cơn bão số 2; yêu cầu và khẩn trương hỗ trợ nhân dân, nhất là người trên các lồng bè nuôi trồng thủy sản lên bờ an toàn, yêu cầu các tàu thuyền phải neo đậu vào đúng khu vực tránh trú bão đảm bảo an toàn.
Đặc biệt, các xã, phường chủ động, kịp thời phối hợp với các doanh nghiệp, đơn vị khai thác than thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tổng Công ty Đông Bắc tập trung chỉ đạo triển khai ngay các biện pháp đảm bảo tuyệt đối an toàn bãi thải mỏ, nhất là các bãi thải có độ cao lớn, nằm gần khu vực dân cư; thực hiện di dời dân đến nơi an toàn; xử lý kịp thời, có hiệu quả với các tình huống diễn biến phức tạp có thể nảy sinh và tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn theo phương châm "4 tại chỗ".
Đối với các công trường đang thi công các dự án trên các địa bàn, nhất là các dự án, công trình trọng điểm, các công trình xây dựng nhà ở dân sinh, yêu cầu UBND thành phố Hạ Long chỉ đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và UBND các xã, phường phối hợp chặt chẽ với các chủ đầu tư, nhà thầu, các chủ hộ gia đình đang có hoạt động xây dựng rà soát, kiểm tra, tuyệt đối không để công nhân, người lao động ở lại các lán trại trên các khu vực đất yếu, gần sông suối, tường cao, kè đá, vách đất,...; đồng thời, có phương án đảm bảo an toàn cho công trình, phương tiện, máy móc, thiết bị, nhất là đối với cần trục tháp, giàn giáo và các thiết bị làm việc trên cao,... gần khu vực dân cư.
Đối với các dự án có hoạt động san gạt, bốc xúc đất đá trên địa bàn phải có biện pháp xử lý triệt để, không để xảy ra sạt lở đất đá, làm trôi xuống khu dân cư và các tuyến đường giao thông, tuyến mương thoát nước trên địa bàn. Chủ đầu tư, các nhà thầu thi công, chủ hộ có công trình xây dựng trực tiếp chịu trách nhiệm trước pháp luật theo quy định nếu để xảy ra sự cố. Các xã, phường chịu ảnh hưởng phải xử lý kịp thời các tình huống phát sinh và thường xuyên báo cáo, cập nhật tinh hình diễn biến về Thường trực Thành ủy và Ban Chỉ huy PCTT-TKCN-PTDS thành phố.
Các địa phương khẩn trương triển khai các giải pháp ứng phó với hoàn lưu của bão, có thể gây mưa to, kéo dài, tiềm ẩn nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất, nhất là các địa bàn có tiềm ẩn nguy cơ sạt lở đất đá, lũ quét, địa bàn ven biển và khu vực có hoạt động khai thác khoáng sản, các mỏ đất, dự án sát khu dân cư,...; bố trí người trực 24/24h ở những vị trí ngập sâu, nước chảy xiết, sạt lở, kiên quyết không cho người, phương tiện qua lại; kiểm soát chặt chẽ những vị trí xung yếu, kiên quyết di dời người dân đến nơi an toàn, tuyệt đối không để xảy ra thiệt hại về người và giảm thiểu thiệt hại về tài sản; thường xuyên rà soát, kiểm tra hệ thống mương, hố ga, cống tiêu, thoát nước ở các khu vực đô thị, khu đông dân cư, các vùng nuôi trồng thủy sản,... không để xảy ra tình trạng ngập lụt trên diện rộng, kéo dài, nhất là các địa bàn Yết Kiêu, Cao Thắng, Hà Lầm,... Kiểm tra, rà soát, triển khai ngay phương án đảm bảo an toàn các hồ, đập chứa nước và hạ du.
Thành ủy Hạ Long giao Ban Tuyên giáo Thành ủy, Phòng Văn hóa và Thông tin, Trung tâm Truyền thông và Văn hóa thành phố chủ động phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền thông Trung ương, Tỉnh theo dõi chặt chẽ, phát huy các hệ thống thông tin (các nhóm Zalo, Facebook của các Ban Chỉ đạo đã có, hệ thống loa truyền thanh và các phương tiện truyền thông khác) để kịp thời cung cấp thông tin chính xác về diễn biến thời tiết; phối hợp với các cơ quan chuyên môn tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn kỹ năng ứng phó mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất để người dân biết, chủ động phòng tránh.