Dừng hết các cuộc họp để tập trung phòng chống bão
Trước diễn biến rất nhanh của cơn bão số 2, dự kiến sẽ đổ bộ vào các tỉnh, trong đó có Quảng Ninh vào khoảng chiều tối ngày 10/8, ông Nguyễn Xuân Ký - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh đã chỉ đạo các ngành, địa phương dừng tất cả các cuộc họp không cần thiết tập trung triển khai các biện pháp phòng chống bão số 2 theo các chỉ đạo của Trung ương và của Tỉnh ủy và UBND tỉnh. Ông Ký nhấn mạnh tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, tập trung cao nhất công tác phòng chống cơn bão số 2, gắn trách nhiệm của người đứng đầu.
Đặc biệt đối với các địa phương ven biển Hạ Long, Vân Đồn, Cẩm Phả, Hải Hà, Đầm Hà, Tiên Yên, Móng Cái, Cô Tô, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh yêu cầu bằng mọi biện pháp thông tin cho chủ phương tiện, ngư dân, người có hoạt động sản xuất trên biển về diễn biến của bão, hỗ trợ nhân dân vào nơi tránh trú bão an toàn. Mọi công tác phải hoàn thành trước 17h ngày 10/8.
Chiều ngày 10/8, ông Nguyễn Xuân Ký cùng lãnh đạo các sở, ngành liên quan đã đi kiểm tra chỉ đạo công tác phòng, chống cơn bão số 2 trên địa bàn huyện Vân Đồn.
Trước diễn biến của cơn bão số 2, Vân Đồn là một trong những địa phương dự báo là trọng điểm bão đổ bộ. Để chủ động ứng phó với bão, huyện Vân Đồn đã chỉ đạo các xã, thị trấn thực hiện thông báo cho các phương tiện tàu thuyền của địa phương về diễn biến tình hình bão số 2 để các chủ phương tiện nắm bắt và nhanh chóng di dời về nơi tránh, trú.
Đến 14 giờ 00 ngày 10/8/2022, tổng số 1.231 phương tiện tàu cá của các xã, thị trấn đã về các nơi tránh, trú an toàn Tổng số nhà bè (bè nuôi trồng thủy sản và bè dịch vụ) là 629 chiếc đã được gia cố. Các nhà bè đã được chính quyền địa phương thông tin, yêu cầu chằng chống, sơ tán người già, trẻ em lên bờ.
Kiểm tra trên biển, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh đánh giá cao công tác ứng phó với bão số 2 của huyện Vân Đồn. Tuy nhiên, qua kiểm tra vẫn còn hiện tượng người dân ở trên các lồng bè nuôi trồng thủy sản. Ông Ký yêu cầu trước 17h ngày 10/8, huyện Vân Đồn cùng lực lượng chức năng khẩn trương đưa toàn bộ người trên các lồng bè nuôi trồng thủy sản lên bờ an toàn.
Lo sạt lở các bãi thải mỏ
Tại Hạ Long, chiều ngày 10/8, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cùng đoàn công tác của Bộ và UBND tỉnh Quảng Ninh đã đi kiểm tra chỉ đạo công tác phòng, chống cơn bão số 2 tại cảng Tuần Châu.
Theo ông Phạm Thanh Tùng - Giám đốc Cảng Tuần Châu, có khoảng hơn 400 trăm tàu hoạt động thường xuyên tại cảng. Hiện còn 14 tàu nữa đang trên đường về. Ông Tùng chắc chắn "trước 17h các tàu sẽ về đến nơi neo đậu tránh trú bão an toàn".
Tại buổi kiểm tra, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp và Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Tường Văn đã trao đổi rất kỹ về các biện pháp ứng phó của tỉnh Quảng Ninh trước diễn biến nhanh của cơn bão số 2.
Ông Nguyễn Tường Văn nhận định lượng mưa trong mấy ngày tới sẽ rất cao, khả năng sụt lún các bãi thải than thực sự đáng lo ngại nếu như không có các giải pháp phù hợp. Về việc này, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị tỉnh Quảng Ninh phối hợp, trao đổi với ngành Than và các địa phương có hoạt động khai thác khoáng sản phải đặc biệt tập trung chỉ đạo triển khai ngay các biện pháp đảm bảo tuyệt đối an toàn bãi thải mỏ, nhất là các bãi thải có độ cao lớn, nằm gần khu vực dân cư, thực hiện di dời dân đến nơi an toàn; triển khai các biện pháp phòng chống bão đối với các mỏ hầm lò, mỏ lộ thiên.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cho biết sẽ phối hợp chặt chẽ với Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và Tổng công ty Đông Bắc để xử lý các vấn đề phát sinh tại các bãi thải mỏ.
"Hiện tất cả các điểm có khả năng sạt trượt chúng tôi đã đề nghị chính quyền địa phương phải thông báo cho bà con đề phòng cảnh giác", ông Văn cho hay.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo các địa phương khẩn trương triển khai các giải pháp ứng phó với hoàn lưu của bão, có thể gây mưa to, kéo dài, tiềm ẩn nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất, nhất là các khu vực miền núi, ven biển và khu vực có hoạt động khai thác khoáng sản. Bố trí người trực 24/24 ở những vị trí ngập sâu, nước chảy siết, sạt lở, kiên quyết không cho người, phương tiện qua lại; rà soát vận động nhân dân tạm di dời xa các vị trí kè chắn đất tự xây không đảm bảo an toàn.